Trần Quang Sơn và sự tỉnh thức

Thứ Năm, 14/01/2021, 09:43
Tối 10/1 vừa qua, tại Nhà hát trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật giới thiệu MV "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện" của ca sĩ, nhạc sĩ Trần Quang Sơn. Chương trình đã gây xúc động bằng những ca khúc mới của một tác giả trẻ lăn lộn với cuộc sống, hướng đến bảo vệ môi trường.


Số tiền từ bán đĩa và bán tranh do một họa sĩ gửi tặng sẽ được dùng để ủng hộ học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Từ một nỗi đau

Tôi đã tham dự nhiều chương trình âm nhạc thiện nguyện, và đêm nhạc của nhạc sĩ trẻ Trần Quang Sơn thật sự khiến tôi và nhiều người có mặt xúc động. Không chỉ bởi các ca khúc đi vào lòng người mà còn bởi sự nhiệt tình của tác giả, khi thực hiện chương trình, với mong muốn cất tiếng nói bảo vệ thiên nhiên, hướng đến cải thiện môi trường chung của chúng ta, để thiên nhiên bớt nổi giận, bớt trút bão lũ xuống đầu người dân. Cùng MV "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện", chương trình nghệ thuật cùng tên của Sơn sẽ nối dài, cùng thông điệp nhân văn.

Trong MV, những ca khúc "Quê hương ru hời", "Niệm khúc mưa Hà Nội", "Mở lòng", "Tình không tên thứ ba", "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện", "Tĩnh"… là những tiếng nói đa thanh của một người con ngoại thành Hà Nội dành cho đời, cho người và cho cả những điều nhân nghĩa trên quê hương Việt Nam.

Xuyên suốt những ca khúc trong MV là câu chuyện cuộc đời của Sơn, cũng như của nhiều người khác, từng vấp ngã, ham mê hư danh, thậm chí chìm trong tuyệt vọng. Đến khi tập thiền, Sơn ngộ ra những giá trị đích thực của cuộc sống, chiều sâu tâm hồn.

Nhạc sĩ Trần Quang Sơn (bên trái) tại chương trình. 

Khi nghe ca khúc "Quê hương ru hời", chúng ta thấy hiện lên sự bình yên của các làng quê, với bầu trời bình yên mây trắng, những dòng sông, bến nước, cánh đồng và bao điều nhân nghĩa trong lối ứng xử của con người với nhau. "Niệm khúc mưa Hà Nội" đầy chất thơ, chất Hà Nội dưới cái nhìn của một người trẻ mà tinh tế, với nhiều trải nghiệm, khát vọng. "Mở lòng" thì lại là một tinh thần hào sảng, hướng đến đón nhận và chia sẻ điều tốt đẹp, thương yêu…

Ca khúc "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện" là tên chung của MV, găm vào người những cung bậc. Lúc thầm thì, lúc lặng đi, lúc như thét gào, kêu cứu. "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện/ Ngoài kia thiên nhiên đang giận dữ/ Trên kia vũ trụ đang thét gào/ Vì đâu đau thương tràn ngập thế gian?/ Hãy nhận lỗi và dừng lại/ Hãy nhận lỗi và dừng lại/ Hãy nhận lỗi và dừng lại/ Biển khơi mênh mông đang dậy sóng/ Xa trông cánh rừng đang khóc hận/ Và nghe trong đêm lời ca ai oán…".

Chia sẻ về ca khúc này, Trần Quang Sơn kể lại, trong một đêm tháng 10, khi bão số 8 vừa đổ vào miền Trung, một người bạn đã gửi cho anh hình ảnh tang thương của một ngôi làng sau bão, trong đó có một bức ảnh em ngập trong bùn đất. Sơn không ngủ được, cảm thức trong anh trỗi dậy, nỗi đau đớn trỗi dậy và anh muốn làm một việc gì đó để góp phần đừng có nỗi đau như thế. 

Anh đã viết xong bài hát trong đêm cả nước hướng lòng về miền Trung. "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện… Hãy nhận lỗi và dừng lại". Âm hưởng lặp đi lặp lại, vừa nhắn gửi vừa kêu gọi. Vừa như chính tác giả đang cất lời nhận lỗi chung. Tất cả đều là tiếng nói kêu gọi con người, kêu gọi chúng ta, vì chính con người là thủ phạm, cũng là nạn nhân gây tổn thương mẹ thiên nhiên.

Cũng là một người viết văn trẻ đầu tư viết những tác phẩm lên tiếng bảo vệ môi trường, tôi hiểu nỗi lòng của Sơn. Sơn biết dùng ngôn từ trong âm nhạc làm công cụ chiến đấu, và bảo vệ. Sơn tâm sự: "Tôi mong rằng thông điệp của "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện" sẽ được lan tỏa rộng rãi không chỉ ở Việt Nam, mà chạm sâu vào tâm thức toàn nhân loại, để con người thực sự biết yêu thương nhau, yêu thương muôn loài, tri ân và hòa hợp thiên nhiên. Tôi tin cuộc sống của chúng ta sẽ mỗi ngày mỗi tốt đẹp, trái đất của chúng ta sẽ dần trở lại thuở ban sơ. Điều mong ước nữa là con người biết nhìn vào bên trong tâm thức của chính mình và nhận ra giá trị hạnh phúc, an lạc ở bên trong".

Khi nghệ sĩ chung tay

Nhạc sĩ Trần Quang Sơn sinh năm 1984 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông ngoại anh là nhà nghiên cứu văn hóa, viết chèo và sáng tác thơ. Mẹ là nghệ sĩ múa. Bố anh là ca, nhạc sĩ Thương Linh (Trần Nguyên Thành), đều công tác trong ngành văn hóa, nghệ thuật của tỉnh Hà Sơn Bình trước kia. 

Sự nghiệp sáng tác và đặc biệt là bài "Ước đến" của nhạc sĩ Thương Linh đã ảnh hưởng rất lớn đến tính nội tâm trong sáng tác của Sơn. Sơn từng học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Không chỉ sở hữu giọng hát dày, giàu nội lực, Trần Quang Sơn còn có tài sáng tác nhạc. Đến nay anh đã viết hàng trăm ca khúc các thể loại, được phát trên sóng phát thanh, truyền hình…

Các nghệ sĩ tham dự chương trình.

Tham dự chương trình, dự án thiện nguyện lần này có nhiều gương mặt tên tuổi như NSND Trần Nhượng, NSƯT Đức Long, ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ - diễn viên Amy Lê Anh, ca sĩ Kim Huyền Sâm, diễn viên Trường Thịnh, nhạc sĩ Đăng Nước, ca sĩ Sao Mai Hiền Anh, diễn viên Mai Thu Huyền…

Không phải đến bây giờ các nghệ sĩ mới tham gia hoặc chung tay cho việc thiện nguyện. Nhiều người đã làm điều đó từ cả chục năm qua. Khi "gặp" Sơn, các nghệ sĩ đều xúc động và không thể đứng ngoài cuộc trước một công việc giàu ý nghĩa. 

Đa số các nghệ sĩ đều cho rằng, âm nhạc là một trong những loại hình dễ tác động vào tâm tính người nghe và có khả năng tạo sự lan tỏa cao. Thông qua những MV, các thông điệp cũng dễ dàng đến với công chúng. Đặc biệt những năm qua các nghệ sĩ trẻ không đứng ngoài cuộc trước các vấn đề thời sự nóng bỏng.

Diễn viên Mai Thu Huyền tâm sự: "Mỗi khi đọc được những thông tin về tình hình lũ lụt và những thiệt hại nặng nề mà bà con miền Trung phải gánh chịu, tôi cảm thấy vô cùng xót xa và thực sự lo lắng về tình trạng thiên tai ngày một tăng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Buồn hơn là nguyên nhân đều bắt nguồn từ chính con người. Vì vậy hiện nay việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống của chúng ta là quan trọng hơn bao giờ hết. 

Khi nhận được lời mời từ nhạc sĩ Trần Quang Sơn, tôi đã nhận lời ngay lập tức, vì với những dự án thiện nguyện thì tôi luôn sẵn lòng tham gia trong khả năng của mình. Khi nghe giai điệu và hát từng lời của ca khúc này, tôi càng thấy thấm thía. Tôi tin chắc là bất kỳ ai khi nghe cũng sẽ tự kiểm điểm chính mình xem đã ứng xử với môi trường sống của chúng ta đúng chưa, có làm gì để phải sửa sai hay không và nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên với con người".

Là người từng đi thiện nguyện nhiều nơi, trong đó có các tỉnh ở miền Trung trong những ngày bão lũ, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: "Cuộc sống mỗi người có  lúc thế này, thế khác, nhưng tôi luôn mong mỗi người đều có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Cứ gieo điều tốt sẽ gặt quả thiện".

Tin vào sự lan tỏa

Thành công của đêm nhạc không chỉ là đem lại cảm xúc chia sẻ, mà về vật chất cũng đáng chú ý. Một "Mạnh Thường Quân" sẽ đầu tư một thư viện sách cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam). Một bức tranh được bán đấu giá 60 triệu đồng cũng sẽ được chia sẻ với các học sinh nghèo tại đây. Thầy giáo Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My có mặt tại đêm nhạc, không giấu được niềm xúc động. Ông đã nghẹn lời tri ân chương trình, và thấy ấm lòng vì được sống trong vô vàn những điều tử tế, những chia sẻ của tình người.

Tôi biết hành trình thiện nguyện của Sơn sẽ kéo dài và tiếp tục lan tỏa. Bởi Sơn còn trẻ, có khát vọng và có tấm lòng. Những điều Sơn làm được cho các hoàn cảnh cũng chỉ như hạt cát, và bản thân Sơn cũng nghĩ vậy. Nhưng hàng tỉ hạt cát cộng lại sẽ thành núi cát. Hàng tỉ việc nghĩa sẽ làm cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Những việc nghĩa trong xã hội này đều là tài nguyên quý báu. 

Kết thúc bài viết này, tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta đang chung một suy nghĩ: Hãy cầu nguyện như một lời sám hối trước thiên nhiên và nhân rộng giá trị tốt đẹp của thiên nhiên đến thế hệ trẻ, tôn trọng và đề cao hành động góp phần bảo vệ tài nguyên bằng những việc làm thiết thực nhất dù là nhỏ nhất.

Nguyễn Văn Học
.
.