Toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa

Thứ Sáu, 08/12/2006, 15:00

Bên cạnh việc hội nhập kinh tế, tiến trình hội nhập văn hóa cũng là một tất yếu không thể né tránh. Và giữa hội nhập kinh tế và hội nhập văn hóa cũng không thể coi nhẹ mặt nào.

Toàn cầu hóa là một xu thế không thể cưỡng lại đối với tất cả các quốc gia. Chủ động để hội nhập là một thái độ tích cực, khôn ngoan. Chủ động hội nhập là khẳng định đường hướng có chiến lược, có chiến thuật, có kế hoạch cho từng bước đi. Chủ động hội nhập sẽ khai thác được nhiều nhất những thuận lợi, những cơ hội để dân tộc có nhiều lợi ích nhất; hạn chế được đến mức thấp nhất những thách thức, những tiêu cực nảy sinh.

Công cuộc đổi mới của đất nước ta hai mươi năm qua chính là sự chủ động hội nhập quốc tế, từng bước vững chắc đạt được những thàng tựu rất đáng tự hào. Về kinh tế, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển khá cao (từ 7,5 - 8% năm); cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực phát triển công nghiệp và dịch vụ; tốc độ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ với những bước đi dài… tất cả đã tạo điều kiện chín muồi để Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO sắp tới.

Bên cạnh việc hội nhập kinh tế, tiến trình hội nhập văn hóa cũng là một tất yếu không thể né tránh. Và giữa hội nhập kinh tế và hội nhập văn hóa cũng không thể coi nhẹ mặt nào. Coi nhẹ hội nhập kinh tế thì đất nước sẽ chậm ra khỏi một nền kinh tế nghèo. Coi nhẹ hội nhập văn hóa đôi khi lại nguy hiểm hơn bởi có thể bị các nền văn hóa khác đồng hoá.

Văn hóa là hồn cốt của một dân tộc. Một dân tộc mà không giữ được bản sắc văn hóa riêng, bị đồng hóa thì dần dần sẽ không còn dân tộc đó nữa. Vì vậy bên cạnh chiến lược phát triển kinh tế với phương châm tích cực hội nhập quốc tế, thì chúng ta cũng có chiến lược phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tất nhiên đậm đà bản sắc dân tộc không hoàn toàn đóng cửa nền văn hóa, mà chủ động chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú, giàu có thêm, hiện đại hơn nền văn hóa của dân tộc mình.

Chiến lược thì là vậy, nhưng hai mươi năm hội nhập văn hóa thế giới quả là cuộc đấu tranh quyết liệt. Đánh giá về thành tựu hội nhập văn hóa có nhiều ý kiến khác nhau, không được đồng thuận như khi chúng ta đánh giá về thành tựu đổi mới kinh tế. Điều này chứng tỏ quá trình hội nhập văn hóa của chúng ta còn có những vấn đề non yếu.

Không ai phủ nhận sau 20 năm đổi mới, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta được nâng cao, được mở rộng, phong phú đa dạng và giàu có hơn nhiều. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh những mặt tốt đó, thì nhiều mặt tiêu cực của đời sống xã hội cũng nảy sinh. Đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng; đời sống văn hóa bị lai căng, nhiều chuẩn mực xã  hội không còn được tôn trọng, một số mặt xấu được duy trì công khai không  có người lên tiếng, nhiều tệ nạn không ngăn chặn được…

Riêng về lĩnh vực văn học nghệ thuật, hai mươi năm hội nhập thì văn chương nghệ thuật thế giới ồ ạt tràn vào nước ta, cả những tác phẩm hay và những tác phẩm dở. Văn hóa bạo lực, tình dục ngang nhiên thách thức những thuần phong mỹ tục; những món hàng ăn liền rẻ tiền tấn công những giá rị sâu sắc, thâm nghiêm… Những tính chất văn chương nghệ thuật ngoại lai đó đôi khi còn có sức mạnh chiếm lĩnh hẳn được một bộ phận làm nhiệm vụ sáng tạo, biểu diễn và một bộ phận công chúng khá đông đảo. Nhiều khi nó lại “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” khá rầm rộ.

Hội nhập thế giới, nghĩa là ra với đại dương với nhiều sóng to gió lớn. Ở lĩnh vực nào cũng cần phải có người cầm lái có bản lĩnh và có tầm nhìn xa rộng. Trên thế giới đã có nhiều bài học về sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Nhưng bài học nào cũng chỉ có những giá trị nhất định chứ không thể là chìa khóa vạn năng. Chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam phong phú đậm đà bản sắc dân tộc là hoàn toàn đúng đắn, nhưng triển khai xây dựng quản lý văn hóa toàn xã hội là vô cùng khó khăn phức tạp, là thách thức lớn cần có sức mạnh của nhiều cấp nhiều ngành mới có thể làm được. Với quyết tâm và phương pháp đúng đắn thì cuối cùng căn bệnh nào cũng tìm ra được thuốc đặc trị, cũng tìm được giải pháp giải quyết đúng đắn.

Nền văn hóa Việt Nam trong bốn nghìn năm lịch sử tồn tại và phát triển đã thể hiện sức sống mãnh liệt. Âm mưu đồng hóa của những nền văn hóa lớn hết đợt sóng này đến đợt sóng khác cũng không xóa được bản lĩnh văn hóa Việt Nam.

Có thể nói nền văn hóa Việt Nam đã được tôi luyện và có sức đề kháng cao. Điều này cho chúng ta tin tưởng vào chặng đường phát triển sắp tới của nền văn hóa dân tộc, cho chúng ta bình tĩnh và tự tin khi trong vườn hoa còn có cỏ dại, nấm độc. Tuy cỏ dại và nấm độc thường nảy nở sinh sôi rất nhanh chóng, nhưng nếu có người làm vườn tinh mắt và chăm chỉ thì sẽ phát hiện và nhổ  được tận gốc để vườn hoa văn hóa Việt Nam chỉ còn hoa thơm đua sắc

24/10/2006
.
.