Triển lãm nude: Tranh thì được, ảnh thì cấm?

Thứ Bảy, 05/08/2017, 08:03
Trong khi  triển lãm tranh khỏa thân nghệ thuật đã được rộng đường cấp phép thì ảnh khỏa thân nghệ thuật lại bị khó dễ đủ đường nếu muốn triển lãm. Giới chuyên môn lo ngại càng cấm thì công chúng càng mù mờ, không nhận thức được đâu là nude (tác phẩm nghệ thuật khỏa thân), đâu là naked (trần trụi, dung tục), nhất là trong thời đại wifi phủ sóng khắp nơi.


Triển lãm "Phượng" diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giữa tháng 7 vừa qua tập hợp các tác phẩm khai thác chủ đề nude.  Lần đầu tiên một triển lãm tranh nude danh chính ngôn thuận đến với công chúng. Không phải trước đó không có triển lãm tranh nude, nhưng: thứ nhất nó chỉ trưng bày gói gọn trong các gallery tư nhân; thứ hai nó chỉ xuất hiện lác đác vài tác phẩm lẫn trong các triển lãm quy mô ở bảo tàng, nhà trưng bày chứ không phải triển lãm thuần nude .

Với cách thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, màu nước... 37 tác phẩm trong "Phượng" đã thể hiện sự trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp tạo hóa của phụ nữ dưới góc nhìn độc đáo của 14 họa sĩ. "Phượng" được cấp phép chứng tỏ các cơ quan quản lý văn hóa, cụ thể ở đây là Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đã công khai thừa nhận tranh, tượng nude và cho nó một đời sống bình thường như các thể loại tranh khác.

Khỏi phải nói giới họa sĩ đã vui mừng như thế nào. Đây là phát súng mở đường để họ dồn tâm sức sáng tác, đem những đứa con tinh thần lâu nay vẫn bị định kiến ra khoe với thiên hạ. Họ hy vọng từ sự mạnh dạn của Cục, các cơ quan quản lý văn hóa ở các địa phương sẽ bớt đắn đo khi cấp phép tranh nude.

Tranh nude bước đầu đã được các cơ quan quản lý văn hóa “cởi trói” để đến với đông đảo công chúng.

Chứng kiến niềm vui của giới hội họa, giới nhiếp ảnh lại chạnh lòng. Bởi cho đến tận bây giờ, ảnh nude vẫn chưa thể thoát ra sợi dây định kiến, thậm chí bị kỳ thị nên chưa hề có một triển lãm nào diễn ra công khai tại Việt Nam. Những tưởng triển lãm "Xuân thì" của nhiếp ảnh gia Thái Phiên năm 2008 sẽ là nơi mở đường để ảnh nude đàng hoàng đến với công chúng thì giới nhiếp ảnh sớm vỡ mộng.  Dù trước đó đã xin được giấy phép cho sách ảnh nude "Xuân thì" nhưng Thái Phiên vẫn bị  Sở Văn hoá -Thông tin Hà Nội từ chối cấp phép triển lãm ảnh nude cùng tên ngay sát giờ G.

Nhà quản lý e ngại loại hình nghệ thuật khỏa thân còn quá mới mẻ ở Việt Nam và thời điểm tổ chức triển lãm chưa thích hợp. Trong khi cuộc triển lãm bị hoãn vô thời hạn thì cuốn sách ảnh "Xuân thì" lại bán đắt như tôm tươi. Cuốn sách đã tái bản nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến nào phản ứng chê bai hay la ó. Tuy vậy, những người làm nghề vẫn trông chờ tác phẩm của mình được đến với đông đảo công chúng bằng những buổi triển lãm công khai. Bởi các triển lãm thường  mở cửa miễn phí, còn muốn có cuốn sách lại phải bỏ số tiền không nhỏ.

Tương tự, năm 2013, nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu bị Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm từ chối cấp phép 19/47 tranh với lý do còn nhiều bức chưa cung cấp đủ văn bản đồng ý cho phép công bố của người mẫu cũng như thỏa thuận của người mẫu và người chụp. Theo quy định của Cục, những bức hình lộ mặt phải có văn bản đồng ý của người mẫu để đảm bảo tính pháp lý, tránh kiện cáo lôi thôi khi triển lãm.

Trước đó, một nữ nhiếp ảnh gia phải triển lãm các bức ảnh khỏa thân trong hộp tối tại nhà riêng của mình. Người nào muốn xem phải nhòm qua khe hở rất hẹp trên mỗi chiếc hộp. Chị bảo làm vậy để những ai không muốn xem sẽ không bị hình ảnh đập vào mắt. Nó cũng tránh rắc rối ở chuyện xin phép này kia.

Có ý kiến cho rằng, việc các tác phẩm hội họa khai thác đề tài khỏa thân dễ dàng được chấp nhận vì thân thể người mẫu trong tranh đã được chắt lọc bằng con mắt sáng tạo, ý đồ nghệ thuật riêng qua nét cọ nên nó không quá "người thực việc thực" đảm bảo được thuần phong mỹ tục.

Khoảng cách nghệ thuật ở đây được đẩy xa, khiến người ta không quá gần thế giới thực dụng có phần trần trụi. Riêng nhiếp ảnh, dù có sắp đặt tư thế hay giấu mặt người mẫu thì ống kính cũng phản ánh 100% người thật. Họ nghi ngại khoảng cách nghệ thuật trong nhiếp ảnh quá gần nên khiến người ta dễ sinh ra những ý nghĩ tà dâm.

Giới nhiếp ảnh phản đối kịch liệt ý kiến này. Theo nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định, một bức ảnh nude cũng phải qua bộ lọc tư duy sáng tạo của tác giả. Bố cục, ánh sáng, đường nét, thần thái người mẫu… là ngôn ngữ nghệ thuật của nhiếp ảnh. Ảnh nude cũng là tác phẩm nghệ thuật. Mà tác phẩm nghệ thuật nó phải được nuôi dưỡng từ trong ý thức, tác giả mới đem ra và lựa chọn người mẫu để đặt vào nhân vật đã có sẵn trong đầu tác giả chứ không phải giơ máy lên là chụp. Điều này phụ thuộc vào tài năng của người nghệ sĩ. Kẻ non tay thường cho ra những tác phẩm gần với sự dung tục, phản cảm.

Nổi tiếng với các bức ảnh khỏa thân mang nét đẹp thần thoại, phảng phất màu sắc siêu thực, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cho rằng trong thời đại mà các giá trị dễ bị lẫn lộn này, chuyện cấp phép cho triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật là rất cấp thiết.

Ảnh khỏa thân vẫn gặp lắm khó khăn nếu muốn triển lãm (Trong ảnh: Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định).

"Muốn thấy cái xấu thì phải chứng minh được cái đẹp cho cộng đồng, cho họ nhìn vào đó mà rút ra tiêu chí so sánh để biết đâu là nghệ thuật, đâu là đồi trụy. Vì chúng ta không cho ảnh nude đàng hoàng đến với công chúng nên mới sinh ra sự lẫn lộn. Bao nhiêu năm nay chúng ta cứ dùng từ nhạy cảm dành cho ảnh nude nghệ thuật để cuối cùng ảnh khiêu dâm xuất hiện tràn lan núp dưới cái bóng của nude nghệ thuật. Hễ thấy hình nào không mặc quần áo trên mạng thì công chúng đánh đồng đó là ảnh khiêu dâm hết.

Đừng trách người dân là không hiểu biết vì họ không có một chuẩn mực nào để nhận biết. Ảnh nude nghệ thuật và ảnh dung tục có hình tướng giống nhau về mặt thể hiện nhưng nó khác nhau về mặt kỹ thuật lẫn thông điệp, nhưng người xem nhìn lướt qua thì họ đâu có phân định được. Nếu ta có các nhà phê bình phân tích chuẩn mực chuyên môn, báo chí đưa tin về nude nghệ thuật thì công chúng mới biết đâu là chuẩn. Cấm cửa triển lãm ảnh nude khác nào chúng ta đang bóp chết một bộ môn nghệ thuật" - ông phân tích.

 Ông cũng không đồng ý khi nhiều người cho rằng ranh giới giữa nude nghệ thuật và dung tục rất mong manh. Người có hiểu biết, được đào tạo thì người ta sẽ dễ dàng nhận ra đâu là ảnh nghệ thuật, đâu là ảnh khiêu dâm.

Khổ nỗi, những người sáng tác tay ngang khá nhiều, ít ai hiểu rõ về loại hình nghệ thuật này nên ảnh nude thì ít mà ảnh naked thì nhiều. Tranh khỏa thân có đường đi thoáng đãng hơn vì dù gì nó cũng được  đào tạo chính quy trong trường mỹ thuật, còn nhiếp ảnh nude lại đa số là do các nhiếp ảnh gia mày mò tự học.

Trong khi trên thế giới, ảnh nude là một bộ môn nghệ thuật chính thống, được đào tạo và có sân chơi hẳn hoi thì ở Việt Nam nó vẫn bị xem là con ghẻ nằm trong góc khuất, chịu đủ sự soi mói, ghẻ lạnh của xã hội.

Các cơ quan quản lý văn hóa vẫn chưa có một tiêu chí cụ thể nào cho thể loại tranh, ảnh chủ đề nude. Họ vẫn cấp phép theo cảm tính và nguyên tắc cứng nhắc mà không am hiểu thấu đáo hoạt động sáng tạo.

Đã không am hiểu, lại ngại trách nhiệm nên cách tốt nhất là họ né đi cho lành. Giống như hồi năm 2011, đến khi Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đứng ra chịu trách nhiệm triển lãm tranh nude của họa sĩ Nguyễn Huy Khuê thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh mới thôi gây khó dễ mà cấp phép. Hoặc các tác giả có giới thiệu tác phẩm của mình trên mạng, mang đi thi thố ở nước ngoài hay tự in sách thì đó là việc cá nhân của tác giả, tác giả phải tự chịu trách nhiệm. Mỗi nơi làm một kiểu nên mới có chuyện chỗ thì cấp phép, chỗ không.

Dù đã được cấp phép triển lãm tại Hà Nội năm 2006 nhưng vài năm sau, 12 bức tranh của kiến trúc sư Trần Tiến Đạt lại bị cấm ở TP Hồ Chí Minh trong triển lãm "Làng quê Việt và Tấm".

Mai Quỳnh Nga
.
.