Tranh minh họa Việt có thể xuất khẩu ra thế giới?
Những dự án đình đám
Mới đây, tại một buổi đấu giá sôi nổi, bức tranh minh họa "Truyện Kiều" với tên gọi "Đoàn viên" của họa sĩ Thành Chương được bán với giá 65 triệu đồng. Nhiều tranh của các họa sĩ tên tuổi khác cũng có giá từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng.
Trong 10 ngày diễn ra đấu giá tại Đông A Gallery, đơn vị tổ chức triển lãm và đấu giá những tác phẩm minh hoạ, với mức giá khởi điểm chung là 0 đồng, kết thúc phiên đấu giá, tất cả các bức minh họa "Truyện Kiều" đã được chốt giá từ mức 7,2 triệu cho đến 65 triệu đồng. Trong đó, như đã nói, bức tranh có mức giá cao nhất là "Đoàn viên" của họa sĩ Thành Chương, tiếp đến là bức "Thúy Kiều và Thúc sinh" của họa sĩ Đinh Quân (45 triệu đồng), bức "Kiều ở thảo am, tu cùng sư Giác Duyên sau khi được cứu" của họa sĩ Hồng Việt Dũng (41,7 triệu), bức "Mã Giám sinh đưa Kiều về Lâm Truy" của họa sĩ Đặng Xuân Hòa (30,2 triệu đồng).
Bức "Đoàn viên" của hoạ sĩ Thành Chương có giá 65 triệu đồng. |
Hai minh họa "Kiều mắc lừa Bạc Bà, Bạc Hạnh" của họa sĩ Phạm An Hải và "Hồ Tôn Hiến" của họa sĩ Lê Quảng Hà cùng chốt ở mức giá 30 triệu... Cũng với mức khởi điểm 0 đồng, bộ tranh minh họa "Lục Vân Tiên" của họa sĩ Nguyễn Công Hoan đã đấu giá thành công với mức 48 triệu…
Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: "Giá trị của "Truyện Kiều" với người dân Việt Nam đã được khẳng định. Với ấn bản mới lần này, chúng tôi chỉ mong giữa văn và họa có sự gắn bó quấn quýt với nhau. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, các họa sĩ đều có sự nhìn nhận, hiểu, vẽ tranh về "Truyện Kiều" với tinh thần, quan niệm của giai đoạn đó rất rõ.
Với bộ tranh minh họa lần này, những họa sĩ của thời mở cửa mong muốn góp một cách nhìn mới gần gũi với thế hệ trẻ hơn, để qua "Truyện Kiều" ấn bản mới này, thấy được chân dung tương đối của người họa sĩ, và qua con mắt của họa sĩ sẽ thấy một cách thể hiện khác về "Truyện Kiều", với mục tiêu gần gũi hơn với đại chúng, với tư duy, thị giác của giới trẻ hiện nay. Giới họa sĩ mong muốn góp một phần nhỏ để tiếp tục nuôi dưỡng, giúp "Truyện Kiều" sống mãi, phát huy giá trị trong thời kỳ mới".
Họa sĩ Trần Đại Thắng - Giám đốc Công ty Đông A Books khẳng định: "Chúng tôi đầu tư hai bộ sách đặc biệt "Truyện Kiều" và "Lục Vân Tiên", mời các họa sĩ tên tuổi hàng đầu cùng tham gia với mong muốn làm mới những tác phẩm quen thuộc với bạn đọc, hướng tới đối tượng người đọc phổ thông hiện đại, qua đó, phác họa phần nào diện mạo của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Hoạt động đấu giá 2 bộ tranh minh họa nhằm làm phong phú hơn đời sống văn học nghệ thuật đương đại".
Một tác phẩm tiêu biểu khác - "Hoàng tử bé" của văn hào Pháp Antoine de Saint - Exupéry là tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển thế giới. Tại Việt Nam, đã có nhiều phiên bản "Hoàng tử bé" do các dịch giả khác nhau chuyển ngữ, phiên bản truyện tranh. Nhưng một cuốn sách có minh họa do họa sĩ Việt Nam thực hiện thì đây là lần đầu tiên xuất hiện.
Ấn phẩm "Hoàng tử bé" với những minh họa màu của họa sĩ Nguyễn Thành Vũ quả là khá ấn tượng. Người vẽ minh họa "Hoàng tử bé" không chỉ có tài năng hội họa, mà còn yêu thích tác phẩm của Antoine de Saint - Exupéry. Khi nhận lời minh họa cuốn sách, họa sĩ Nguyễn Thành Vũ coi đó là một cơ hội, nhưng cũng là một áp lực.
"Hoàng tử bé" là cuốn sách tôi rất yêu thích, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, trong nhiều năm. Cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt với tôi bởi tôi luôn thấy mình trong "Hoàng tử bé", đồng cảm với cậu và yêu quý cậu" - Anh cho biết. Bởi vậy, minh họa "Hoàng tử bé" là cơ hội để Thành Vũ thể hiện tác phẩm theo suy nghĩ của mình, được hết lòng thể hiện tình yêu của mình dành cho tác phẩm. Cuốn sách mộng mơ, đầy triết lý này phù hợp với nhiều lứa tuổi độc giả. Khi có phiên bản sách tranh minh họa sẽ giúp độc giả, nhất là độc giả nhỏ cảm thụ tốt hơn tác phẩm này.
Bàn về cuốn truyện tranh minh họa "Lĩnh Nam chích quái" của Tạ Huy Long, theo họa sĩ, những bức tranh của anh được lấy cảm hứng từ chính tên cuốn truyện lịch sử nổi tiếng. Trên mỗi trang sách, tranh chiếm phần lớn không gian để minh họa cho phần nội dung được anh cô đọng từ nguyên tác. Tác giả tranh cho rằng những sự kiện lịch sử sẽ không còn khô khan, gói gọn trong con chữ, giới trẻ có thể tiếp cận một cách sống động hơn.
Họa sĩ kết hợp kỹ thuật đồ họa truyền thống và hiện đại, không đi sâu tỉa tót hiện thực mà sử dụng lối vẽ ước lệ. Màu sắc sử dụng trong cuốn truyện xuất phát từ sự liên tưởng của Tạ Huy Long. Anh tưởng tượng đến gam màu của đất, màu sắc của kim khí thô sơ để vẽ. Các diễn giả đánh giá cao về hình thức thể hiện của cuốn sách. Tiến sĩ văn học Tô Lan nhận xét: "Từng bức tranh của Huy Long có hàm lượng văn hóa rất dày dặn, thấm đậm tinh thần quốc tế. Chúng thể hiện sự hài hòa giữa ba nền văn hóa Chăm, Hán và Việt".
Minh họa màu "Hoàng tử Bé" của họa sĩ Nguyễn Thành Vũ. |
Chị Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng - cho biết, ấn phẩm mang lại giá trị mới cho tác phẩm cũ, đáp ứng thị hiếu bạn đọc. Cuốn truyện tranh của họa sĩ là sự kết hợp những tìm tòi về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Qua đó, người trẻ có cơ hội được tiếp cận với nhiều tác phẩm dân gian hơn nữa. "Lĩnh Nam chích quái" tập hợp những truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam như "Truyện họ Hồng Bàng", "Tản Viên", "Phù Đổng Thiên Vương"...
Có những truyện là sự tích thời Bắc thuộc như "Việt tỉnh"(Giếng Việt), "Nam Chiếu"... hoặc thần tích thời Lý - Trần như "Từ Đạo Hạnh" và "Nguyễn Minh Không", "Hà Ô Lô"... Theo các nhà nghiên cứu, "Lĩnh Nam chích quái" là bộ sưu tập truyền thuyết, truyện cổ tích của nhiều tác giả. Tác phẩm được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần.
Không thua kém các nước
Năm 2015, tác phẩm "Trái tim của mẹ" do Hoài Anh viết lời, Đậu Đũa vẽ đã đoạt Giải thưởng Grand Prize của cuộc thi Samsung KidsTime Authors' Award dành cho các tác giả Đông - Nam Á. Tác phẩm được họa sĩ Đậu Đũa trau chuốt tỉ mẩn bằng mầu nước đã thật sự khiến người đọc rung động.
Cũng trong năm này, tại cuộc thi Scholastic Picture Book Award ở Singapore, tác phẩm "Hành trình đầu tiên" của hai họa sĩ trẻ Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đã vượt qua hàng trăm bài thi từ khắp châu Á để được tôn vinh ở ngôi vị cao nhất. Song song với câu chuyện đậm đà hương vị miền Tây Nam Bộ, "Hành trình đầu tiên" ghi điểm với bạn bè quốc tế với phần mỹ thuật sống động, hiện đại, tạo nên hiệu ứng thị giác đặc sắc. Minh họa của các họa sĩ Việt Nam hiện nay không hề thua kém các họa sĩ nước ngoài. Đó là khẳng định của bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng trong buổi giao lưu ra mắt ấn bản "Hoàng tử bé" minh họa màu đầu tiên do họa sĩ Việt Nam minh họa gần đây.
Nhiều NXB Việt Nam đang phát hành những ấn bản các tác phẩm văn học kinh điển thế giới và tác phẩm của các tác giả nước ngoài nổi tiếng với minh họa màu rất đẹp. Tiền mua bản quyền tranh minh họa thông thường đắt hơn rất nhiều so tiền bản quyền phần nội dung truyện. Chính vì vậy, nhiều NXB chỉ mua bản quyền nội dung, còn phần minh họa sẽ thuê họa sĩ Việt Nam thực hiện. Theo họa sĩ Tạ Huy Long - Trưởng phòng Kỹ Mỹ thuật NXB Kim Đồng - một trong những họa sĩ minh họa sách thiếu nhi hàng đầu Việt Nam hiện nay, nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, với chất lượng mỹ thuật tốt. Các họa sĩ trẻ có cái nhìn hiện đại và phóng khoáng, nét vẽ tỉ mẩn, tinh tế, cách xử lý màu tốt.
Có một thực tế, những tác phẩm tranh truyện dân gian - đặc sản của Việt Nam, được "tưởng" là dễ bán bản quyền sách ra nước ngoài. Nhưng thật ra, để độc giả nước ngoài hiểu và cảm được truyện dân gian Việt Nam cần phải có những truyện có motip mang tính phổ quát. Vì thế, trong hoàn cảnh hiện nay, những tác phẩm kinh điển thế giới, với minh họa màu do họa sĩ Việt Nam thực hiện, phải chăng là hướng xuất khẩu mới cho sách Việt?
Để có được sự hình thành nền móng đầu tiên cho thị trường tranh Việt, phải kể đến sự xuất hiện và vai trò của các nhà đấu giá tích cực bằng nhiều hoạt động nổi bật. Đông A và sàn đấu giá tranh RealArt với nhiều cuộc đấu giá và hội chợ nghệ thuật tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những điển hình.