Trước một thế giới đang vô cùng biến động

Thứ Bảy, 28/10/2017, 08:05
Thời gian gần đây, những tranh luận xoay quanh chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở phương Tây...


Gần như tuần nào cũng có những xã luận sâu sắc trên các tờ báo chính thống bàn luận về chủ nghĩa tư bản, nền kinh tế thị trường tự do, sự suy thoái của xu hướng toàn cầu hóa và những gợi ý về cải cách và tái cơ cấu. Chính những tranh luận ấy khiến bầu cử ở Anh trở nên sôi nổi hơn, khi sự đối đầu của hai đảng Bảo thủ và Lao động (Công đảng) bỗng nhiên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Jeremy Corbyn, thủ lĩnh Công đảng của Anh đã thẳng thừng chỉ trích rằng chính chủ nghĩa tân tự do là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói, vô gia cư, thất học trở nên trầm trọng như hiện nay. Trong khi đó, ở chiều đối lập, thủ tướng anh Theresa May lại nhấn mạnh rằng chính chủ nghĩa tân tự do, nền kinh tế thị trường tự do rộng mở đã khơi nguồn cho sáng tạo và phát triển.

Thủ tướng Anh Theresa May ở Hội đàm cấp cao EU tại Bruxelles.

Cuộc tranh luận kiểu đó không chỉ chỉ diễn ra ở nước Anh, mà đơn giản những gì xảy ra ở Anh hôm nay đã khiến những tranh luận ồn ào tại quốc gia ấy trở thành ví dụ tiêu biểu bởi nước Anh đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế khi họ đang đứng trước thềm Brexit.

Mới đây nhất, trên tờ The Independent của Anh, cựu Bộ trưởng tài chính Hy Lạp, ông Yannis Varoufakis, một nhà kinh tế rất được kính trọng trên thế giới, đã có một phát biểu rất "sốc". "Chủ nghĩa tư bản đã hết thời", ông Varoufakis đã tuyên ngôn như thế khi tọa đàm với sinh viên đại học London (University College London) và chỉ ra rất rõ rằng sự trưởng thành của các tập đoàn công nghệ vĩ đại cũng như sự phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ khiến hệ thống kinh tế hiện tại tự chôn vùi mình.

Ông đưa ra ví dụ rất đơn giản, với Google và Facebook, khi cho rằng những tập đoàn đó có vốn được "mua" và "tạo ra" bởi chính người tiêu dùng. "Đầu tiên, các tập đoàn công nghệ được ưu đãi tài trợ bởi các chính phủ. Rồi khi lớn mạnh, mỗi khi bạn kiếm tìm điều gì đó trên google, bạn đã đóng góp thêm vào nguồn vốn của Google.

Như vậy, nguồn vốn bây giờ được tạo ra từ cộng đồng xã hội và thu nhập từ nguồn vốn đó thì lại được cá nhân hoá. Điều đó, cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ là điểm kết thúc của chủ nghĩa tư bản", ông giải thích một cách dễ hiểu và mạch lạc. Và ông đưa ra đe doạ cụ thể rằng "công nghệ sẽ tạo ra ít công việc hơn là những công việc mà nó xóa bỏ. Chính chủ nghĩa tư bản chôn vùi bản thân nó khi nó tạo ra tất cả các công nghệ hôm nay".

Tất nhiên, Varoufakis không chỉ là người đe doạ, mà ông cũng đưa ra hướng giải quyết, tuy chỉ là một hướng giải quyết mang tính phổ quát. "Các chính phủ cần phải nghiên cứu Hậu tư bản chủ nghĩa (Post-Capitalism) thông qua các chính sách phân chia lại của cải.

Nhắc đến Hậu tư bản chủ nghĩa (Post-Capitalism), một tay bút xã luận xuất sắc của Anh quốc là Paul Mason mới đây đã cho xuất bản cuốn "Hậu tư bản chủ nghĩa - Một chỉ dẫn cho tương lai" mà trong đó nói rất rõ về những mâu thuẫn sâu sắc của thời đại, sự lớn mạnh dần lên của chủ nghĩa chống toàn cầu hoá và ông cũng nhấn mạnh đến sức mạnh công nghệ hôm nay.

Paul Mason cũng chỉ ra lý do tại sao cuộc khủng hoảng tài chính 2008 lại để lại những hậu quả khốc liệt đến tình hình chính trị và xã hội đến thế. Ông cho rằng, sau cuộc khủng hoảng ấy, người giàu càng giàu hơn và người nghèo càng nghèo đi.

Nói cho cùng, cuộc khủng hoảng không ảnh hưởng gì tới lực lượng tư bản và câu chuyện sức mạnh tài chính của giới nghiệp đoàn tàu biển Hy Lạp là dẫn chứng sống động nhất. Và chính điều đó gây ra mâu thuẫn giữa các tầng lớp trong xã hội như hiện nay, để từ đó, Brexit nổ ra ở Anh, tranh cãi về Catalonia nổ ra ở Tây Ban Nha và tình hình nước Mỹ phân hoá mạnh mẽ nhất kể từ sau khi mục sư Luther King qua đời.

Bối cảnh thế giới như vậy, cùng với sự lớn mạnh hơn của cánh tả, một cánh tả đã khác xưa rất nhiều đã khiến chủ nghĩa dân tuý ngày càng lên ngôi. Trong khi đó, mạng xã hội đã khiến các nhóm tiểu văn hoá tạo ảnh hưởng vô cùng rõ rệt khi cộng đồng lầm tưởng rằng đại đa số đang cùng chia sẻ một quan điểm của một nhóm nhỏ nào đó chỉ vì sự ồn ào của họ. Từ đó, bắt đầu có một ý kiến nhận được nhiều sự ủng hộ về việc "chúng ta đi về đâu sau thời kỳ tư bản chủ nghĩa?".

Đó chính là nền kinh tế thị trường tự do bắt đầu cần phải được quan tâm điều chỉnh lại bằng một bàn tay kiểm soát có phần sắt đá của một chính phủ định hướng. Và với bối cảnh Việt Nam hiện nay, chúng ta nghĩ gì về ý kiến đó hay chỉ xem nó mơ hồ như bất kỳ luồng thông tin phức tạp nào khác?

Thực tế, bấy lâu nay, khá nhiều giọng điệu tiêu cực, có màu sắc chống phá, đã giễu nhại chính sách của Đảng và Nhà nước khi đặt ra câu hỏi "Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là gì?" hay "định hướng XHCN là định hướng gì?".

Đáng buồn là trong số những người đưa ra ý kiến giễu nhại đáng phê phán ấy lại có cả những người được coi là trí thức, được một bộ phận xã hội ngưỡng mộ về năng lực. Giá như họ chịu đầu tư thời gian nghiên cứu những gì thế giới bàn luận tới xoay quanh "điểm dừng của chủ nghĩa tư bản", họ chắc sẽ có khả năng đóng góp nhiều hơn, để cụ thể hóa "định hướng XHCN" bằng những gợi ý chính sách thay vì biến mình thành một dạng rỗi nghề chuyên gây xáo trộn xã hội.

Nếu nhìn vào các quyết nghị của 3 kỳ Hội nghị Trung ương 4,5 và 6, chúng ta nhận thấy chủ trương của Đảng và nhà nước cùng với việc sắp xếp, củng cố lại các doanh nghiệp Nhà nước đã nhấn mạnh vào vai trò kinh tế tư nhân, tăng cường việc thoái vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực mà tư nhân có khả năng làm tốt, tạo hành lang rộng mở để tư nhân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Đó chính là việc hướng đến một nền kinh tế thị trường tự do kiểu chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism).

Tuy nhiên, với việc vẫn phải có sự định hướng chủ đạo của nhà nước và Đảng cộng sản, ta không hướng tới một chủ nghĩa tân tự do hoàn toàn của chủ nghĩa tư bản mà thay vào đó, đã có những khuynh hướng gần với Hậu chủ nghĩa tư bản hơn. Tất nhiên, nói ra điều đó không có nghĩa khẳng định rằng chúng ta đã có thành tựu mà vẫn phải thừa nhận rằng ta vẫn là một nước đang phát triển, thậm chí cứ khiêm tốn coi rằng mình là một nước nghèo.

Song, ta cũng phải xác quyết với nhau rằng mình đang có cơ hội lớn để tránh được nguy cơ tụt hậu thêm nữa trong tương lai khi xu hướng thế giới đang vận động phù hợp với vận động mà ta mong mỏi  hướng tới hôm nay.

Và đến đây, có lẽ chúng ta cũng phải quay lại với câu chuyện cơ bản nhất: năng lực của con người. Tăng cường chất lượng cán bộ, chất lượng nhân sự là nhiệm vụ tối quan trọng và việc đưa các học thuyết mới về chủ nghĩa hậu tư bản vào giảng đường là điều vô cùng cấp thiết. Đơn giản, chúng ta rất cần những thế hệ trẻ cập nhật được với thế giới không chỉ ở công nghệ, kỹ nghệ mà cần nhất là ở tư tưởng, triết lý và kiến thức nền tảng về xã hội.

Hà Quang Minh
.
.