Tản văn

Tiết Xuân

Thứ Bảy, 15/02/2014, 08:00

Hình như năm nào cũng vậy, áp Tết, tận ngày hai chín, ba mươi tháng Chạp, trời mới đổi tiết. Vẫn se se lạnh nhưng cảm giác không khí đã thoáng hơn, nhường dần cho khí ấm, khí ẩm len lỏi. Rõ rệt nhất là những lớp mưa xuân nhẹ như sương giăng khắp không gian và sáng dậy thấy sân nhà như đang khoác trên mình một lớp áo màu ướt mỏng. Vậy mới là tiết xuân.

Tiết xuân đã đem lại những thay đổi kỳ diệu cho thiên nhiên và con người. Bắt đầu có mưa xuân, bầu trời thấp hơn. Không khí như tiết độ lại, trầm lắng. Đánh dấu sự khởi đầu chuyển giao của mùa, của năm, của tiết xuân là khoảnh khắc giao thừa linh thiêng. Trời đất vạn vật hòa cùng lòng người rộn ràng đón năm mới. Như thể, từ thời khắc ấy, vạn vật mới sinh sôi nảy nở, con người mới được thêm lộc tuổi của trời. Thời khắc ấy, những mơ ước hy vọng mới được tấu trình lên cõi trời, mới hiển linh.

Trong thời khắc khởi nguyên của vũ trụ cho ba trăm sáu mươi ngày ấy, con người, trung tâm của vũ trụ, có quyền năng lớn nhất đã đi "xin lộc" trời. Tùy theo quan niệm của làng xã, của mỗi gia đình mà có nhiều hình thức xin lộc khác nhau như đi lượm cỏ hoa, cây cối, đi mua những vật cần thiết, đi lấy nước ở những nơi linh thiêng, mở hết cửa cổng cho lộc vào nhà… Đây cũng là nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

Khi có mưa xuân, những thân cây trắng mốc trơ trụi cả mấy tháng mùa đông chỉ cần thấm một lớp mưa mỏng đã thấy xanh dần lên từ lúc nào rồi bật ra những chồi non lộc biếc xinh xắn. Ở cánh đồng quê, những bãi mạ trơ trỏng, chân ruộng bạc phếch. Vậy mà, qua một đêm mưa, sáng ra khu ruộng đã đổi khác. Những đám cỏ chân chim, đám rau khúc, rau rền, rau rệu đang rậm rụi đã ngóc lên xanh và bắt đầu mập mạp dần. Những nhánh mạ cứng sót lại, lá lăn vàng cũng bắt đầu xanh dần. Trên các đường làng ngõ xóm, cả những khe bờ tường, mưa cũng len lỏi đậu trắng đầy một lớp dày làm bật dậy những chồi cỏ lún phún. Mưa mắc võng lên tấm mạng nhện, những hạt ngọc tròn xoe, li ti nằm rểnh rang trên những chiếc võng êm ả. Mưa lẩn vào cả những vòm cây cổ thụ cao chót. Mưa giăng mắc tất cả mọi nơi. Đâu cũng thấy mưa. Cả không gian mờ ảo tạo nét đặc trưng, nét đẹp vốn có của tiết xuân vùng đồng bằng bắc bộ.       

Hình như, ở thôn quê, con người sống chậm hơn nên có sự hòa đồng với thiên nhiên và có sự cảm nhận một cách sâu hơn, tinh tế hơn. Trong tiết xuân ấm áp, không riêng gì thiên nhiên mà con người cũng nhìn thấy sự rõ sự phát triển. Nhất là trẻ con ở những tuổi đồng ấu. Tết là lúc đã thi xong học kỳ một, bước sang đầu học kỳ hai nên chúng được chơi nhiều hơn. Chơi hàng tháng ròng vì hết Tết lại đến hội làng. Hết ăn hội làng mình lại ăn hội làng khác. Được chơi vui, được ăn ngon, được mặc đẹp. Cả tinh thần và vật chất đều đầy đủ hơn, sung sướng hơn. Vì thế, cứ ăn Tết xong, đứa trẻ nào cũng phổng phao hơn. Mặt mũi sáng ra. Tóc đen và mượt hơn. Những bé gái dậy thì sớm đã nhìn thấy núm ngực nhu nhú. Chỉ vào mùa xuân mới nhìn thấy rõ sự lớn nhanh của bọn trẻ.

Tiết xuân cũng biến đổi dần theo những cơn mưa xuân. Đầu xuân, mưa bay mưa bụi. Giữa xuân, mưa bắt đầu nặng hạt, có khi mưa dai dẳng đến mấy ngày. Những cơn mưa ấy như những lớp vi sinh tưới tắm cho cây cối xanh tốt phát triển.

Tiết xuân, với tiếng chim hót ríu ran, tiếng chồi non náo nức bật cành, tiếng mưa xuân thì thầm khe khẽ trên mái tóc, tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của lớp học sinh cắp sách đến trường xúng xính trong bộ quần áo mới. Tiếng trống hội làng rộn ràng, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Đường làng ngõ xóm rộn ràng bước chân…

Tất cả niềm vui của tiết xuân đã đem đến cho một sự khởi đầu thật tốt đẹp

Trịnh Minh Hiếu
.
.