Truyện tranh cho trẻ em: Ngổn ngang trăm nỗi

Thứ Năm, 09/06/2011, 08:53
Hiện nay, những ông bố, bà mẹ rất ngần ngại mỗi khi chọn truyện tranh cho con. Hè về, những bộ truyện tranh càng "nóng" lên bởi những câu chuyện hiệp khách, ái tình. Các em đọc gì đây?

Từng có thời, truyện tranh đã trở thành món quà đáng yêu của các bậc phụ huynh dành cho con em mình. Nhưng giờ đây, hàng loạt các bộ truyện tranh của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vào nước ta, lộn xộn chiếm lĩnh thị trường, với một thế giới của những siêu nhân giả tưởng, cùng các hình ảnh của "xã hội đen" làm băng hoại cảm xúc trong lành của trẻ thơ. Hiện nay, những ông bố, bà mẹ rất ngần ngại mỗi khi chọn truyện tranh cho con. Hè về, những bộ truyện tranh càng "nóng" lên bởi những câu chuyện hiệp khách, ái tình. Các em đọc gì đây?

Bạo lực, bạo lực và… bạo lực

Dường như, hàng chục nhà xuất bản (NXB) quen thuộc, đặc biệt từ miền Trung trở vào đều đua nhau xuất bản hàng loạt bộ truyện tranh nhằm kiếm lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Họ có biết đâu, những độc giả nhỏ tuổi đã bị ám ảnh với những hình ảnh nhảm nhí, đầy bạo lực như "Vụt', "Soạt", " Bịch", "Phập", "Xoẹt", "Á...Á"... Đến nay, có thể nói, hầu như bậc phụ huynh nào cũng từng một lần mua những bộ truyện tranh cho con em mình đọc. Cha mẹ cứ vô tư mua, không hề kiểm tra nội dung và luôn nghĩ rằng, đó chỉ là truyện trẻ con. Nhưng họ có biết đâu, nhiều bộ truyện tranh đã là "cẩm nang" cho những hành xử vô luân, tàn bạo của con trẻ. Đâu đâu cũng thấy "Bảy viên ngọc rồng", "Gia đình võ thuật", "Thủy thủ mặt trăng", "Thám tử lừng danh Conan", "Chú bé Rồng", "Hot Grim"... Các bộ truyện tranh này đã đổ bộ vào từng gia đình, tạo nên cơn sốt không những cho các em nhỏ mà còn thu hút những độc giả lớn tuổi hơn. Những hành vi bạo lực qua các hình vẽ đang dần trở nên quen thuộc với lứa tuổi thiếu niên nhi đồng ở nước ta.

Các hình ảnh bạo lực và sex tràn lan trên các ấn phẩm truyện tranh dành cho trẻ em.

Khi nhìn lên kệ sách của các nhà sách hoặc quầy cho thuê truyện mới hay, truyện tranh chiếm số lượng lớn. Nhân vật trong truyện thường là những cô cậu tuổi teen, hầu hết đều có xu hướng giải quyết mọi việc thông qua vũ lực. Các hình vẽ phổ biến là các nhân vật mắm môi, mắm lợi với ánh mắt thù hận; gương mặt sát khí đằng đằng, xông vào đối thủ cùng những nắm đấm hay cú đá có tính kết liễu nhau. Thể hiện rõ nhất, có tính tiêu biểu phải kể đến bộ "Ragnarok" của Hàn Quốc. Chỉ nghe lời thoại của nhân vật đã thấy không khí đẫm máu xảy ra bất cứ lúc nào. Cùng với bộ truyện trên, còn có nhiều bộ sách của Nhật Bản, Trung Quốc như: "Túy Quyền", "Song Hùng kỳ hiệp", "Tam nữ hiệp"… tràn ngập thị trường.

Ngoài ra, còn có hiện tượng nhiều học sinh tự lên mạng sưu tầm truyện tranh có nội dung võ biền để "cop" vào USB, sau đó đem đến cửa hàng in ra thành sách và cho các bạn thuê lại. Đây là một thị trường ngầm, hoạt động bán công khai trong nhà trường, hay thuộc phạm vi gia đình quản lý - thật khó lường!

Phải chăng, những bộ truyện tranh đầy tính bạo lực này đã góp phần vào sự phát triển hành vi bạo lực học đường? Có học sinh khi sa vào vòng lao lý mới tỉnh ngộ và tâm sự rằng, thoạt đầu chỉ là thích thú, tò mò rồi mong muốn làm thử, thực hành ngoài đời như trong truyện tranh hay trò chơi điện tử. Quả là một hệ lụy đau xót từ những hình vẽ quái đản, gợi tính ác thú trong con người.

Thế giới sex xâm lấn

Cùng với hình vẽ bạo lực là những câu chuyện tình tràn lan, tạo một làn sóng không thể cưỡng nổi, qua những bộ truyện tranh đang hiện hành. Ngay cả câu chuyện ngỡ như về đề tài khoa học viễn tưởng như "CHOBIT", kể về một thế giới của những con rô-bốt y như người thật, cũng toàn là những chuyện nhảm nhí, ăn nằm, chung đụng của những con trai và con gái rô-bốt, với tất cả kỹ năng vẽ miêu tả gợi tình nhất có thể. Núp sau những cái tên truyện nghe có vẻ lành hiền, đánh lừa người đọc: "Hội học sinh", "Kỷ niệm xanh", "Mặt trời bé con", "Nụ hôn đầu"… nhưng nhiều hình vẽ trong truyện lại miêu tả trần trụi những cảnh làm tình và sex tối đa, cùng với lời thoại chớt nhả, gợi tình.

Dường như có một số NXB đã "vượt mặt" Bộ Thông tin - Truyền thông khi lệnh nghiêm cấm in sách có nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục thẩm mỹ của lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng đã được ban ra. Có những biên tập viên của nhà sách chống chế, viện cớ đổ vấy cho thị trường: "Nhiều khi biên tập thấy một số sách có hình vẽ trần trụi quá, chúng tôi phải cố ý vẽ thêm các trang phục lót vào hoặc cắt bỏ bớt. Nhưng nhiều học sinh lại phàn nàn khi thấy truyện không còn nguyên gốc và không mua sách".

Vậy là, để bán được sách, họ sẵn sàng đưa duyệt một đằng, còn khi in lại cho in theo đúng bản gốc. Một quan chức của Cục Xuất bản, nhân nói về việc hậu kiểm trước khi đưa sách ra thị trường, đã khẳng định, không ít NXB đã bỏ qua khâu nộp lưu chiểu mà vẫn phát hành sách nên rất khó kiểm soát.

Hơn nữa, nhiều nhà sách tư nhân còn phải chạy đua với những bộ truyện tranh nguyên bản được phát tán trên mạng, nên hình sex phải đúng bản gốc, hay làm tình cũng phải gợi đúng mẫu. Do vậy việc kiểm soát của nhà chức trách không hề đơn giản chút nào. Ai cũng rõ, năm ngoái, hãng Viễn thông Viettel đã bị một đối tác chơi "quả đắng" khi phát tán trên web 3G các bộ truyện tranh kinh dị và sex: "Làm tình với ma", "Bạo dâm", "Làm tình với quái vật"… với giá tính cước 2.000 đồng một lần tải nội dung. Đến khi thấy dư luận quá bức xúc, hãng Viettel đã cắt hợp đồng của đối tác này.

Vậy là cùng với sự ra đời của những bộ sách in, hệ thống cung cấp truyện tranh sex trên mạng đã hình thành những nguồn thư viện "khủng", tạo điều kiện cho giới trẻ tự do khai thác. Ta có thể thấy, bất cứ một diễn đàn nào dành cho tuổi học trò, nếu có truyện tranh đậm chất sex thì bao giờ cũng được bạn đọc "comment" đến hàng chục trang, với ngôn ngữ bình phẩm thật... mạnh bạo.

Còn nan giải

Mới đây, để phần nào cứu vãn tình trạng lộn xộn nói trên, một số NXB đã cố gắng đưa ra sự phân loại các lứa tuổi đọc truyện tranh, được ghi trên bìa sách. Việc này trên thế giới cũng đã từng thực thi, trên logo các NXB phải ghi sách thích hợp với lứa tuổi nào, ví dụ 5+(từ 5 tuổi trở lên), 7+, 9+... Ở Việt Nam, NXB Trẻ và NXB Kim Đồng đã vận dụng theo đúng mẫu. Nhưng điều quan trọng là sự quy định này đâu dễ trở thành hiện thực, bởi lẽ kết quả lại thuộc về chất lượng nội dung sách được làm ra sao. Trong khi những truyện tranh của Việt Nam yếu kém, sơ sài về nội dung, số lượng xuất bản ít, thì các bộ truyện tranh của nước ngoài lại đầy rẫy hình ảnh kích thích sự hiếu kỳ với nội dung tình dục và bạo lực, nên càng làm các em tò mò tìm mua. Thậm chí, việc dán nhãn quy định ấy càng làm sự việc thêm rắc rối vì không ít các NXB ở ta - trong việc chia bạn đọc truyện tranh theo lứa tuổi cũng còn có những nhầm lẫn.   

Bên cạnh đó, giá sách cũng là một vấn đề. Cách đây ít lâu, khi nền kinh tế chưa bị lạm phát cao, giá sách đẹp bìa cứng, một cuốn truyện tranh cũng đã bán từ 20.000 đến 25.000 đồng. Sau này, bản in có chia ra thành các tập nhỏ thì cũng với giá 4.000 đến 5.000 đồng, vậy để mua cả bộ khoảng 30 tập thì các ông bố, bà mẹ vẫn phải chi phí 150.000 đồng. Một con số không nhỏ. Mặc dù hiện nay, vì công ước Berne nhiều NXB đã có quan tâm phần nào tới truyện tranh của các tác giả trong nước, nhưng về nội dung và chất lượng in cũng còn nhiều vấn đề phải bàn.

Nhiều bộ truyện ưu tiên nhiều cho phần lời, còn tranh vẽ thì vừa ít vừa không hấp dẫn. Đề tài lại quanh quẩn với những chuyện lịch sử, cổ tích dân gian quen thuộc, quá nặng về giao giảng đạo lý khô cứng, quên đi tính giải trí. Đặc biệt, đội ngũ họa sĩ vẽ truyện tranh lại yếu kém, không được đào tạo vẽ truyện tranh chuyên nghiệp. Lợi dụng tình trạng này, những người làm sách lậu tha hồ luộc lại các bộ truyện tranh vô bổ của nước ngoài, thậm chí còn độc hại về nội dung. Kèm theo đó là chất lượng kém về hình thức ấn loát, với những hình vẽ nhom nhem.

Đứng trước tình trạng rắc rối và bị động như hiện nay, người đọc là các em nhỏ chỉ còn trông cậy vào các bậc cha mẹ luôn biết cân nhắc, chọn lọc các bộ truyện tranh cho con cháu một cách thận trọng hơn

Vương Tâm
.
.