Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải:

“Tôi đã viết về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn như thế đó”

Thứ Ba, 15/01/2008, 11:00
Nguyễn Thị Ngọc Hải được chú ý như một nhà văn hàng đầu của thể loại ký nhân vật. Cuốn sách nổi tiếng nhất của chị: "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời", đã 2 lần đoạt giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Nguyễn Thị Ngọc Hải được chú ý như một nhà văn hàng đầu của thể loại ký nhân vật (biography - một thể loại rất được coi trọng ở phương Tây), bắt đầu là cuốn "Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống" (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998).

sau đó là một loạt sách về các nhà tình báo huyền thoại: "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời" (2002), "Đại tướng Mai Chí Thọ - tướng con dân" (2005), "Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại" (2006).

Cuốn sách nổi tiếng nhất của chị: "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời", đã 2 lần đoạt giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam: giải A Cuộc vận động viết tiểu thuyết và ký 1999-2003, giải A Văn học về đề tài an ninh 10 năm 1995-2005; được tái bản nhiều lần và đến nay vẫn không ngừng được dư luận quan tâm. VNCA đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải xung quanh cuốn sách nói trên.

- Một trong những nhân vật huyền thoại của chiến tranh Việt Nam là nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, nhưng rất nhiều năm sau chiến tranh, cuộc đời của ông vẫn là bí ẩn. Năm 2002, cuốn sách của chị ra đời đã gây sự rung động trong dư luận vì lần đầu tiên hé mở về con người và vai trò của ông trong chiến tranh. Chị đã thực hiện cuốn sách này như thế nào?

+ Phải mất 10 năm tôi mới xong được cuốn sách mỏng đó. Mãi khi tập hợp tài liệu để viết, tôi mới biết đã lác đác có một số bài báo của các ký giả Mỹ viết về ông trên báo chí nước ngoài. Còn ở Việt Nam hầu như bạn đọc chưa biết gì nhiều.

Một người bạn thân của tôi, bác sĩ Lâm thấy tôi chuyên viết nhân vật, đã giới thiệu cho tôi gặp. Tôi hỏi bác sĩ Lâm quen thế nào với ông Ẩn, ông nói: "Cứ hiểu thế này, một người như ông ẩn thì ai cũng đến".

Tất nhiên, như tất cả những người viết khác, thoạt đầu tôi cũng bị từ chối. Ông chỉ trò chuyện như với bạn bè và nhiều lần bảo rằng viết sẽ khó lắm. Có nhiều điều ông không muốn và không thể nói ra để bảo vệ người liên quan. Tôi cũng thấy rõ đây là việc quá sức mình. Nhân vật thì không sẵn sàng bộc lộ. Thâm nhập vào các tài liệu tình báo thì tôi không có điều kiện. Tôi bỏ ý định viết.

Nhưng rồi tôi tự nhủ: "Không viết thì thôi, mình cứ xin nghe để hiểu, để học hỏi một con người đặc biệt. Đó là cách sống, chứ đâu chỉ có công việc mới tìm đến". Có lẽ cách xử sự thật thà và tò mò một cách chân thành này khiến ông có cảm tình.

Tôi đem theo sổ ghi chép, đến như "đi học", không biết đến bao giờ mới đủ. Có lẽ vì vậy "công việc" kéo dài mất 10 năm. Tôi viết, lại cất ở nhà. Anh Bá Dũng bạn tôi, một người tinh thông sách vở, thích đọc hồi ký đã đọc và khen. Rồi tự anh đem ra Nhà xuất bản Công an nhân dân. Lúc ấy tôi mới biết có cuộc thi của Hội Nhà văn và Bộ Công an tổ chức. Sách đã được giải A trong cuộc thi đó và đến với bạn đọc.

- Khác hẳn những cuốn ký nhân vật ở Việt Nam chủ yếu kể tiểu sử, vụ việc, công trạng, cuốn sách của chị thể hiện chân dung một con người  trong cái nhìn văn hóa - lịch sử, văn phong đẹp, hiện đại. Nhưng có lẽ nó không thỏa mãn bạn đọc vì năm 2002 ông Ẩn vẫn chưa được giới truyền thông nói tới nhiều nên bạn đọc vẫn có thói quen muốn tìm hiểu vụ việc, nhất là với người tình báo. Vì sao chị chọn cách viết đó?

+ Liệt kê thành tích, công trạng là việc của ngành thi đua, khen thưởng. Viết chân dung thì khó nhất là tái hiện được con người với cá tính, tác phong, tâm hồn, ngôn ngữ. Tôi dồn sức vào việc đó, vì nghĩ mình cũng chỉ làm được "một chớp đèn flash" như đã viết trong sách.

Về nghiệp vụ, tôi rất cần phải được thâm nhập tài liệu tình báo, bám sát các sự kiện, đi phỏng vấn nhiều người. Nhưng tôi biết lúc đó chưa có điều kiện như sau này các đồng nghiệp được phép và được sự giúp đỡ của Cơ quan Tình báo quân đội, không đơn độc như tôi trước đây 16 năm.

Như nhà sử học Mỹ Larry Berman bay sang Việt Nam tới 24 lần, được phép tiếp cận tài liệu mật ở Mỹ và phỏng vấn hầu như tất cả các nhân vật liên quan sâu đến cuộc đời hoạt động của ông Ẩn hiện sống ở Mỹ.

Các đồng đội của ông ở Việt Nam cũng không được biết tường tận về ông vì ông hoạt động đơn tuyến. Người chỉ huy trực tiếp của ông Ẩn là ông Mười Hương đã nói với tôi: "Ông là người chỉ trỏ. Còn làm thế nào thành công thì đó hoàn toàn do tài năng của người tình báo".

Sự sáng suốt của lãnh đạo là đặt ông Ẩn vào đúng hướng chiến lược: Đi học ở Mỹ, hiểu văn hóa Mỹ, tiếp cận thượng đỉnh. Trong tình hình như thế, tôi nghĩ sẽ phải có nhiều người viết, nhiều góc cạnh, kể cả các nhà phân tích khoa học quân sự. Tôi thích mình làm dưới góc độ văn hóa, con người có cá tính. Tính "bán chạy" của cuốn sách đã không được ưu tiên. Có thể là tôi đã sai, đã thiếu nhưng dù sao tôi muốn bạn đọc như được nhìn thấy ông trong đời sống, và yêu kính ông...

- Chị có nghĩ rằng cuốn sách của chị được công bố đã mở màn cho sự tập trung của giới truyền thông đối với nhân vật Phạm Xuân Ẩn, bởi ngay sau đó mới có loạt bài của báo Thanh Niên và nhà báo Hoàng Hải Vân tập hợp thành sách xuất bản (cuốn "Pham Xuan An, a general of the secret service" - NXB Thế giới xuất bản bằng tiếng Anh năm 2003). Và tiếp theo là một loạt bài báo, chương trình truyền hình khác?

+ Sau khi cuốn sách của tôi được giải và bắt đầu được chú ý, nhà báo Hoàng Hải Vân có gọi điện cho tôi, xin được khai thác từ cuốn sách. Anh ấy đã phát triển công việc, phỏng vấn nhiều nhân vật theo phong cách báo chí và đã mở rộng thông tin.

Rồi ông Ẩn xuất hiện trên chương trình Người đương thời của VTV3 và nở rộ trên báo chí nhiều bài khác nữa. Tiếp theo là việc Giáo sư Larry Berman sang Việt Nam hoàn thành nốt phần việc của cuốn sách, và sự kiện nhà tình báo ra đi - chưa được thấy cuốn sách "Điệp viên hoàn hảo".

Đạo diễn Lê Phong Lan cũng vừa hoàn thành bộ phim tài liệu về ông, đã thực hiện trong 5 năm với sự giúp đỡ của Tình báo Quân đội và nhiều người liên quan. Tất cả công việc của rất nhiều người, dưới nhiều góc độ, đã góp phần hoàn chỉnh dần hình ảnh của ông. Tôi tin rằng dù như vậy, ông Ẩn đã mang theo đi nhiều chuyện mà chúng ta vẫn chưa biết hết được.

Ai có "công đầu", tôi nghĩ không nên xếp hạng. Điều làm tôi sung sướng là dù làm việc âm thầm trong khó khăn, với sự mạnh bạo của NXB Công an nhân dân, biên tập viên Thanh Hà, chúng tôi đã đưa được ông ra với đông đảo công chúng dưới một góc độ khác lạ.

Tôi cũng rất cảm động khi cuốn "Điệp viên hoàn hảo" lúc mới ra bản tiếng Anh, chưa xuất bản ở Việt Nam, Giáo sư Larry Berman có đến nhà tặng tôi quyển sách với lời đề tặng: "Cuốn sách của bà đã mở đường cho tất cả chúng tôi". Tôi nghĩ đó chỉ là ý kiến riêng của ông Larry Berman.

- Hầu như sau sự ra đời của cuốn sách của chị ở Việt Nam, báo chí và ký giả nước ngoài khi nói về Phạm Xuân Ẩn đều nhắc đến nó. Họ biết đến sách của chị, vậy tác phẩm có được dịch ra ngôn ngữ nào chưa?

+ Tôi cũng không tìm hiểu họ biết đến sách của tôi theo cách nào. Riêng Giáo sư Larry Berman cho biết ông đã nhờ một Việt kiều dịch cho ông tham khảo và ông đọc rất kỹ, tới 3 lần. Và ông dựa vào đó để đặt câu hỏi khai thác trao đổi với ông Ẩn.

Một số bạn bè tôi cho biết cuốn sách mỏng nhưng sẽ rất khó dịch. Con trai đầu của tôi, Trần Hà Nguyên - người vừa dịch quyển "Đời tôi - My life"  của Bill Clinton dày 1.400 trang cũng bảo rằng sách của tôi khó dịch ở chỗ, sách nêu được chân dung, ngôn ngữ riêng biệt và hài hước rất Nam bộ. Dịch được nhưng sẽ mất rất nhiều sắc thái. Cho đến nay, đã có nơi xin dịch nhưng chưa thành.

Một xưởng phim yêu cầu tôi chuyển thể kịch bản làm phim truyện, nhưng tôi từ chối vì đó không phải nghề của tôi. Tôi muốn mình có chút gì học theo phong cách "Phạm Xuân Ẩn", nghĩa là không cần ồn ào. Ông ấy vĩ đại thế, được nước ngoài đánh giá là "nhà tình báo và nhà báo của thế kỷ XX", vậy mà ông đâu cần ai biết đến. Gia đình ông cũng vậy. Họ sống theo "phong cách Ẩn". Đó là một vẻ đẹp rất cổ kính mà ngày nay trong thời đại PR, chúng ta thường quên mất.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này

Trần Thanh Hà (thực hiện)
.
.