Trò chuyện với Tiến sĩ Đỗ Anh Tú về ngôn ngữ trong thơ Tết

Thứ Hai, 14/01/2019, 07:44
Tết và xuân quả nhiên vẫn là niềm cảm hứng cho tất cả các thế hệ thi sĩ. Quan sát một số cây bút đương đại, tôi nhận thấy họ cũng có nhiều bài thơ về Tết, về mùa xuân khá hay...


- Thưa Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, anh ấn tượng nhất bài thơ nào về Tết mà anh từng đọc?

+ Thực ra trong nền thơ Việt Nam từ trước tới nay, thơ về mùa xuân có nhiều bài hay nhưng thơ trực chỉ về Tết, để đọng lại trong lòng độc giả theo tôi lại khá ít. Niềm vui mà tả trong thơ nó dễ trôi đi nhanh lắm. Thơ muốn đọng lại lâu phải gắn với những cung bậc tâm trạng, nỗi niềm, phải gắn với suy tư triết học, nói thẳng ra nữa là thơ gắn với nỗi buồn có nhiều cơ may lưu lại hậu thế hơn là thơ vui. Thế mà thơ về Tết nhìn chung lại cần phải vui. Điều này là một thách thức quá lớn với người cầm bút.

Trong thời kỳ Thơ Mới lãng mạn 1932 - 1945, theo quan sát của tôi, Nguyễn Bính là nhà thơ nhắc đến chữ Tết trong thơ nhiều hơn cả. Và những bài, những câu ông tả Tết gắn với niềm vui lại không đọng lại trong lòng độc giả bằng những câu thơ, bài thơ tả Tết gắn với nỗi buồn. Điều đó là một sự thật. Ta hãy thử so sánh hai bài "Tết của mẹ tôi" và "Xuân tha hương" sẽ thấy rõ Tết của mẹ tôi giống như một bài ký sự kể việc, kể chuyện: "Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/ Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều/ Sân gạch, tường hoa, người quét lại/ Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu…".

Đó là những câu mở đầu cho bài "Tết của mẹ tôi". Trong khi đó  “Xuân tha hương” ngay từ câu đầu đã đầy ắp tâm trạng, chữ Tết xuất hiện nhưng ngay lập tức gắn với khắc khoải nhớ thương: “Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng/ Ôi, chị một em, em một chị/ Giời làm xa cách mấy con sông”. Rõ ràng “Xuân tha hương” là bài thơ hay hơn hẳn "Tết của mẹ tôi" và in dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.

Còn bây giờ nếu để hỏi tôi ấn tượng nhất bài thơ nào về Tết, tôi nghĩ rằng tôi bỏ phiếu nhiều nhất cho bài “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ vì bài này thể hiện được đầy đủ các sắc thái. Vừa có niềm vui phơi phới rộn ràng của ngày Tết, lại vừa có tâm trạng kín đáo được gửi gắm.

Điều thú vị nữa là, mấy năm nay tôi đọc bài thơ này dưới góc nhìn của phê bình sinh thái và phát hiện ra những điều thú vị. Sự kết nối giữa con người với môi trường xung quanh trong bài thơ “Chợ Tết” theo tôi đã đạt đến độ hoàn thiện hoàn mỹ. Ta có thể thấy bài thơ xuất hiện rất đầy đủ các nhân tố mà mỗi nhân tố ấy lại được đặt trong một trường từ vựng thẩm mỹ.

Về màu sắc của thiên nhiên, ta thấy màu trắng của mây pha với sắc đỏ mặt trời buổi sớm, màu trắng của con đường, màu xanh của vạt đồi, màu biếc của cỏ, màu “giọt sữa” của sương trắng, màu tía của ánh nắng, màu "thoa son” của ngọn đồi. Các sắc màu này lại giao hòa với màu sắc của những sinh thể, bao gồm: màu đỏ của áo thằng cu, màu thắm của yếm cô gái, màu vàng của con bò, màu trắng trên mái tóc bà cụ, màu nâu của chiếc khăn chú hoa man, màu “thâm như cục tiết” của mào gà, rồi còn cộng thêm màu sắc của hai loại thực phẩm nữa là màu đỏ của mẹt cam và màu trắng của gạo nếp.

Bài thơ như một bức tranh sinh động, đa dạng với nhiều chi tiết sống động, từ thiên nhiên nói chung tới động vật, thực vật, con người. Riêng ở khu vực trung tâm -  con người - lại đầy đủ các tầng lớp xã hội, giới tính, lứa tuổi: từ em bé tới cụ già, đàn ông tới phụ nữ, từ thường dân tới người có chức sắc: anh hàng tranh, thày khóa, cụ đồ nho, bà bán nước, chú hoa man, cụ lý, chàng bán pháo, người mua gà… Nhưng cũng chính ở sự quan sát bức tranh sống động này mà ta thấy được nỗi buồn man mác kín đáo được ẩn giấu trong hai câu kết của bài thơ, qua hai chi tiết ánh dương vàng trên cỏ lê thê và lá đa rụng tơi bời. Bài thơ mở đầu bằng mặt trời lúc bình minh (đỏ dần trên đỉnh núi) và kết thúc bằng mặt trời lặn, không còn nữa sự sống động tươi tắn của các sinh thể mà khép lại tác phẩm là sự tàn úa của thiên nhiên qua hình ảnh lá rụng tơi bời. Như vậy là trong niềm vui vẫn có nỗi buồn, nỗi buồn như một cảm quan thẩm mỹ chung của Thơ Mới lãng mạn.

 - Thơ Mới có nhiều gương mặt viết về Tết rất đặc sắc như Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Anh Thơ… Tiến sĩ nhận xét thế nào về cách tiếp cận và thể hiện của các tác giả?

+ Nói chính xác hơn thì Thơ Mới có nhiều bài viết về mùa xuân hơn là nhiều bài viết về Tết, vậy ta nên gọi chung là chủ đề Tết và mùa xuân được thể hiện trong Thơ Mới như thế nào. Tôi nghĩ là mỗi thi sĩ đều có một hướng tiếp cận và triển khai riêng, thể hiện riêng, điều đó làm nên sự độc đáo ở mỗi người, làm nên sự đa dạng cho thi ca và suy cho cùng, chính độc giả là người “hưởng lợi” nhiều hơn cả vì được… thưởng thức.

Chẳng hạn Vũ Đình Liên thì chọn cách tiếp cận từ góc nhìn văn hóa, khi một nét đẹp vào dịp Tết đến xuân về bị mai một đi, qua đó thể hiện được tình cảm đối với văn hóa dân tộc, bày tỏ một thái độ với thực tại xã hội khi thời thế đổi thay.

Nguyễn Bính thì đi sâu vào những câu chuyện riêng tư, những nỗi cô đơn vì xa cách quê hương, người thân, những kể lể thủ thỉ tâm tình, Nguyễn Nhược Pháp có bài "Một buổi chiều xuân" thì tái hiện lại một không khí của thời đã qua với những nét tươi vui ngộ nghĩnh. Lại có những tác giả thiên về miêu tả cảnh vật, con người vào dịp Tết - xuân, từ đó làm nổi bật cái không khí đặc trưng của sự kiện, như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân. Hoài Thanh gọi nhóm này là  nhóm thuộc trường phái tả chân.

Riêng một nhan đề “Chiều xuân” thôi, trong hợp tuyển “Thi nhân Việt Nam” đã có tới 3 bài: “Chiều xuân” của Anh Thơ, “Chiều xuân” của Huy Cận và “Chiều xuân” của Quách Tấn. “Chiều xuân” của Anh Thơ thì hình sắc yên bình; “Chiều xuân” của Huy Cận thì lắng đọng tràn trề sinh lực; “Chiều xuân” của Quách Tấn thì bát ngát màu cổ điển Đường Thi, mỗi người là một thể hiện hoàn toàn khác biệt…

 - Theo anh, bài thơ xuân nào của thời kỳ Thơ Mới có thể xem là bài ngắn nhất mà vẫn để lại được ấn tượng cho độc giả?

+ Xét về mặt dung lượng, bài thơ xuân ngắn nhất mà vẫn hay, vẫn tạo rung cảm mạnh mẽ, theo tôi là bài “Nguyên đán” của Xuân Diệu: “Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi xuân đã đến lâu rồi/ Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi/ Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”. Bài thơ cô đọng mà thể hiện được niềm lạc quan vô bờ và những đắm say dào dạt của tuổi trẻ, của tình yêu đôi lứa.

- Anh có thể nói thêm một chút về bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên để độc giả rõ thêm về một tinh thần dân tộc đã được kín đáo gửi gắm trong thi phẩm?

+ Muốn hiểu rõ bài thơ này, ta phải đặt nó trong bối cảnh thực dân Pháp lần lượt bỏ chế độ thi cử bằng chữ Hán ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Năm 1918 là năm đặt dấu chấm hết cho sự thi cử bằng chữ Hán trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chữ Hán từ đó mất địa vị trong xã hội, kéo theo những thay đổi về hình ảnh ông đồ cho chữ bên hè phố. Ông đồ, một đại diện của tầng lớp trí thức cổ điển bị rơi vào cô đơn, vào sự quên lãng. Thương cảm cho ông đồ chính là hoài niệm về một thời kỳ đã qua không trở lại, một nuối tiếc về quá khứ, về những nét đẹp văn hóa truyền thống. Từ đó mà sự phản kháng với thực tại xã hội kín đáo được bộc lộ.

 - Những người trẻ đã thể hiện phong vị Tết và xuân trong tác phẩm của mình hiện nay như thế nào?

+ Tết và xuân quả nhiên vẫn là niềm cảm hứng cho tất cả các thế hệ thi sĩ. Quan sát một số cây bút đương đại, tôi nhận thấy họ cũng có nhiều bài thơ về Tết, về mùa xuân khá hay. Nhà thơ Hàm Anh, trong một bài thơ về mùa xuân rất ngắn, chỉ vài ba câu, thể hiện được sự hồi sinh của tâm hồn con người: “Nỗi buồn chán mùa xuân/ lan ra từ kẽ tóc/ xám và ẩm/ cây bàng già cằn cỗi/ bối rối khẽ khàng xanh” (Mùa xuân và cây bàng).

Nguyễn Quang Hưng qua bài “Một hình dung mùa xuân” lại thể hiện được tình yêu sâu nặng và nhẫn nại của người cha nơi quê nhà với những đứa con đang ở xa: “Đó là mùa xuân chưa bao giờ về/ Không gì thay thế được/ Tiếng chim nhỏ đẩy từng đợt sóng cỏ và lúa non chảy tràn cánh đồng/ Lan qua những gác chuông/ Trong gió từ những đôi cánh của tin vui/ Chúng ta nghe thấy mùi thơm khét của lá mục đang trò chuyện với lửa/ Ở gian bếp cũ chỉ đủ đặt một chiếc ghế con/ Người cha nhẫn nại đã ngồi nhóm những hy vọng”.

- Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ về cuộc trò chuyện.
Vân Khánh
.
.