Tổ ấm văn chương nơi ngoại ô và bài thơ lần đầu công bố của thi sĩ Nguyễn Bính

Thứ Sáu, 14/11/2008, 16:00
Giữa vùng quê yên tĩnh trở thành một vùng ngoại ô tập hợp đủ các hạng người tứ chiếng, có ngôi nhà của một nhà văn: Nguyễn Đình Lạp. Những trang viết của ông như tờ giấy thấm lặng lẽ thấm hút mọi bộn bề, náo nhiệt xung quanh và hình thành nên những tác phẩm văn học "Ngoại ô", "Ngõ hẻm", "Thanh niên trụy lạc"…

Hồi ấy, Bạch Mai còn là vùng ngoại ô hẻo lánh: Làng Bạch Mai thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Từ khi kinh thành Thăng Long mở rộng ra phía Nam, nhất là từ khi Hà Nội thuộc Pháp, dân vùng Bạch Mai ngoài nghề nông còn làm thêm nhiều nghề thủ công: bánh đa, đậu phụ, giò chả, hàng mã, bật bông, may mặc, rèn đồ sắt, thợ đất, thợ nề, kéo xe tay, móc cống…

Vùng quê yên tĩnh trở thành một vùng ngoại ô tập hợp đủ các hạng người tứ chiếng: thầy ký, thầy lục, thầy đồ, người làm thuê, kẻ thất cơ lỡ vận, cô gái thất tình, bác nông dân trốn thuế…

Giữa bối cảnh ồn ào, ngổn ngang ấy, có ngôi nhà của một nhà văn: Nguyễn Đình Lạp. Những trang viết của ông như tờ giấy thấm lặng lẽ thấm hút mọi bộn bề, náo nhiệt xung quanh và hình thành nên những tác phẩm văn học "Ngoại ô", "Ngõ hẻm", "Thanh niên trụy lạc"…

Cũng từ ngôi nhà ấy, một số nhà văn lui tới và dần dần đan dệt nên một tổ ấm bình yên ở ngoại ô phía Nam Hà Nội.

Lúc đầu có Tam Lang, Lê Văn Trương… Dần dà về sau có thêm Đồ Phồn, Nguyễn Tuân, Trương Tửu… Nguyễn Bính giang hồ từ Nam Định lên cũng ghé vào và cũng tham gia đàm đạo văn chương, thời cuộc. Có cả họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Thỉnh thoảng Tản Đà cũng lui tới…

Ngôi nhà của Nguyễn Đình Lạp trở thành nơi sum họp đầm ấm của một số nhà văn, họa sĩ. Mỗi người một cá tính, một phong cách, tập hợp thành một cộng đồng nhỏ mà đa dạng của văn nghệ đất Hà thành. Đồ Phồn có vẻ quan dạng. Nguyễn Đỗ Cung mơ mộng, thường chú ý đến màu sắc trang trí trong nhà, ăn uống dễ tính, không quan tâm đến các món ăn.

Có lần ông ăn rau muống mà quên chấm nước mắm, em trai của Nguyễn Đình Lạp là Nguyễn Đình Duẩn reo lên: "Anh Cung ăn nhạt như mèo". Nguyễn Đỗ Cung cười: "Ờ, quên nhỉ… thì ta phải bù", thế là ông húp luôn một thìa nước mắm.

Trái lại, Nguyễn Tuân rất kỹ tính trong việc ăn uống. Trước bữa ăn, bao giờ ông cũng cắt đôi một quả chanh vắt vào nước chấm hoặc nước canh. Bao giờ Nguyễn Tuân cũng tự pha trà, không để cho ai làm thay từ khâu đun nước đến khâu rót trà ra.

Chị Bạch Liên (sau này là vợ Nguyễn Đình Lạp) thấy vậy, bèn theo dõi rất chi tiết cách pha trà của Nguyễn Tuân: nước đun sắp sôi chứ không sôi hẳn, tráng nước sôi tất cả ấm chén và đĩa, không để dính một tí ti chè cũ, năm phút sau rót chè ra chén chuyên rồi từ chén chuyên rót đều ra các tách…

Về sau được Nguyễn Tuân tín nhiệm để cho Bạch Liên pha trà. Nguyễn Tuân và Nguyễn Đình Lạp lại hợp nhau ở cái thú hát cô đầu. Nguyễn Tuân hát hay, Nguyễn Đình Lạp chỉ thích ngồi đánh trống và nghe hát.

Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê láng giềng thích sang nghe các nhà văn đàm đạo văn chương. Thấy các nhà văn đạm bạc quá, thỉnh thoảng bác sĩ biếu một số tiền.

Thời gian nào Nguyễn Đình Lạp tập trung viết, bạn bè ít đến. Trong nhà, ngoài nhà văn Nguyễn Đình Lạp, thường xuyên có một "cô thư ký" phục vụ: sắp xếp lại bản thảo, chép lại bản thảo, chăm sóc chu đáo nước nôi, điểm tâm bữa sáng và hai bữa ăn trưa, chiều. "Cô thư ký" đó chính là chị Bạch Liên.

Mỗi khi Nguyễn Đình Lạp viết xong tác phẩm, bạn bè lại đến chơi và trao đổi góp ý về tác phẩm đó. Nguyễn Tuân lại tín nhiệm để cho chị Bạch Liên pha trà, nướng mực nhắm rượu. Nguyễn Đỗ Cung có thời gian ở lại dăm bảy hôm, thậm chí nửa tháng.

Còn Nguyễn Bính thì bất thần đi về, đậu lại vài ba tiếng đồng hồ, hoặc lâu lắm là vài ba hôm rồi lại bay mất hút như cánh chim. Ấy thế mà Nguyễn Bính lại để lại một kỷ niệm khá sâu đậm trong gia đình.

Chả là cô Tuyên, em gái Nguyễn Đình Lạp xinh đẹp, vẻ đài các. Nguyễn Bính mê. Nhưng Nguyễn Đình Lạp ái ngại: Em gái làm vợ một chàng thi sĩ giang hồ, cuộc đời sẽ không bình yên. Nhưng Nguyễn Bính vẫn mê mệt, viết bài thơ "Người con gái ở lầu hoa" đề tặng Tú Uyên (do tách chữ Tuyên làm hai: Tu Uyên). Bài này đã in trong tập "Người con gái ở lầu hoa" xuất bản năm 1942. Khổ đầu của bài thơ như sau:

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh
Có một buổi chiều qua lối ấy
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh.

Tôi rót hồn tôi xuống mắt nàng
Hồn tôi là cả một lời van
Tôi van nàng đấy! Van nàng đấy!
Ai có yêu đương chả vội vàng?

Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hà Nội không bình yên. Giá cả đắt đỏ. Vùng ngoại ô Bạch Mai bị tác động, dân nghèo nháo nhác chạy bữa. Cả tổ ấm văn chương cũng bị chao đảo trong cơn bão giá và bom đạn. Nhưng tình cảm của các thành viên trong tổ ấm ấy vẫn đan kết chặt chẽ như một con yến sào nhả sợi dệt bền chiếc tổ. Họ đi về nhà Nguyễn Đình Lạp tự nhiên như đi về nhà mình. Có gạo nấu gạo, có rau luộc rau… Đám cưới của Nguyễn Đình Lạp lại được tổ chức đúng giữa những ngày đang chiến tranh.

Lễ thành hôn dĩ nhiên là một sự việc đáng nhớ nhất trong đời mỗi một con người, mỗi một cặp vợ chồng. Nhưng đối với Nguyễn Đình Lạp, lễ thành hôn còn ghi lại một kỷ niệm đẹp đẽ và sâu sắc về tình bạn, không bao giờ quên được.

Ngày cưới, bạn bè sum họp đông vui: Đồ Phồn, Nguyễn Đỗ Cung, Trương Tửu, Lê Văn Trương, Tam Lang, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân… Nhiều người trong số đó nhận làm phù rể ăn mặc chỉnh tề, đội khăn xếp, mặc quần trắng và áo gấm. Bạch Liên theo mẹ xuống Hải Phòng ở từ lâu.

Theo đúng phong tục: phải về quê Mỹ Hào (Hưng yên) để trình bà con họ hàng, và gia đình Nguyễn Đình Lạp phải đón dâu ở Mỹ Hào. Các chàng phù rể cũng tận tình theo suốt hành trình đám cưới của bạn… Lúc đưa dâu về đến nhà, lại tổ chức lễ cúng ông tơ hồng trên gác thượng.--PageBreak--

Quên làm sao được tình bạn thắm thiết và sâu nặng như vậy. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, gia đình còn giữ được những kỷ vật thiêng liêng. Đây là câu đối mừng đám cưới của Nguyễn Tuân:

Có lẽ đất biết trời một tiệc đoàn viên cỏ gấm hoa thêu vui mắt khách.
Từ nay trời cũng bé bốn phương hồ thỉ tơ điều chỉ thắm vướng chân ai.

Dạo đó đang mùa thu, trời dịu mát. Nguyễn Tuân nói: "Đôi chim nhạn đã mang thu về". Có lẽ từ câu nói giàu hình ảnh ấy mà gợi ý Nguyễn Bính viết bài thơ "Đôi nhạn" ghi tặng anh chị L.L. Chị Bạch Liên cho tôi được công bố bài thơ này:

Một bông cúc nở trong vườn vắng
Gió lạnh ngàn phương lướt thướt về
Lá úa dần mòn rơi rụng hết
Sương mù giăng mắc lụa lê thê.

Song quạnh tóc huyền buông lả lướt
Nàng buồn đôi mắt hững hờ trông
Một hai ba cánh buồm nâu ngả
Biển dậy màu xanh sóng trập trùng.

Bỗng mang biển thẳm ngang trời thẳm
Một chấm đen rồi hai chấm đen
Đôi vợ chồng son đôi nhạn nhỏ
Bay về tổ ấm mớm hương duyên…

Khoan thai bốn cánh chèo khoan nhặt
Cố đẩy đò yêu đến bến yêu
Tuy gió lạnh về sương lạnh xuống
Thì mùa thu lạnh biết bao nhiêu.

Môi nàng từ thuở xuân tô đỏ
Chưa nở lần nào với ái ân
Nhưng tự thuở xuân tô đỏ má
Má kia nước mắt thấm bao lần.

Bởi đâu hay bởi đôi chim nhạn
Đã mỉa mai nàng phận lẻ loi
Lẻ tẻ buồng gương nàng với bóng
Ngày ngày nhìn mãi nhạn chung đôi

Khi lẻ loi thâu khi mắt lệ
Mải nhìn đôi nhạn luyến nhau bay
Khi lòng là một nơi hoang đảo
Đan áo cho ai những lúc này.

Nàng như chờ đợi như mong ngóng
Ở tận đâu đâu một sự gì
Nhưng chẳng bao giờ đưa đến cả
Tiếng chân ngựa dẫm, lặng yên nghe!

Tiếng chân ngựa dẫm trên đường sỏi
Nghệ sĩ, anh chàng của bốn phương
Mưa xuống lạc đường trời lạnh lắm
Tối rồi mưa nữa ngựa chùn cương.

Bạn hãy cùng tôi cùng tưởng tượng
Một gian nhà nhỏ kín then sương
Những cành củi nỏ thi nhau cháy
Than đỏ tung lên nắm bụi hường.

Những câu tâm sự câu tâm sự
Đã thốt ra từ miệng ái ân
Bên đống than hồng người khách trọ
Má hồng như má gái đương xuân.

Rồi một ngày sương hai ngày sương
Ngựa hồng không thấy thắng yên cương
Ái ân làm ngắn ngày lưu luyến
Cắt đứt bao nhiêu vạn dặm đường.

Kể từ thu ấy mỗi thu sang
Lại thấy nàng đan áo vội vàng
Tôi thấy nàng nhìn đôi nhạn nhỏ
Bằng đôi mắt đẹp của yêu đương

Võ Văn Trực
.
.