Trung thu rất gần
- Tiếng cười nối tiếp tiếng cười tại lễ hội "Trung thu mơ ước"
- Người Hà Nội "rồng rắn" xếp hàng mua bánh Trung thu cổ truyền
- Trung thu phố cổ: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
- Những người giữ hồn Trung Thu truyền thống
Càng vào giữa thu, đất trời càng mang vẻ duyên dáng, đáng yêu. Là dòng sông xanh chậm trôi giữa đôi bờ cỏ biếc. Gió là là, se sẽ mát dịu lòng người. Bầu trời trong xanh như mắt ai vời vợi. Mây xõa tóc mềm bồng bềnh đến quyến rũ. Bước chân đi giữa những ngày thu dễ vấp phải cảm xúc ngập ngừng, bối rối.
Có một Trung thu hiền hòa đang về theo ánh trăng. Trăng bắt đầu như một chiếc lá vàng mỏng tang, cong cong rơi giữa lưng trời. Chỉ qua mấy ngày, trăng đã như thỏi bạc, đầy dần, lấp lánh. Và rồi một đêm gần tới Trung thu, ngước mắt nhìn trời, người ta cứ ngỡ trăng như một quả bóng vàng ai đá lên chẳng chịu rớt xuống. Ánh trăng tưới xuống cỏ cây, trên mỗi nóc nhà, con đường và khuôn mặt mỗi người một cảm giác mát lạnh, huyền ảo đến rộn lòng.
Có một Trung thu rực rỡ đang về trên những gian hàng lung linh sắc màu khắp đường quê, ngõ phố. Đi trên đường mới ngày đầu tháng tám, ta ngỡ ngàng trước một Trung thu đã bày ra trước mắt. Nào đèn ông sao thanh mảnh, bình dị; nào trống, đầu lân đã nằm chầu ngay hàng thẳng lối; những chiếc bánh Trung thu thơm dẻo, bắt mắt đã sẵn sàng đợi người mua.
Và một Trung thu vui nhộn đang đến rất gần qua tinh thần luyện tập ngày càng hăng say của các đội múa Lân. Trong những bữa cơm chiều gần đến Tết Trung thu, ta lại nghe vang vang những thanh âm quen thuộc. Là đội múa Lân nào đang tập luyện ở một bãi đất trống, ngã ba đường hay một khoảng sân nhà ai đó rất gần. Tiếng trống, tiếng phách hòa trong tiếng cười nói, reo vui mỗi ngày một nhặt.
Sáng ra, lũ trẻ trong xóm đã ríu rít bàn chuyện Trung thu, thể như đã thật lâu lắm rồi giờ mới có Trung thu vậy! Đứa mặc ngay bộ đồ Trung thu ba mẹ mới mua cho. Đứa bảo sẽ xin ba mẹ mua đèn Trung thu chơi từ đầu tháng cho được lâu. Đứa khoe Tết Trung thu, kiểu gì ba đang đi làm ăn xa cũng gửi bánh về… Chúng còn rủ nhau góp tiền mua một cái đầu lân, cái trống nho nhỏ cùng với mấy bộ đồ múa Lân như mọi năm để cùng vui hội trăng rằm. Đứa nào mắt cũng trong xanh một nỗi niềm mong đợi. Trung thu về từng bước trong niềm háo hức của con.
Cứ qua ngày, con lại không quên hỏi câu hỏi quen thuộc: Sắp tới Tết Trung thu chưa ba? Ba nói chỉ còn mấy ngày nữa là tới mà sao con thấy lâu thế? Hỏi rồi con lại hào hứng đòi ba mua cho quà Trung thu như các bạn. Không nỡ làm con mất hứng, ba lại phải tìm mọi cách an ủi, nhất là không quên hứa rằng Trung thu sẽ chở con dạo phố hòa theo những đoàn múa Lân tưng bừng, vui nhộn. Nhìn con híp mí cười tít, bỗng ba lại nhớ về những tháng ngày Trung thu trong miền ký ức tuổi thơ xa lắc của mình.
Trung thu của ba ngỡ như là cổ tích. Đó là những ngày Trung thu bình dị mà vui tươi, ấm áp. Bên mái tranh nghèo thơm thơm mùi rơm rạ, con đường làng uốn lượn, nồng nồng vị đất mẹ và ngập tràn ánh trăng, ba và chúng bạn cứ thỏa sức vui chơi. Đèn Trung thu đơn giản là những cánh bèo lục bình, vỏ trứng thả đom đóm vào; cầu kỳ hơn là những vỏ bưởi, dưa hấu, ống bơ được đục khoét, khắc tỉa cẩn thận để có được một chiếc đèn như ý muốn. Trống Trung thu là những chiếc xoong nồi, nắp vung đã cũ. Bánh quà Trung thu cũng chỉ toàn là hoa quả từ cây nhà lá vườn.... Chỉ thế thôi mà những lời đồng dao, những bài hát Trung thu cứ vang vọng khắp đường quê ngõ xóm suốt cả đêm thâu, thao thức cả trong giấc mơ một thời thơ trẻ.
Một mùa Trung thu nữa lại gõ cửa đất trời, lòng người. Tết Trung thu như một nốt bổng giữa bản nhạc mùa thu êm đềm, hòa lẫn quá khứ với hiện tại, giúp ta được đồng vọng về những ký ức ngọt ngào.