Tọa đàm văn học trẻ: “Được” nhiều hơn “mất”?

Thứ Sáu, 04/12/2009, 09:15
Năm 2009, Ban Công tác Nhà văn trẻ cũng như một vài tổ chức văn hóa như Trung tâm Les pas, Viện Goethe... liên tục mở các cuộc tọa đàm sách của các tác giả trẻ và giới thiệu họ với tư cách là một tác giả độc lập. Những cuộc tọa đàm này đã quy tụ được các tác giả trẻ cũng như tạo nên sự hứng khởi cho văn học trẻ nước nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái được cho tác giả, cho các nhà phê bình, cho những người tổ chức... thì liệu, những cuộc tọa đàm ấy đã có sức lan tỏa, đã có hiệu ứng tức thời cho độc giả, cho những người yêu mến văn học hay chưa?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với 3 nữ tác giả: Phong Điệp, DiLi, Nguyễn Quỳnh Trang để hiểu hơn những suy nghĩ của họ khi có sách được tọa đàm.

1. Khi biết sách của mình được Ban Nhà văn trẻ mời tọa đàm, cảm xúc ban đầu của các chị là gì?

Phong Điệp: Tôi thấy vui vì đây là một điều kiện rất tốt cho "ba bên" cùng ngồi với nhau, bao gồm: người sáng tác, người đọc và nhà phê bình

DiLi: Cũng như khi tôi được một giải thưởng văn học nào đó, hay một danh hiệu nào đó, ngay lập tức điều đầu tiên tôi nghĩ đến là "Ồ, vậy là mình đã chứng minh được những gì mình viết ra không chỉ đơn thuần là vấn đề thị trường". Thỉnh thoảng tôi vẫn hơi bức xúc về việc một số người (không nhiều) đánh đồng sách bán chạy và một số đề tài văn chương chuyên biệt với khái niệm "thị trường". Tôi luôn có tham vọng là tác phẩm của tôi được chấp nhận từ cả hai phía, độc giả số đông và các nhà phê bình khó tính. Tọa đàm được tổ chức bởi Hội Nhà văn là một "bữa tiệc văn chương" mang tính chuyên môn. Đương nhiên không phải chỗ dành cho sách thị trường.

Nguyễn Quỳnh Trang: Tôi rất vui, bởi vì đây là dịp tác phẩm của mình được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học… ngó ngàng đến.

2. Mỗi tác giả viết sách và ra sách đều mong muốn sách của mình sẽ đến được với đông đảo bạn đọc và phải chăng, các cuộc tọa đàm cũng giúp các chị PR một cách khéo léo và có văn  hóa sách của mình tới đông đảo bạn yêu văn học?

Nguyễn Quỳnh Trang: Nếu tọa đàm thực sự tập trung vào chuyên môn, đảm bảo chất lượng và khuấy lên được vấn đề, thì đúng đó sẽ là một cách PR khéo léo và có văn hóa.

Phong Điệp: Tọa đàm cũng là dịp để mọi người biết đến một tác giả hoặc cuốn sách nào đó. Nhưng người viết cũng phải đối mặt với một thực tế là nếu viết chưa hay thì có thể bị "cạo gáy" (cười). Điều mà tôi thấy thích thú với các cuộc toạ đàm đã diễn ra, đó là sự sòng phẳng. Mọi người đã đọc sách, đã đến tọa đàm với thái đội trân trọng và lắng nghe nhau.

DiLi: Tôi nghĩ, các cuộc tọa đàm bao giờ cũng có cả lời khen tiếng chê. Các bài báo tường thuật không thể chỉ đưa lời khen vào, thậm chí họ còn thích túm những lời chê cho bài báo hấp dẫn. Tôi không khát khao quảng bá sách đến mức khen chê gì cũng được, chỉ miễn là tác phẩm và tên mình có mặt trên truyền thông. Thực ra năm 2009 này, tôi đã ra 3 tập sách dịch và 3 cuốn do tôi sáng tác. Tôi còn 2 tập bản thảo nữa đang nằm trong máy vi tính mà chưa dám đưa cho nhà xuất bản in thêm, sợ rằng người ta nhìn thấy tôi đã phát chán, nghĩ rằng tôi chỉ ăn ngủ và... viết. (cười)

3. Theo dõi các cuộc tọa đàm, tôi nhận thấy rằng, nhiều bạn đọc đến với các cuộc tọa đàm bằng một tình yêu sách thực sự, một sự quan tâm tới các tác giả trẻ cũng như những chuyển động của họ. Nhưng, bên cạnh đó, cũng có nhiều độc giả, các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình đến với cuộc tọa đàm mà chưa đọc sách nhưng vẫn phát biểu (khen hoặc chê) rất... đãi bôi. Trước thái độ này, các chị nghĩ thế nào?

Nguyễn Quỳnh Trang: Tôi từng đến với không ít các tọa đàm văn học, và nhiều khi thấy thất vọng vì sau đó, muốn về tòa soạn, viết một bài báo tường thuật mà không thể. Để làm được một tọa đàm, biết bao công sức của mọi người bỏ ra. Như tọa đàm tác phẩm của tôi, Ban Công tác Nhà văn Trẻ đã phải lên kế hoạch trước đó cả tháng, sau đó phân công nhiệm vụ cho từng người, từ tổ chức tham luận, thiết kế băng rôn, pa nô, tính toán số lượng và gương mặt nào sẽ tham dự… chưa tính đến việc đi phát giấy mời cho mỗi người. Buổi chiều trước ngày tọa đàm, hai nhà văn Phan Thị Vàng Anh và Võ Thị Xuân Hà đến từ sớm, cùng thợ khuân, vác, dán, buộc, trang trí… treo băng rôn, pa nô; xếp gọn gàng bàn ghế, bày cốc, nước, sao chụp mỗi tham luận thành gần trăm bản, bàn bạc dự kiến chương trình hôm sau sẽ diễn ra như thế nào… Nói chung là nhiều lo lắng và vất vả.

Phong Điệp: Vâng, cũng có trường hợp người đứng lên phê bình, nhận xét có thể chưa đọc (hoặc chưa đọc kĩ) tác phẩm. Có thể họ bận rộn quá chăng? Nhưng họ đến chứng tỏ họ có quan tâm. Nếu không thì họ đã có ngàn lẻ một lý do để không đến toạ đàm kia mà. Tôi thích nhìn các vấn đề ở khía cạnh tích cực.

DiLi: Trong cuộc tọa đàm của tôi thì chưa có ai không đọc sách tôi mà lại phát biểu công khai. Còn những lời phát biểu không chính thức thì đáng tiếc tôi lại không nghe được. Thôi thì dù sao nếu người ta có ý kiến về mình (dù chưa đọc) thì cũng là người ta quan tâm đến mình. Còn khi người ta không có ý kiến, nghĩa là người ta dửng dưng rồi, không thèm quan tâm, hoặc thậm chí còn không biết mình là ai, không biết mình có cái tác phẩm ấy trên đời. Là tôi tự an ủi thế, chứ có người không đọc tác phẩm của mình mà vẫn khen, chê thì chẳng tác giả nào thấy đấy là điều thú vị cả.

4. Thường thì sau các cuộc tọa đàm, các chị có cảm xúc gì? Nói thật lòng thì có thấy mình bị mổ xẻ đến độ... mất mát hoặc thấy mình rút ra được những bài học bổ ích?

Nguyễn Quỳnh Trang: Tôi cảm thấy vui, vì cuộc tọa đàm sâu vào chuyên môn, nghĩa là lấy tiểu thuyết của tôi làm trung tâm mà bàn luận, chứ không sa đà vào việc tranh cãi nhau ai đúng ai sai hay kể những câu chuyện tâng bốc hoặc xỉ vả nhau, nằm ngoài văn chương chữ nghĩa. Là người làm tọa đàm cuối cùng của năm nên tôi cũng rút được kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, vì thế, tôi thông qua Ban Công tác Nhà văn Trẻ, mời toàn những nhà nghiên cứu trẻ tuổi - chắc chắn đã đọc truyện của tôi - viết tham luận. Trẻ, giàu nhiệt huyết cũng như trách nhiệm, nên tham luận của các anh chị đã thể hiện rõ chất lượng. Chỉ có điều hơi tiếc là một nhà phê bình tuổi trung niên, mặc dầu tham gia phát biểu hăng say, nhưng do không đọc truyện, nên sau những câu "phê, bình", ông dẫn chứng rất thiếu chính xác câu chữ mà tôi đã viết. Và khẳng định rằng, có một chi tiết lịch sử mà tôi đã viết sai trong tiểu thuyết "Nhiều cách sống": "Nô lệ da đen lần đầu đặt chân đến châu Mỹ cách đây 500 năm như bạn đã viết là không đúng, phải là 300 năm!" và "xoa đầu" tôi rằng: " viết văn thì cần phải đọc nhiều, đọc kỹ, tham khảo tư liệu"… Lúc ấy, tôi rất muốn nói rằng để viết ra câu văn đó, tôi đã kịp đọc tham khảo nhiều nguồn về Lịch sử văn minh thế giới... Chính xác là "Năm 1502, đợt nô lệ da đen đầu tiên đến đảo Xan-tô, Đô-mi-gô (thuộc Hai-ti)"…

DiLi: Tôi thì thấy không phải tất cả mọi lời khen hay chê đều chính xác. Nhưng phàm là người sáng tác, viết ra rồi đều muốn được người khác đọc và nhận xét. Thậm chí tác phẩm post lên mạng rồi còn mong muốn nhận được những lời comment từ các độc giả vô danh. Đây lại là nhận xét từ các nhà phê bình uy tín, sao lại không vui cho được. Cái tôi được nhiều nhất là được nhiều người… chê cái kết trong tiểu thuyết "Trại Hoa Đỏ". Khổ nỗi khi post tác phẩm này lên mạng, tôi lại kiên quyết giấu chương kết. Thành ra sau khi in ra thì sự đã rồi. "Trại Hoa Đỏ" đang trong tiến trình được chuyển thể sang kịch bản phim nhựa và đạo diễn cũng có đề nghị tôi sửa cái kết. Như vậy, cuốn "Trại Hoa Đỏ" khi tái bản sẽ có một cái kết hoàn toàn mới. Tôi vốn là người cầu thị, luôn lắng nghe từ các độc giả, dù chuyên môn hay không chuyên môn. Tuy nhiên người viết cũng phải có bản lĩnh của mình, thấy điều nhận xét đúng thì rút kinh nghiệm, thấy điều không chính xác thì giữ thái độ im lặng. Tóm lại, tôi được nhiều hơn mất.

Phong Điệp: Tôi thấy mình chả mất gì mà lại được nhiều ấy chứ. Sách viết ra có hồi âm. Bạn đọc có thể chia sẻ hoặc chưa đồng tình những gì mình đã viết. Đó cũng là chuyện bình thường. Giữa những ý kiến khác nhau, tôi lắng nghe và có những ý tưởng mới cho tác phẩm tiếp theo.

5. Theo cách nhìn chủ quan của các chị, các cuộc tọa đàm văn học trẻ thời gian qua, cái được và chưa được là gì?

Nguyễn Quỳnh Trang: Cái chưa được rõ nhất là một số nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ không đọc tác phẩm - mục tiêu chính của tọa đàm - mà phát biểu rất hùng hồn, "ngốn" nhiều thời gian. Các phát biểu tựu trung là… loanh quanh và tranh thủ "bóc mẽ" nhau.

Phong Điệp: Cái chưa được đó là sự quan tâm của giới phê bình với các hoạt động này chưa thực nhiều như tôi kỳ vọng. Quanh đi quẩn lại ở những buổi toạ đàm vẫn là những gương mặt phê bình quen thuộc ấy. Tôi thắc mắc, tại sao chúng ta có Viện Văn học đông đảo các nhà nghiên cứu, phê bình văn học như vậy, nhưng hình như không phải ai cũng quan tâm đến các buổi toạ đàm đã diễn ra. Điều thứ hai, đó là tôi mong muốn các hoạt động tọa đàm đa dạng hơn nữa, không chỉ về một tác giả nào đó mà cần làm về các xu hướng văn học hiện nay chẳng hạn.

DiLi: Cái được nhất là tạo nên một không khí văn chương sôi nổi, khuyến khích những người viết trẻ tập trung sáng tác. Chúng tôi sẽ nghĩ rằng chúng tôi đang được quan tâm, điều đó cũng là một tâm lý vô cùng quan trọng đối với người viết.

Vâng, cảm ơn các chị về cuộc trao đổi!

Song Kim (thực hiện)
.
.