Tôn vinh nghệ sĩ bằng tượng sáp

Thứ Ba, 11/04/2017, 08:13
Hơn 100 tượng sáp của các văn nghệ sĩ nổi tiếng sẽ ra mắt công chúng vào ngày 11-4 tới tại Nhà trưng bày Tượng sáp Việt Nam, TP Hồ Chí Minh. Hơn 100 bức tượng giống hệt người thật, sống động tái hiện lại phút thăng hoa để đời của họ trên địa hạt nghệ thuật.


Hàng loạt văn nghệ sĩ quá cố và đang còn sống như: GS Trần Văn Khê, NSND Thanh Tòng, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sầu nữ Út Bạch Lan, NSƯT Minh Vương, nhạc sĩ Bắc Sơn, soạn giả Viễn Châu, NSND Kim Cương, NSND Thế Anh, danh hài Hoài Linh, NSƯT Thành Lộc, MC Thanh Bạch… được tái dựng sinh động bằng sáp. Trong ngày dự án Nhà trưng bày ra mắt báo chí, NSƯT Minh Vương đứng bên cạnh tượng sáp của mình, tếu táo: "Mọi người thấy giống anh em sinh đôi không?".

Để tạo nên những bức tượng giống hệt người thật này, ba nghệ nhân Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình đã mất ba năm làm việc miệt mài và hơn 15 năm nghiên cứu cách làm tượng sáp. Đi tham quan nhiều nơi trên thế giới, trầm trồ trước pho tượng sáp hút hồn ở các bảo tàng danh tiếng, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Đông quyết tâm tìm học cách làm tượng.

Bên tượng sáp danh hài Hoài Linh (ảnh nghệ nhân cung cấp).

Nhiều lần xin học để lấy bí quyết nghề ở nước ngoài nhưng không được, vợ chồng anh tự mày mò chế tác. Bắt đầu từ con số 0, không tay nghề, không trường lớp, vất vả, khó khăn đủ đường, cuối cùng họ cũng pha trộn chất liệu sáp thành công. Những nghệ nhân tay ngang này tự lấy hình mẫu của nhau để thực hành. Năm lần bảy lượt thất bại, tượng bị đơ vì làm chỉ ước chừng, họ quay sang chú trọng tỉ mỉ hơn về chỉ số hình thể, thần thái khuôn mặt.

Đến khi thành công, hai vợ chồng mới dám ấp ủ về một bảo tàng tượng sáp người nổi tiếng như các bảo tàng tượng sáp trên thế giới. Vậy là bán hết đất đai ở Đà Lạt, gõ cửa đi mời. Nghệ nhân Nguyễn Thị Diện cho hay: "Tiêu chí chọn lựa nghệ sĩ để hiện tượng hóa giấc mơ Nhà trưng bày của chúng tôi là những cây đa cây đề thuộc lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca nhạc. Họ có nhiều cống hiến to lớn, tích cực cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà mà tài năng, tên tuổi được công chúng và giới chuyên môn công nhận. Chúng tôi muốn tạc tượng để tôn vinh công lao của họ với tất cả lòng kính trọng, đồng thời giúp cho công chúng ngưỡng vọng, biết ơn các vị tiền bối tài danh ở một không gian ý nghĩa". 

Thế nhưng khi ngỏ lời mời, hầu hết nghệ sĩ đều từ chối. NSƯT Thành Lộc thú thật: "Lúc đó tôi sợ họ làm tượng để lợi dụng kinh doanh". Còn NSƯT Minh Vương thì lắc đầu vì không biết họ làm tượng với mục đích gì, có đẹp không. Lắm nghệ sĩ nghĩ mình chưa xứng đáng để được làm tượng vinh danh. Số khác lưỡng lự vì lý do tâm linh không làm tượng khi còn sống.

Mời mãi không được ai thì đột ngột ca sĩ Lý Hải đến xưởng cho các nghệ nhân tha hồ thử nghiệm. Anh không ngại chạy tới chạy lui nhiều lần để đo đạc chỉ số cơ thể. Thậm chí, anh tặng luôn quần áo biểu diễn, mời cả thợ cắt tóc riêng đến cắt tóc cho tượng để có được tác phẩm hoàn hảo nhất. Cũng nhờ Lý Hải tình nguyện làm "chuột bạch" mà dần dần ngày càng nhiều nghệ sĩ gật đầu đồng ý đến xưởng. Do không biết lý do này nên nhiều người vẫn thắc mắc tại sao Lý Hải chưa có đóng góp gì nổi bật trong hoạt động nghệ thuật mà vẫn được tạc tượng và đứng cạnh nhiều vị tiền bối.

Khi có người hỏi tại sao không làm tượng nghệ sĩ trẻ đang gây sốt hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Diện thẳng thắn: "Tất nhiên việc làm tượng ngôi sao trẻ dễ gây chú ý vì fan hâm mộ của họ rất đông. Nếu chúng tôi làm với mục đích kinh doanh thì như thế giàu to. Nhưng làm như vậy là đi ngược với tâm huyết của chúng tôi. Đó là xây dựng Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt với tất cả lòng kính trọng và tôn vinh".

Mỗi tượng được làm từ 2-3 tháng. Các nghệ nhân phải cắm tỉ mỉ từng sợi tóc sao cho giống như tóc mọc thật. Học tập cách Lý Hải làm, các nghệ nhân không ngại mời thợ cắt tóc quen của từng nghệ sĩ để làm tóc cho tượng. Các chi tiết nhỏ nhặt như nếp nhăn, sẹo, nốt ruồi, lông mi, răng sứ nha khoa, mắt y tế… cũng được chăm chút kỹ càng.

Làm xong, họ mời nghệ sĩ đến xem. Có điểm nào không ưng thì tiếp tục sửa đến khi nghệ sĩ hài lòng mới thôi. Tâm sức mà ba nghệ nhân bỏ ra đã thuyết phục các nghệ sĩ và được hưởng ứng nhiệt tình. Hầu hết bức tượng đều được chủ nhân của nó tặng quần áo, trang sức, mũ nón sao cho tượng hệt người ngoài đời. Có người còn tự bới tóc, trang điểm cho tượng của mình. Nhiều nghệ sĩ đang định cư ở nước ngoài như Minh Trang (Singapore), Phương Oanh (Pháp)… cũng sắp xếp về Việt Nam hỗ trợ nghệ nhân sớm hoàn thành tác phẩm..

Khó nhất với nhà điêu khắc có lẽ là tạc tượng nghệ sĩ quá cố. Bởi nghệ nhân phải tự ước chừng chỉ số cơ thể nghệ sĩ qua ảnh tư liệu. Trường hợp khó quá, họ phải nhờ người thân có ngoại hình hao hao để mô phỏng.

Các nghệ sĩ bên cạnh tượng sáp của sầu nữ Út Bạch Lan, GS Trần Văn Khê, NSND Viễn Châu.

Chẳng hạn, đúc tượng GS Trần Văn Khê thì phải nhờ đến GS Trần Quang Hải - con trai ông. Tượng vua vọng cổ Út Trà Ôn có sự giúp tạo hình của người con trai thứ bảy. Tỉ mỉ và làm việc bằng cả cái tâm của mình nên không ngạc nhiên khi gia đình của người quá cố đều thảng thốt, thậm chí bật khóc khi chiêm ngưỡng bức tượng, tưởng như cha ông mình còn sống đang thanh thản chơi đàn, dạo nhạc…

Không đơn thuần là tạc nên một bức tượng giống hệt nghệ sĩ, nghệ nhân còn cố gắng bắt được thần thái, phút thăng hoa trong một vai diễn để đời của họ. Do vậy, không hiếm trường hợp chính nghệ sĩ tư vấn chọn vai diễn nổi bật, khoảnh khắc nào khiến họ nhớ nhất để các nhà điêu khắc tạo dáng. Nên mới có tượng nghệ sĩ Tú Trinh với vai Nguyễn Thị Lộ (vở "Bí mật vườn Lệ Chi"), NSƯT Hồng Vân - vai Từ Cung (phim "Ngọn nến hoàng cung"), Kiều Phượng Loan với vai Nữ vương trong vở "Truyền thuyết tình yêu", Mỹ Chi trong vai bà Táo trong chương trình kịch "Táo quân ngày Tết"… 

Nhìn ngắm bức tượng của mình, NSƯT Thành Lộc xúc động: "Hình ảnh của tôi dù chỉ là một khoảnh khắc trong một vai diễn cụ thể trên sân khấu, nhưng đối với tôi đây là khoảnh khắc khó quên. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa trên con đường tiếp nối các thành tựu lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ khác".

NSƯT Minh Vương chia sẻ: "Biết được ý nghĩa và mục đích tốt đẹp của Nhà trưng bày, anh em nghệ sĩ chúng tôi rất vui vì công chúng sẽ có thêm nơi để tìm hiểu giá trị văn hóa tốt đẹp, hiểu hơn về người nghệ sĩ. Nó đưa chúng tôi gần gũi với công chúng. Đáng mừng hơn nữa là các nghệ nhân không những tìm ra bí quyết làm tượng sáp thành công mà còn sáng tạo được kỹ thuật giữ cho tượng bền trong khí hậu ẩm nóng như Việt Nam. Được biết, tượng có thể bảo quản đến 100 năm".

Nhà trưng bày Tượng sáp Việt Nam đặt tại tầng 2, 3, 4 của Nhà hát Hòa Bình. Cùng với Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, đây là bảo tàng tư nhân thứ hai của TP Hồ Chí Minh. "Nhà trưng bày được xây dựng trên diện tích 1.500m2, với nhiều không gian trưng bày gồm các bối cảnh từ đồng lúa, vườn cây, con đò, dòng sông, khung cảnh triều đình xưa… và thiết kế bố trí hơn 100 bức tượng sáp của các nghệ sĩ.

Tại đây sẽ tổ chức thường xuyên các sự kiện giao lưu văn nghệ, chuyên đề và tọa đàm về sân khấu, điện ảnh, âm nhạc và gặp gỡ các nghệ sĩ bên cạnh tượng sáp vào những ngày cuối tuần, hứa hẹn là không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc, bổ ích. Tiền bán vé tham quan sẽ tham gia các quỹ từ thiện của NSND Kim Cương, NSND Viễn Châu, nhạc sĩ Bắc Sơn, sầu nữ Út Bạch Lan… để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, hỗ trợ nghệ sĩ nghèo khó, neo đơn" - nghệ nhân Thái Ngọc Bình cho biết.

Mai Quỳnh Nga
.
.