Từ chuyện của Ya Suy

Thứ Năm, 20/08/2020, 09:48
“Nhiều người không ngờ một ca sĩ lại đi làm những việc như trồng cà phê, nuôi gà, cắt cỏ... họ cười khinh. Nhưng từ nhỏ, tôi đã gắn bó với những công việc này nên tôi vẫn mê nó, xem như cội nguồn và truyền thống cao quý của mình” - Đó chính là tâm sự của Ya Suy, quán quân “Việt Nam idol” trên truyền hình hồi 2012.


Còn nhớ, sau khi đăng quang, Ya Suy có trả lời phỏng vấn một cách rất hồn nhiên rằng, anh sẽ dùng tiền thưởng về quê mua cho ba mẹ đàn heo. Cái ước mơ giản dị, mộc mạc đó của Ya Suy có thể khiến ta thấy hơi “tức cười”, thậm chí ngạc nhiên, bởi nó khác hẳn với những gì ta quen được nghe từ những nhân vật giải trí. Nhưng chính sự hồn nhiên, không khuôn mẫu này đã khiến nhiều người quý mến Ya Suy hơn.

Sau khi đăng quang “Việt Nam idol” 2012, Ya Suy có theo học thanh nhạc ở Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Tốt nghiệp rồi, chàng trai ấy cũng ít xuất hiện hơn, gần như là không tham gia vào các show trình diễn trên sân khấu hay trên truyền hình nữa. Ya Suy về làm nông. Ca nhạc chỉ là một thú chơi của anh. 

Anh chia sẻ: “Tôi không giàu sang nhưng may mắn khi được sống, trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống. Sau thời gian làm người đặc biệt đi đâu cũng có người chào, xin chữ ký, bây giờ, tôi không ngại tay chân dính bùn đất, phân heo, phân gà”.

Câu chuyện của Ya Suy chắc chắn là một chuyện lạ giữa một showbiz Việt Nam rộn ràng, hào nhoáng, đua tranh với những “top trending” (top thịnh hành) hay chục triệu lượt nghe, lượt xem này nọ. Ở vào thời điểm Ya Suy đăng quang, nhiều người đã nhận xét, và thậm chí chê thẳng thừng rằng Ya Suy kém xa á quân Hoàng Quyên. 

Thực tế, những người trong chuyện (tức tham gia sản xuất chương trình Việt Nam idol ngày đó) đều biết rằng chính bản thân Ya Suy cũng ý thức được năng lực của mình tới đâu. Nhưng ngôi vị quán quân của cậu đến từ khán giả, những người trực tiếp nhắn tin bình chọn người chiến thắng. 

Điều cơ bản nhất bật lên trong câu chuyện lạ này chính là thái độ đón nhận những lời chê bai, thậm chí có cả những lời chê rất nặng nề, của quán quân Ya Suy: một thái độ bình thản, không hề có phản ứng trở lại nào với những phê bình dành cho mình. Tự hiểu, để quay trở lại một đời sống bình thường, với âm nhạc chỉ là một thú chơi đúng nghĩa.

Giới showbiz Việt Nam nhiều năm qua không có thiện chí với những phê bình dành cho mình, kể cả là phê bình nghiêm túc nhất. Họ luôn tìm cách để phản ứng lại. Đã từng có những nhân vật giải trí còn “cấm cửa” một số nhà phê bình nghiêm túc chỉ vì nhà phê bình ấy “dám” chê họ.

Việc tiếp nhận lời phê bình, những lời chê khi mình chưa chinh phục được một bộ phận nào đó đòi hỏi một thái độ thực sự văn minh và cầu thị. Tuy nhiên, dường như thái độ cầu thị kiểu đó không tồn tại trong showbiz Việt hiện nay nên những trường hợp mộc mạc như Ya Suy bỗng trở nên “lạ thường” cũng là bởi thế.

Về phản ứng với lời phê bình của giới showbiz, chỉ cần tìm hai chữ “phản pháo” chẳng hạn, là đủ thấy đầy rẫy trên truyền thông. Những người dám dũng cảm phê bình thì cuối cùng cũng chùn tay lại, bởi khi nói không có người lắng nghe, sẽ là vô ích. Bởi thế, bảo sao bộ mặt văn hoá đại chúng Việt Nam hôm nay có nhiều vấn đề đến như vậy khi mọi phản biện đều không được xem trọng như chúng xứng đáng nhận được.

Văn Đoàn
.
.