Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc lần thứ 5: Được và chưa được

Thứ Ba, 21/01/2014, 08:00

Mới ngày nào khai mạc Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc lần thứ nhất, khởi đầu từ 1963 đến 1973, giờ đây đã là cuộc Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc lần thứ 5, được kéo dài từ cuối 2013 vắt sang đầu năm mới 2014. Cuộc triển lãm như một lời chia sẻ cho những niềm vui về thành tựu nghệ thuật của những người nghệ sĩ luôn âm thầm sáng tạo, với những chất liệu đất, đá và sắt, gỗ tưởng như hết sức khô khan.

1. Trong số gần 286 tượng và phù điêu của 230 tác giả được trưng bày tại triển lãm thì có đến hơn nửa là của các nhà điêu khắc trẻ. Trong số đó, người trẻ nhất là Lê Quốc Tiến, 22 tuổi, ở Tp HCM. Và không ít các tác giả chưa phải hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Điều đó nói lên sự lớn mạnh và sức tiềm tàng đầy triển vọng của lớp họa sĩ điêu khắc trẻ.

Trong triển lãm này, các nhà điêu khắc trẻ đã tạo nên bất ngờ thông qua những tác phẩm đậm dấu ấn của ngôn ngữ hiện đại, nhưng vẫn mang hơi thở truyền thống, có chiều sâu nhân văn. Cùng với đó, nhìn chung các nhà điêu khắc trẻ đã góp phần tạo dựng được một hình ảnh đổi mới khác hẳn với triển lãm lần trước. Đó là các tác phẩm đương đại, đầy cá tính và thái độ công dân khá rõ nét. Ngôn ngữ tạo hình phát triển theo hướng biểu hiện và trừu tượng nhưng vẫn lấp lánh hiện thực sống động.

Ta có thể nhận biết những điều này qua một số tác phẩm của các tác giả trẻ như "Lớp vỏ" của Trần Văn An, "Chuyện quê" của Kù Kao Khải, "Tuyến xe số" của Hoàng Văn Thắng, "Rước vợ bằng xe công nông" của Phạm Thái Bình, hoặc "Bình yên trên đảo" của Trần Việt Hà. Bên cạnh đó còn có "Cội nguồn" của Nguyễn Văn Chước, "Góc phố" của Đỗ Thế Thịnh. Ngay cả những đề tài đời thường như "Đôi mắt" của Nguyễn Văn Huy, với những hình ảnh của trẻ con ăn xin, hoặc tác phẩm sắp đặt "Những con chim" của Thái Nhật Minh… cũng đã để lại những dấu ấn khá thuyết phục về tư duy nghệ thuật và tạo được sự chia sẻ về tâm trạng nghệ sĩ trong quá trình sáng tác. Nói chung, lớp trẻ điêu khắc lần này có những đóng góp hết sức nổi bật, với nhiều phương thức tạo hình có tính tìm tòi, kể cả sự kết hợp giữa điêu khắc và sắp đặt đã cho thấy hơi thở nóng hổi của cuộc sống thế kỷ XXI. Chính vì lẽ đó mà đề tài sáng tác trong triển lãm lần này có điểm nhấn khá rõ nét: Đó là mảng đời sống đô thị được phản ánh với nhiều chiều thể hiện thật sự phong phú.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên (ngoài cùng bên trái) trao giải cho các tác giả có tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn.

Cùng với các nhà điêu khắc trẻ đoạt giải thưởng cao lần này như Trần Văn An, Kù Kao Khải, còn có không ít các tác giả cùng trang lứa khá sáng giá như Phạm Thái Bình, Thái Nhật Minh, Nguyễn Nguyên Hà… Họ đã thêm một lần khẳng định tài năng và là một thế hệ tiếp nối cho một nền nghệ thuật điêu khắc đương đại của nước nhà trong cuộc chuyển giao thế kỷ.

Tiêu biểu cho sự chuyển giao đó là hai tác giả Trần Văn An ở Nam Định và Kù Kao Khải ở Ninh Bình. Kù Kao Khải nghiêng về hiện thực biểu cảm ở "Chuyện quê". Thông qua tác phẩm này, tác giả mô tả sự vật lộn mưu sinh của người nông dân để vượt qua cái nghèo thông qua những hình tượng gần gũi, dân dã, gây xúc động lòng người. Trần Văn An lại là trừu tượng ẩn dụ ở "Lớp vỏ". Một khối vuông khép kín bị bọc trong một vỏ lưới sắt được hàn cứng lại, tạo nên sự bức bối ngột ngạt của một khối đời sống thị dân, mệt mỏi nặng nề vì môi trường bị phá vỡ. Ô nhiễm và khao khát một làn gió mát, một dòng nước sạch và một không gian xanh. Cái "Lớp vỏ" đang tồn tại với những cảnh báo một nguy cơ môi sinh ô nhiễm và chật chội đang ngự trị và hãy cải tạo ngay. Tính công dân của nghệ sĩ là ở chỗ đó. Và đó cũng là thông điệp của tác giả bức tượng.

Cả hai có điểm chung với các tác giả trẻ khác ở tính hiện thực và ấn tượng nhưng vẫn lưu giữ được những nét hiện thực ở hình tượng và bố cục truyền thống. Vậy nên không khí sáng tạo trẻ tỏa lan những chùm ánh sáng mới, những góc cạnh mới, lạ và gợi cảm và rất đời, chứ không còn sự nặng nề và bảo thủ như ở các Triển lãm 10 năm lần trước. Những gương mặt trẻ ấy đã quyết định cho sự thành công của triển lãm điêu khắc lần này.

2. Tuy nhiên, triển lãm lần này lại có một chút đảo lộn trong việc chấm giải thưởng làm xôn xao dư luận. Theo như công bố của Ban tổ chức, Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 (12/2013) có 21 giải thưởng. Không có giải nhất, chỉ có hai giải nhì, 4 giải ba và 15 giải khuyến khích. Tuy nhiên, trước đó dư luận đã xôn xao vì chuyện "đạo hình" hay ý tưởng gì đó của tác phẩm "Những con chim" của tác giả Thái Nhật Minh (sinh năm 1984). Tác phẩm này trước đó được chấm điểm cao nhất, nhưng sau đã bị đánh tụt hạng xuống giải khuyến khích.

Đó là một sự lạ và tạo nên một sự nghi hoặc không đáng có. Bởi lẽ, nếu tác phẩm đã phạm quy thì phải loại ngay khỏi cuộc thi. Chẳng lẽ chỉ vì nghe một thông tin, chưa có sự kiểm chứng và suy xét hay đối chứng nghiêm túc mà đã vội đánh tụt hạng? Còn nếu giữ kết quả này, có nghĩa là "Những con chim" vẫn có đủ tiêu chí "sạch sẽ", không phạm quy? Vậy hà cớ gì mới chấm nhất đấy và sau đó xếp giải "bét". Theo như nhà điêu khắc Đào Hải Châu đã từng bày tỏ trên một số phương tiện thông tin đại chúng thì khi thay đổi giải chưa được các thành viên trong Hội đồng giám khảo thật sự đồng nhất. 

Tác phẩm "Chuyện quê" của Kù Kao Khải (giải nhì).

Có người khi tra trên mạng đã cho rằng nhà điêu khắc Thái Nhật Minh khi sáng tác "Những con chim" đã "bắt chước" tác phẩm của nghệ sĩ sắp đặt nổi tiếng Keyvan Fehri, người Iran. Đúng là nhà điêu khắc Iran này đã từng công bố một loạt tác phẩm mang tên "BIRDS", làm từ gốm. Đáng lẽ ra trước khi thay đổi giải, Ban tổ chức nên có hội đồng thẩm tra và trao đổi với tác giả về tác phẩm. Khi sáng tỏ được chuyện "đạo" là có thật và tác giả "tâm phục khẩu phục" rồi mới "tuyên", thì cũng có ảnh hưởng gì đâu.

Lại nữa, nhà điêu khắc Đào Hải Châu sau khi bình tĩnh nghiên cứu giữa hai tác phẩm, đã cho rằng hình tượng con chim trong tác phẩm của Keyvan Fehri không liên quan đến tác phẩm của Thái Nhật Minh. Hơn nữa, từ lâu những chú chim bồ câu cũng đã từng được nhiều tác giả khác trên thế giới thể hiện trong tác phẩm. Hình tượng con chim có thể giống nhau nhưng đâu có liên quan đến ngôn ngữ biểu hiện nghệ thuật?!

Lại nữa, theo Đào Hải Châu cho biết, nhà điêu khắc Thái Nhật Minh đã theo đuổi ý tưởng về con chim hòa bình từ nhiều năm nay. Cùng với đó, một trong những tác phẩm với chủ đề "Những con chim" của Thái Nhật Minh đã từng trưng bày và đã đoạt giải tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2011. Việc chỉ mới cách đây hai năm thôi đâu có xa. Ai đó kết luận Thái Nhật Minh đã "bắt chước" là bắt chước về ý tưởng, bố cục, hay hình tượng sắp đặt? Đó là điều mà các nhà tổ chức có lẽ đã lúng túng khi chưa có kết luận chân xác đã vội "hạ cấp" tác phẩm đoạt giải.

Không những việc tác phẩm được giải nhất bị đánh tụt giải làm nhiều người khó cảm thông, mà còn một số giải khác không hẳn đã có sức thuyết phục người thưởng thức.

3. Bỏ qua những nét "gợn" trong quá trình xét giải, ta có thể thấy, Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc lần này đã có sự "thay máu" để trưởng thành và lớn mạnh trong tương lai. Đã có hàng trăm tác phẩm, trong đó nhiều tác giả trẻ đoạt giải cao, đã đánh dấu một sự thay đổi và lớn mạnh về quan niệm nghệ thuật và ngôn ngữ điêu khắc. Đó là sự cởi mở đa dạng hơn trong dạng thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm.

Tuy nhiên, như nhiều người tâm sự, quãng cách mỗi kỳ triển lãm tới 10 năm là quá dài, nhất là đối với những nhà điêu khắc. Bởi với đặc thù nghề nghiệp, các nhà điêu khắc phải lao động nặng nhọc, ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó không dễ ai cũng có thể đủ sức để theo đuổi mấy cái 10 năm để trưng bày tác phẩm. Vậy, nên chăng cứ 5 năm một lần, diễn ra một cuộc Triển lãm Điêu khắc toàn quốc. Hơn nữa, vì yếu tố thời đại, với nhiều đề tài có tính lịch sử trong từng thời đoạn, cũng cần được các nhà điêu khắc sáng tác kịp thời. Tác phẩm của họ cần được người xem tiếp cận đúng lúc, mới có sự chia sẻ và đồng cảm trước thời cuộc ngày càng sôi động

Chung Tử
.
.