Tiếng rao trưa

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:00
"Ai tóc dài tóc rối bán không?". Tiếng rao vọng trong ngõ nhỏ, vọng vào giấc ban trưa. Lâu lắm rồi mới nghe tiếng rao của người mua tóc rối. Nhớ xưa tiếng rao này còn là "Ai tóc rối đổi kẹo không?". Tiếng rao này còn cùng "Ai chai chè đồng nát tóc rối lông gà lông vịt đổi kẹo không?".
Xưa ấy, thấy gì vương vãi có thể bán được đều nhặt gom vào. Chai này - mảnh chai. Vỏ quýt này - hạt táo. Tóc rối này - tóc cắt… Xưa còn bé tự mình có được 5 xu, 1 hào là sướng lắm. 5 xu là mua được kẹo bột, bánh đa khoai chia với bạn bè rồi. Đổi kẹo ư? Người bán có một hũ mạch nha, tùy theo hàng bán mà trả kẹo. Một cái que tre, kéo mạch nha ra quấn vào. Một cái kẹo thì mút chung. Nhiều thì mỗi đứa một cái, bé thôi cũng được. Có vẻ như bẩn nhỉ. Lúc xưa ấy, còn bé biết bẩn là gì. Lúc xưa ấy, chẳng có nhiều kẹo như bây giờ, chẳng có nhiều bệnh truyền nhiễm như bây giờ.

Cũng đã lâu rồi không nghe thấy phớ ơ của người đàn ông bán tào phớ đi vào ngõ. Khi xưa quẩy gánh - một bên là một chạn nhỏ sắp bát thìa, nước lã tráng bát, nước đường,… - một bên là thùng gỗ đựng tào phớ. Tào phớ đựng trong thùng gỗ đi cả ngày vẫn ấm nóng. Người bán hớt từng lát tào phớ vào bát bằng một miếng là một mảnh vỏ trai to, sáng và óng ánh, sau này là miếng tôn nhỏ mỏng mảnh. Nước đường pha vừa miệng. Nhìn những bông hoa nhài mới hái thả trên mặt nước đường mà như đã cảm thấy vị thơm mát. Nước đường vừa ngọt rưới ngập tào phớ. Cho thìa tào phớ vào miệng chẳng nhai mà nún nún để ngấm cái mát thơm. Dầm tào phớ nhỏ hòa vào nước mà xúc từng thìa như uống mà khoan khoái. Sau này, như bao hàng rong, người bán tào phớ cũng chuyển đi bằng xe đạp. Có cái hay là hàng tào phớ chỉ do đàn ông đi bán. Cũng chẳng biết tại sao. Tại gánh như vậy nặng khi đi rong? Tại đàn ông khỏe người khỏe giọng? Tào phớ - quà quê từ bán rong, bán dạo, từ ngồi vỉa hè, lòng đường, góc phố đã được nâng thành món tráng miệng, món giải khát mang hương vị quê trong những hàng ăn sang trọng.

Nhớ thì cứ nhớ vậy thôi, thèm thì cứ thèm vậy thôi, hàng quà rong ngon sạch xưa vắng bóng. Lại nữa, nhắc đến tào phớ lại nhớ lục tào xá, chế ma phù xa xưa. Bây giờ muốn ăn lúc nào thì lên phố Lương Văn Can có một hàng khá ngon - hay vì hiếm có, ít ăn thấy ngon. Lục tào xá, chế ma phù thường bán vào buổi tối. Gió đông về, tối khuya lành lạnh nghe tiếng rao đêm ấm lòng, ăn một bát ấm lòng. Bọn trẻ bây giờ chẳng thể có cảm giác ấy.

Còn nữa một hàng rong cũng mỗi ngày đi trên phố để đổi. Hàng này xuất hiện trong thời kỳ bao cấp. Ngày đó ăn cơm độn, mỳ sợi là thường xuyên còn thi thoảng là hạt bo bo, là ngô, là khoai - khoai bi thì nhiều, là sắn. "Ai đổi bánh cuốn không?". Thế là mang mỳ đổi bánh cuốn cải thiện. Bánh cuốn Thanh Trì thôi chứ làm gì có nhân. Thịt phiếu ít lắm, có bánh cuốn ăn là thích rồi. Gạo mốc ghế mỳ ăn chán lắm được bữa bánh cuốn là sướng rồi. Có đứa bị nhốt trong nhà khi bố mẹ đi làm, xúc trộm gạo, mỳ thò qua cửa đổi bánh cuốn ăn.

Tiếng rao trưa gọi về một thời không trở lại. Cái thời khó hơn, thiếu thốn nhiều mà trong sáng mà giàu yêu thương mà an toàn - an toàn thực phẩm, an toàn giao thông… bình an tâm tưởng.
Bùi Kim Anh
.
.