"Tiểu sử Shimon Peres": Bộ mặt thật của một chính khách
Đó là Israel và Pháp đã từng ký kết một hợp đồng bí mật cùng hợp tác chế tạo bom nguyên tử. Mặc dù hợp đồng này sau đó đã chấm dứt, nhưng toàn bộ sự thật được phơi bày trong cuốn sách của nhà sử học Israel Michael Bar-Zohar đã rọi một luồng ánh sáng vào sự liên quan của Pháp trong nỗ lực biến Israel trở thành quốc gia duy nhất ở Trung Đông sở hữu năng lượng nguyên tử.
Hiện đã 83 tuổi, là Phó thủ tướng trong nội các Israel và khá nổi tiếng bởi đã từng được trao giải Nobel Hòa bình cùng cố Thủ tướng Yitzhak Rabin và nhà lãnh đạo Palestin Yasser Arafat vì công lao thiết kế bản lộ trình hòa bình cho Trung Đông năm 1993.
Tuy nhiên cuốn sách đã tiết lộ những chi tiết mới về góc khuất trong sự nghiệp chính trị với quá ít mục tiêu hoà bình thực sự của ông ta và cho thấy đây thực sự là nhà kiến trúc giấu mặt cho sức mạnh quân sự của Israel thông qua chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt và mua một lò phản ứng nguyên tử của Pháp.
Các chuyên gia tin rằng Israel đã sử dụng lò phản ứng Dimona được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước nhờ sự giúp đỡ của Pháp để sản xuất khoảng 200 đầu đạn hạt nhân. Bản thân Chính phủ Israel chưa bao giờ xác nhận cũng như phủ nhận những cáo buộc rằng nước này sở hữu vũ khí nguyên tử.
Dày 554 trang, cuốn “Tiểu sử Shimon Peres” do Nhà xuất bản Random phát hành đã tung ra một số chi tiết mới về những cuộc hội đàm bí mật của Peres với Paris để có được bản hợp đồng chết chóc này. Điểm mấu chốt nhất là thỏa thuận bí mật được Peres ký năm 1957 với Thủ tướng Pháp Maurice Bourges-Maunoury tại Paris, và chỉ vài tháng sau hợp đồng xây dựng lò phản ứng đã được hoàn tất.
Sau đó vài năm, trước sức ép ngày một tăng về ngoại giao từ phía Mỹ, người Pháp đã buộc phải hủy bỏ thỏa thuận. Dẫu vậy người ta vẫn tìm ra tầm quan trọng lịch sử trong việc đạt được thỏa thuận này.
“Tiểu sử Shimon Peres” tiếp tục hé lộ cách thức Peres đã làm để chống lại các nhà lãnh đạo Israel, trong đó có Golda Meir, những người phản đối triển khai chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vì quan ngại cơn phẫn nộ của phương Tây sẽ dẫn đến từ chối bán vũ khí cho nhà nước Do Thái.
Dưới ngòi bút của Bar-Zohar, Peres được khắc họa qua nhiều giai đoạn lịch sử: từ một chàng trai trẻ làm việc cho Thủ tướng Israel đầu tiên David Ben-Gurion và mua vũ khí của nước ngoài, đến quyết định không tình nguyện chiến đấu trong cuộc chiến tranh giành độc lập - cuộc chiến tranh đã tạo ra Nhà nước Israel. Bar-Zohar gọi đây là “một trong những sai lầm tệ hại nhất trong cuộc đời Peres”.
Là nước bán cho Israel những chiến đấu cơ phản lực đầu tiên, Pháp tỏ ra thân cận Israel hơn hầu hết các quốc gia phương Tây khác. Một số quan chức Pháp đã đứng về phía Isarel trong cuộc xung đột với các nước Arập thời gian đó bởi Pháp cũng đang phải đương đầu với cuộc nổi dậy giành độc lập của nhân dân Algeria.
Về phần mình, chính Peres đã nhờ Bar-Zohar viết cuốn tiểu sử này và đã cung cấp thông tin chi tiết cũng như dành nhiều thời gian trả lời phỏng vấn cho tác giả. Bar-Zohar cho biết những thông tin ông có được còn đến từ những tài liệu lưu trữ được công bố gần đây của Chính phủ Israel và Pháp.
Chúng liên quan đến vai trò chủ chốt của Peres trong việc triển khai dự án hạt nhân của Nhà nước Do Thái cách đây hơn nửa thế kỷ. Peres đã đồng ý cho xuất bản cuốn tiểu sử về mình mà không cần xem trước bản thảo