Tiếng buồn đàn tranh

Thứ Tư, 10/10/2012, 08:00

Chương trình "Hội ngộ đàn tranh lần 3 - 2012" đã khép lại bằng đêm biểu diễn giao lưu giữa các nghệ sĩ Nhật Bản và Việt Nam tại nhà riêng của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê. Trước đó, đêm 21/9, buổi công diễn chính thức diễn ra tại Cung văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh. Chia tay, các nghệ sĩ và khán giả ra về với dư âm đẹp, lắng đọng. Nhưng vẫn còn đó những tiếc nuối và nỗi buồn dai dẳng.

Dự kiến ban đầu của Ban tổ chức là tổ chức "Nhạc hội đàn tranh Châu Á lần 3 - 2012", tiếp nối sự thành công của "Nhạc hội đàn tranh Châu Á" năm 2000 và 2008 tại Tp HCM. Theo đó, Ban tổ chức mời các đoàn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tham dự với hy vọng nhạc hội sẽ là nơi hội tụ, giao lưu giữa những tài năng đàn tranh của các nước trong khu vực. Từ đó, giới thiệu và giúp cho công chúng phân biệt, thưởng thức đàn tranh mỗi nước. Mặc dù chương trình đã lên kế hoạch và gửi thư mời trước một năm nhưng khi chỉ còn gần một tháng nữa nhạc hội sẽ bắt đầu thì Ban tổ chức phải lật đật đổi tên "Nhạc hội đàn tranh Châu Á" thành "Hội ngộ đàn tranh". Ngoài hai nghệ sĩ Nhật Bản xác nhận tham gia, các nước khác hầu như không hồi đáp. Một số nhạc sĩ được mời cũng không thể tham dự vì nhiều lý do. Nhạc hội coi như lỗi hẹn và đành tái ngộ khán giả vào năm sau. Hội trường của Nhạc viện Tp HCM cũng thay bằng Hội trường Cung văn hóa Lao động như những lần Hội ngộ đàn tranh trước đây (2010, 2011). Nguyên nhân do không xin được tài trợ để đài thọ chi phí cho tất cả các nghệ sĩ nước ngoài sang đây biểu diễn. Ngoại trừ chi phí ăn ở do Cung văn hóa Lao động lo, hai nghệ sĩ Nhật Bản sang Việt Nam biểu diễn phải tự túc vé máy bay, biểu diễn không có thù lao.

Một tiết mục đàn tranh của thiếu nhi trường Đài Bắc tại Tp HCM trong chương trình.

Hội ngộ đàn tranh năm nay có sự tham gia của hai mẹ con nghệ sĩ Nhật Bản Toshiko Nagase và Kenzan Nagase; các nghệ sĩ Việt Nam đại diện cho 3 miền đất nước: Hồng Hạnh - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Hồng Nga - Học viện Âm nhạc Huế; Hải Phượng - Nhạc viện TP Hồ Chí Minh; Ban đàn tranh trường Đài Bắc tại Tp HCM; CLB Tiếng hát quê hương - Cung văn hóa Lao động Tp HCM.

Chương trình năm nay không bán vé mà phát miễn phí từ ngày 15/9. Nhưng đến ngày 16, vé ở phòng ghi danh Cung văn hóa Lao động đã hết. Đêm công diễn chính thức, bị bảo vệ không cho vào vì không có vé, rất nhiều bạn trẻ tìm cách đi "chui" cửa sau. Hội trường Cung văn hóa Lao động đêm công diễn đông nghẹt. Các nghệ sĩ đã mang đến các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc: "Luyện năm cung" (chèo cổ), "Phú lục" (ca Huế), "Song phi Hồ Điệp" (nhạc tài tử miền Nam)… Ngoài ra, các nghệ sĩ còn thể hiện những bản tân nhạc dành cho đàn tranh như: "Giữ trọn mùa xuân" (sáng tác Xuân Khải), "Tình ca xứ Huế" (sáng tác Phạm Thúy Hoan)… Đặc biệt, các nghệ sĩ Nhật Bản mang đến một không gian âm nhạc mới lạ với tiếng đàn koto và tiếng sáo Syakuhati thể hiện qua bản song tấu "Sekiheki no hu" (Bài thơ ca ngợi sườn dốc đỏ) và "Haru no umi" (Biển xuân). Những tràng vỗ tay vang lên giòn giã cho những cung đàn réo rắt đầy mê hoặc.

Nghệ sĩ Hồng Hạnh trình bày bản "Luyện năm cung" trong đêm "Hội ngộ đàn tranh lần 3".

Còn đêm giao lưu tại nhà Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê, những vị khách trẻ "không mời mà đến" đứng chen nhau vì số lượng ghế không đủ. Tại buổi diễn giao lưu, các nghệ sĩ Nhật Bản và Việt Nam trình bày những làn điệu độc đáo của dân tộc mình qua sự thuyết trình, phân tích của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê. Nhiều bạn trẻ tranh thủ mở máy ghi âm và tỏ ra rất hứng thú khi nghe Giáo sư chia sẻ về sự giống và khác nhau giữa đàn tranh Việt Nam và đàn koto Nhật Bản, giới thiệu sáo Syakuhati.

Sau đêm diễn, nghệ sĩ Hải Phượng chia sẻ: "Tâm trạng của tôi cũng như các nghệ sĩ tham dự chương trình là tiếc nuối vì chương trình ngắn quá. Hai đêm diễn không đủ để thỏa mãn khao khát tìm hiểu, học hỏi, giao lưu. Năm nay, do kinh phí eo hẹp, chỉ có đoàn Việt Nam và Nhật Bản tham gia nên cơ hội để giới thiệu, quảng bá cây đàn tranh với bè bạn thế giới đã không trọn vẹn".

Tiết mục song tấu của hai nghệ sĩ Nhật Bản trong đêm "Hội ngộ đàn tranh lần 3".

Từ sự ăn nên làm ra của các gameshow ca nhạc, truyền hình thực tế hiện nay (đôi khi là những chương trình giải trí nhảm nhí), nhìn lại sự chật vật của chương trình "Hội ngộ đàn tranh lần 3 - 2012", mới thấy thật đáng buồn cho nền âm nhạc truyền thống. Những chiêu trò, scandal của gameshow, truyền hình thực tế đã thu hút một lượng quảng cáo đáng kể. Dường như chương trình nào càng có nhiều scandal khiến dư luận "nhảy dựng lên" thì chương trình ấy lại càng thu hút nhà tài trợ. Điển hình như chương trình Giọng hát Việt - The Voice 2012. Sau scandal "dàn xếp kết quả" chấn động dư luận, bảng giá quảng cáo được nhà đài đẩy lên đến mức chóng mặt. Chương trình lại càng thêm "hot" dù khán giả ì xèo đòi tẩy chay vì cho rằng mình bị lừa. Nhà tài trợ cứ thế mà tiếp tục dốc tiền. Trong khi đó, các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống lại khổ sở gõ cửa từng doanh nghiệp chỉ để mong có nguồn tài trợ lo chi phí ăn ở, đi lại cho nghệ sĩ chứ chưa dám mơ đến trả tiền thù lao. Các doanh nghiệp đều lấy cớ làm ăn thua lỗ, kinh tế khủng hoảng để từ chối. Mặc dù, ai cũng biết, chất lượng của những chương trình này rất tốt và vẫn thu hút không ít công chúng yêu âm nhạc dân tộc. Thế mới đáng buồn.

Đàn tranh nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung đang buông những tiếng thở dài não ruột. Mặc dù số lượng học viên của các lớp học đàn tranh đang ngày càng tăng lên (trường Tiểu học Phan Đình Phùng mở thêm lớp đàn tranh ngoại khóa, lượt học viên đăng ký vào khoa âm nhạc dân tộc của Nhạc viện Tp HCM năm nay tăng hơn năm 2011) và năm học mới 2012-2013, Tp HCM sẽ thực hiện đề án: "Tìm hiểu và thực hành âm nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học tại các xã ngoại thành"… nhưng so với nền âm nhạc sôi động hiện nay, âm nhạc dân tộc vẫn là một nốt trầm.

Là một trong những nghệ sĩ tham gia biểu diễn ở nhiều nhạc hội  tổ chức tại nước ngoài, nghệ sĩ Hải Phượng cho biết: Ở các nước, người ta đều có quỹ bảo tồn văn hóa để giới thiệu văn hóa dân tộc ra nước ngoài. Những chương trình, hoạt động văn hóa dân tộc nói chung đều được nhà nước tài trợ. Chương trình nhạc hội đàn tranh vừa tổ chức ở Macau (12 và 13/8), các nghệ sĩ sang biểu diễn đều được đài thọ chi phí ăn ở, đi lại và có thù lao biểu diễn. Ở các nước phát triển, họ biết giữ gìn tài sản âm nhạc mà cha ông để lại. Thậm chí có nhiều quốc gia không có bề dày lịch sử như Việt Nam nhưng họ vẫn cố gắng giữ gìn và phát huy nền âm nhạc dân tộc bằng nhiều chính sách như chăm lo đến các nghệ nhân, khuyến khích người dân học đàn dân tộc, phát các chương trình dân tộc trên phát thanh, truyền hình, dành nhiều ưu đãi cho người theo các bộ môn nghệ thuật dân tộc… Họ coi âm nhạc dân tộc là những viên ngọc quý cần phải gìn giữ để không bị hòa tan trong thế giới hôm nay.

"Hội ngộ đàn tranh lần 3" đã kết thúc. Ban tổ chức và các nghệ sĩ đàn tranh lại tiếp tục gõ cửa nhà tài trợ chuẩn bị cho "Nhạc hội đàn tranh Châu Á lần 3" dự kiến tổ chức năm 2013 tại Tp HCM với nỗi lo thấp thỏm: Liệu nhạc hội có lỗi hẹn với khán giả lần nữa không?

Nga Mai
.
.