Tiên trách kỷ hậu trách nhân

Thứ Ba, 25/08/2009, 16:00
Trong nghệ thuật cũng như bất kỳ lĩnh vực nào, sự hợp tác ăn ý luôn là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo thành công. Tuy nhiên, không phải sự hợp tác nào cũng hiệu quả như mong đợi. Đối diện với những thất bại ấy đã khó, chấp nhận sự thật lại càng khó hơn, và việc dũng cảm tự nhận trách nhiệm thì không phải ai cũng làm được.

Thậm chí, nhiều nghệ sĩ còn có kiểu đổ lỗi cho mọi người, ngoại trừ mình. Thật là, lợi bất cập hại, họ có hay đâu rằng, chính cách hành xử ấy đã khiến trong mắt khán giả, họ bị “mất điểm” khá nhiều...

Sau hơn một năm phát sóng, dự án phim sitcom đầu tiên của VFC với dự kiến ban đầu là 500 tập đã có quyết định dừng sản xuất ở tập 171. Đây là một sự việc đáng tiếc mặc dù cũng là điều cần thiết khi khán giả đã có nhiều phản ứng về chất lượng phim. Khi "Những người độc thân vui vẻ" bắt đầu thực hiện, nó được quảng bá khá rầm rộ nên việc dừng phát sóng bộ phim cũng thu hút sự chú ý của dư luận.

Thời gian qua, có nhiều bài báo mổ xẻ, lý giải nguyên nhân thất bại của "Những người độc thân vui vẻ" qua việc phỏng vấn những người có trách nhiệm cũng như những nghệ sĩ tham gia vào quá trình sản xuất bộ phim này.

Trong một lần phát biểu gần đây, nghệ sĩ Vân Dung, người vào vai Mai Lệ (chính thức ngừng tham gia ở tập 40) thì khẳng định như đinh đóng cột rằng bộ phim đã đưa tên tuổi cô và một nghệ sĩ đi xuống. Lý giải việc nhận vai Mai Lệ, cô cho rằng vì tin tưởng đạo diễn Đỗ Thanh Hải nên không thể từ chối. Và cô lấy làm tiếc là đạo diễn họ Đỗ này không đồng hành đến hết phim.

Còn vì sao không tham gia hết dự án phim này thì cô cho rằng, ngoài lý do sức khỏe không ổn định, công việc gia đình bận rộn, cô thú thật là thấy "nản" vì không được như ban đầu. Cô cho rằng, đây là một sự cố đáng tiếc trong sự nghiệp của mình.

Cùng với Vân Dung, nghệ sĩ Quang Thắng, người vào vai nhân vật Tiến thì lại tỏ ra... hối hận: "Tôi dại, đáng ra phải rút lui sớm hơn". Lý do Quang Thắng nấn ná với phim lâu hơn Vân Dung là do cả nể, cứ muốn trả nợ anh này anh kia (ý nói các đạo diễn -TG) nên cứ cố và hậu quả là càng đóng càng nhạt. Quang Thắng còn cho rằng, Xuân Bắc hay Tự Long đã "tinh" khi không tham gia dự án phim này.

Một cảnh trong phim "Những người độc thân vui vẻ".

Không ai mong muốn sự thất bại. Nhưng khi sự thất bại xảy ra thì không phải ai cũng nhìn nhận về nó một cách khách quan, trung thực. Tác phẩm điện ảnh là sự đóng góp công sức của nhiều người, từ biên kịch, đạo diễn tới diễn viên. Vì thế, trong mỗi Liên hoan phim, các yếu tố này được đề cao với những giải thưởng danh giá. Trong đó, yếu tố diễn viên còn nhận được sự quan tâm hàng đầu.

Thế nhưng, qua cách phát ngôn của các diễn viên, những người đã tham gia vào khâu quan trọng nhất của bộ phim thì dường như họ "vô can" trong chuyện này. Có chăng chỉ là do họ đã "sai lầm" khi để tài năng của mình vào một kịch bản không xứng tầm, một ê kíp làm phim không phát huy được tài năng của họ.

Tương tự như vậy, khi khán giả có những phàn nàn về phần 2 của "Lập trình trái tim" không hấp dẫn như phần một, diễn viên thủ vai Tùng "giun đất" đã cho rằng nhiều diễn viên trong số họ tham gia phần 2 vì trách nhiệm hơn là sự hứng thú với vai diễn. Thôi thì cứ cho rằng họ là diễn viên tài năng, vậy thì nếu đã là một diễn viên chuyên nghiệp thì hơn ai hết, họ biết kịch bản nào, ê kíp nào phù hợp với mình.

Biết nói "không" ngay từ đầu cũng là một cách tôn trọng khán giả, tôn trọng mình chứ không phải đợi đến khi khán giả chê mới đổ lỗi cho đạo diễn và kịch bản. Trong sáng tạo nghệ thuật, điều quan trọng là tâm lý thoải mái, sự trung thực của cảm xúc. Nếu thấy không thoải mái thì hãy mạnh dạn khước từ, không nên miễn cưỡng để rồi khi bộ phim không được công chúng đón nhận thì lại quay sang phân bua... "làm vì trách nhiệm".

Khi bộ phim "13 nữ tù" phát sóng được 3 tập đầu, diễn viên Phương Mai, người vào vai Kim, một trong 13 nữ tù đã lên tiếng: "Cảm giác của tôi khi bật ti vi lên xem "13 nữ tù" sau vài phút là quá nản, tôi chỉ xem vài cảnh rồi chán ngán tắt đi luôn. Nếu không nói quá lời thì phim giống như một chiếc áo đẹp đẽ bị cắt thành một đống vải vụn. Liệu một diễn viên đã không yêu nổi bộ phim mình đóng thì làm sao có thể thuyết phục khán giả đồng hành cùng bộ phim được.

Có lẽ cũng chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện phim đang sản xuất đã cãi nhau, dọa đưa nhau ra tòa như ở phim "Tôi là ngôi sao" giữa đạo diễn Hồng Ngân và diễn viên Thanh Hằng. Diễn viên thì cho rằng đạo diễn không thực hiện đúng hợp đồng, đạo diễn lại khăng khăng diễn viên không tuân theo sự chỉ đạo, không hợp vai… Và dù cuối cùng phim cũng ra mắt nhưng chỉ riêng chuyện rắc rối ấy cũng khiến khán giả "mất hứng" khi xem phim.

Trong lĩnh vực âm nhạc, gần đây khán giả cũng được nghe những phát ngôn gây sốc. Đó là trường hợp của ca sĩ Hoàng Bách trong nhóm AC&M. Họ sát cánh cùng nhau từ lúc còn chưa ai biết, đến khi thành một ban nhạc được khán giả yêu mến bởi sự chuyên nghiệp, nghiêm túc.

Rồi một ngày Hoàng Bách khiến khán giả ngỡ ngàng rằng những điều họ yêu mến ấy chỉ là giả tạo khi anh tâm sự rằng những ngày anh ở trong nhóm AC&M anh không phải là được là chính mình: "Đôi khi trong nhóm mình muốn thể hiện một số sáng tạo riêng thì cũng sẽ ảnh hưởng tới người khác, hoặc người khác không muốn làm theo, điều đó sẽ tạo thành ức chế cho mình".

Rồi anh kết luận: "Từ trước đến giờ, AC&M chưa bao giờ là những người bạn, mà đơn giản chỉ là mối quan hệ công việc thông thường, đến giờ vẫn thế. Trong cuộc sống có những người mà cả năm liền ít gặp gỡ ta vẫn có thẻ xem như bạn bè thân thiết, cũng có những người đi với mình cả chục năm vẫn không là gì cả".

Thực ra chuyện hợp tan trong âm nhạc cũng là chuyện bình thường, chuyện chưa ưng ý khi làm việc nhóm cũng là bình thường. Nhưng cách mà Hoàng Bách phát biểu, cách anh  "đốn củi 3 năm đốt 1 giờ" ấy khiến khán giả có thể nghĩ rằng những gì AC&M thể hiện trước đây chỉ là… diễn.

Nhiều người bộc lộ sự thất vọng với Hoàng Bách. Anh được gì sau những phát ngôn ấy? Sau khi tách nhóm, chuyển sang hát solo, anh có cần thiết phải phũ phàng với những người từng thân thiết, kề vai sát cánh với mình như vậy?

Khi chứng kiến những điều ấy, khán giả thì không hiểu họ nói như vậy với mục đích gì. Để khẳng định mình vô can trong những thất bại, để thể hiện rằng những người cộng tác đã kém tài khi không làm cho họ tỏa sáng? Chỉ có một điều chắc chắn rằng ê kíp nào muốn cộng tác với họ sau đó sẽ e ngại bởi họ chưa có được sự chuyên nghiệp, sự tâm huyết, dám chịu trách nhiệm mà tập thể cần.

Quay lại với việc dừng sản xuất phim "Những người độc thân vui vẻ", bên cạnh những ý kiến chỉ trích thì vẫn có những ý kiến khiến khán giả hài lòng như diễn viên Hồ Liên. Chị cho rằng không hề hối hận khi đóng "Những người độc thân vui vẻ" bởi quan niệm khi đã nhận lời thì cố gắng hoàn thành tốt vai diễn của mình. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến khi trả lời phỏng vấn báo chí, với tư cách là biên tập của phim, anh cũng thẳng thắn thừa nhận những nhận định sai lầm khi làm phim một cách khách quan, trung thực.

Sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu tâm huyết đã khiến các nghệ sĩ của chúng ta ít khi nhìn thẳng và chịu trách nhiệm trước những thất bại. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, các nghệ sĩ nước ngoài luôn biết cách tôn vinh đồng nghiệp, những người từng cộng tác với mình dù sản phẩm ấy có thành công hay không.

Không nói xa xôi, với các nghệ sĩ lão thành mà tôi có dịp trò chuyện, họ đều nói về đồng nghiệp bằng một thái độ tôn trọng và yêu mến. Điều đó không làm cho họ bé nhỏ đi mà ngược lại càng đẹp hơn trong mắt công chúng

Thảo Duyên
.
.