Trò chơi ngày Tết

Thứ Sáu, 10/01/2020, 16:51
Thanh niên người Tày- Nùng ở mấy tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn hầu như ai ai cũng thông thạo "lày cỏ" (giống như oẳn tù tì). Đây là một thú chơi dân gian lành mạnh mang tính quần chúng rộng rãi.


Vào cuộc chơi không phân biệt lứa tuổi, giới tính, chức sắc. Nhất là vào dịp Tết đến xuân về, hễ có từ ba bốn người với "coong" (chum) rượu đầy lè phè, là họ í ới họp nhau lại, thế là thành một cuộc lày cỏ tự tương tác. Họ vừa uống rượu, vừa hò hét. Người đánh đố người, nghe cứ như họ đang cãi nhau to. Làng bản nào cũng có lày cỏ, nhà nào cũng có lày cỏ. Có khi cả tháng giêng lày cỏ. Cuộc vui lày cỏ có khi kéo dài từ chiều đến ba bốn giờ sáng vẫn chưa tàn cuộc.

Thực ra, hai tiếng "lày cỏ" nghĩa tiếng Tày là gì? Thú thật, kể từ thời cha chú, tới các bậc đàn anh và cả chính tôi cũng không mấy để ý. Nếu bây giờ có ai hỏi nguồn gốc trò chơi này từ đâu tới, thì tôi xin "bó tay chấm com". Cũng có nơi gọi trò chơi này là xai mạ. Xai trong tiếng Tày là trộn lẫn. Mạ ở đây không phải là ngựa, chỉ có thể hiểu là thế xuống tấn. Vậy xai mạ là gì? Thực tình tôi cũng xin "bó tay chấm com". Nhiều thuật ngữ mà cha ông chúng tôi để lại, cho tới nay chưa thể giải thích nổi nó có nghĩa gì?

Có lần, ông Vương Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Tày - Nùng đã giải thích rằng, "lày cỏ" chính là "lai quá" (lại qua), lấy ra từ có trong tiếng Hán. Người đối, người đáp. Đối đáp qua lại gọi là lày cỏ? Khi mới nghe, thấy có vẻ đúng. Nhưng giờ bình tĩnh xem lại, thì hình như không ổn.   

Bởi trong "lày cỏ" hầu hết các số đếm đều hát âm nguyên tiếng Quảng (Quảng Đông - Trung Quốc). Người Quảng nói tiếng pạc và (bạch thoại). Hình như trong tiếng pạc và không có hai chữ lày cỏ. Vậy nó bắt nguồn từ đâu? Lấy ví dụ: "Dzắt tỉm dzắt" (một). "Nhì tảu nhì" (hai). "Slam tỉm slam" (ba). "Slế hồng slế" (bốn). Nhưng không có năm. Năm là con số ẩn. "Lọoc woáy lọoc" (sáu). "Slắt chểu slắt" (bảy). "Pát giàng pát" (tám). "Cẩu pngfhái sòong" (chín). "Hối mả" (mười).

Trò chơi Lày cỏ trong ngày Tết của người Tày.

Rất khác với cách phát âm bằng tiềng người Tày và người Nùng. Chúng tôi đếm từ một đến mười là: "nâng, sloong, slam, slí, hả, slốc. chêt, pét, cẩu, slíp" (một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười). Còn đằng này dzắc tỉm (một), nhì tỉm (hai), slế hổng slế (bốn)... nghe như hát tuồng. Thôi thì ta cứ hiểu một cách tương đối: Là trò chơi ngoại nhập.

Đã cất công tổ chức một cuộc "lày cỏ" là phải có anh men đi kèm. Không ai chơi "lày cỏ" suông. Nếu chỉ có lày cỏ mà không có rượu, người ta bảo đấy là cuộc chơi lày cỏ vừa mù lại vừa điếc. Chứng tỏ gia chủ đây là người keo kiệt. Ông ta không muốn nhìn người ta chơi, cũng không muốn nghe người ta cười vui. Chơi vui cũng làm mòn quần áo và đặc biệt tiêu tốn kha khá đèn dầu. Xót của! Người như thế không bao giờ có bạn.

Con đường dẫn đến nhà ông ta đầy cỏ mọc. Chân cầu thang mốc thếch, bởi không bao giờ có khách đến chơi. Rượu vào người thì nó mới xôm trò "phá mào", nghĩa là làm cho không gian huyên náo sôi động. Tuy huyên náo sôi động nhưng rất trật tự. Trật tự theo quy ước của làng. Người nào thua cuộc, phải chịu hình phạt uống rượu.

Một kiểu không phải bắt ép người ta uống. Khi mình thua cuộc, tự giác uống cái thứ nước vừa cay, vừa thơm, vừa biêng biêng như đi trên mây trên gió. Rượu người Tày không nặng đô như rượu quốc lủi người Kinh dưới xuôi. Nó chỉ nhỉnh hơn bia một chút. Một chút thôi, nhưng uống nhiều cũng say lử lả. Say là say ba ngày bốn đêm. Người Tày gọi "lẩu khẩu" rượu gạo. Rượu được cất từ cơm gạo lức ủ men lá rừng. Người Tày coi rượu là sản vật cao quý dùng để thết đãi bạn bè thân thiết. Những khi trong nhà có đám, bà con anh em thường tự nguyện đóng góp một gánh rượu gọi là "tháp lẩu khẩu".

Có thể là chục lít, thậm chí hai chai cũng phải sắp thành một gánh trên vai, chứ tuyệt đối không bao giờ xách tay. Gánh rượu đàng hoàng mới được coi là trang trọng, lịch sự. Đây là gánh tình cảm, chứ không bao giờ tay xách nách mang tình cảm. Kiểu như "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu" là có đi có lại mới toại lòng nhau, làm người ta xấu hổ mất một đời người đấy. Người Tày coi trọng và thường ví tình cảm nặng như núi dày như đán (nản đá).

Vì thế người ta mới phải gánh rượu. Gánh rượu là dâng tặng, chứ không đòi hỏi đền đáp. Thật đáng cười, nếu trong tay anh cầm chai rượu ngoại đắt tiền, đủng đỉnh đến chơi nhà bạn bè, người ta sẽ nói: Mày có ngồi thì ngồi, không ngồi thì thì thôi. Đấy! Cái tình người Tày quê tôi bộc trực, thẳng ngay từ lời nói.

Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày ở Tây Bắc.

Sau những cuộc "lày cỏ" lâu lâu dài dài, đôi chân nào cũng mềm phằn pặt như bún. Đám người say bón vào miệng nhau đủ các thứ bánh, các thứ bột, các thứ rau dưa, hoa quả. Nhìn những cái mặt nhão nhoét như bùn vừa thương, vừa buồn cười. Với họ, say đến cỡ ấy mới sướng. Mới chứng tỏ chơi thả phanh hết mình. Vào cuộc chơi mà còn ki bo dè sẻn thì chỉ có phí rượu. Làm đàn ông con  trai người Tày, nếu không sống thật lòng, lập tức bị mọi người ngoảnh mặt quay lưng. Coi như không có anh ta trên cõi đời này.

Cách chơi "lày cỏ" của người Tày gần giống như "oẳn tù tì cái gì ra cái này" của người Kinh ở dưới xuôi. "Oẳn tù tì" hay còn gọi là "kéo búa bao" hay "kéo lá đấm" hay "xú xì" là một trò chơi bằng tay, mang tính đối nghịch giữa hai hoặc nhiều người chơi cùng lúc, khi ra một trong ba hình dạng của bàn tay.

Các kiểu đó là "kéo" ngón trỏ và ngón giữa tạo thành hình chữ V, "búa" cả bàn tay nắm chặt lại và "bao" nguyên bàn tay xoè ra. Trò chơi chỉ có ba kết quả duy nhất mang tính công bằng: Nếu người này ra cây kéo thì sẽ thắng người ra cái bao kéo cắt bao, còn đối phương ra cây búa thì người chơi thua, búa đập được cây kéo và búa sẽ thua ba. Trong trường hợp các người chơi ra giống nhau thì sẽ hòa.

Trò chơi này ở một số vùng còn được gọi là "xú xì" có gốc là từ "shoushiling - thủ thế lịnh" trong tiếng Trung.

Mỗi lượt chơi chỉ có hai người. Khi chơi, họ cùng đồng thanh hô một con số. Số nào là do mình chọn. Xòe ra mấy ngón tay, tùy mình thích. Miễn sao cộng các ngón tay hai người khớp lại, vừa đúng với số mà mình hô. Ai đoán đúng sẽ thắng. Ai thua thì bị phạt. Người bị phạt phải uống một bát rượu. Ai thua nhiều, sẽ đầy một bụng tiên tửu. Nhưng hầu như họ không bị say. Bởi vì khi họ hô hét, có bao nhiêu con ma men theo hơi thoát ra bằng hết.

Lấy bốn que đũa hoặc bốn que tăm làm thành "trọng tài". Đũa chia đều cho mỗi bên. Cứ người nào thua thì tự giác rút bớt một que và đưa cho người thắng. Rút hết bốn que là xong một hiệp. Đồng nghĩa mình là người thua cuộc. Thua cuộc là phải uống cho say lấm lưng, cho nát nhừ cơ thể.

Ngồi bên trọng tài đũa, còn có một coong (chum) rượu gạo. Dứt một hiệp "lày cỏ", người ta nghiêng "coong", rót ra một bát "tài ủn" (bát ôtô) phe phé rượu. Đây là hình phạt dành cho kẻ thua cuộc. Anh phải uống cạn, bát rượu không còn một giọt.     

Bắt đầu chơi. Anh A hô: "dzắt tỉm" là một. Anh A phải đưa ra một ngón. Hoặc không ngón nào.

Anh B hô: "Nhì tỉm" là hai. Cộng các ngón tay lại bằng hai. Anh B thắng.

Anh A hô: "Sắt tỉm" là bảy. Anh A đưa ra ba ngón.

Anh B hô: "Xế hổng xế" là bốn. Anh B đưa bốn ngón. Ba cộng bốn bằng bảy. Anh B thua. Anh A thắng.

Nếu cả hai anh cùng hô: "Hối mả" cùng đoán đúng số mười. Họ lại phải cùng nhau hô: "thùng xính mả". Nghĩa là hòa nhau, xóa đi làm lại. Và cuộc chơi lại tiếp tục từ đầu. 

Ngưới ta chơi "lày cỏ" bất kể đâu. Bất kể mùa nào. Nhưng người ta thường "lày cỏ" trong các đám cưới, vào nhà mới, mừng thượng thọ, hay đầy tháng cho bé sơ sinh. Nói chung, vào các cuộc vui. Vui thì mới tìm đến lày cỏ. Cuộc sống bà con người Tày ở các bản làng xa cách nhau nửa ngày đường. Người nhớ người không sao nhịn nổi, nên mới cất công đến thăm, ắt phải làm cuộc vui tràn trề đến ngọn núi chân rừng. Đã vui là phải hò hát. Nhưng hát mãi cũng chán. Thay vì hò hát, thì ta "lày cỏ". "Lày cỏ" mới làm hả lòng hả dạ lòng người khao khát nhớ nhung. Khao khát nhớ nhung thì dốc bầu thâm sự, bằng cách hét thật to cho thật sướng. Thế là sinh ra cuộc "lày cỏ".

Vì thế, không gian ngày Tết ở vùng người Tày thường bị nổ tung vỡ toang, bởi những tràng hô hét "lày cỏ". Thậm chí mây bay ngay qua đám "lày cỏ" cũng bị cuộc vui xé rách nát tướp. Còn trâu bò lợn gà thì túm tím cười. Làm người nông dân thật sướng. Không muốn tính toán làm chi cho mệt. Nào ta  biêng biêng lên thôi. Thế là bày trò chơi "lày cỏ". Nào! Chúng mình cùng nhau xả stress. 
PV
.
.