Trao đổi với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý về một nhận định
Dù có lãng mạn và bay bổng đến đâu, người lính khi xung trận chỉ nghĩ đến chiến thắng và sự trở về, trước khi nghĩ đến thơ hay điều gì khác. Thật khó có thể hình dung nổi một ai đó lại coi thơ cao hơn, đáng quý hơn sự sống!
Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2006
Kính gửi: Ban Biên tập Văn nghệ Công an
Tôi là một bạn đọc thường xuyên của quý báo, rất tâm đắc với nhiều bài viết trên Văn nghệ Công an.
Số báo mới đây nhất, ra ngày 17 tháng 4 năm 2006, có bài viết, nhan đề: “Nhà thơ đã viết hàng ngàn câu thơ trận mạc”, của tác giả Nguyễn Hữu Quý, giới thiệu về nhà thơ quân đội Nguyễn Đức Mậu, một người làm thơ khá nổi tiếng, có nhiều bài thơ tôi rất thích. Bài viết giúp tôi hiểu thêm và thêm yêu quý nhà thơ này.
Song, trong bài viết của Nguyễn Hữu Quý có một câu mà khi đọc xong tôi cứ băn khoăn mãi, thực lòng là không thể đồng tình với tác giả. Tác giả viết: “…Cũng hành quân, cũng đi chiến dịch, cũng khoét đất, đào hầm, cũng cơm nắm lương khô, cũng lăn lóc nơi tơi bời bom đạn như hàng vạn người lính khác nhưng với anh cái thử thách lớn nhất chưa phải là cái chết mà là thơ ” (tôi xin nhấn mạnh ý này).
Là một nhà báo, cũng có làm thơ và cũng có những tháng năm “lăn lóc nơi tơi bời bom đạn” như Nguyễn Hữu Quý viết, tôi nghĩ thử thách lớn nhất, đối mặt với người lính xung trận là sự sống và cái chết, chứ không phải là cái gì khác. Dù có lãng mạn và bay bổng đến đâu, người lính khi xung trận chỉ nghĩ đến chiến thắng và sự trở về, trước khi nghĩ đến thơ hay điều gì khác. Thật khó có thể hình dung nổi một ai đó lại coi thơ cao hơn, đáng quý hơn sự sống! Nếu không còn sự sống thì liệu có còn thơ không? Sao lại có thể viết “cái thử thách lớn nhất chưa phải là cái chết mà là thơ”? Tôi nghĩ, trước khi muốn có thơ hay, thơ “để đời” thì trước hết phải nghĩ đến thực thể tồn tại của người làm ra nó, nghĩa là phải nghĩ đến sự sống và ý nghĩa của sự sống đó, đâu phải đã nghĩ đến thơ và sự sáng tạo ra thơ. Dù có cao siêu đến đâu, thơ không phải là tất cả và càng không thể thay cho sự sống chết của mỗi con người. Tất nhiên có những câu thơ bất hủ của các nhà thơ đã hy sinh còn sống mãi trong lòng người đọc, song không phải vì thế mà có thể nói rằng “cái thử thách lớn nhất chưa phải là cái chết mà là thơ” như là Nguyễn Hữu Quý đã viết.
Mong Ban Biên tập coi đây là một ý kiến được trao đổi của một bạn đọc yêu thơ và của một người có biết làm thơ. Một lần nữa xin cảm ơn Ban Biên tập và tác giả Nguyễn Hữu Quý về bài báo trên đây