Tôi dịch và thuyết minh phim Ba Lan

Chủ Nhật, 29/09/2019, 08:38
Hồi đó nhiều người khen, phim thuyết minh mà như phim lồng tiếng. Chả là, tôi có lợi thế, là người dịch lời thoại, cũng là người thuyết minh luôn. Cho nên khi dịch thuyết minh tôi phải căn thời lượng, sao cho lời thoại trên phim bằng tiếng Ba Lan và lời thoại thuyết minh tiếng Việt thời lượng dài bằng nhau. 

Phim “Thế giới đàn bà”

Hồi những năm 1984 - 1985, bộ phim truyện Ba Lan có tiêu đề “Thế giới đàn bà” do tôi dịch và thuyết minh đã từng làm xôn xao dư luận người xem Hà thành. Người ta đổ xô đi xem bộ phim này. Cửa phụ rạp Hồng Hà cạnh chợ Hàng Da và cổng Câu lạc bộ quốc tế ở phố Lê Hồng Phong đã bị người xem xô đổ để ùa vào xem bộ phim hài, khoa học viễn tưởng của điện ảnh Ba Lan.

Có đêm tại Xí nghiệp phim Thời sự tài liệu Trung ương 122 Hoàng Hoa Thám, tôi đã chiếu bộ phim “Thế giới đàn bà” tới ba ca liền, trong đó có ca chiếu vào lúc hai giờ sáng mà vẫn chật cứng người xem. Nhiều cơ quan, như Bộ Ngoại giao, Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam vv… đã mời tôi đến chiếu bộ phim này tại cơ quan mình, được coi là chiếu phim tư liệu.

"Thế giới đàn bà" là bộ phim hài, khoa học viễn tưởng, công chiếu năm 1984, của đạo diễn Juliusz Machulski. Bộ phim kể rằng, sau một sự biến trên trái đất, tất cả đàn ông bị tiêu diệt. Sau biến cố này tất cả đàn bà phải chui xuống lòng đất sinh sống.

Phim “300 ngàn đồng tiền mới”.

Ở đó họ tạo lập thế giới riêng của nữ, gọi là “Thế giới đàn bà”. Hai gã đàn ông được các nhà bác học ướp xác để thí nghiệm phương pháp ngủ đông đã sống sót và lạc vào thế giới đàn bà, lúc tỉnh dậy trong lòng đất, khi đã kết thúc những năm tháng ngủ đông bằng phương pháp khoa học. Hai gã đàn ông lạc loài trong thế giới của chị em được họ nuôi nấng, chăm sóc, theo dõi, canh gác cẩn mật, trong một căn phòng đặc biệt với đầy đủ các máy móc trang thiết bị theo dõi và giám sát.

Không có đàn ông, thế giới đàn bà trong lòng đất phải tự sống cùng nhau, họ chẳng thể sinh sôi nảy nở, và họ phải khắc phục chuyện này bằng phương pháp sinh sản nhân tạo qua ống nghiệm. Hàng loạt trẻ con ra chào đời trong phòng thí nghiệm. Câu chuyện hài, nhiều cảnh, nhiều chi tiết, nhiều tình huống giật gân, ly kỳ, xoay quanh mối quan hệ qua lại giữa thế giới đàn bà và hai người đàn ông này. Phim vui, cảnh đẹp, nhiều diễn viên xinh.

Có cả cảnh các cô gái khỏa thân bơi trong hồ nước nhân tạo, nom như những người cá, làm sướng mắt người xem. Nhất là, hồi những năm 80, cảnh khỏa thân trên các bộ phim phát hành qua luồng chính thống hầu như không có. "Thế giới đàn bà" mà tôi đem đi chiếu là phim ngoài luồng.

Phim "Thế giới đàn bà" đã thu hút 11 triệu khán giả Ba Lan hồi đó, được bầu chọn là bộ phim Ba Lan hay nhất năm 1984. Bộ phim khoa học viễn tưởng này đã để lại cho người xem Việt Nam nhiều ấn tượng tốt đẹp về một nền điện ảnh khoáng đạt, tươi mới.

Phim “Lối thoát khi xảy ra sự cố”

Năm 1983, tôi dịch lời thuyết minh bộ phim hài của điện ảnh Ba Lan có tiêu đề “Lối thoát khi xảy ra sự cố” (Wyjscie awaryjne). Bộ phim do Công ty Điện ảnh Ba Lan KADR thực hiện, công chiếu năm 1982, đạo diễn Roman Zaluski.

Phim kể rằng: Tại một thị trấn nhỏ Ba Lan hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước có một bà Chủ tịch xã rất năng nổ, đó là bà Jadwiga Koledowa. Ông Wladyslaw, chồng bà, chuyên chăn nuôi vịt và trồng hoa trong nhà kính. Dorota, con gái của hai ông bà, là một cô gái không làm ăn gì, lười lao động.

Sự cố xảy ra khi bà Chủ tịch xã hay rằng, bà sắp sửa trở thành bà khi con gái của bà chưa chồng. Đứng trước nguy cơ bị bẽ mặt, mất uy tín của một vị Chủ tịch xã, bà đã nghĩ ra kế điên rồ. Bà bắt chồng mình phải đi tìm mua cho bằng được một chàng rể hờ để tổ chức một đám cưới giả mạo, cưới xong, hoàn tất hợp đồng, anh chồng đóng kịch này phải ly dị vợ ngay lập tức.

Kế hoạch được thực thi. Ông Wladyslaw, người chồng hiền lành dễ thương của bà Chủ tịch, ra phố tìm kiếm và rốt cuộc đã tìm được một anh chàng vừa mãn hạn tù, đem về làm chàng rể ngụy tạo. Đám cưới được tổ chức rất linh đình, sang trọng, có mời lãnh đạo cấp trên về dự. Bà Chủ tịch xã hãnh diện, nở mày nở mặt với cấp trên và bà con xa gần.

Oái oăm thay, hôm tổ chức màn kịch lễ cưới, chàng rể đóng kịch này tuyên bố thẳng thừng, sẽ không có chuyện ly dị, cho dù bà Chủ tịch tìm mọi cách ép buộc anh ta, thậm chí lột hết quần áo cưới do bà may sắm khỏi người của anh ta để đuổi anh ta đi. Rốt cuộc anh chàng vẫn khư khư một mực, không chịu ly dị, với lý do anh ta và con gái bà Chủ tịch không yêu giả mà là yêu thật…

Phim “Lối thoát khi xảy ra sự cố”.

Đây là một bộ phim hài rất vui và rất thú vị, tính giễu nhại và tính phê phán cao, được người xem thích thú. Cũng như phim “Thế giới đàn bà”, tôi đem bộ phim “Lối thoát khi xảy ra sự cố” do tôi tự thuyết minh đi chiếu khắp Hà Nội. Khi tôi chiếu bộ phim này tại Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam ở phố Thụy Khuê, hay ở Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam  Ô Chợ Dừa thì khách xem là các diễn viên điện ảnh, các nhà làm phim rất thích, các nhà phê bình, nghiên cứu nghệ thuật hết lời ngợi khen.

Theo họ, đây là một bộ phim hài hay, sâu sắc, diễn xuất rất đạt. Bộ phim này hay cả về nội dung và hay cả về hình thức và giá trị nghệ thuật, các diễn viên điện ảnh và các nhà làm phim Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều điều ở bộ phim này.

Hồi đó nhiều người khen, phim thuyết minh mà như phim lồng tiếng. Chả là, tôi có lợi thế, là người dịch lời thoại, cũng là người thuyết minh luôn. Cho nên khi dịch thuyết minh tôi phải căn thời lượng, sao cho lời thoại trên phim bằng tiếng Ba Lan và lời thoại thuyết minh tiếng Việt thời lượng dài bằng nhau. Khi lời thoại trên phim bắt đầu thì tôi cũng mở miệng bắt đầu lời thuyết minh.

Lời thoại trên phim ngừng thì tôi cũng ngừng (xong) thuyết minh. Tôi biết tiếng Ba Lan cho nên tôi dễ dàng khớp lời thuyết minh của tôi với lời thoại trên phim, mặc dù tôi không phải là người thuyết minh chuyên nghiệp. Điều này cho người xem cảm giác là phim “lồng tiếng”.

“300 ngàn đồng tiền mới”, “Thiếu tá kéo dài cuộc điều tra”…

Hồi đó Sở Công an Hà Nội là cơ quan tôi thường xuyên phục vụ. Tôi thường xuyên đem phim Ba Lan đến chiếu tại Câu lạc bộ Sở Công an Hà Nội ở phố Trần Hưng Đạo, tại các trụ trở Công an quận và huyện ngoại thành (chiếu ngoài trời). Tôi cũng đã từng mấy lần chiếu phim Ba Lan phục vụ Công an thị xã Sơn Tây.

Có lần tôi còn đến chiếu phim tại Trại giam Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Chung quanh chiếc bàn tôi ngồi thuyết minh là đông đảo các phạm nhân bị giam giữ tại đây. Họ ngồi, vui vẻ, thoải mái, hoàn toàn không có không khí giam cầm.

Tôi say sưa thuyết minh phim. Các phạm nhân say sưa thưởng thức. Có lúc tôi nghe thấy lời bình phẩm của một phạm nhân ngồi cạnh tôi: “Thuyết minh hay, y như lồng tiếng!”. Các phim tôi đem chiếu phục vụ cho các cơ quan của Sở Công an Hà Nội hồi đó là: “300 ngàn đồng tiền mới” (phim hình sự, điều tra một vụ tống tiền), “Thiếu tá kéo dài vụ điều tra”, cũng là phim hình sự, “Xuân đến rồi hỡi anh trung sĩ” (phim kể chuyện người lính), “Lối thoát khi xảy ra sự cố”, “Thế giới đàn bà”… Toàn phim ngoài luồng, được xem là phim tư liệu.

Xin kể chuyện này nữa. Có lần, theo đề nghị của tổ chiếu phim Bộ Nông nghiệp, do anh Thi phụ trách, tôi về chiếu bộ phim “Lối thoát khi xảy ra sự cố” ở nông trường gà Ba Vì. Buổi chiếu phim ngoài trời này có khá đông người xem. Chủ yếu là công nhân của nông trường và bà con vùng phụ cận.

Phim 16 ly, màn ảnh không được rộng, chiếu trên một bãi cỏ, bà con ngồi im thin thít, say sưa xem phim từ đầu đến cuối. Sau buổi chiếu phim, tôi được nông trường mời ăn bồi dưỡng bữa cơm với thịt gà do nông trường nuôi. Xin lưu ý, hồi đó mà được ăn cơm với thịt gà thì sướng vô cùng, vì thời bao cấp ta còn nghèo, nhiều khó khăn, lấy đâu ra thịt gà mà ăn hằng ngày.

Trước khi trở về Hà Nội, lúc 11 giờ đêm, tôi được nông trường trả thù lao thuyết minh phim bằng 20 quả trứng gà. Tôi thích lắm, thích hơn cả 200 đồng mà các nơi khác họ vẫn thường trả cho tôi. Khi tôi về đến nhà, nhìn thấy túi trứng gà vợ tôi sáng mắt. Vợ tôi liền dõng dạc tuyên bố: “Sáng mai cả nhà mình sẽ ăn trứng gà luộc”.

Đã bốn chục năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm hồi những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi ở tuổi 40.

Lê Bá Thự
.
.