Tác giả Phạm Xuân Hiếu:

Tình yêu cổ vật "dựng"nên văn

Thứ Ba, 20/05/2014, 08:00

Với biệt danh Hiếu "đồ cổ", từ lâu ông đã nổi tiếng trong giới chơi cổ vật. Vài năm gần đây, ông còn được biết đến ngày càng nhiều trong giới văn chương khi những truyện ngắn chuyên viết về thế giới đồ cổ của Phạm Xuân Hiếu xuất hiện đều đặn trên báo chí...

1.Ra Hà Nội thăm thú bạn bè, qua nhà thơ Phạm Vân Anh, tôi tình cờ được gặp một đồng hương Hải Phòng vong niên độc đáo của chị, đó là Hiếu "đồ cổ", tức nhà văn Phạm Xuân Hiếu, người gần đây có nhiều truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ và Văn nghệ Công an. Cũng ngay trong buổi sáng tình cờ ấy, qua Phạm Xuân Hiếu, tôi còn được gặp lại nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Nguyễn Minh Sơn, họa sĩ Văn Sáng và họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa,…

Phạm Xuân Hiếu độc đáo trước hết là con đường đến với văn chương của ông xuất phát từ tình yêu cổ vật. "Chơi đồ cổ phải có hồn, có tâm, có tiền, có kiến thức và quyết đoán" - Người đàn ông khá trẻ so với tuổi ngoài lục tuần thổ lộ trước sự tò mò của tôi. Ông sinh trưởng ở Nam Định trong một gia đình có bốn anh em trai đều đi bộ đội, hai em hy sinh thời kháng chiến chống Mỹ, một em hy sinh ở biên giới Việt - Trung, hiện còn mình ông.

Thời chiến tranh, ông là lính phòng không. Một lần đón đoàn chuyên gia Liên Xô sang làm việc ở Việt Nam, ông ngạc nhiên khi thấy một chuyên gia nước bạn thích những mảnh gốm sứ nằm tung tóe bên bờ ụ pháo đêm qua bộ đội vừa đào bới đắp công sự. Vị chuyên gia Liên Xô lượm, nhặt những mảnh vỡ ấy, gói cẩn thận vào giấy báo mang về. Tò mò, ông hỏi thì được vị chuyên gia cho biết: Đó là các mảnh vỡ sành sứ cổ rất giá trị, nó phản ánh đời sống văn hóa cổ của một triều đại. Từ đó, ông bắt đầu chú ý đến những cổ vật và vẻ đẹp bí ẩn của nó.

Sau khi xuất ngũ, Phạm Xuân Hiếu về làm việc trong ngành Xây dựng ở Hải Phòng. Khi đào bới để xây các công trình, ông phát hiện được nhiều cổ vật từ lòng đất và mang về làm kỷ niệm. Nhiều người đến xem, thấy thích, hỏi mua. Từ những mối quan hệ đó, kiến thức cổ vật của ông được mở rộng. Ông cho biết, ở miền Bắc trước năm 1975, mọi người ít biết giá trị cổ vật và hầu như không mấy ai chơi đồ cổ. Nhiều gia đình đào được chum bát đĩa cổ đời Lý, Trần chỉ cần đổi lấy chục chiếc bát đĩa Hải Dương khan hiếm là toại nguyện.

Tác giả Phạm Xuân Hiếu trong căn phòng chứa đựng nhiều cổ vật của ông.

Một thời, phong trào chống mê tín dị đoan đã biến đền chùa thành những trụ sở chính quyền, hợp tác xã, kho tàng, việc làm đó đã góp phần tàn phá nhiều di tích văn hóa và làm mất mát nhiều cổ vật quý. Sau ngày đất nước thống nhất, phong trào sưu tầm đồ cổ rộ lên. Lúc đó Nhà nước chưa quản lý. Sau năm 1982, Nhà nước quản lý cổ vật, nhiều gia đình, cửa hàng bị khám xét, thu giữ đồ cổ làm giới chơi sưu tầm cổ vật sợ hãi, gần như không ai dám mua bán, vận chuyển.

Luật Di sản ra đời, người chơi đồ cổ tự do mua bán, hội cổ vật các tỉnh được thành lập là chỗ dựa cho những người đam mê cổ vật. Nhiều người mua, nhiều người chơi tạo nên thị trường sôi động, thiếu cổ vật. Nhiều nhà buôn cổ vật đã sang Thái Lan, Campuchia, Hong Kong mua cổ vật về Việt Nam. Gần đây, nhiều nhà chơi cổ vật còn sang Pháp, sang Anh... mua đấu giá cổ vật mang về Việt Nam chơi. Đó là điều đáng mừng. Nó chứng tỏ cái đẹp văn hóa đã "chảy" trở lại Việt Nam thay vì chỉ bán ra nước ngoài như trước đây. Tuy vậy, so với thế giới thì giá trị đồ cổ trên thị trường Việt Nam vẫn chênh lệch rất lớn.

Ở nước ngoài, một cái lọ cổ hoặc bình cổ trị giá vài chục triệu, trăm triệu đôla Mỹ, còn ở nước ta, một món đồ cổ quý nhất chưa nhà chơi nào chào bán tới giá 1 triệu USD. "Ngày nay cổ vật được đánh giá cao, đồ Tàu, đồ ta được nhiều người chơi, sưu tầm. Đồ lành, đồ dập vỡ đều được nâng niu trân trọng. Người nhiều tiền sưu tầm những đồ quý, người ít tiền sưu tập những đồ bình thường. Từ nông thôn đến thành phố đâu đâu cũng có những người chơi cổ vật. Các đại gia giàu có cũng cho rằng chơi cổ vật mới là sang trọng!" - ông Hiếu cho biết.

Cũng từ sau năm 1980, biệt danh Hiếu "đồ cổ" ở Hải Phòng đã được giới thưởng ngoạn cổ vật cả nước biết tiếng. Nhờ sớm đam mê sưu tầm cổ vật, ông có trong tay nhiều đồ quý hiếm; tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm về văn hóa cổ vật. Ông nói: "Muốn chơi cổ vật không phải có tiền là mua được. Người chơi phải có kiến thức, hiểu biết cổ vật, có tâm có duyên, có cơ hội mới có đồ quý trong tay. "Quý vật tầm quý nhân".

Vì đồ giá trị ai cũng muốn giữ, dù trả bao nhiêu cũng không bán thì làm sao mà mua được. Có thích chỉ là những ước mơ chờ thời cơ mà thôi". Với ông thì cái sự "chờ thời" vì yêu thích một món đồ cổ nào đó mà ông thường xuyên đến chơi, thăm hỏi chủ nhân. Có những cổ vật ông "chờ" từ đời ông, đời cha đến đời con nhưng chủ nhân vẫn không tỏ ý bán.

2. Đối với Phạm Xuân Hiếu, trước đây chỉ có sách của cụ Vương Hồng Sển ở Sài Gòn là cẩm nang kiến thức về cổ vật. Sau này sách báo nhiều, người chơi đồ cổ có thêm kiến thức, hiểu biết hơn. Nhưng đồ thật và đồ giả thì khó phân biệt, làm tâm trạng người chơi cổ vật không yên tâm.

Trước năm 1975, thị trường đồ cổ không có đồ giả, còn hiện nay do khan hiếm và có giá nên người ta làm hàng giả nhiều. Có người sang Trung Quốc đặt làm hàng giả cổ các triều đại mang về Việt Nam bán. Ông Hiếu cho rằng: "Để xác định được niên đại một món đồ không đơn giản. Người chơi hiện nay chưa có cơ sở chắc chắn để đánh giá, thẩm định một món đồ, phần lớn đều nhìn bằng mắt: xem dáng, xem men, xem cốt, hoa văn họa tiết, cộng với kinh nghiệm. Giá cả cũng vô cùng. Anh cho là đồ thật, quý thì bán đắt, mua đắt. Anh cho nó tầm thường thì mua rẻ, bán rẻ. Tất cả đều phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và sự hiểu biết, va chạm trong thương trường. Với trình độ làm giả cổ hiện nay mà cứ mang sách với ảnh ra so sánh thì thứ đồ nào cũng đều là của quý cả".

Vào cuối năm 2007, một bài viết của Phạm Xuân Hiếu tổng kết về phong trào chơi cổ vật được đăng báo, ông bất ngờ nhận được nhiều chia sẻ, ngợi khen của giới chơi cổ vật và cả giới cầm bút. Họ động viên ông hãy tiếp tục viết tản văn về cổ vật. Thế là ông hứng khởi viết tiếp. Không chỉ tản văn mà ông còn tiến sang truyện ngắn, chủ yếu về thế giới đồ cổ. Văn phong giản dị, cốt truyện hấp dẫn, đầy ắp tri thức văn hóa cổ vật, truyện ông trở thành "món ăn lạ" nên đều được báo chí chọn đăng. Lần lượt các truyện ngắn ấn tượng "Chiếc bát thập ngũ kê", "Chiếc chậu gỗ", "Người đàn bà và chiếc chén bạc", "Đồng tiền cổ", "Cây đèn gia bảo", "Ngày giáp Tết"… nối nhau xuất  hiện.

Hai năm sau khi cầm bút, nhà văn Phạm Xuân Hiếu đã cho ra đời tập truyện ngắn "Người đàn bà và chiếc chén bạc" (năm 2010). Mới đây, khi gặp chúng tôi, ông kể ông vừa giao bản thảo tập truyện thứ hai mang tên "Cây đèn gia bảo" cho nhà văn Trung Trung Đỉnh - Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, dự định sẽ ấn hành giữa năm 2014.

Truyện ngắn "Cây đèn gia bảo" được chọn tên đặt chung cho cả tập truyện là câu chuyện xoay quanh một cây đèn dầu cổ là vật gia bảo bị thất lạc của dòng họ quý tộc Mongten bên Pháp, đã được nghệ sĩ sân khấu Lê Hòa tình cờ mua và mang về Việt Nam, sau đó một người đàn ông của dòng họ ấy biết tin và sang nước ta nhờ thám tử tư truy tìm. Đằng sau chuyện tìm báu vật còn hiện lên mối tình thơ mộng, cảm động của cô tiểu thư mê đọc sách và chàng nô lệ da đen tác tạo nên cây đèn…

"Trải qua những biến đổi chính trị, văn hóa của lịch sử trong nhiều kỷ nguyên, cổ vật lưu lạc, luân chuyển trong xã hội từ môi trường này sang môi trưòng khác, từ người nọ sang người kia. Nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào, chủ nhân luôn trân trọng bảo quản, giữ gìn. Chính vì vậy, cổ vật mới tồn tại được lâu đời, luôn có giá trị về lịch sử, văn hóa và kinh tế". Sự tồn tại và giá trị của cổ vật mà Phạm Xuân Hiếu nói ấy rõ ràng có những tương đồng với văn chương. Dù xã hội thăng trầm thế nào thì văn chương vẫn tồn tại và bước tới theo cách riêng của mình để mang cái đẹp cái thiện đến cho đời sống. Và văn chương cũng giống như đồ cổ, chỉ có đồ thật mới tồn tại, còn đồ giả cổ lừa mị thì sẽ nhanh chóng bị thải loại cho dù tinh vi đến đâu.

Nhà văn đam mê cổ vật Phạm Xuân Hiếu đang dấn bước trong thế giới độc đáo riêng mình, luôn mong muốn mang được cái gì đó đến cho bạn đọc tri âm: "Giữa thời đại bùng nổ thông tin giải trí, người ta tìm đọc truyện của mình là rất quý. Vì vậy, tôi chủ trương truyện viết trước hết phải hấp dẫn, sau đó giúp bạn đọc biết thêm, hiểu thêm và rút tỉa được kinh nghiệm gì mới lạ, bổ ích, giàu tính nhân văn".

Với thế mạnh đam mê và kiến thức cổ vật phong phú, với sự không ngừng học hỏi rèn giũa kỹ thuật viết văn, hy vọng Phạm Xuân Hiếu sẽ có những thành công mới trên trang viết của mình

Phan Hoàng
.
.