Trai "Làng quan họ" nhớ về hương "Hoa sữa"

Thứ Ba, 01/04/2014, 08:00

Hồi này tôi hay gặp nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Khi thì ở nhà Vũ Từ Trang, nơi tụ họp bạn bè văn chương, khi thì cùng ngao du ở một nơi nào đó xa thành phố. Nhưng thường là ở căn hộ của ông sau chùa Bát Tháp, trong một con ngõ nhỏ khó tìm khuất trên phố Đội Cấn. Tôi ở khu Núi Trúc, ngỡ xa nhưng nếu xuyên qua một con đường tắt sang nhà ông cũng rất gần. Đến ông thì chỉ toàn chuyện vui.

Đã vào tuổi "xưa nay hiếm" nhưng gặp Nguyễn Phan Hách, tôi luôn có cảm giác ông còn trẻ vì quần áo lúc nào cũng tươm tất, thoảng mùi nước hoa đắt tiền, mái tóc lòa xòa che hết mặt. Ai trách ông làm dáng, ông không tự ái hay đỏ mặt mà chỉ cười. Ai hiểu sao cũng được. Tất nhiên có lí do... Người thân đi nước ngoài về thường tặng ông những lọ nước hoa đắt tiền. Tội gì không dùng...

Ấn tượng trước nhất của tôi về Nguyễn Phan Hách thường là nụ cười rất cởi mở của ông. Không dễ mấy ai ở tuổi ấy mà vẫn giữ được gương mặt hồn nhiên đến vậy.

Các cụ xưa từng nói "trông mặt mà bắt hình dong", liên hệ tới nhà thơ xứ Kinh Bắc này càng thấy đúng.

Gương mặt ấy, nụ cười hồn nhiên ấy chỉ có ở người tốt. Tốt ra sao, xin nói sau. Giờ nói về ông ở lĩnh vực văn chương. Nguyễn Phan Hách vào nghề sớm, có lý do. Đâu từ lớp năm, lớp sáu gì đó ông đã có cái truyện ngắn nho nhỏ được in trên Báo Văn nghệ. Lúc người bưu tá đem báo biếu và nhuận bút đến, thấy ông còn trẻ con liền bảo:"Nói với bố ra nhận báo biếu và tiền nhuận bút con nhé"...

Nguyễn Phan Hách được đông đảo công chúng biết đến từ khi bài thơ "Làng quan họ" của ông được nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thành ca khúc "Làng quan họ quê tôi" nổi tiếng:

Sông Cầu làm bao xanh
Ngang lưng làng quan họ
Những cánh buồm nhớ thương
Câu ca đầu ngọn gió...
Tháng giêng mùa hát hội
Áo nâu ướp hương trầm
Nón thúng quai thao rủ
Buông dài nếp sống thâm...
Cửa đình hồ bán nguyệt
Chị cả tựa mạn thuyền
Anh hai ngồi bẻ lái
Quan họ về trao duyên…

Những câu thơ mang đầy nhạc cảm như thế hẳn giúp người nhạc sĩ thêm thăng hoa?

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách - tác giả phần lời - và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - tác giả phần nhạc của ca khúc "Làng quan họ quê tôi".

Nhưng không chỉ có "Làng quan họ" mà khi nói đến thơ Nguyễn Phan Hách, nhiều người còn biết và nhớ đến bài thơ "Hoa sữa" của ông. Không ít thế hệ sinh viên, những người thiếu nữ từng chép bài thơ này trong sổ tay và ngâm nga mãi. Sau ông phải in riêng bài thơ dưới hình thức kiểu bưu ảnh với số lượng khá lớn mới đủ đáp ứng yêu cầu những người yêu thích:

…Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh…
Bài thơ mang một chút buồn man mác, riêng tư.

Tôi nhớ kỉ niệm một lần cùng ông và nhà thơ Vũ Từ Trang lên thăm mấy nghệ nhân đoàn quan họ tại nhà nghệ nhân Vũ Tự Lẫm trên Bắc Ninh. Mấy chị quan họ nổi tiếng từ khi mới thành lập đoàn nhưng nay sau mấy chục năm, gần hết thanh sắc rồi nhưng vẫn còn náo nức lúc đàn phách tấu lên. Khi nhà thơ đưa tặng các bà thơ, ban đầu các bà hỏi: "Thơ mới à?". Khi biết là "Hoa sữa" thì bà nào bà ấy bảo: "Bọn này thuộc lòng cả rồi, nhưng cứ cho chị em chúng tôi mỗi người một bản để làm kỉ niệm".

Nguyễn Phan Hách là người quảng giao, lắm bạn bè. Nhóm này, nhóm khác, mỗi khi đi đâu, lúc sắp xếp "nhân sự" thường thấy tên ông. Đúng là đi xa mà có ông, không khí thấy rộn ràng, vui vẻ lắm. Ấy là bởi ông thật thà, cởi mở, nhường nhịn. Ai trêu trọc gì ông, ông cũng chỉ cười và chấp nhận.

Ông thường tâm sự, khi giữ cương vị Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ông trăn trở muốn có một bộ tổng tập thơ của Việt Nam suốt nhiều thế kỉ, tính in trọn bộ cũng ước chừng 30 tập, mỗi tác giả có thể chọn tới 20 bài, gọi chung là "Tinh hoa thơ Việt"… Kinh phí từ tiền tài trợ hằng năm của Nhà nước. Nhưng tiếc quá, bộ sách mới ra được ba tập thì ông nghỉ hưu. Kế hoạch nhằm tôn vinh thơ hay và các nhà thơ nổi tiếng Việt Nam đã không thành. Đến tận những ngày này ông vẫn luôn tiếc nuối để lỡ mất một cơ hội...

Là người gần gũi ông, tôi thật sự nhận ra cái Tâm của ông. Và tôi mơ hồ rõ ra lý do vì sao nhiều người khác tài năng văn chương hơn ông, thậm chí nổi hơn ông nhiều, nhưng khi nhà thơ Ngô Văn Phú về hưu, thì người ta đã lựa chọn người thay thế là ông. Rồi sau này, khi ông đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ thì Nhà xuất bản Dân Trí lại mời ông giữ chức trách Tổng biên tập. 

Trước đây, khi ngành Xuất bản chọn trao giải thưởng hằng năm cho các cuốn sách xuất sắc ở Việt Nam, họ không đề cử mảng sách văn học. Gần đây, Tiểu ban Sách Văn học đã được thành lập. Nguyễn Phan Hách tham gia với cương vị Trưởng Tiểu ban. Nguyễn Phan Hách được các thành viên trong hội đồng đánh giá là một người công tâm, khách quan, thẩm định chính xác khi tham gia xét tặng giải thưởng. Trong mấy năm liền, Tiểu ban đã đề xuất, bảo vệ sách của hai nhà văn nổi tiếng là Hoàng Quốc Hải và Nguyễn Xuân Khánh giành được giải thưởng của hội đồng. Tuy là giải bạc, chưa phải vàng, giải thưởng ấy đều được các nhà văn vốn cao tuổi và nổi tiếng kỹ tính này vui vẻ đón nhận.

Ở ta, khi nhìn nhận về một tác giả hay tác phẩm nào đó, nhiều người thường nặng về cảm tính yêu ghét cá nhân, không công bằng, nên khi đánh giá tác phẩm cũng mất đi cái khách quan. Nguyễn Phan Hách quan niệm, chẳng có gì là tuyệt đối hoàn hảo, phải "gạn đục khơi trong" để nhìn nhận, tôn vinh những giá trị thật đôi khi còn bị che khuất.

Có người bảo Nguyễn Phan Hách quá thận trọng nên khi ở cương vị giám đốc nhà xuất bản không mạnh dạn cho in cuốn này, cuốn khác. Ông giữ đúng trách nhiệm của mình. Để có quyết định về nó, ông phải hiểu kỹ về nó. Trước đây, trong những năm đầu Đổi mới, chính ông là người biên tập các tác phẩm văn học nổi tiếng như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường, "Bến không chồng" của Dương Hướng... và trước nữa là các truyện ngắn như cánh én báo hiệu mùa xuân văn học đổi mới của Nguyễn Minh Châu... Nhưng có một vài bản thảo khác thì ông phải nói thật: "Cuốn đó không in được đâu…". 

Tính ông thế, sẵn sàng bảo vệ cái gì đúng. Còn những gì quá đà thì phải thận trọng. Sự thận trọng cần thiết của người làm công tác xuất bản một thời. Khi thấy ông thật thà giải thích thì mọi người hiểu và thông cảm. Ai cũng nghĩ tuy ông là nhà thơ nhưng không lơ mơ, ngược lại rất có tính nguyên tắc. Đấy là khi ông trong cương vị người quản lí. Nhưng với cương vị người viết văn thì lại khác. Sau khi ông cho xuất bản các cuốn tiểu thuyết của mình  như "Mê cung", "Người đàn bà buồn", và nhất là khi tiểu thuyết "Cuồng phong" ra đời thì mọi người hiểu thêm về ông hơn. Ông không như những gì người ta vẫn tưởng. Ông đầy mạnh mẽ và táo bạo. Có những trang, những chương miêu tả đầy bạo liệt được viết với nhiều phong cách, khi hóm hỉnh trào lộng, lúc lại thấm đẫm trữ tình.

Nguyễn Phan Hách đặt ra trong tiểu thuyết của mình câu chuyện về những con người thuộc một gia tộc trải qua bốn thế hệ điển hình luôn vật vã giữa cuộc đời đầy bão táp để thể hiện ý tưởng phản chiếu hiện thực xã hội đầy biến thiên của đất nước. Đọc mà thấy một Nguyễn Phan Hách hoàn toàn đổi mới trong văn chương.

Nhiều người thường băn khoăn không biết gọi Nguyễn Phan Hách là nhà văn hay nhà thơ? Văn xuôi của ông thì đã ra mắt bạn đọc nhiều. Ông có trên mười cuốn, tiểu thuyết có, truyện vừa có, truyện ngắn có… và có tiếng vang. Nhưng nhiều người lại cho ông là nhà thơ, với các tập "Người quen của em", "Hoa sữa", "Vô tình", "Những ngôi sao tuổi thơ","Hạt bụi"...  Chàng trai xuất thân từ vùng quê quan họ Bắc Ninh khi là nhà thơ thì là một tâm hồn lãng đãng, mộng mơ, còn khi là một nhà văn thì là một kho kiến thức về đời sống hiện thực...

Huy Thắng
.
.