Chuyện đời thường

Tình mẫu tử

Thứ Năm, 29/12/2011, 08:00
Những năm gần đây, mỗi độ tháng chạp, xuân sắp về, lòng tôi bồn chồn nhớ quê da diết, nhớ những kỷ niệm của thời đã qua với những người thân yêu đã mất. Có phải chăng tuổi trẻ đang dần dà từ giã tôi. Lá rụng về cội. Kiếp luân hồi... Tôi hình dung rồi một ngày tôi sẽ thành bà ngoại mang tình yêu thương của một người già. Hình ảnh bà ngoại thời tôi còn thơ ấu hiện về khiến tôi trào nước mắt.

Ngày ấy, cậu tôi là bộ đội chiến đấu tận trong Nam. Ngày giải phóng bao nhiêu người trở về, cậu tôi vẫn bặt tin. Bà tôi lo lắng, khóc ngày đêm. Buồn nẫu ruột. Nhất là buổi ban trưa vắng lặng đặc trưng quê với tiếng gà gáy lạc lõng, tiếng ôtô vun vút ngoài quốc lộ vọng lại. Buồn se sắt.

Nhưng, những chú ve xanh hối hả gọi trẻ con, tôi không thể không theo lũ bạn trèo cây tìm bắt. Những chú ve xanh hai cánh mỏng như the.

Ngoại ủ rũ bên cây na có vại nước bằng sành sứt miệng, hướng về phía con đường "Ba hồn bảy vía con ở đâu, con về với mẹ… về với mẹ đi con ơi…".

Ngồi trên cây nhãn to, tôi nhìn thấy một anh bộ đội khoác balô đi về phía làng. Tôi vui sướng gào thật to:

- Cậu về rồi! Bà ơi, cậu về rồi! Bà ra mà xem. Bà ơi, cậu kia kìa!

Ngoại tôi ngừng khóc, mắt tròn xoe ngơ ngác ngó nghiêng. Tôi rung cây rối rít:

- Cậu về rồi! Bà ơi, cậu về thật rồi, bà ra ngõ đón cậu đi! Hoan hô cậu đã về! Hoan hô cậu đã về…

Ngoại vừa đi vừa vấn lại tóc. Ngoại chạy vội ra đường đón cậu.

Người bộ đội ấy không phải là cậu. Ngoại đứng lặng người. Tôi cũng lặng người tụt từ trên cây xuống. Ngoại quát:

- Đồ quỷ sứ!

Ít lâu sau, cậu tôi thực sự trở về với chiếc balô nặng trĩu trên vai. Cảnh hội ngộ như mơ làm bà trẻ lại. Hàng xóm qua chơi như ngày hội. Ngoại mỏi tay têm trầu. Tôi mệt nhoài đun nước. Cậu như con nít, tối nào cũng ngủ với bà.

Nhưng rồi, ngày lại ngày mỗi khác. Con cái với mẹ cha như khóm tre bụi chuối, lớn, rẽ, tách, dựng nhà dựng tổ ấm riêng, sinh sôi nảy nở rồi lại... Đó là quy luật.

Cậu tôi lấy vợ. Vợ chồng cậu chuyển vào Nam công tác, rất ít khi có điều kiện về thăm mẹ.

Cậu thăm bà bằng những bức thư. Tôi nhớ như in từng dòng, từng lời nét chữ của cậu, bức thư cuối năm gửi bà: "Cứ mỗi lần nghe hát "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,… Mẹ ơi, xuân này con vắng nhà" con không sao chịu nổi… Nhất định con sẽ trở về sống bên mẹ...".

Cậu có con. Con trai cậu sinh ra, lớn lên ở nơi ấy, nói tiếng người trong ấy. Nơi ấy cũng là nhà, là quê hương.

Ngày tạ từ, ngoại cố đợi cậu về để nhìn con lần cuối, nhưng đã đến giờ "đi", ngoại không thể nào đợi được.

Thấm thoắt thoi đưa, mới đấy mà đã hai mươi năm, không biết xuân này cậu có về thăm quê? Người con trai xấu số của cậu mấy năm trước bệnh nặng phải chuyển ra Hà Nội chữa trị, mất ở quê nhà, lúc ra đi dặn cậu: "Khi nào bốc mộ, bố nhớ đưa con về trong kia". Tôi cứ nghĩ miên man…

Điện thoại tôi đổ chuông. Sao mà thiêng đến thế, người nhà thông báo cậu đang ở quê. Với giọng bức xúc, người nhà bảo:

- Gọi điện khuyên nhủ cậu ấy đi. Trời rét căm căm thế này, nằm thâu đêm trông mộ con ngoài nghĩa địa. Suốt từ lúc đào mộ (theo phong tục bốc mộ, chiều hôm trước, khi mặt trời tắt, người ta đào mộ, đào chỉ còn khoảng 20- 30 phân đất là tới quan tài thì dừng lại. Mọi công việc, thủ tục còn lại của việc cải táng bốc mộ được hoàn tất vào sáng sớm hôm sau, trước khi mặt trời mọc), cậu bám riết ngoài đó không rời, sợ người ta lấy mất con mình. Đúng là mông muội, mông muội.

Nhanh quá, em họ tôi mất đã được ba năm. Cậu tôi về quê bốc mộ con.

Tôi trả lời điện thoại:

 - Đừng bảo người ta mông muội. Đấy là tình mẫu tử. Tình mẫu tử lớn hơn trời bể... Yêu con, người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì con. Cha con cách nhau một tấc đất. Cứ để cậu ngủ ngoài đó với em. Cậu muốn làm gì đó là tình cảm của cậu. Mọi người không được can thiệp…

Tôi hình dung sáng sớm mai, cậu tôi nâng niu từng li từng tí đốt ngón tay, bàn tay, bàn chân con trai mình, tất cả tất cả, sạch sẽ nhẹ nhàng trong chiếc balô, ôm chặt trong lòng, lên xe khách, cậu đưa con vào trong kia. Đường sá xa xôi mấy nghìn kilômét, người lái xe kiêng trên xe có hài cốt, liệu suốt đường dài cậu có giấu nổi mọi người?...

Tình cha con, tình mẫu tử, ruột già…

Phan Trung Nguyệt
.
.