Tình yêu nguồn cội và thống nhất lòng người

Thứ Năm, 18/04/2019, 08:04
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương không còn là việc riêng của người Đất Tổ mà đại diện ba miền Bắc - Trung - Nam đã thay nhau “góp giỗ” với tỉnh Phú Thọ. Chẳng những ở kinh đô Phong Châu xưa mà nhiều nơi trong lẫn ngoài nước và trong các gia đình người Việt còn làm mâm cơm bái vọng tổ tiên. Tình yêu thiết tha nguồn cội đã giúp thống nhất lòng người nòi giống Rồng Tiên sau những cắt chia, xa cách...


1. Má tôi là người nhà quê nhờ thời Việt Minh mà có chút học thức, hiểu biết lịch sử và thuộc nhiều ca dao, thành ngữ, tục ngữ, truyện thơ Nôm. Bà hay vận dụng truyện ca để dạy con cháu. Từ nhỏ anh em chúng tôi đã nghe má ru:

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba mồng mười"

Ấy là khi đất nước còn bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Má cũng là người đầu tiên giảng nghĩa bài ca dao này cho chúng tôi trước khi được học ở nhà trường.

Ở trong lòng má, đất Tổ Phú Thọ cùng với Hà Nội, Ninh Bình là ba nơi mà má mơ ước đặt chân đến khi nước nhà thống nhất. Đất Tổ kinh đô Phong Châu xưa có đền thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ và các vua Hùng cùng sự tích bánh chưng bánh dày. Cố đô Hoa Lư ở Ninh Bình gắn liền với những câu chuyện hào hùng về cờ lau tập trận của Đinh Bộ Lĩnh, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Thái hậu Dương Vân Nga. Còn Thủ đô Hà Nội có tháp Rùa, hồ Gươm, hồ Tây, chùa Một Cột và đặc biệt là nơi yên nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà bà cũng như những người nông dân "rũ bùn đứng dậy sáng loà" thế hệ mình biết ơn và tôn kính.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ.

Mơ ước của má gần thành hiện thực. Lần đầu ra miền Bắc khi tuổi đã sắp 80, má đến viếng thăm nhiều di tích, thắng cảnh của Hà Nội và Ninh Bình. Vì có cô con dâu quê Thái Bình nên má cùng chúng tôi còn về tận vùng quê lúa ngày xưa Nguyễn Công Trứ chỉ huy đắp đê lấn biển. Đi nhiều nơi, tuổi cao sức khoẻ có hạn, không thể tiếp tục lên Phú Thọ, chúng tôi đành đưa má bay trở về miền Nam.

Thời gian trôi qua, bây giờ tuổi má đã gần 90, không còn đi xa được nữa. Chuyến thăm miền Bắc lần đầu cũng là duy nhất đời má, ước mơ lên dâng hương Đền Hùng không thành. Không nói ra nhưng trong lòng má lắng sâu nỗi buồn. Mỗi khi gần Giỗ Tổ Hùng Vương, má lật lịch từng ngày để không quên cúng nước cúng bánh thắp nhang bái vọng tổ tiên.

Mới đây nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế từ Việt Trì, Phú Thọ vào tham dự trại sáng tác văn học ở Phú Yên xuân 2019 đã đến thăm chúc thọ má, lúc anh ra về má run run cầm tay nhờ anh khi trở về quê dự Giỗ Tổ sắp tới nhớ thắp giùm má nén nhang cho ông bà.

2. Sử sách cho hay người Việt có phong tục Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm từ các thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê như quốc lễ rồi lưu truyền mãi về sau. Các triều đình phong kiến giao cho dân sở tại lo trông nom, bảo quản, sửa chữa, hương khói, cúng bái đền thờ các vua Hùng. Đổi lại, người dân Đất Tổ được miễn một số sưu thuế. Đến thời vua Khải Định nhà Nguyễn, Bộ Lễ gửi sắc lệnh ghi ngày 25-7-1917 phái quan hàng tỉnh Phú Thọ hằng năm vào ngày Giỗ Tổ phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình dâng lễ vật cúng tế chu đáo.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra sắc lệnh xem Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia. Trong lễ Giỗ Tổ đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập vào năm Bính Tuất 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự lễ tại Việt Nam học xá, nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Và cũng trong ngày này, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ hành hương về Đền Hùng, làm lễ dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm báu. Nghi thức này nhằm tế cáo với tổ tiên về tình hình đất nước đang lâm nguy do Pháp tái xâm lược và cầu mong tổ tiên phù hộ cho toàn dân toàn quân đoàn kết một lòng đánh tan quân giặc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quốc thái dân an!

Không chỉ ở miền Bắc mà ở miền Nam trước năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũng tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch với nghi thức quốc gia. Đất nước thống nhất, sau hơn 30 năm dừng ở mức ngày kỷ niệm, đến năm 2007 chính phủ đã chính thức quy định Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ toàn quốc. Nhiều nơi trong nước đã tiến hành lễ Giỗ Tổ. Quy mô lớn nhất vẫn là tại kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang xưa.

Ngoài những năm chẵn do Trung ương trực tiếp chủ trì, còn lại mỗi năm tỉnh Phú Thọ phối hợp với các tỉnh thành khác đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam cùng tổ chức Giỗ Tổ. Chẳng hạn năm 2018 có bốn tỉnh tham gia góp giỗ với Phú Thọ là Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương, Kiên Giang; còn năm 2019 này là Sơn La, Nghệ An và Cần Thơ. Mỗi miền, mỗi tỉnh, thành có những đặc sản riêng làm lễ vật dâng lên tổ tiên.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng gồm hai phần lễ và hội, với nhiều hoạt động văn hoá sôi động trong nhiều ngày. Phần nghi lễ trang nghiêm, bao gồm lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, Quốc tổ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, rước kiệu về Đền Hùng,… Còn phần hội thì gồm các lễ hội rất phong phú nhằm tôn vinh di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan Phú Thọ.

Quang cảnh trong ngày Giỗ Tổ.

3. Cùng với Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh ở Phú Thọ thì nhiều nơi trong nước cũng xây dựng đền thờ các vua Hùng, đặc biệt là Khu tưởng niệm các vua Hùng rất hoành tráng nằm trong Công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc ở TP Hồ Chí Minh. Và không chỉ trong nước mà kiều bào ở nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Lào, Nga, Pháp, Đức, Mỹ,… cũng tiến hành Giỗ Tổ Hùng Vương bằng nhiều hình thức thành kính khác nhau. Đây cũng là hoạt động nằm trong Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại năm 2012.

Mới đây, ngày 6-4-2019, Giỗ Tổ Hùng Vương lần đầu tiên diễn ra tại Lào do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp nhiều cơ quan tổ chức. Lễ giỗ bắt đầu bằng nghi thức hô thần nhập tượng vua Hùng mang từ Việt Nam sang an vị tại trụ sở Tổng hội Người Việt Nam tại Lào với sự có mặt của Thượng toạ Thích Minh Quang - trụ trì chùa Phật Tích tại Lào. 18 mâm lễ của 18 đoàn đại diện người Việt tại Lào gồm bánh chưng, bánh giày, bánh dẻo, xôi gà được dâng lên tế lễ.

Tiếp đó, ngày 7-4-2019, hơn 200 bà con Việt kiều ở tỉnh Udonthani và các tỉnh lân cận vùng Đông Bắc Thái Lan cũng đã tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương lần đầu. Một bức tượng vua Hùng từ trong nước mang sang cũng đã được trao cho Hội Người Việt Nam tỉnh Udonthani để các nhà sư tiến hành nghi lễ hô thần nhập tượng. Những mâm phẩm vật mang đậm bản sắc Việt cũng được dâng lên tri ân công đức các vua Hùng, nghiêng mình bái vọng cố quốc, hun đúc tình yêu quê hương nguồn cội.

Từ lời ru và ước vọng của má tôi, mỗi lần có dịp ra Bắc tôi đều tranh thủ lên Đất Tổ dâng hương, tìm hiểu thêm vùng văn hoá đặc biệt khởi nguồn nòi giống Rồng Tiên, tiếp thêm năng lượng và cảm hứng cho hành trang của mình. Và chẳng riêng má tôi mà bất cứ bà má miền Nam nào, cũng như tất cả những ai mang trong mình dòng máu Lạc Hồng ở trong lẫn ngoài nước, tôi tin đều có chung tình cảm sâu nặng ấy. Giỗ Tổ trở thành nét son văn hoá tâm linh cho người Việt bốn phương hướng về, bái vọng và thống nhất lòng người trong tình yêu nguồn cội thiêng liêng!

Hoàng Yên
.
.