Tiếng vọng từ nghị trường

Thứ Hai, 15/06/2009, 10:30
Dự kiến ngày 18/6 tới, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh hiện hành sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua. Điều này không chỉ làm nóng nghị trường, mà còn là tâm điểm bàn luận của nhiều người trong giới. Mặc dù, chỉ là một công chúng xoàng xĩnh, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tôi cũng xin được góp đôi lời.

Điều dễ nhất trí là nền điện ảnh của chúng ta chỉ là một chàng tí hon bên cạnh những gã khổng lồ ở ngay châu Á. Không chỉ thế, ngành điện ảnh (tạm hiểu là sản xuất phim nhựa, chiếu ở rạp) còn đang bị "bật bãi" trước nhiều loại hình nghe nhìn giải trí ở ngay trong nước như màn hình nhỏ; video; internet; game show vv… Cũng dễ nhất trí là cần phải tìm lối thoát và mở đường cho điện ảnh phát triển.

Nhưng điều chưa nhất trí, nhất là đối với người trong giới là tìm lối thoát và mở đường như thế nào cho điện ảnh, trong đó nổi lên 3 vấn đề quan trọng nhất là có bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài không? Có cho nước ngoài chiếm 51% trở lên vốn trong liên doanh sản xuất, phát hành với các hãng phim Việt Nam không? Và có cần cơ chế kiểm soát từ ngoài đài truyền hình với các phim phát trên màn ảnh nhỏ không?

Theo cam kết WTO mà nước ta là một thành viên, các nước trong WTO không được hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của các nước thành viên khác. Nhưng nước ta cũng cùng với 148 nước tham gia một định ước của UNESCO cho phép các nước tạo rào cản để bảo vệ nền văn hóa của mình vì sự đa dạng văn hóa trên thế giới.

Như vậy là hạn chế hay không hạn chế nhập khẩu phim nước ngoài, ta đều có lý. Nhưng, theo thiển nghĩ của tôi, tiền, điều kiện kỹ thuật, đội ngũ người làm phim, hệ thống rạp… dẫu rất quan trọng nhưng tất cả những thứ đó chưa đủ làm nên một phim hay và nhiều khi một phim hay lại không hoàn toàn phụ thuộc vào những thứ đó.

Việc không hạn chế nhập khẩu phim nước ngoài chính là mở thêm sự lựa chọn cho người xem và buộc người làm phim phải đổi mới, phải cạnh tranh để tồn tại. Hạn chế nhập phim nước ngoài để bảo hộ phim trong nước không khác nào cấm không được xem giải bóng đá ngoại hạng Anh vì bóng đá Việt Nam còn … nhiều hạn chế.

Chưa kể đến việc không hạn chế phim nước ngoài sẽ mang về cho nhà nước một nguồn thu đáng kể để tài trợ cho điện ảnh nước nhà. Điều cần quan tâm là chất lượng các phim nhập như thế nào nữa mà thôi.

Về điều thứ 2, có cho các hãng phim nước ngoài chiếm từ 51% trở lên vốn trong các liên doanh, liên kết không? Câu trả lời từ phía người xem phim là không vì chiếm 51% vốn trở lên là có quyền quyết định mọi hoạt động của liên doanh đó. Một phim do Việt Nam sản xuất liệu có thể để phía nước ngoài quyết định từ nội dung, các giải pháp nghệ thuật đến tổ chức sản xuất, phát hành được không?

Về cơ chế giám sát phim phát trên màn ảnh nhỏ (TV), theo phát biểu của một đại biểu Quốc hội, nước ta hiện có khoảng 200 kênh truyền hình, nhiều kênh trong số đó phát liên tục từ 8 giờ đến 10 giờ phim nước ngoài mỗi ngày, làm nảy sinh nhiều tiêu cực. Luật hiện hành giao cho giám đốc Đài Truyền hình quyền phát hành phim trên sóng truyền hình và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đó là cơ chế để mở rộng quyền tự chủ, rất đáng hoan nghênh.

Nhưng việc phát sóng phim lại thiếu một cơ chế điều hành chung cho gần 100 đài truyền hình trong cả nước, gây trùng lặp, lãng phí, lộn xộn. Người ta cần những chương trình phim ấy trước hết là để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí lành mạnh của công chúng, sau rồi mới vì mục đích lấp giờ và kinh doanh của các đài.

Ấy là những người xem nghĩ thế

Vũ Duy Thông
.
.