Tiểu thuyết gia Stephen King: Lộc bất tận hưởng

Thứ Sáu, 06/07/2012, 08:00
Sinh năm 1947, đã xuất bản hơn 50 đầu sách, thu nhập bình quân hàng năm vào khoảng trên 50 triệu USD, tiểu thuyết gia người Mỹ Stephen King hiện đang dẫn đầu danh sách những nhà văn giàu nhất thế giới. Chỉ trong vòng vài ba tháng trở lại đây, liên tiếp các tin vui đã đến gõ cửa nhà Stephen King...

"Lộc bất tận hưởng" - có lẽ vì thế chăng mà Stephen King đã có cách hàng xử hơi ngược đời: Yêu cầu chính phủ Mỹ đánh thuế nặng hơn nữa đối với những người giàu có - trong đó có chính bản thân ông.

Đúng là chỉ trong ít tháng, các sự kiện dồn dập đến với Stephen King.

Trước tiên là việc bộ tiểu thuyết "Carrie" của Stephen King được chuyển thể thành phim kinh dị, do Roberto Aguirre - Sacasa thực hiện. Nữ diễn viên Julianne Moore sẽ vào vai Margaret White - mẹ của cô gái tuổi teen Carrie, người có năng lực siêu nhiên có thể điều khiển mọi đồ vật dịch chuyển bằng ý nghĩ. Vai Carrie sẽ do diễn viên tuổi teen Chloe Grace Moretz đảm trách.

Tiểu thuyết "Carrie" ra mắt độc giả năm 1974. Đây là tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản của Stephen King. Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim lần đầu vào năm 1976, từng mang về hai đề cử Oscar cho diễn viên Sissy Spacek - vai Carrie và Piper Laurie - vai người mẹ. Cuốn tiểu thuyết cũng từng được chuyển thể thành nhạc kịch gây nhiều tranh cãi trên sân khấu Broadway năm 1988.

Tiếp đến, vào đầu tháng 6 vừa qua, Stephen King đã cho công bố kế hoạch xuất bản cuốn tiểu thuyết mới nhất, có tên gọi "Vùng đất hoan lạc" của mình. Cuốn sách kể về một chàng sinh viên đến chơi tại công viên giải trí ở thị trấn North Carolina, vô tình vướng vào một vụ giết người. Sách dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào tháng 6/2013. Nhận xét về cuốn tiểu thuyết này, Charles Ardai, biên tập viên Nhà xuất bản Hard Case Crime nói: "Những độc giả sắt đá nhất cũng sẽ phải xúc động. Khi đọc xong cuốn sách này, tôi đã nói với Steve (tên gọi thân mật của Stephen King) rằng: Chết tiệt, Steve, anh làm tôi khóc đấy".

Để thấy rõ sự tâm đắc của Stephen King đối với việc chuẩn bị cho ngày ra mắt "Vùng đất hoan lạc", thiết nghĩ cũng cần phải nhắc tới ở đây một chi tiết: Stephen King vốn dĩ được xem là người đi tiên phong trong việc xuất bản sách điện tử, vậy nhưng, như ông tuyên bố, trước mắt, ông chỉ cho phép xuất bản "Vùng đất hoan lạc" dưới dạng sách giấy.

Cách đây ít ngày, lại một tin vui đến với Stephen King. Đó là việc tiểu thuyết "Cái đó" của ông được chuyển thể thành phim. Tiểu thuyết "Cái đó" được xuất bản lần đầu năm 1986, với độ dày lên tới 1.500 trang, đề cập tới cuộc chiến giữa 7 con người từ lúc thiếu niên tới khi trưởng thành với một thực thể ác có sức mạnh siêu nhiên. Năm 1990, tiểu thuyết được đạo diễn Cary Fukunaga chuyển thể thành phim màn ảnh rộng. Ngay từ khi mới ra đời, "Cái đó" từng được tạp chí Publishers Weekly xếp hạng là tiểu thuyết bán chạy nhất nước Mỹ và mang về cho Stephen King ba giải thưởng văn học trong năm 1987 (British Fantasy Award, Locus Award và World Fantasy Award).

Như trên đã nói, Stephen King - vào những ngày đầu tháng 5 vừa qua, đã thêm lần gây chú ý công luận bởi một "thắc mắc" khá hy hữu: Tại sao chính phủ Mỹ không nâng mức thuế cao hơn nữa, nhất là đối với những người…giàu như ông.

Hiện tại, mặc dù đã phải nộp thuế ở mức 28% tổng thu nhập, và tự nhận mình chẳng là "cái đinh gì" so với các ông chủ giàu có ở nước Mỹ, song quan điểm của Stephen King là với những người như ông, chính phủ cần nâng thang biểu thuế lên 50%.

Ngạn ngữ Việt Nam có câu "lộc bất tận hưởng", hoặc "xởi lởi trời cho". Không biết khi yêu cầu chính phủ Mỹ tăng mức thuế thu nhập với chính mình, Stephen King có nghĩ như vậy không?

Tiến Thành
.
.