Tôi yêu Mường Khói phố Re

Thứ Sáu, 13/03/2020, 19:53
Phố Re nằm trên quốc lộ số 12b cắt ngang đường Hồ Chí Minh. Nơi đây thực ra là một phần của rừng quốc gia Cúc Phương nhưng thuộc về xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn- Hòa Bình). 

Xa xưa gọi là khu Mường Khói. Đường sá trập trùng dốc núi. Tình cờ tôi tới đúng phiên chợ Re. Không khí thật nhộn nhịp. Xe hàng chở măng và mía xếp đầy đường. Những cô gái Mường xinh đẹp tung tăng phía trước làm tôi ngỡ ngàng bước chân theo lên sườn đồi vào chợ.

Chuyện bất ngờ trong phiên chợ

Khi mới tới đầu chợ tôi bị chìm trong làn khói thuốc mù mịt. Đây là dẫy hàng bán thuốc lào. Nằm bên sạp thuốc sợi là dăm chiếc điếu cày để cho người đến hút thử. Điều làm tôi ngạc nhiên xung quanh sạp hàng nào cũng có tới dăm ba phụ nữ đang phì phèo nhả khói. Họ ngồi hút thuốc cùng với những người đàn ông. Mọi người vừa hút vừa cười nói râm ran.

Bỗng có một cô gái lờ đờ đứng dậy rồi đổ người ngã vật bên thềm hàng. Mấy người kéo cô ngồi tựa vào bao tải thuốc nằm nghỉ. Thì ra cô ta bị say thuốc. Có bà nói cứ để cho cô ấy phê một lúc là tỉnh lại. Ông chủ hàng cũng rít một hơi dài rồi nói chắc là cô ta đi chợ chưa kịp ăn gì nên sụt áp đây. Mấy bà cười rũ rồi lại tiếp tục với lấy chiếc điếu rõ to hút tiếp.

Thợ dệt thổ cẩm Mường Khói-Mường Vang.

Một người kể cho tôi biết những chiếc điếu ở đây đều làm bằng ống vầu nên dài và miệng điếu rộng. Mấy bà phải chuyền tay nhau mới hút hết một lõ điếu đầy thuốc. Khi hỏi một bà chủ hàng tôi được biết nguồn thuốc lào từ Hải Phòng lên. Bà nói giá bán 20.000 đồng một lạng. Người đến hút thử thoải mái. Không mua thì thôi.

Đã từ lâu những người đàn bà ở xã Ân Nghĩa này đã từng lấy chuyện biết hút thuốc lào như niềm tự hào. Vì đàn bà con gái mà không biết hút thuốc lào thì khó lấy chồng. Xưa các chàng trai và cô gái Mường đến vừa hút thuốc vừa ngó mặt và hát đúm giao duyên. Tuy lớp trẻ giờ ít noi theo nhưng lớp người trung niên vẫn tiếp tục thói quen của bản làng xưa.

Họ kể lại phiên chợ bằng những câu hát trong bản trường ca “Đẻ đất đẻ nước” rằng: “Ngày mở chợ. Ba hồi trống đánh. Hết làng trên xóm dưới. Con trai đầy sân. Con gái đến đầy cửa đầy nhà. Cơm trong mồm chưa kịp nhá. Cá trong mồm chưa kịp nuốt. Trầu trong khăn chưa kịp lấy. Chín mười làng trên đều mang bương gianh ra mở chợ…”.

Không khí phiên chợ Re xưa thật hối hả náo nức. Giờ vẫn vậy. Người cả sáu xã vùng mường Khói đi chợ đông như trẩy hội. Họ lấy điếu thuốc lào làm đầu câu chuyện. Thôi thì bao điều được bày tỏ trong làn khói bao la.

Tôi lang thang ngắm các quầy bán thổ cẩm đủ màu. Người của Mường Khói nổi tiếng là dệt thổ cẩm đẹp nhất vùng. Cả người từ huyện Lạc Sơn lên bán vải nhưng đồ thổ cẩm ở đây mới được mọi người kén chọn. Các cô gái Mường thượng mặc váy thổ cẩm để đi chợ.

Tôi chợt thấy cánh thanh niên đi vội về cuối chợ. Một khoảng đất rộng lấp lánh những cánh ô xoay tròn. Người ta nói đó là khu hát đúm của trai gái các bản mỗi khi có phiên chợ. Lúc này có tiếng hát của một cô gái đã vang lên: “Anh như bông quả trên cây. Em như cỏ may dưới đường. Ước gì gió lớn nặng sương. Hoa gạo rụng xuống đường với cỏ may”.

Những làn khói thuốc bồng bềnh giăng ngang phiên hát đúm. Mặc cho sự ồn ào mua bán họ vẫn say sưa hát. Nhưng đột nhiên có một anh chàng cất lên tiếng hát khê khàn đặc sệt giọng thuốc lào. Anh ta bày tỏ nỗi lòng bi ai: “Lòng anh đã chết đi sống lại nhiều lần. Bởi anh thấy khách mường ngoài đem lễ vật đến hỏi em yêu. Khách đến nhà bố mẹ em nhận lời…”.

Thế rồi đám hát đúm im bặt một lúc. Lát sau tiếng cô gái cất lên trong nỗi hẹn hò: “Đi đâu mà vội mà vàng. Dừng chân đứng lại ăn nang ăn trầu. Ăn rồi xin nhớ đến nhau. Đừng như vôi bạc mà sầu lòng em”. Hội hát đúm cứ thế kéo dài và lời ca bay bảng lảng cùng gió rừng. Phía ngoài những đoàn xe vẫn vội vã đổ hàng. Mặt trời đã đứng bóng nhưng phiên chợ chưa tan. Tiếng hát của chàng trai cô gái Mường ám ảnh tôi trên đường phố Re.

Âm vang Chiến khu Mường Khói

Có người chỉ hướng cho tôi tìm đến những cây đa lớn ở đầu phố. Đó là địa điểm liên lạc của các cán bộ cách mạng hồi kháng chiến. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên đã được treo trên cây đa trong ngày cướp chính quyền (8-1945). Bên cạnh đó là di tích “Chiến khu Mường Khói”.

Tới nơi tôi may mắn gặp được ông Bùi Văn Nhen người quản lý ở đây. Ông chụp ảnh cho tôi rồi kể Mường Khói là vị trí chiến lược trong công cuộc kháng chiến chống Pháp. Con đường 12b nối liền tỉnh Ninh Bình với Thanh Hóa và tiếp đến đường số 6 tạo nên cửa ngõ của khu vực Tây Bắc. Theo người dân truyền lại căn cứ địa cách mạng Mường Khói được hình thành còn gắn với một câu chuyện kỳ lạ của một quan lang ở xã Ân Nghĩa.

Góc bán thuốc lào tại chợ Re.

Quan lang Quách Hy (sinh năm 1907) được coi là một ông “Vua con” cả vùng. Sinh và lớn lên ở xã Ân Nghĩa, ông Quách Hy được đào tạo học hành từ nhỏ và tiếp quản chức quan lang truyền lại từ bố. Nhưng chánh tổng Quách Hy khác hẳn với những quan lang khác trong vùng. Ông sống rất hòa đồng với mọi người chứ không tham lam và độc ác như các quan lang đương thời.

Thật bất ngờ ông bí mật nuôi giấu một chiến sĩ cách mạng đang bị giặc Pháp truy lùng. Khi giặc tìm tới bắt người ngay tại nhà nhưng ông vẫn bình tĩnh tìm cách bảo vệ. Cuối cùng chúng điều ông làm quan nơi khác với âm mưu “điệu hổ ly sơn”. Chúng không hề biết rằng mọi hoạt động của ông với các chiến sĩ cách mạng vào những năm 1940 hết sức bí mật. Ông phối hợp với con trai là Quách Đức Dưỡng ở tại quê để đưa xã Ân Nghĩa trở thành trung tâm kháng chiến vào giai đoạn này.

Quan lang Quách Hy thường bí mật về Mường Khói vận động mọi người tham gia cách mạng. Chính con trai ông đã thành lập trung đội du kích đầu tiên và trở thành đầu mối trong các hoạt động đánh Pháp đuổi Nhật. Ông đã đưa đồng chí Vương Thừa Vũ, một lãnh đạo Xứ ủy Bắc kỳ về Mường Khói và giao cho con trai bảo vệ. Lớp học chính trị “Trường Sơn kháng Nhật hiệu học” được tổ chức vào tháng 7-1945 ngay tại xóm Lọt xã Ân Nghĩa.

Những cán bộ từ khắp nơi về đây học để chuẩn bị cho công cuộc cướp chính quyền vào năm 1945. Giặc Pháp và Nhật cho quân theo dõi và lùng bắt cán bộ nhưng đành bó tay. Quan lang Quách Hy được kết nạp đảng và được cử đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (16-8-1945).

Căn cứ kháng chiến Mường Khói trở thành pháo đài vững mạnh. Khi lệnh khởi nghĩa tháng Tám truyền tới, ngay lập tức quân và dân các xã đều nhất tề đứng lên tiêu diệt bọn tay sai giặc Nhật và giải phóng toàn khu vực sáu xã. Sau đó 50 chiến sĩ tự vệ của Mường Khói đã góp phần cùng lực lượng các huyện tấn công giải phóng tỉnh Hòa Bình vào ngày 23-8-1945. Ông Quách Hy đã trở thành Phó Chủ tịch cách mạng lâm thời tỉnh Hòa Bình.

Tiếp tục tham gia cách mạng trong suốt 30 năm, sau này ông còn được bầu làm Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch MTTQ tỉnh  Hòa Bình. Hình ảnh và cuộc đời ông Quách Hy từ một quan lang, chánh tổng rời bỏ vinh hoa phú quý đi theo cách mạng đã được ghi nhận như một hiện tượng đặc biệt của Mường Khói. Ông là chiến sĩ cách mạng người Mường đầu tiên được Bác Hồ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. 

Màu thời gian

Mường Khói là một trong những vùng dân cư Mường khá rộng (đầu tiên gồm 6 xã). Nay dân Mường Khói (thu gọn trong ba xã Ân Nghĩa, Yên Nghiệp và Tân Mỹ) nhưng vẫn còn giữ được những di sản của riêng mình. Chiếc trống đồng ở xã Ân Nghĩa nằm trong vùng khảo cổ học là minh chứng cho sự văn minh khá sớm của người Mường. Khúc ca nói về trống đồng trong sử thi kể chuyện nàng Ngà và nàng Ngân (hai người em gái của vua Mường) ra suối gội đầu. Họ bỗng phát hiện ra chiếc trống đồng dạt vào bờ cát.

Vua Mường cho thợ khéo bốn phương tới chế tác theo. Họ đúc được 1960 chiếc trống đồng để vua ban phát cho các nhà Lang. Cũng từ đây những dàn cồng chiêng ra đời. Dàn cồng chiêng Mường Khói cũng có số lượng đáng kể trong 3000 chiếc của cả huyện Lạc Sơn.

Mường Khói là một phần lắng đọng trong không gian rộng lớn Mường Vang của cả huyện Lạc Sơn. Những khúc ca trong lễ hội Mường Khói luôn vang lên với sắc màu độc đáo của một vùng núi non sơn thủy hữu tình nằm bên sông Bưởi dịu dàng.

Vương Tâm
.
.