Triển lãm xác người – ranh giới giữa nghệ thuật và đạo đức

Thứ Sáu, 13/07/2018, 17:45
Triển lãm xác người đầu tiên diễn ra tại Nhật Bản năm 1995. Nhà khoa học, cha đẻ của công nghệ "nhựa hóa" cơ thể người là Tiến sĩ Gunther Von Hagens, nhà giải phẫu nổi tiếng người Đức.

Mặc dù triển lãm xác người thật Mystery of Human body (Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người) - lần đầu được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh - trưng bày 137 mẫu vật được nhựa hóa nhờ công nghệ bảo tồn xác người Plastination đã bị đóng cửa, song dư âm của sự kiện vẫn đọng lại trong xã hội và nhất là giới làm nghệ thuật. Nó đặt ra một vấn đề gây tranh cãi: Đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và đạo đức của những triển lãm dạng này.

Cha đẻ của công nghệ plastic cơ thể người

Triển lãm xác người đầu tiên diễn ra tại Nhật Bản năm 1995. Nhà khoa học, cha đẻ của công nghệ "nhựa hóa" cơ thể người là Tiến sĩ Gunther Von Hagens, nhà giải phẫu nổi tiếng người Đức.

Gunther Von Hagens sinh ngày 10/1/1945 ở Skalmierzyce - nay thuộc miền Tây Ba Lan và lớn lên ở miền Đông nước Đức. Ông từng bị chứng máu khó đông hành hạ, từ nhỏ thường xuyên phải ra vào bệnh viện. Thấm thía nỗi đau của bệnh tật, khi trưởng thành, Hagens nung nấu quyết tâm theo đuổi lĩnh vực y khoa.

Đến năm 1975, Hagens lấy bằng tiến sĩ y khoa tại Đại học Heidelberg (Đức). Năm 1979, ông phát minh ra phương pháp plastic hóa để bảo quản tử thi và từ đó chuyển sang theo đuổi lĩnh vực giải phẫu tạo hình. Ông cũng chính là người đã sáng tạo ra Viện Phẫu thuật tạo hình plastination hóa ở Heidelberg năm 1993.

Tiến sĩ Gunther Von Hagens - cha đẻ của kỹ thuật nhựa hoá xác chết.

Trong 20 năm đầu kể từ khi ra đời, kỹ thuật nhựa hóa được Von Hagens dùng để bảo tồn các mẫu vật phục vụ cho nghiên cứu y học. Tới đầu những năm 1990 mới xuất hiện các phương tiện hiện đại giúp nhựa hóa toàn bộ cơ thể người, với mỗi cơ thể có thể mất tới 1.500 giờ công để hoàn tất.

Mặc dù vấp phải không ít phản đối từ dư luận, Hagens vẫn tự hào: "Tôi là người làm đẹp cho các thi hài và biến chúng thành vật có ích. Nhờ đó, chúng có thể trở thành bất tử. Những cuộc triển lãm giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về cơ thể mình và biết cách sống khỏe mạnh. Bạn có thể thấy sự khác nhau giữa một lá gan khỏe mạnh và một lá gan bệnh tật của một người nghiện rượu hay giữa một lá phổi lành lặn với một lá phổi bị ám khói. Với trẻ nhỏ, đây quả thật là hình thức giáo dục trực quan và sinh động hơn bao giờ hết".

Khi có trong tay số lượng kha khá xác chết được nhựa hóa, Von Hagens đã tổ chức cuộc triển lãm cơ thể người đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1995. Một bài báo đăng tải trên trang Japantimesvề triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" tại Tokyo International Forum thuộc khu Chiyoda, cho thấy người Nhật rất quan tâm đến sự kiện này.

Triển lãm trưng bày 16 cơ thể đã mổ xẻ, 160 bộ phận cơ thể, bao gồm tim, não và hệ thống tiêu hóa và 7 phôi thai. Triển lãm được nhiều tổ chức hỗ trợ, trong đó có Hiệp hội Y khoa Nhật Bản. Sự kiện được cho là nhằm thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về cơ thể người và sức khỏe nói chung.

Khách tham quan thậm chí còn được phép chạm vào một số mẫu vật. Cũng chính tờ Japantimes nhận xét: “Trái với phương Tây, hầu hết người Nhật không tỏ ra lo lắng về vấn đề đạo đức hay làm tổn hại sự linh thiêng”.

 Trong vòng 2 năm tiếp theo, Hagens mở rộng quy mô các cuộc triển lãm, đặt cho nó cái tên “Body Worlds”, trong đó trưng bày nhiều cơ thể người chết đã được nhựa hóa, được đặt trong các tư thế khác nhau giống như trong đời thật, mô phỏng lại nhiều hoạt động của đời sống con người. Những thi thể này phần lớn được hiến tặng, và sẽ được lưu giữ tại Plastinarium Guben - Viện Bảo tàng do Hagens sáng lập tại thị trấn Guben, sát biên giới Đức - Ba Lan.

Phương Tây phản đối kịch liệt

Từ đó triển lãm cơ thể người thật đã qua nhựa hóa được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ Mỹ, Đức, Australia, New Zealand, Bồ Đào Nha, Hà Lan tới Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Thậm chí, cùng một thời điểm, nước Đức có ba triển lãm ở ba thành phố khác nhau là Berlin, Heidelberg, Osnabrück. Và ở những quốc gia được coi là đi trước một bước về nghệ thuật, nơi tự do sáng tạo nghệ thuật được đặt lên hàng đầu thì việc này vẫn vấp phải làn sóng phản ứng quyết liệt.

Đã có rất nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh các triển lãm này. Đa số ý kiến thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ của các xác người, nội tạng đã được nhựa hóa. Những vấn đề về vi phạm quyền con người, phi đạo đức được đặt ra gay gắt.

Trước đó, một triển lãm xác người đã mở cửa tại Sydney, Australia. Một nhóm gồm các nhà khoa học, luật sư, bác sĩ đã ký tên vào thư ngỏ yêu cầu đóng cửa. Nội dung bức thư: "Chúng tôi rất bất ngờ khi biết Chính phủ Australia cấp phép cho triển lãm này, trong khi không có văn bản chứng minh nguồn gốc hợp pháp của những cơ thể người đó đến từ đâu".

Mẫu vật toàn thân một phụ nữ mang thai với phần bụng để lộ đang gây nhiều bức xúc trong công luận. (Ảnh- An ninh thủ đô).

Giáo sư Vaughan Macefield, đến từ Đại học Western Sydney, một trong những người ký tên phản đối bày tỏ lo ngại rằng những mẫu vật không có nguồn gốc rõ ràng. Theo ông, những cơ thể hiến tặng từ các trường y khoa thường là của người già, trong khi đó những xác người được trưng bày dường như là người trẻ.

Ông Rohan Long, quản lý bảo tàng giải phẫu tại Đại học Melbourne cho biết: “Ở Australia, việc sử dụng tử thi không rõ danh tính là bất hợp pháp. Những người muốn hiến tạng cho khoa học đều phải làm thủ tục trước khi qua đời, phải có xác nhận rõ ràng và chi tiết".

Tại Slovakia, triển lãm được tổ chức lần đầu vào năm 2012 và tiếp đến là năm 2017, bất chấp làn sóng chỉ trích, phản đối từ nhiều nhóm khác nhau. Hiệp hội các bác sĩ ở Slovakia và Cộng hòa Czech đều bày tỏ thái độ giận dữ.

Viện Đạo đức y học Slovakia đã gửi đi một văn bản, khẳng định triển lãm cơ thể người là vi phạm luật và yêu cầu chính quyền vào cuộc. Họ nêu ý kiến việc trưng bày xác người, nội tạng vì mục đích thương mại không chỉ vi phạm luật mà còn phi đạo đức, gây tổn hại sự thiêng liêng. Bởi những mẫu vật tại triển lãm là cơ thể người thật, họ hẳn đã từng có cuộc sống, có gia đình và có câu chuyện cuộc đời riêng.

Liệu họ có muốn trưng bày công khai cơ thể của mình sau khi chết không, đó chính là những tranh cãi gay gắt xung quanh triển lãm này. Một tổ chức khác cũng cho rằng, triển lãm cơ thể người thật vi phạm quyền con người cơ bản, đi chệch chuẩn mực đạo đức và cần phải bị cấm. Ở  Pháp, Israel và nhiều bang của Mỹ đã cấm triển lãm xác người bất kỳ dưới hình thức nào.

Quay lại sự kiện triển lãm “Bí ẩn của cơ thể người” vừa bị đóng cửa tại TP Hồ Chí Minh, có không ít tranh cãi gay gắt về ranh giới giữa nghệ thuật và đạo đức. Không ít người kịch liệt phản đối triển lãm, nhưng ngược lại, cũng có người lên tiếng ủng hộ. Thiết nghĩ giới khoa học và nhà chức trách cần có những nghiên cứu xác đáng hơn nữa về loại hình triển lãm này, không để xảy ra những sự cố nơi cấm đoán, nơi ủng hộ như hiện nay.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Nghệ thuật mới (tạm gọi vậy) như trình diễn, sắp đặt… bắt buộc phải có ý tưởng, khác hẳn với tranh giá vẽ, coi cái đẹp thị giác làm chính. Ý tưởng của triển lãm cơ thể người này tôi không thấy có ý nghĩa thẩm mỹ và ý nghĩa nhân văn. Hơn nữa, nếu có ý tưởng thì cái ý ấy phải lớn hơn hình thức biểu đạt. Nhưng triển lãm này có vẻ như hình thức thì to mà ý lại nhỏ. Nghệ thuật nào cũng đều phải được bảo hiểm bằng những giá trị người, triển lãm này “ít người” quá, thậm chí phi nhân văn.

Tôi không thích triển lãm kiểu này. Giáo dục y khoa thì hay nhưng hàm lượng giáo dục lại nhiều hơn hàm lượng nghệ thuật. Chưa nói đến “cách kể” phản cảm, gây sốc lộ liễu và dung tục.

Hoạ sĩ điêu khắc động Lê Đình Nguyên: Theo quan điểm của cá nhân tôi, đây là một cuộc kinh doanh xác chết (bán vé 200.000 VND/vé), núp bóng danh nghĩa nghệ thuật đánh vào sự  tò mò, đáp ứng thị hiếu thấp của khán giả, cần phải kịch liệt lên án. Không một cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình nào mà tác phẩm trưng bày lại không có tên tác giả, không có bàn tay của điêu khắc gia, hoạ sĩ sáng tạo ra nó.

Nếu cũng là những tác phẩm đó nhưng từ bàn tay của nhà điêu khắc tạo hình ra, sáng tạo ra thì lại có một ý nghĩa nghệ thuật và nhân văn khác. Trên thế gian này, không có một nhà điêu khắc nào lại tái tạo tác phẩm tạo hình của mình trên xác chết người thực, bởi hành động đó là tàn ác, phi nhân tính. Nghệ thuật không thể thăng hoa từ xác chết.

Vì vậy triển lãm này vừa không có giá trị vừa vô nhân tính, lố bịch, phản cảm, phản nghệ thuật.
Yên Bình (tổng hợp)
.
.