Truyện khoa học giả tưởng:

Từ Poe đến Viết Linh

Thứ Hai, 02/02/2015, 08:00
Với những ai say mê truyện khoa học giả tưởng Việt Nam, đặc biệt là các độc giả thiếu nhi, Viết Linh là một tên tuổi thân quen. Ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như "Quả trứng vuông" (1970) và "Hành tinh kỳ lạ" (1990), "Bí mật của nhà thôi miên" (1962), "Giấc mơ bay" (1976)... "Quả trứng vuông" gợi mở một ý tưởng thú vị - dù đến nay, con người chưa khiến cho gà, vịt đẻ "trứng vuông", nhưng đã tạo ra những loại quả vuông như dứa vuông, dưa hấu vuông; "Hành tinh kỳ lạ" mô tả nền văn minh kỳ lạ ở một hành tinh xa xôi; "Bí mật của nhà thôi miên" tiết lộ bí mật của thuật thôi miên nhờ chiếc máy A.V.S hiện đại; "Giấc mơ bay" gắn với trí tưởng tượng của trẻ thơ với thuật nhớ để học bài…

Dù trên thế giới, thể loại này đã có một lịch sử lâu dài, kể từ E.A. Poe ("Cuộc phiêu lưu độc nhất vô nhị của một ngài Hans Phaall nào đó"), Jules Verne ("Hai vạn dặm dưới đáy biển"), H.G. Wells ("Cỗ máy thời gian"), Bêlaep ("Người cá") v.v..., "cộng đồng" khoa học giả tưởng ở Việt Nam còn rất nhỏ bé, với vài tên tuổi Phạm Cao Củng, Lưu Văn Khuê, Phạm Ngọc Toàn, Vũ Kim Dũng... Một nguyên nhân là thể loại truyện khoa học giả tưởng đòi hỏi ở người viết không chỉ khả năng văn chương, mà còn cả niềm say mê và kiến thức khoa học.

Trong bối cảnh đó, những đóng góp của Viết Linh rất đáng ghi nhận. Các tác phẩm của ông không chỉ thú vị, mà còn kích thích niềm say mê khoa học ở độc giả nhỏ tuổi. Một điều thú vị là nhiều truyện của Viết Linh có chủ đề rất gần với các chủ đề kinh điển của Poe, người được coi là "cha đẻ" của thể loại văn học này. Tác phẩm của Poe, có thể, đã truyền cảm hứng để Viết Linh viết nên những câu chuyện khoa học giả tưởng đặc trưng Việt Nam. Dưới đây là một số chủ đề trong truyện của Viết Linh mà theo chúng tôi có thể coi là chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ Poe.

1. Thôi miên. Mối quan tâm của Poe về thuật thôi miên thể hiện qua các truyện "Khám phá huyền diệu" (1844) và "Sự thật về vụ án Valdemar" (1845), trong đó, Poe nêu lên "hiệu quả đáng kinh ngạc của nó" (có thể kéo dài sự sống con người) cũng như "qui luật chung về thuật thôi miên".

Viết Linh cũng có truyện "Bí mật của nhà thôi miên" (1962). "Bí mật của nhà thôi miên" được nhân vật giáo sư Hoàng "tiết lộ" nhờ vào một thiết bị máy móc đặc biệt - "máy phát âm -vị - sắc tinh xảo", gọi tắt là A.V.S. Được chế tạo với kích cỡ to nhỏ khác nhau, ứng dụng được "cả trong không khí như bong bóng nổi hay chìm sâu dưới đáy biển, hoặc bò hay chạy được trên mặt nước", máy A.V.S có thể thu hút những "con sư tử thọt", khiến "cá tập thể dục" dưới nước, hay tập hợp "những loài chim nguy hiểm" trên trời… Tuy không có chức năng kéo dài sự sống như trong truyện của Poe, nhưng loại máy đặc biệt này đem lại những lợi ích to lớn cho nông nghiệp, ngư nghiệp và hàng không.

Cái mới của Viết Linh trong truyện này là tạo ra một chiếc máy "thôi miên" thay vì con người như trong truyện của Poe.

Chân dung Edgar Poe, ông tổ của chuyện khoa học giả tưởng.

2. Người chết sống lại. Poe nổi tiếng với chủ đề "người đẹp chết yểu" hay "người đẹp sống lại" ("Morella", (1835); "Berenice", (1835); "Ligeia", (1838), "Sự suy tàn của ngôi nhà Usher", (1839)…). Có truyện, nhân vật nữ đã chết của Poe đội mồ sống lại ("Sự suy tàn của ngôi nhà Usher"), hay đầu thai vào cô con gái ("Morella"). Xác ướp Ai Cập cổ đại của Poe cũng có thể sống lại, đối thoại cùng các nhà khoa học Mỹ ("Cuộc đối thoại ngắn ngủi với một xác ướp"). Hiện tượng "chết lâm sàng" cũng từng được Poe đề cập ("Sự thật về vụ án Valdemar").

Trong "Một người chết… sống lại", Viết Linh cũng khai thác chủ đề "người đẹp chết yểu" và "người đẹp sống lại". Nhờ chồng - bác sĩ Apdula - kịp thời ướp lạnh và tìm ra loại thuốc đặc biệt, người đẹp Belatxi - "nàng công chúa ngủ trong rừng", cuối cùng đã sống lại. Truyện ca ngợi sức mạnh của tình yêu và y học hiện đại, dù sự "sống lại" được Viết Linh giải thích theo nguyên lý khoa học: "Trường hợp của Belatxi mới chỉ là chết lâm sàng, nghĩa là chết ở thời kỳ thứ nhất. Cái chết còn có thời kỳ thứ hai nữa là chết sinh vật: lúc ấy mới là chết thật". Hiện tượng chết lâm sàng của người đẹp Belatxi trong truyện của Viết Linh rất giống với trạng thái chết lâm sàng của nhân vật Valdemar ("Sự thật về vụ án Valdemar") của Edgar Poe, nhưng có một điểm khác căn bản: sau trạng thái chết lâm sàng của Valdemar là cái chết thực sự, còn với Belatxi là sự hồi sinh.

3. Giấc mơ bay. Bay là một chủ đề yêu thích của Poe. Sự khám phá không gian được ông "hiện thực hóa" bằng những chuyến bay trên khinh khí cầu trong các truyện "Cuộc phiêu lưu độc nhất vô nhị của một ngài Hans Phaal nào đó", "Mellonta Tauta"… Trong "Cuộc phiêu lưu độc nhất vô nhị của một ngài Hans Phaal nào đó", yếu tố khoa học được sử dụng đậm đặc, với những số liệu rất chi tiết về tốc độ bay của khinh khí cầu, độ cao, áp suất khí quyển, đường kính mặt trăng, bề mặt trái đất, đại dương, thung lũng…Trong khi bay, nhân vật của Poe thỏa sức tưởng tượng, suy ngẫm, về cuộc sống, trái đất, những công dân kỳ lạ trên mặt trăng, và những thành tựu của thời đại như điện báo, khí đốt, thép, đường sắt, tàu hỏa, tàu thủy, máy in, báo chí, nền dân chủ…

Truyện "Giấc mơ bay" (1976) của Viết Linh giản dị hơn, mang âm hưởng thần thoại, với thần Mặt Trời, thần Nóng, thần Lạnh, thần Đầu rồng… Có chi tiết gợi nhớ đến chuyện cổ tích "Cóc kiện trời". Chuyện kể về một chú bé thích rong chơi, lười học, được "sắm vai" thần Mặt Trời, ngồi trên "một cỗ xe rực lửa, do hai chú ngựa đỏ vẫy cánh kéo", xuyên qua những đám mây. Bài học khoa học mà Viết Linh trình bày: "Hơi nước bốc lên cao, gặp không khí lạnh hơn, kết tụ thành từng đám gọi là mây. Mây lơ lửng trên không và theo gió bay đi…" chắc chắn sẽ được các độc giả nhỏ tuổi nhớ lâu. Tính giáo dục của truyện nhẹ nhàng, không áp đặt (bài học: làm gì cũng phải học đến nơi đến chốn)…

"Giấc mơ bay" là điểm gặp nhau giữa Viết Linh và Poe. Nhưng giấc mơ bay của Edgar Poe gắn với một phát minh của thời đại ông - khinh khí cầu, còn với Viết Linh, đó là giấc mơ bay theo nghĩa đen trong trí tưởng tượng trẻ thơ.

4. Khám phá hành tinh khác. Khám phá nền văn minh ngoài trái đất cũng là một chủ đề nổi bật trong truyện khoa học giả tưởng của Poe, thể hiện ở loạt truyện "Cuộc phiêu lưu độc nhất vô nhị của một ngài Hans Phaal nào đó" (1835), "Cuộc nói chuyện giữa Eiros và Charmion" (1839), "Cuộc bàn luận giữa Monos và Una" (1841), "Mellonta Tauta" (1849)…

Trong "Cuộc phiêu lưu độc nhất vô nhị của một ngài Hans Phaal nào đó", nhân vật "công dân mặt trăng" có "năm năm cư trú trên một hành tinh chứa bên trong nó nhiều điều bí ẩn và thú vị", và chia sẻ những trải nghiệm đó với con người trên trái đất. Những thông tin "khoa học" của Poe rất thú vị đối với độc giả của thế kỷ XIX, và rất có thể cũng là nguồn cảm hứng để Viết Linh viết "Hành tinh kỳ lạ" (1990).

Bìa cuốn sách “Hành tinh kỳ lạ” của nhà văn Viết Linh.

Trên hành tinh K - hành tinh của những "công dân - người máy" - của Viết Linh, cư dân sống trầm tĩnh hơn con người ở Trái Đất, "hầu như không ai va chạm xô đẩy nhau"; họ sở hữu diện mạo đặc biệt, trông như những người "độc nhãn" - với một con mắt giữa trán, và một con mắt… trên đỉnh đầu; đặc biệt, người già ở đây có thể kéo dài tuổi thọ, bởi "hỏng bộ phận nào, thay bộ phận đó"; Cách thức giao tiếp của công dân ở hành tinh K, giống như mô tả của Poe, rất độc đáo: họ "có lối chào đặc biệt, không cúi đầu mà cũng chẳng bắt tay, họ nháy mắt và… thè lưỡi"; Ở đây, giá trị của con người được đo bằng "chân kính", ai càng nhiều chân kính thì giá trị càng cao, tuy nhiên cũng có người chân kính không cao vẫn được tôn kính - đó là những người "trân trọng"- tức người lãnh đạo có đạo đức tốt; Trình độ khoa học - công nghệ của hành tinh K rất cao, có "Đô thành Ga-lê-na" - kiểu "thung lũng Silicon của nước Mỹ", "Đô thị Tia chớp" - kiểu "thành phố khoa học Nô-vô-xi-biếc của Liên Xô trước đây", tuy nhiên, "không có cơ quan nghiên cứu văn học". Về đặc tính ngôn ngữ - "họ quen dùng một loại chữ đặc biệt, rất gần với các ký hiệu khoa học"…

Tuy nhiên, cuối cùng, theo phát hiện của nhân vật "tôi", những công dân "người máy" trên hành tinh K và "con người da thịt dưới trái đất" lại là "đồng loại", cùng chung "tổ tiên", "cội nguồn", bởi vậy, hiểu rõ "luật ứng xử" là cách thức duy nhất để cả hai "giống người" cùng tồn tại, sống hòa hợp.

"Hành tinh kỳ lạ" của Viết Linh có thể được xem là sự cụ thể hóa, sinh động hóa những ý tưởng phác thảo của Poe về hành tinh "mặt trăng" trong truyện khoa học giả tưởng kinh điển "Cuộc phiêu lưu độc nhất vô nhị của một ngài Hans Phaal nào đó".

Từ những truyện khoa học giả tưởng đầu tiên của Poe đến những tác phẩm của Viết Linh là khoảng thời gian gần hai thế kỷ, với những biến động to lớn, đặc biệt là sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, khát vọng du hành trong không gian, chinh phục vũ trụ, khám phá hành tinh ngoài trái đất, người chết sống lại hay thuật thôi miên huyền bí… của con người là muôn thuở. Poe, với dự cảm nhạy bén, óc tưởng tượng phong phú, tư duy khoa học trở thành nhà tiên phong đặt nền móng cho sự ra đời của thể loại truyện khoa học giả tưởng, có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nhà văn trên thế giới, trong đó có các nhà văn Việt Nam.

Tuy nhiên, những tác phẩm của Viết Linh cũng cho thấy những sáng tạo cá nhân độc đáo. Đặc biệt, tính chất bản địa trong truyện Viết Linh rất rõ nét. Không phải ngẫu nhiên Quỹ Hỗ trợ Phát triển Khoa học Giả tưởng Việt Nam (VFSF) lựa chọn và ấn hành tập truyện "Hành tinh kỳ lạ" (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2009), bao gồm hai tập tác phẩm "Quả trứng vuông" và "Hành tinh kỳ lạ" của nhà văn Viết Linh, để mở đầu cho hoạt động của Quỹ. lChân dung Edgar Allan Poe, ông tổ của truyện khoa học giả tưởng.

Ngô Bích Thu
.
.