Bác sĩ - nhạc sĩ Trần Văn Phúc:

Tri ân cuộc đời

Thứ Sáu, 19/06/2015, 08:00
Điềm đạm lành hiền, khuôn mặt phảng phất nét buồn nhiều hơn vui, thoạt trông dễ lầm tưởng anh với thầy giáo trường làng. Rồi tiếp xúc chuyện trò, gạt sang bên lớp màn giao đãi thường tình, mới thấy ồ đúng vậy, Trần Văn Phúc sinh ra để làm bác sĩ, một thầy thuốc mà số phận mặc định ngay từ những giấc mơ thời thơ bé, người được ông tổ nghề chấm chọn và ưu ái ban cho vô vàn đặc ân quý báu. Vượt qua nhiều, rất nhiều ngáng trở, Trần Văn Phúc đã hành nghề y với khối óc tỉnh táo và trái tim nghệ sĩ, một nhạc sĩ được cuộc đời hào phóng ghi danh...   

1.Bệnh viện Saint Paul chừng chục năm trước, bé gái 11 tuổi người da bọc xương, vóc hình nhỏ thó xêm xêm học trò lớp 1 được mẹ mang vào viện trong tình trạng nguy cấp. Chẩn đoán ban đầu nói em bị một khối u phát triển rất nhanh trong ổ bụng. Người mẹ gần như suy sụp khi cậu sinh viên thực tập buông ra câu nói vô tình: "Sao chị để con chị nặng thế này mới cho nhập viện?".

Các xét nghiệm đều đoán chắc thần chết đã để mắt tới em, thời gian chỉ còn là sự níu kéo vô vọng và đầy ăn năn ân hận của tình mẫu tử. Hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình họ mạc nằng nặc đòi đưa em về nhà, gạt nước mắt soạn sửa lo hậu sự.

Một chút vấn vương ám ảnh trong đầu, một câu hỏi quặn thắt trở đi trở lại mà chưa tìm ra đáp án hợp tình hợp lý, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh Trần Văn Phúc cùng vài đồng nghiệp của mình không lý giải nổi, nếu đúng là khối u ác tính, tại sao cô bé có thể cầm cự được 3 năm ròng trong điều kiện thiếu tuyệt đối sự chăm sóc y tế. Để em bé về nhà, giải pháp an toàn và quá hợp tình hợp lí, nhưng biết đâu, chỉ cần tích tắc hy vọng mong manh, đằng sau cái mỉm cười e dè gượng gạo của số phận, là hoàn toàn có thể một mạng người được cứu sống, một cuộc đời mới mở ra, khỏe khoắn an lành...

Gắng gượng trò chuyện, tỉ tê gợi lại các ký ức cũ, bác sĩ Trần Văn Phúc chợt ơrêka khi nghe cô bé tiết lộ, đúng là em từng bị ngã và thành bụng va đập mạnh trong khoảng thời gian cách đó 3 năm. Mất một đêm thuyết phục mẹ em, gần như mang cả uy tín nghề nghiệp và sinh mạng chính trị ra thế chấp, Trần Văn Phúc cũng nhận được cái gật đầu của gia đình, đồng ý cho em lên bàn mổ.

Để cô bé được mẹ mang đi chụp CT cắt lớp, bác sĩ Phúc âm thầm bỏ tiền ra mua hóa đơn, đóng viện phí. Bệnh viện Saint Paul, trong trận chiến một mất một còn đầy nguy nan khổ ải với tử thần, đã huy động lực lượng hùng hậu nhất của mình cho ca mổ đặc biệt giữa sự ngờ vực nghi kị của không ít người thuần thục chuyên môn...

Gần một thập niên sau ca bệnh hy hữu đó, bác sĩ Trần Văn Phúc vẫn nhớ như in. Nhớ để luôn tự nhắc mình, sự sống và cái chết của người bệnh đôi khi là ranh giới quá ư mong manh, và người thầy thuốc không bao giờ được phép bỏ qua bất cứ một dấu hiệu sinh tồn nào đang hiện hữu. Trong cái nắng tháng 5 Hà Nội oi nồng và bỏng rát, Bệnh viện Saint Paul vẫn quá tải, ken đặc những người, nụ cười thoắt sáng trên gương mặt mỏi mệt vì luôn làm việc vượt sức mình, bác sĩ Trần Văn Phúc hồi tưởng: 6 tháng sau ca mổ đó, cô bé đến tái khám. Tất cả chúng tôi đều sửng sốt sững sờ, vô tình đưa tay dụi mắt. Mới nửa năm, đứa bé da bọc xương cận kề cái chết đã thoát xác, trở thành một thiếu niên xinh đẹp phổng phao. Bệnh tật bị đẩy lùi, khối máu tụ lớn lên từng ngày sau tai nạn giấu cha mẹ được bóc tách khỏi ổ bụng, cô bé con trở về đúng tuổi, tràn trề nhựa sống của giai đoạn chuẩn bị bước vào thời khắc dậy thì... Đúng là một sự kì diệu, một ân sủng quá lớn lao cho những người thầy thuốc và liền đó là bài học không bao giờ có thể lãng quên với những ai may mắn trải nghiệm...

2. Sinh năm 1973 trong một gia đình nghèo ở Sóc Sơn, Trần Văn Phúc đi qua tháng năm tuổi thơ cùng những ám ảnh cơm áo đói no giàu nghèo, những giấc mơ chưa bao giờ qua khỏi được cái đời sống muôn vàn thiếu thốn cơ cực. Hình ảnh viễn tưởng của cậu bé Phúc giai đoạn khốn khó ấy là người y sĩ sang trọng nhất vùng, ở làng mỗi khi ai đó ốm đều lạch xạch cái xe đạp tới tiêm mũi xít tép vào mông. Đã đinh ninh chọn nghề y làm cánh cửa mở ra thế giới tươi vui xán lạn hơn, một cuộc sống không phải lần hồi cơ cực, nhưng rồi thực tế lại khiến chàng sinh viên đói rạc ngày xưa vỡ vạc những điều lớn lao khác xa tưởng tượng.

Phút giây được tiếp cận với GS Tôn Thất Bách, được thầy lần đầu tiên nhắc nhớ khái niệm y đức đã khiến Phúc ngộ ra rằng: hành nghề y không phải để làm tiền, nghề y đồng nghĩa với nhân văn, với sự xoa dịu cả nỗi đau thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh. Vừa học, vừa làm thêm đủ thứ công việc cốt sao tự trang trải tháng năm sinh viên của mình, Phúc còn chắt chiu dành dụm được đôi ba đồng ít ỏi gửi về quê phụ bố mẹ nuôi các em.

Lạ một điều, càng vất vả cực nhọc, Phúc càng lộ khí chất tài hoa. Tự vẽ tự chơi được nhạc cụ, Phúc từng kiếm tiền bằng công việc thổi kèn đám ma, và ngay bây giờ khi đã là một bác sĩ uy tín, về Bắc Ninh đi đám hiếu, vui miệng nhảy vào thổi kèn, được ngay ông trùm của phường bát âm năn nỉ mời nhập hội với mức thu nhập cao hơn hẳn tiền lương bác sĩ.

Chơi được nhiều nhạc cụ, tự học nhạc lý, Trần Văn Phúc bắt đầu sáng tác nhạc, như một cách cân bằng an ủi tâm hồn mình. Làm thơ, viết văn, viết báo, công việc gì anh cũng tạo được dấu ấn. Ca khúc của Trần Văn Phúc nhạc sĩ, y như con người anh, sâu lắng, nhẹ nhàng, khúc triết, cũng là những bản ballad thấm đẫm tình người, cùng những suy tư của kiếp nhân sinh. Phúc không cố tình chọn âm nhạc, mà âm nhạc đã chọn anh, như tìm thêm cho mình tri âm tri kỷ. "Heo may chiều", "Gió và mưa", "Thương nhớ mùa đông", "Trái tim"... qua giọng hát của ca sĩ Hồng Dung đều tạo được dấu ấn cá nhân.

Không chỉ sáng tác, với sở học chỉn chu và tinh thần trách nhiệm cao, Trần Văn Phúc còn dành thời gian trong chuỗi ngày tháng quá bận rộn của mình viết nhiều bài phê bình, nghiên cứu lí luận có ích thực sự với công chúng rộng rãi: "Âm nhạc với sức khỏe", "Cho thai nhi nghe nhạc: có lợi nhưng chớ lạm dụng", "Điệu buồn cung la thứ"... Bởi vậy, dù quay cuồng với hàng tá công việc ở viện, Trần Văn Phúc vẫn cố xắp xếp thời gian đảm nhiệm chức phận biên tập cho trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà anh là hội viên, để dùng kiến thức phục vụ vô điều kiện cho cộng đồng.

2014 là một năm đặc biệt của bác sĩ, nhạc sĩ Trần Văn Phúc. Những bài viết của anh về y đức trong khoảng thời gian đó đã thành đề cương cho kịch bản của bộ phim tài liệu "Nỗi đau người thầy thuốc" giành giải vàng trong Liên hoan truyền hình toàn quốc. Phúc cũng là nhân vật của phim, một bác sĩ chưa bao giờ nhận phong bì, một bác sĩ đau đáu với việc chăm chút, nâng giấc cho sức khỏe bệnh nhân làm mục đích sống của mình. Trần Văn Phúc cũng được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam bình chọn trong danh sách 1 trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu của năm, với một lễ vinh danh vừa diễn ra có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Nhiều năm sau ngày ra trường, anh vẫn bằng lòng với danh vị một bác sĩ, ngày ngày tự trau dồi chuyên môn từ thực tiễn công việc, luôn có ý thức tự đào tạo, làm mới mình trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, không chịu đi học để lấy học hàm, học vị này kia. Tự thấy đời mình may mắn vì được làm nghề mình thích, được sống với đam mê mình yêu, có một gia đình ấm êm hạnh phúc và đặc biệt hơn, luôn có những người bạn, những bệnh nhân cũ luôn dõi theo cuộc sống của bác sĩ Phúc như một sự ghi ơn thầm kín.

Ngày cận Tết, không ít bệnh nhân đã ra viện tìm tới nhà bác sĩ, mở tủ lạnh rồi xuýt xoa sao vẫn còn thiếu nhiều thứ thế này, và tự nguyện đi mua sắm để chất đầy vào các ngăn để đồ đang rỗng. Tấm ân tình ấy, với bác sĩ, nhạc sĩ Trần Văn Phúc, chính là mệnh lệnh, là lời nhắc nhở mà anh luôn ghi tạc trong lòng, để phụng sự bệnh nhân của mình bất vụ lợi như một cách anh lựa chọn để tri ân số phận, tri ân cuộc đời...

Ngô Hương Sen
.
.