Trại sáng tác "Cây bút Vàng" Đồ Sơn - Hải Phòng 2016:

"Truyền lửa" văn chương

Thứ Sáu, 01/01/2016, 08:00
Sau nhiều năm gián đoạn, cuộc thi viết "Cây bút Vàng" do NXB Công an nhân dân và Chi hội Nhà văn Công an phối hợp tổ chức 2015 - 2017 cho thể loại ký, truyện ngắn và tiểu thuyết đã được khởi động trở lại thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả

Để tạo điều kiện cho các nhà văn có thể đầu tư thời gian, tâm huyết vào tác phẩm dự thi, Ban tổ chức cuộc thi "Cây bút Vàng" đã tổ chức trại sáng tác "Cây bút Vàng" năm 2016 chia làm 2 đợt: Từ ngày mồng 5 đến 20-1-2016, tại Đồ Sơn - Hải Phòng, trại sáng tác "Cây bút Vàng" đợt 1 sẽ được tổ chức với sự tham gia của gần 30 nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an. Trại sáng tác "Cây bút Vàng" đợt 2 cũng sẽ được tổ chức tại đây từ ngày 15 đến 30-3-2016 và hiện đã có gần 40 nhà văn đăng ký dự trại.

Trại sáng tác "Cây bút Vàng" được kỳ vọng sẽ là nơi "ươm mầm" cho những tác phẩm văn học nói chung và các tác phẩm đi sâu khai thác, khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Công an nói riêng.

Các nhà văn tham dự trại viết Cửa Lò (Nghệ An) do NXB Công an nhân dân tổ chức 2015.

Tham gia trại viết "Cây bút Vàng" lần này có nhiều nhà văn tên tuổi trên văn đàn đương đại như Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh, Trần Ninh Hồ, Trần Nhuận Minh, Phạm Hoa, Xuân Ba, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trầm Hương... Đây đều là những cây bút sắc sảo, cá tính, hứa hẹn sẽ đem đến trại viết cũng như cuộc thi "Cây bút Vàng" lần thứ 3 một không khí văn chương mới mẻ hơn, sinh động hơn.

Các nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Công an tham gia trại viết lần này là những cây bút được nhiều người biết đến như Phùng Thiên Tân, Trần Thanh Hà, Như Bình, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Đăng An... Các nhà văn như Ngôn Vĩnh, Hữu Ước, Nguyễn Hồng Thái, Phạm Khải, Bùi Anh Tấn không tham gia trại viết với tư cách "trại viên" mà là vai trò Ban tổ chức. Bằng sự tài hoa của mình và kinh nghiệm lâu năm với văn chương, các nhà văn này sẽ là những người sẽ góp phần quan trọng trong việc "truyền lửa" cho các tác giả tham gia trại viết, để cuộc thi "Cây bút Vàng" - một giải thưởng văn chương từng có "thương hiệu" trong lòng bạn đọc - có thể gặt hái được những tác phẩm chất lượng tốt nhất .

Trao đổi với phóng viên, nhà văn Phan Quế hào hứng cho biết, ông đang viết tiểu thuyết có tên tạm đặt là "Chúng sinh" về những thân phận con người với những vui buồn, khổ đau trong bể trầm luân làm người. Ở tiểu thuyết này, nhà văn Phan Quế lấy nhân vật trung tâm là một Cảnh sát khu vực - người gần gũi với đời sống nhân dân nhất - trở thành một người thấu hiểu mọi buồn vui, bi kịch trong cuộc đời những người dân trong địa bàn quản lý của mình.

Nhà văn Nguyễn Hiếu cho biết, sau 2 tiểu thuyết về đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an của ông đã được xuất bản là "Mặt nạ để đời" và "Tàu hoang", tham gia trại viết lần này, ông sẽ tiếp tục với đề tài này và đi sâu vào cuộc chiến đấu của những người chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chống ma túy. Nhà văn Nguyễn Xuân Hải - người đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh cũng như truyện ngắn về hình tượng người chiến sĩ Công an tâm sự, tham gia trại viết lần này, ông dự định viết một truyện vừa lấy hình tượng trung tâm là một Cảnh sát khu vực vùng giáp ranh, hằng ngày phải đối mặt với những tình huống bi hài.

Nhà văn Nguyễn Xuân Hải cũng cho biết thêm: "Tôi đã viết rất nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng chống ma túy, những người chiến sĩ An ninh... Nhưng lần này, tôi lựa chọn viết về Cảnh sát khu vực bởi trong cuộc đời tôi đã được gặp rất nhiều những anh hùng thầm lặng trong lòng dân. Nhìn công việc họ làm tưởng là bình thường mà lại vô cùng vĩ đại. Xã hội có được bình yên hay không là có đóng góp lớn lao của những người chiến sĩ Cảnh sát khu vực có tận tâm, tận lực với địa bàn, với dân hay không...".

 Từ Tuyên Quang, nhà văn Vũ Xuân Tửu cho biết, ông cảm thấy rất vui khi nhận được lời mời tham dự trại viết "Cây bút Vàng". Hiện tại ông đang trong quá trình thu thập tài liệu để viết một tiểu thuyết lịch sử về một nhân vật lịch sử được dân hết lòng kính yêu, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà văn đất Tuyên Quang cho biết, ông dự định sẽ hoàn thiện tác phẩm này trong 5 năm. Hiện nay, ông đang trong quá trình thu thập tài liệu và đã làm việc này được 8 tháng. Trong thời gian đó, ông đã gặp gỡ 20 nhân chứng từng sống và làm việc bên cạnh Võ Đại tướng, đã thu thập được 2 vạn trang tư liệu và ghi lại được 30 giờ ghi âm bằng hình ảnh.

Nhà văn Vũ Xuân Tửu chia sẻ thêm, ông được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng có nhiều lần về thăm và làm việc ở vùng biển Đồ Sơn, nên khi tham gia trại viết "Cây bút Vàng" lần này ông sẽ tranh thủ đi tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng để hoàn thành tác phẩm lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của mình. Nhà văn Phùng Thiên Tân - tác giả của hàng chục đầu sách về đề tài hình sự ăn khách một thời, hiện đã "bay" từ TP Hồ Chí Minh ra có công chuyện và sẵn sàng tham dự trại viết. Tuy nhiên, ông xin phép được giữ bí mật với phóng viên về tác phẩm ông đang ấp ủ và chỉ nói: "Trại viết sẽ là nơi tôi hâm nóng lại nhiệt huyết của mình với văn chương. Ở nhà có khi không viết được đâu, đến trại viết có không khí, có bạn bè lại gợi cho ta nhiều ý tưởng hay. Tôi muốn xem mình có thể bị bạn bè thôi thúc đến đâu...".

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc NXB Công an nhân dân:

- Thưa Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, trại viết văn "Cây bút Vàng" được NXB Công an nhân dân phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tổ chức tại Đồ Sơn - Hải Phòng lần này có gì khác với các trại viết đã được NXB Công an nhân dân tổ chức trước đó?

+ Trại viết "Cây bút Vàng" lần này vẫn là sự tiếp nối truyền thống của những trại viết lần trước, đó là quy tụ những cây bút tiêu biểu trong và ngoài lực lượng Công an đã và đang có những đóng góp về văn chương ở đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an. Bởi thế, ở trại viết lần này, Ban tổ chức vẫn tiếp tục khuyến khích các tác giả đi sâu, tìm hiểu, khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Công an "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".

Sau một thời gian khá dài bị "ngắt quãng", đây là lần thứ 3 cuộc thi "Cây bút Vàng" (trước đó được tổ chức bởi Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, nay là Báo CAND - Pv) được khởi động lại nên đã thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả, trong đó có những tác giả từng tham gia các cuộc thi trước và cả những tác giả trẻ chỉ biết đến giải thưởng này từ những "dư âm" mà nó để lại. Có thể nói, bản thân cái tên "Cây bút Vàng" dù là trại viết hay cuộc thi đều có một sức hấp dẫn và lan tỏa đáng kể.

- Là người từng đoạt giải nhất trong cuộc thi "Cây bút Vàng" tổ chức lần đầu tiên, năm 1996 - 1998 và hiện giờ trở thành Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân - đơn vị "chủ nhà" của cuộc thi và trại viết, xin ông chia sẻ tâm trạng của mình khi đảm nhiệm một vai trò mới?

+ Đối với tôi, việc đoạt giải thưởng ở cuộc thi "Cây bút Vàng" luôn khiến tôi cảm thấy vinh dự, tự hào và là động lực để tôi cố gắng hơn trong đời cầm bút của mình cũng như "sứ mệnh làm bà đỡ cho các tác phẩm văn chương" mà tôi đang làm. Giờ đây, khi trở thành một trong những người của Ban tổ chức cuộc thi và trại viết, tôi cũng cảm thấy mình có thêm phần trách nhiệm của người đi trước. Đó là làm sao để truyền được cảm hứng đến với các bạn viết trẻ cũng như các tác giả mới dấn thân vào mảng đề tài về hình tượng người chiến sĩ Công an.

- Được biết, NXB Công an sẽ sớm lựa chọn những tác phẩm có chất lượng từ các trại viết để xuất bản, ông có điều gì nhắn nhủ đến các tác giả trẻ tham gia trại viết lần này?

+ Tiếp nối những thành công vang dội từ 2 cuộc thi trước, Ban tổ chức cuộc thi và  trại viết "Cây bút Vàng" mong muốn có thêm nhiều tác giả, nhiều cây bút mới sẽ xuất hiện, khẳng định được tài năng, tâm huyết của mình với mảng đề tài hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách này. Tôi muốn nói rằng, tổ chức ra một trại viết, chúng tôi luôn ngong ngóng, đón đợi có những tác phẩm hay để giới thiệu đến bạn đọc.  Đề tài hình tượng người chiến sĩ công an vẫn luôn là một mảnh đất màu mỡ chờ đợi các nhà văn khai phá. Vì thế, tôi chưa bao giờ tắt hy vọng rằng, qua các trại viết, một thế hệ những người viết dồi dào năng lượng và tâm huyết sẽ được ươm mầm, bồi dưỡng để theo năm tháng lớn mạnh thành một lực lượng hùng hậu, không chỉ có những đóng góp cho dòng văn học về hình tượng người chiến sĩ Công an mà còn góp phần tạo nên diện mạo của nền văn học nước nhà.

- Xin cảm ơn Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái!

Nguyệt Hà
.
.