Trần Đăng Khoa – người xa lạ…

Thứ Bảy, 16/05/2020, 07:25
Tôi cảm thấy mắc nợ Trần Đăng Khoa khá nhiều khi trong các bài viết của mình tôi thường lấy anh ra làm đối tượng để “mổ ngang, xẻ dọc”. Mà có ai xứng đáng hơn Trần Đăng Khoa để làm một ví dụ tiêu biểu khi anh gần như là người duy nhất được coi là thần đồng văn chương nước Việt.


Đối với Trần Đăng Khoa tôi nhìn anh ở xa mà ít khi lại gần, thậm chí tôi chưa bao giờ nói chuyện “tay đôi” với anh mà thường trong một nhóm hoặc đứng ở một khoảng cách nhất định. Mà tôi nghĩ thế lại hay, ở những góc xa nhìn lại, tôi thấy anh theo cách của tôi và sự “xa lạ” này cho tôi yên tâm vì có những người, ta cần phải xa một chút mới nhìn rõ được.

Lần đầu tôi gặp Trần Đăng Khoa trong một đám đông, khi ấy tôi là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, anh đến nói chuyện với sinh viên. Tôi ở trong đám đông sinh viên ấy. Thời gian đã quá lâu, tôi không nhớ chính xác anh nói về chủ đề gì nhưng tôi nghĩ đó là về tình yêu vì còn nhớ một câu anh trích dẫn. Tình yêu là triệu chứng ở tuổi trẻ và tái phát ở tuổi già. Lúc đó tôi nghĩ anh chắc là cao thủ về bậc yêu đương nhưng sau này nhớ chuyện ấy tôi lại mỉm cười!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa và mẹ.

Trần Đăng Khoa lấy vợ rất muộn và tôi cứ mạnh mồm phán rằng, anh không tài cán gì trong việc “tán gái” cả, vì nếu giỏi thật sự về khoa mục ấy thì mọi chuyện đã khác. Cả nước biết tiếng Trần Đăng Khoa, nếu anh là kẻ đào hoa thì đã có nhiều “huyền thoại tình trường”  bao quanh lấy anh, giống như Hàn Mặc Tử hoặc Trịnh Công Sơn... Đằng này thì không hoặc ít nhất tôi chưa nghe thấy…

Trần Đăng Khoa có một người anh trai ở Quảng Ninh mà tôi gần gũi hơn nhiều, đó là nhà thơ Trần Nhuận Minh. Tôi đã từng đến nhà Trần Nhuận Minh chơi, từng ăn cơm ở đó và tôi biết hiếm người nào yêu em như Trần Nhuận Minh. Tất cả những tài liệu liên quan tới Trần Đăng Khoa đều được Trần Nhuận Minh cất và để riêng ra một chỗ. Trần Nhuận Minh đã từng chỉ cho tôi xem một kho tư liệu rất lớn về người em của mình, những khối báo cũ đã ố vàng được buộc thành từng bó, để ở trên gác cao, một nguồn tư liệu phong phú để tra cứu khi cần thiết.

Khi tôi lớn lên thì  “sóng xung động” về thần đồng Trần Đăng Khoa đã qua nhưng vẫn còn nhiều bài thơ của thi sĩ họ Trần được đưa vào trong sách giáo khoa. Ở cấp tiểu học, có lẽ Trần Đăng Khoa là nhà thơ được trích dẫn nhiều nhất. Tất nhiên rồi, Trần Đăng Khoa nổi tiếng với thơ thiếu nhi và rất nhiều trẻ em Việt Nam đã lớn lên với những bài thơ dễ đọc, dễ nhớ của thần đồng thi ca một thuở.

Có một câu chuyện về sự nổi tiếng của Trần Đăng Khoa thế này, có lần, đoàn công tác của cơ quan anh đến một địa phương miền núi. Khi ấy Trần Đăng Khoa chỉ là một nhà thơ thuần tuý, không chức tước gì, nhiều người trong đoàn có chức vị và phẩm hàm cao hơn anh nhưng đám đông ùa ra chỉ mừng rỡ và đón chào mỗi Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa là số một, là cái tên được thuộc lòng, những người khác là số thứ bao nhiêu, công chúng chưa biết… 

Trần Đăng Khoa là nhà thơ thuần tuý trong một thời gian dài và tôi tự vấn về tâm trạng của anh thời ấy. Buồn hay vui, cao ngạo hay thất vọng?  Nhưng rồi tôi lại nghĩ, chính sự thuần tuý này tạo cơ hội cho anh có một khuôn mặt khác. Trần Đăng Khoa từng công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội một thời gian và làm phóng viên. Nhà thơ lừng danh được phân công về ban lí luận phê bình của Tạp chí. Tôi không hiểu vì sao có sự phân công này vì khi tôi về Văn nghệ Quân đội thì anh đã không còn ở đó. Ấy là một sự tréo ngoe hay là bi kịch của một tài năng không có chân trời?

Ở Ban Lí luận phê bình, anh viết những bài chân dung và phỏng vấn rất hay. Tôi đặc biệt thích những bài anh viết về Lê Lựu, Phù Thăng, Khuất Quang Thuỵ… và sau anh tập hợp thành cuốn “Chân dung và đối thoại”  một cú bẻ ngoặt rất ngoạn mục, sôi nổi làm nên một phiên bản khác của Trần Đăng Khoa. Lém lỉnh, cá tính và hài hước trong thể loại phê bình và chân dung.

Tôi đã đọc tập “Chân dung và đối thoại” của anh vài lần, khi nó mới ra đời và lúc tôi làm nghề. Tôi thấy anh dũng cảm và tự tin, tất nhiên với một người như Trần Đăng Khoa, anh không dũng cảm, tự tin thì ai dám dũng cảm tự tin. Nhưng nên nhớ thời điểm cách đây độ hai mươi năm, làm được như thế đã là một cú chấn động khá lớn trong làng văn.

Quay lại cái sự không may mắn của Trần Đăng Khoa về đường quan lộ,  tôi cho rằng  đó là sự may mắn của anh. Nếu anh có một chức vị quá sớm, liệu Trần Đăng Khoa có viết nữa không? Tôi đã nhìn thấy nhiều ông quan văn nghệ từ khi có chức lớn thì không viết hoặc viết rất ít. Cho nên trong kho tàng truyện ngụ ngôn, tôi rất thích truyện “Tái ông thất mã”, vì rốt cuộc ở đời, ta không thể biết cái gì hơn cái gì, thứ nào tốt hoặc dở hơn nếu chưa đến thời điểm kết thúc...

Một lần chúng tôi về huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương quê Trần Đăng Khoa để viếng bà mẹ trăm tuổi của anh khuất núi. Trên xe toàn là đồng nghiệp cũ mới của anh ở Văn nghệ Quân đội. Vài người băn khoăn vì không ai nhớ đường về nhà anh, thấy thế nhà văn Nguyễn Trí Huân liền bảo. Việc gì phải lo lắng, không cần đến tận huyện Nam Sách mới hỏi đường tới nhà Trần Đăng Khoa, các ông chỉ cần đi đến thành phố Hải Dương (cách Nam Sách độ 20km) hỏi bất kì người dân nào là người ta đã chỉ được đường đến nhà Trần Đăng Khoa! Tất nhiên câu nói của Nguyễn Trí Huân để cho vui nhưng cũng để thấy rằng Trần Đăng Khoa đã phổ biến đến mức nào.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (ngoài cùng bên phải) thời nhỏ.

Về quê anh tôi quan sát để tìm những dấu vết tuổi thơ trong thơ của anh nhưng rất khó thấy. Tôi thất vọng vì sự khám phá không thành nhưng lại mừng về một vùng quê Bắc Bộ nghèo khó ngày xưa giờ đã khấm khá hơn rất nhiều. Tôi ra vườn ngắm những bụi chuối mọc um tùm và tự hỏi, có lẽ từ những bụi chuối này, mấy ruộng lúa ngoài kia đã nuôi dưỡng một tâm hồn Trần Đăng Khoa thi sĩ.

Giờ thì bọn trẻ con thành phố và cả những đứa con của anh nữa, mấy khi chúng được tắm mình trong không gian của làng quê và bây giờ tìm đâu ra những đứa trẻ làm thơ về con kiến, hạt mưa, củ khoai, cánh đồng… Thời của Trần Đăng Khoa ngày xưa đang ở đâu…

Trần Đăng Khoa vẫn viết nhưng có điều anh ít làm thơ. Tôi quan sát anh ở góc nhìn công dân và báo chí. Những bài viết của anh về thời cuộc được nhiều người đồng cảm và chia sẻ. Nhà thơ có những nhạy cảm trước những đổi thay của xã hội, những biến cố, trăn trở, băn khoăn. Anh nhiều lần lên tiếng về những vấn đề nóng, dũng cảm, trách nhiệm và chừng mực.

Một lần tôi nhận được điện thoại của anh qua một người bạn. Chúng tôi nói chuyện về những vấn đề cùng quan tâm. Anh đã chia sẻ thật lòng và cảm thông. Tôi ghi nhớ, yên tâm và vững lòng hơn rất nhiều. Tôi thấy mừng anh không phải kiểu ông quan văn nghệ luôn nói những lời khách sáo hoặc xa cách với đời sống...

Có một lần tôi gọi điện cho Trần Đăng Khoa định đến nhà anh chơi vì biết anh cùng ở khu Long Biên với tôi nhưng rất tiếc hôm đó không liên lạc được. Tôi biết Trần Đăng Khoa bận lắm, lúc nào anh cũng rất bận. Một nhà thơ luôn luôn bận thì nên mừng. Và sự chưa hữu duyên ấy biết đâu lại có ích, ở những khoảng xa có khi tôi lại nhìn anh rõ hơn. Tôi thấy sự giản dị và chất lính đậm đặc ở anh. Rất nhiều cuộc, tôi thấy Trần Đăng Khoa mặc áo bay bộ đội và đôi khi diện cả cây bộ đội. Nhìn anh như thấy cả vùng Nam Sách mộc mạc và những năm anh làm lính Trường Sa.

Căn phòng cũ của anh ở Văn nghệ Quân đội, tôi đã từng ở đó một thời gian và thỉnh thoảng vẫn nghe mọi người kể những chuyện hồi anh ở Tạp chí. Những chuyện đó đối với tôi buồn nhiều hơn vui và tôi thấy văn chương không vinh quang như người ta vẫn tưởng. Từ anh, qua những liên tưởng và phản chiếu tôi đúc rút được nhiều điều. Danh phận và công việc. Trách nhiệm và lương tâm. Thế thời và thời thế…

Dù thế, Trần Đăng Khoa vẫn là người xa lạ với tôi…

Uông Triều
.
.