Trào lưu ảnh kỷ yếu: Của để dành cho ký ức?

Thứ Năm, 02/07/2020, 08:51
Mỗi độ cuối hè, học sinh, sinh viên sắp tốt nghiệp ở hầu khắp các ngôi trường trên toàn quốc lại nô nức rủ nhau đi chụp ảnh kỷ yếu để gìn giữ những kỷ niệm thanh ngần, tươi đẹp của một thời cắp sách. Điều ấy quan trọng đến mức, giới trẻ vẫn nói đùa với nhau rằng, có thể nhịn ăn, nhịn mặc nhưng năm cuối cấp thì không thể “nhịn chụp ảnh kỷ yếu”.


Không ai biết chính xác trào lưu chụp ảnh kỷ yếu xuất hiện từ khi nào. Có lẽ nguồn gốc sâu xa của nó gắn liền với sự ra đời của chiếc máy ảnh. Chỉ biết rằng, ngày trước, nhắc đến kỷ yếu, người ta thường nghĩ ngay đến những bức ảnh lưu niệm của sinh viên năm cuối các trường cao đẳng, đại học. Họ là những người từ khắp các tỉnh thành, theo tiếng gọi ước mơ mà về chung dưới một mái trường.

Rồi đây, sau mấy năm gắn bó, khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân, mỗi người lại định hướng cho mình công việc riêng với những chân trời mới. Vì vậy, ảnh kỷ yếu về trường lớp, thầy cô, bạn bè giống như thứ của - để - dành cho ký ức giữa dòng thời gian không ngừng vận động.

Khoảng dăm năm trở lại đây, không chỉ rầm rộ ở bậc cao đẳng, đại học, trào lưu chụp ảnh kỷ yếu đã trở thành một hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ mọi cấp. Trung học phổ thông chụp ảnh kỷ yếu. Trung học cơ sở chụp ảnh kỷ yếu. Và chẳng chịu thua chị, kém anh, tiểu học hay mầm non cũng hớn hở chụp ảnh kỷ yếu. Khi con ve rát giọng gọi hè, không khó để bắt gặp những tốp học sinh xúng xính áo quần và những đạo cụ liên quan, bắt đầu cho những cuộc chụp ảnh kỷ yếu có thể kéo dài nhiều ngày liền. Không khí tưng bừng, hân hoan như trẩy hội. Để rồi mấy ngày sau đó, trên Facebook, Zalo, Instagram... ảnh kỷ yếu “sống ảo” được trưng bày tràn ngập.

Những bức ảnh kỷ yếu na ná giống nhau làm cho trào lưu ảnh kỷ yếu bị nhàm chán (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Bên cạnh ý nghĩa lưu giữ những khoảnh khắc quý giá đánh dấu mỗi chặng đường đi qua, chụp ảnh kỷ yếu còn là cơ hội hiếm hoi mà học sinh, sinh viên được thoải mái thư giãn một chút, trút bớt gánh nặng học hành, nạp đầy năng lượng tinh thần tích cực, sẵn sàng cho cuộc vượt vũ môn sắp tới. Tiếng ve đâu đó trong những vòm hoa phượng rực tràn sắc đỏ như gợi nhắc trong lòng mỗi người lời ca da diết: “Và ngày sau biết có còn gặp lại?” (Phượng hồng). Ấy cũng chính là lúc đứng sát vai nhau, chụp chung một tấm hình cũng đủ để làm lý do bỏ qua mọi dỗi hờn, mâu thuẫn. Tình bạn được kết nối khăng khít, thân thiết hơn bằng những cử chỉ quan tâm, chia sẻ chân thành.

Không ngoa khi nói rằng, đối với học sinh, sinh viên thời nay, chụp ảnh kỷ yếu là sự kiện trọng đại ngang ngửa với chụp ảnh cưới. Mọi thứ được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, kỹ càng chẳng khác nào một ekip thời trang chuyên nghiệp. Mấy ai không ham chụp ảnh khi mình còn trẻ đẹp, còn phơi phới sức xuân dào dạt? Nhịp sống xô bồ chẳng bao giờ dừng lại chờ đợi một ai? Con người cũng không có phép nhiệm màu nắm níu thanh xuân rạng rỡ. Những bức ảnh kỷ yếu phần nào đó giúp mỗi người chống lại sự lãng quên trước thời gian hay để thêm đôi lần tìm về hoài niệm êm đềm trong những khoảng lặng đầy suy tư, chiêm nghiệm.

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung từng viết: “Kỷ niệm là tấm thảm đẹp thi thoảng đem ra phơi”. Mười năm, hai mươi năm sau, có dịp hội ngộ nhau trong một buổi họp lớp hay sự kiện đặc biệt nào đó, bạn bè quây quần bên những bức ảnh kỷ yếu cũ, nhắc tên người này, ngắm nhớ người kia, gợi kể về những câu chuyện “hậu trường” ấn tượng đằng sau đấy, tự thấy mình đã trưởng thành lên qua từng giai đoạn.

Hoặc đơn giản là thoáng chút ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa khi chợt nhận ra người thầy tóc bạc năm nào đã không còn nữa, cây phượng ngày xưa đã bật gốc sau mưa... Ngôi trường vẫn ở đó, nhưng nhiều thứ đã đổi thay. Thế mới thấm thía thời gian khắc nghiệt thế nào...

Ý nghĩa của ảnh kỷ yếu là những gì giản dị và thiêng liêng như vậy. Nhưng có một thực tế là nó đang ngày càng giảm bớt sự trong trẻo, hồn nhiên, mộc mạc, nhất là đối với lứa tuổi học trò. Và nữa, thay vì thi đua trong học tập, không biết tự bao giờ, chụp ảnh kỷ yếu đã biến tướng thành một cuộc - chạy - đua so bì độ “chất chơi” giữa lớp này với lớp khác, trường này với trường khác. Những gương mặt được make up quá đậm. Những kiểu tóc nhuộm uốn cầu kỳ. Những bộ trang phục công phu, diêm dúa... Đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư cho những cuộc chụp ảnh kỷ yếu là không hề nhỏ. Nhiều lớp phải chi đến hàng mấy chục triệu đồng cho một bộ ảnh kỷ yếu ưng ý chẳng còn là chuyện hiếm.

Đa số các học sinh đang độ tuổi gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phụ huynh về kinh tế. Mặt khác, không phải bậc cha mẹ nào cũng đủ điều kiện để sẵn sàng chi cho con em cả triệu đồng phục vụ việc chụp ảnh kỷ yếu khi trên vai họ đang gồng gánh hàng chục khoản lo khác cấp thiết hơn như: Điện, nước, ốm đau, học phí, sách vở...

Đầu tư công phu cho ảnh kỷ yếu để kỷ yếu thực sự là “của để dành” trong ký ức tuổi học trò.

Điều đó vô tình dẫn đến hai nguồn mâu thuẫn cơ bản mỗi mùa kỷ yếu: Mâu thuẫn giữa những học sinh cùng chung một lớp và mâu thuẫn giữa con cái với cha mẹ. Vì kỷ yếu mà có trường hợp bạn bè nảy sinh xích mích, đánh nhau. Vì kỷ yếu mà có em học sinh nhắm mắt làm liều trộm cắp tiền của gia đình, hàng xóm. Và rất nhiều những câu chuyện oái oăm, dở cười, dở khóc khác.

Đầu tư lớn về tiền bạc liệu sẽ mang lại hiệu quả? Có một thực tế là năm này sang năm khác, ngồi lướt mạng xã hội xem kỷ yếu, hẳn không ít người ngờ ngợ gặp ảnh này, ảnh nọ ở đâu đó rồi? Song, cố lục lọi trong ký ức mãi vẫn không tài nào nhớ nổi. Bởi lẽ, ảnh kỷ yếu của hầu hết các trường lớp đều na ná nhau về màu sắc, bố cục như những bộ đồng phục sản xuất dây chuyền. Khi ý tưởng nghèo nàn, trùng lặp kết hợp với cách thể hiện gượng gạo, một màu thì chưa cần xem ảnh cũng biết ngay chất lượng thế nào. Như vậy, ảnh kỷ yếu vừa không đạt đến một giá trị thẩm mĩ nhất định, vừa chẳng ghi lại nổi những khoảnh khắc chân thật của thời áo trắng theo phong cách tự nhiên nhất.

Rút kinh nghiệm từ sự nhàm chán ấy, có những lớp đã hội ý, bàn bạc kỹ càng, lên kế hoạch một cách rõ ràng, sáng tạo để “ra lò” những sản phẩm kỷ yếu đặc sắc “chất như nước cất”. Lại có lớp quá chăm chú vào combo “độc - lạ” cho những bức ảnh chẳng giống ai, nhất là khi các em chụp trên bãi biển và thỏa sức dùng cát tạo ra đủ thứ hình thù phản cảm.

Đáng buồn thay, những bức ảnh ấy lại thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt like, comment thích thú và được cộng đồng mạng share với tốc độ chóng mặt như một thú vui sảng khoái. Và điều đáng bàn khác là khi học sinh, sinh viên quá mải mê kỷ yếu thì việc tập trung học tập, ôn luyện trong giai đoạn nước rút đã hóa thành thứ yếu?

Chụp ảnh kỷ yếu, thú vị đấy nhưng cũng đầy bất cập. Nhà trường và phụ huynh cần làm gì để việc chụp ảnh kỷ yếu của con em mình vừa được trả lại ý nghĩa sâu xa ban đầu của nó, vừa không lãng phí, nhố nhăng? Bài toán ấy bao mùa hạ trôi qua vẫn khó tìm cho ra một lời giải trọn vẹn. Và nữa, vì chú trọng kỷ yếu mà những nét đẹp khác của tuổi học trò hoặc là bị thờ ơ, hoặc đang dần mai một.

Ngày nay, chắc chẳng còn mấy học trò chuyền tay nhau cuốn lưu bút ép đầy cánh phượng? Có ai cặm cụi nắn nót vần thơ tỏ tình sướt mướt trước giây phút chia tay? Ảnh kỷ yếu sẽ mô tả được nhiều thứ bề mặt. Nhưng những điều thầm kín, riêng tư thì chỉ con chữ mới truyền tải nổi. Vậy mà...

Lại một mùa kỷ yếu học đường nữa đang gõ cửa. Vì ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, mùa kỷ yếu năm nay đến muộn hơn, khi bầy ve đang dần tắt tiếng. Đâu đó trên một số sân trường, những thân phượng già cũng vừa bị lưỡi cưa bức tử. Học sinh, sinh viên vẫn đang cùng lúc rục rịch ôn thi và chụp ảnh kỷ yếu như mọi năm, nhưng có lẽ cảm xúc lần này sẽ khác...

Phan Đức Lộc
.
.