“Trái tim” Xương Điền

Thứ Sáu, 25/01/2019, 18:58
Biển cô đơn. Ấy là lúc Xương Điền buồn. Tiếc nuối. Vòm chuông nhà thờ vẫn như muốn đổ dồn dập báo hiệu cho dân làng ngày nào chạy giặc Pháp càn tới. Chuông cũng rung lên, ngân nga ru con trẻ vào giấc ngủ bên sóng biển cồn cào ngày đêm...
Nếu ai có dịp đi dọc đê biển xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định, ắt sẽ gặp những ngôi nhà thờ đổ vỡ hoang tàn nhấp nhô trên sóng triều dâng. Khi biển lặng, triều rút, những phế tích ấy mới lộ diện. Có khi chỉ là nền móng, hay những bức tường lởm chởm, hoang vu. Nhưng khi đến làng chài Xương Điền, mọi người sẽ phải ngỡ ngàng khi nhìn thấy một ngôi nhà thờ đổ sừng sững trên biển. 

Cuộc rượt đuổi của sóng biển

Ngôi nhà thờ đổ từ xưa đã có cái tên “Trái tim”, thật mơ mộng trước biển khơi. Phần kiến trúc còn sót lại trụ vững trước những đợt sóng biển ào ạt suốt ngày đêm, tạo nên quang cảnh kỳ thú. Người dân kể, cách gần ba mươi năm, dân làng Xương Điền còn sinh sống xung quanh nhà thờ. Đây là vùng giáo xứ lâu đời. Nhà thờ “Trái tim” ở giữa làng Xương Điền xưa.

Sự biến đổi khí hậu trở nên khắc nghiệt. Đất của xã Hải Lý bị biển lấn dần. Triền miên sóng vỗ. Thiên nhiên dữ dằn tàn phá cả một vùng đất rộng lớn. Biển lấn đến đâu, ngư dân Xương Điền lùi đến đó, mỗi năm một sâu. Họ lùi dần đến sát nhà thờ. Sóng biển tiếp tục dâng cao. Nước mênh mông ngập quanh nhà thờ. Từ đó dân phải rơi nước mắt rời xa ngôi nhà “Trái tim” của mình. Một ngôi nhà thờ mới được xây sâu trong làng để tránh biển lấn. Hàng ngày họ chỉ đứng trên đê nhìn “Trái tim” lụi tàn, đổ vỡ.

Nhà thờ đổ ở làng Xương Điền có tên là “Trái tim”.

Ngày qua ngày, từng mảng tường sập đổ theo con nước. Nhưng không ngờ ba tầng có gác chuông vẫn kiên gan trước sóng gió và bão tố. Có lẽ nền móng ngôi nhà thờ đã hóa đá. Gác chuông trở thành con mắt biển nhìn về làng. Thấy vậy, mọi người khuân đá về, quây chung quanh nền móng cho vững chắc hơn. Họ không muốn tan vỡ hình ảnh “Trái tim”.

Chung quanh nhà thờ là bãi cát rộng bao la. Mỗi khi triều xuống là trẻ con trong làng lại ra thả diều. Bãi cát trở thành sân chơi cho cánh thanh niên hẹn hò, ca hát, nhảy múa. Mỗi khi có lễ hội, nhà thờ đổ lại là nơi thập phương tụ về, thi chạy cà kheo, thi diều và bơi vượt sóng.

Biển cô đơn. Ấy là lúc Xương Điền buồn. Tiếc nuối. Vòm chuông nhà thờ vẫn như muốn đổ dồn dập báo hiệu cho dân làng ngày nào chạy giặc Pháp càn tới. Chuông cũng rung lên, ngân nga ru con trẻ vào giấc ngủ bên sóng biển cồn cào ngày đêm.

Bất ngờ hơn, cảnh sắc ảm đạm cô đơn của ngôi nhà thờ mỗi khi biển cuộn sóng đã thu hút hàng trăm đôi cô dâu, chú rể về tạo dáng. Họ muốn có bộ ảnh độc đáo trước khi làm lễ thành hôn. Nhất là có những tay săn ảnh còn ngủ qua đêm ngay tại nền nhà thờ, chờ cho đến lúc bình minh lên để chớp lấy khoảnh khắc đắt giá nhất của nhà thờ.

Những ô cửa còn khắc khoải với thời gian. Viên gạch đỏ au mặc cho sóng biển và gió táp luôn luôn tươi mới. Mỗi nghệ sĩ sẽ có một bình minh biển của mình.

Biển cồn. Những đợt sóng như muốn ngoạm lấy “Trái tim” của dân làng. Hơn hai mươi năm qua, gác chuông vẫn ngong ngóng hướng về làng. Chính những lúc này, ngôi nhà thờ đổ có sức quyến rũ với mọi người. Một mái vòm nhà thờ nhấp nhô trước những con triều dâng. Lưỡi sóng biển chờm lên, để lại những bọt nước trắng xóa quanh móng nhà thờ. Một hình ảnh mang âm hưởng của bản hợp xướng bi hùng của thiên nhiên.

Cho dù đến một ngày nào đó, “Trái tim” Xương Điền gục ngã, mọi người vẫn coi đó là một biểu tượng sức mạnh của con người chống chọi thiên tai. Vì đó là ngôi nhà “Trái tim” của dân làng. Một vẻ đẹp mong manh trước biển. Một nhịp đập khắc khoải nhất của “Trái tim”. Sự hiện hữu đến kỳ lạ, một sắc đẹp tàn phai nhưng lại kỳ thú xiết bao.

Biển nắng. Nhà thờ đổ in bóng trên bãi cát. Những quán hàng mọc lên thành dãy như phố chợ. Không khí có phần náo nhiệt. Thêm nữa, diêm dân xứ Xương Điền đang chuẩn bị vào lễ hội. Bọn trẻ tập đi cà kheo trên cát cứ thi nhau ngã như sung rụng. Đây là trò chơi xuất phát từ công việc mưu sinh của dân làng. Mỗi khi con nước lên, ngư dân phải đi cà kheo ra xa bờ cất vó.

Nắng xiên. Bóng nhà thờ lung linh in trên bãi cát. Hình ảnh mỗi lúc một khác nhau. Có cặp đôi chụp ảnh cưới cũng đòi tập đi cà kheo để chụp ảnh một nụ hôn trên cao. Họ muốn bóng của nụ hôn sẽ in lên gác chuông nhà thờ. Một ý tưởng đẹp không tưởng. Họ đâu có biết ngư dân đi cà kheo bao giờ cũng phải cao chừng mét rưỡi mỗi khi lội biển kéo lưới.

Hội làng “Biển nhớ”

Xương Điền xưa nghèo lắm. Dân đánh cá và làm muối quanh năm chả đủ ăn. Ngôi nhà thờ “Trái tim” là niềm an ủi tinh thần của làng cũng bị hủy hoại. Cuộc xâm lấn của biển vẫn tiếp tục. Đất làng Xương Điền rơi tõm vào cái miệng sóng bào mòn từng tấc một. Nhưng giờ đây đã khác. Con đê canh biển mỗi ngày một vững chãi ngăn biển xâm thực.

Một phần xã Hải Lý trở thành thị trấn Cồn. Dân Xương Điền cũng được nhờ, làm ăn buôn bán, nhà cửa khang trang. Khi chúng tôi đến Nhà Văn hóa, mới hay ở Hải Lý còn có đội trống nữ, bên cạnh đội kèn của làng. Họ đang tập luyện chuẩn bị vào hội xuân. 

Những ngư dân làng biển đi cà kheo đánh cá.

Riêng nhóm hát quên cả ăn trưa vẫn say sưa luyến láy. Đó là khúc dân ca cổ truyền “Đi ô”. Một điệu hát đuổi vui tươi và có phần tình tứ. Các chàng trai cầm ô đi dự hội làng. Những cô gái tham dự hát đuổi đứng đợi bên đường để bày tỏ nỗi niềm. Hát đối, nhưng nối vần nối điệu liên tục, nên gọi là hát đuổi. Bài hát “Đi ô” độc đáo ở chỗ đó. Lời ca của các cô gái nhí nhảnh, bâng quơ, có phần đùa vui, rằng: “Hỡi anh đi cái ô đen. Có chồng thì em đây vẫn đợi. Có quen em đây vẫn chờ. Đừng đi như thể bàn cờ. Lâu nay anh nhớ sao giờ anh quên”.

Những chàng trai nối điệu ví von, hát đuổi theo: “Sột soạt như cái lá chuối khô. Lòng anh chỉ muốn đi ô với nàng…”. Cuối cùng hai bên cùng hòa. Lời ca đong đưa ngọt lừ: “Ước gì ta hóa ra ong. Để ta làm tổ trong lòng cái ô”. Chúng tôi nghe thực sự bị cuốn hút vào làn điệu và lời ca dễ thương. Những chàng trai cô gái ấy chính là ngư dân vùng biển Xương Điền.

Những mẻ cá cơm Xương Điền làm nước mắm ngon có tiếng. Họ hát như dạo chơi. Tâm hồn lạc quan, muốn xóa đi cái tất bật lo toan trong ngày. Họ cười đùa với chính mình, vượt qua cái nắng gay gắt của vùng biển mặn. Đôi bên trao gửi ước mơ, yêu thương và hóa giải những trăn trở nhọc nhằn.

Chúng tôi đang say sưa hòa nhập vào không khí vui nhộn của tiết mục “Đi ô”, bất ngờ từ phía khu nhà hàng bên nhà thờ đổ vang lên giọng hát của Khánh Ly, với giai điệu “Biển nhớ”.

Đúng là khó quên. Những khoảnh khắc đáng yêu. Lời ca bịn rịn lòng người trước cuộc chia xa. Giọng hát trầm ấm, vang vọng của Khánh Ly bay trong không gian biển. Ngôi nhà thờ nghiêng nghiêng soi bóng dưới con nắng trong veo.

Được nắng - trắng muối

Hình ảnh về những hạt muối nghĩa tình của Xương Điền bất ngờ được nói tới khi chúng tôi đi qua những ruộng muối chia thành từng thửa ô dọc đường. Do biển xâm lấn, ruộng muối của người dân hiện không còn nhiều. Đời sống diêm dân vẫn vất vả như xưa, đúng với câu ca: “Sém cháy thịt da, mới ra hạt muối”. Cho dù công nghệ mới đã được áp dụng nhưng chỉ dừng lại ở khâu chế biến.

Công việc khổ ải nhất trên ruộng muối vẫn phải đầu tắt mặt tối. Mà nghề muối cũng chỉ làm được khoảng 5 tháng vào mùa nắng. Giá muối lại bấp bênh. Nhưng dân Xương Điền, cũng như toàn xã Hải Lý vẫn chịu khó phơi nắng, lao động từ sáng đến tối. Vậy mà họ vẫn hát về công việc với niềm vui hồn nhiên: “Đôi ta thoát khỏi cảnh nghèo. Đong đưa gánh muối ta theo nhau về”. Đó là tình yêu quê hương. Hạnh phúc của họ là những hạt muối trắng tinh.

Câu chuyện chúng tôi bỗng đổi hướng khi có một người đố ai giải thích được vì sao dân có tục đầu năm mua muối. Có người nói, muối đem lại sự may mắn. Người lại giải thích, muối tượng trưng cho sự mặn mà, tình cảm ấm áp trong gia đình. Hay có ý rằng, muối biểu tượng cho sự trong trắng, tinh khiết mà mỗi người cần có.

Rồi bất ngờ có người lại đưa ra lời đố bình câu ca dao: “Muối ba năm muối đang còn mặn. Gừng chín tháng gừng hãy còn cay. Đôi ta nghĩa nặng tình dầy. Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”. Cứ thế chúng tôi cứ lan man đủ mọi thứ chuyện về cái xứ Xương Điền này. Tiếng kèn lanh lảnh bay khắp làng. Phía ngoài kia, sóng biển ào ạt vỗ vào chân đê, trắng xóa cả một vùng.

Vương Tâm - Xuân 2019
.
.