Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã: Thêm một "kế hoạch nhỏ" giữ men yêu nước

Thứ Năm, 28/11/2013, 08:00

Tập đầu tiên của bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt - Hoàng Sa, Trường Sa" với chủ đề "Khẳng định chủ quyền" vừa ra mắt bạn đọc đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế. Trước chuyến công tác sang Australia nói chuyện về chủ quyền biển đảo, giới thiệu cuốn truyện tranh vào ngày 25/11 tới, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã - cố vấn lịch sử cho bộ truyện tranh nói trên đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an...

- Được biết bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt - Hoàng Sa, Trường Sa"  gồm 10 tập. Sau tập 1, tập 2 mang tên: "Lãnh thổ An Nam" sẽ ra mắt vào tháng 12 tới. Là nhà sử học chuyên nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về sự đóng góp của bộ truyện tranh này trong việc khẳng định, bảo vệ  chủ quyền biển đảo? 

+ Dự án về bộ truyện này ấp ủ gần một năm và được thực hiện theo phương pháp "cuốn chiếu", cứ 3 tháng ra mắt một tập, mỗi tập một chủ đề, theo trình tự: "Khẳng định chủ quyền", "Lãnh thổ An Nam", "Khám phá Hoàng Sa", "Huyền bí Paracels", "Chiến thuyền nhà Nguyễn", "Hùng binh biển đảo"... Bộ truyện tranh dựa trên những cứ liệu lịch sử, khoa học, từ chính sử, địa chí, nhất là hệ thống văn bản của chính quyền nhà nước qua các thời kỳ, trong đó đáng chú ý là châu bản của Triều Nguyễn và những tài liệu của phương Tây và Trung Quốc. Xem bản thảo tập 1, tôi thấy cuốn truyện rất thú vị. Những vấn đề lịch sử được kết nối thành một câu chuyện hấp dẫn.

Truyện tranh vốn quen thuộc với trẻ em. Người thực hiện rất khéo léo khi dùng một câu chuyện sinh động bằng truyện tranh để phổ biến kiến thức về biển đảo. Đó là câu chuyện về công cuộc giữ gìn bờ cõi biên cương của tiền nhân như: các chiếu lệnh về việc chăm lo, bảo vệ, cai quản hải đảo cũng như việc vẽ bản đồ, dựng lập bia miếu, cắm mốc chủ quyền... Các tình huống như đi vào Quốc Sử Quán tham quan, đóng tuồng, diễn xướng của Tí, Sửu, Dần, Mẹo… trong truyện rất thú vị, gây tiếng cười cho các bạn nhỏ. Nó giúp cho giới trẻ tiếp cận vấn đề về chủ quyền biển đảo một cách dễ dàng.

Khi tôi mang cuốn truyện về, những đứa cháu của tôi rất thích thú vì chúng rất mê "Thần đồng đất Việt". Các cuốn sách nghiên cứu của tôi, chúng không đọc vì quá dày và khô khan, khó tiếp thu. Xen lẫn phần tranh còn có một số văn bản tham khảo mang tính tóm tắt sự kiện lịch sử để người lớn nếu không muốn đọc phần tranh có thể đọc phần này và dễ dàng nắm được. Bởi theo tôi, thực trạng hiện nay cho thấy đâu chỉ có lớp trẻ mà người lớn, ngay cả các sinh viên, thầy cô giáo, giới trí thức… cũng chưa nắm vững vấn đề chủ quyền.

Những tài liệu, sách vở nói về Hoàng Sa, Trường Sa rất nhiều nhưng người ta không có đủ thời gian và kiên nhẫn để đọc. Cuốn truyện cho họ tiếp cận vấn đề quan trọng này một cách dễ dàng hơn. Do đó có thể nói, đối tượng của truyện không chỉ là trẻ em mà nhiều người lớn cũng rất yêu thích. Đó coi như một cách để phổ cập kiến thức cho người dân.

- Ngay khi vừa ra mắt, bộ truyện tranh đã nhanh chóng gây tiếng vang không chỉ với dư luận trong nước mà còn với dư luận quốc tế. Bộ truyện tranh quả thực không phải chỉ là một cuốn truyện thiếu nhi đơn thuần.

+ Tập 1 như thế là rất thành công, được nhiều giới trong và ngoài nước quan tâm. Vừa rồi tôi có nói chuyện về biển đảo với học sinh cấp 3 trường Thực nghiệm Sư phạm Sài Gòn (thuộc Đại học Sài Gòn). Trước khi tặng truyện cho các em, tôi yêu cầu: Em nào muốn nhận cuốn truyện này thì phải tìm ra được 10 bạn cũng muốn đọc cuốn truyện, những bạn đó cũng có nhiệm vụ tìm ra 10 bạn khác có chung ước muốn đó. Rất nhanh chóng, các em hưởng ứng rất nhiệt tình. Đây là cách mà tôi giới thiệu, nhân rộng cuốn truyện này với các bạn trẻ. Chính các em cũng sẽ trở thành những người giới thiệu, truyền bá cuốn sách này với bè bạn mình.

Hiện nay, phía Công ty Phan Thị đang tiến hành chuyển ngữ tập 1 sang tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc… Đây là một tín hiệu vui để người Việt tại nước ngoài cũng như bạn bè thế giới quan tâm về vấn đề Biển Đông có thể tiếp cận sự thật lịch sử về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thật lịch sử cũng như lẽ phải, pháp luật quốc tế chính là sức mạnh giúp ta đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ một cách hòa bình.

- Nhiều người cho rằng truyện tranh Việt chưa để lại nhiều dấu ấn với giới trẻ vì còn nặng giáo điều. Giới trẻ vẫn thích đọc truyện manga, anime Nhật, Hàn vì nó mang tính giải trí, nhiều hình ít chữ. Ngoài ra, chuyện học lịch sử trong trường học hiện nay cũng đang báo động khi số điểm 0 ở các kỳ thi đại học ngày càng tăng lên. Truyện "Thần đồng đất Việt" được xem là truyện tranh thuần Việt rất thành công vì ngoài cách giáo dục về lịch sử nhẹ nhàng lại mang tính giải trí, hài hước thông qua các nhân vật ngộ nghĩnh Tí, Sửu, Dần Mẹo… Thế nhưng ở tập 1 "Thần đồng đất Việt - Hoàng Sa, Trường Sa", dường như vốn kiến thức bị "nén" quá nhiều trong tập truyện vẻn vẹn hơn 120 trang. Tính giải trí, hài hước vốn có rất nhạt nhòa. Vậy có là quá sức với giới trẻ, thưa ông?

+ Quan sát các em đọc cuốn truyện này, tôi nhận thấy chỗ nào chữ nhiều quá chúng không đọc, đa số chúng chỉ thích xem tranh cho vui. Do vậy, nếu đối tượng của bộ truyện tranh chỉ nhắm tới thiếu nhi thì nhu cầu của các em chưa hoàn toàn được thỏa mãn. Tập 1 còn nặng về kiến thức, sự đầu tư ở khía cạnh truyện tranh chưa nhiều. Với các em tiểu học, nhiều em không có hứng thú, không có khả năng đọc vì còn quá nhiều thuật ngữ khó hiểu, nói gì đến việc nhận thức vấn đề. Nhưng hoàn cảnh hiện nay buộc bộ truyện phải như thế, phải phổ cập cho nhiều đối tượng chứ không riêng trẻ em. Có thể người lớn đọc trước, nắm vững kiến thức rồi hướng dẫn lại cho các em. Hy vọng ở những tập sau, nội dung của truyện sẽ nhẹ nhàng hơn, số lượng tranh tăng, tình huống hài hước, dí dỏm hơn để thu hút các em.

- Như tiến sĩ đã từng nói: "Hoàng Sa mãi mãi là chất men yêu nước cho tất cả những người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Mọi người Việt Nam từ trẻ đến già phải có một kế hoạch nhỏ xây dựng đất nước hùng cường". Để khẳng định chủ quyền biển đảo, gieo vào giới trẻ lòng yêu nước, theo ông, ngoài bộ truyện tranh này, chúng ta cần có những "kế hoạch nhỏ" gì trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ?

+ Để xây dựng những "kế hoạch nhỏ", làm cho đất nước hùng cường, ai cũng phải có lòng tự hào dân tộc. Bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt - Hoàng Sa, Trường Sa" sẽ là bước khởi đầu cho các phương thức truyền bá thông điệp yêu nước trong xây dựng thời kỳ đổi mới, hội nhập, kiến thức về chủ quyền biển đảo đến thế hệ trẻ đơn giản mà sâu sắc. Ngoài truyện tranh, trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, các kênh khác như phim hoạt hình, phim truyện lịch sử sẽ là cách hay để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo đến thế hệ trẻ. Đưa lịch sử vào thơ ca, dân ca, dân vũ cũng là cách để giữ chất men yêu nước, giữ hồn dân tộc.

Chuyến sang Australia lần này, tôi sẽ phổ biến "Hịch Biển Đông" và "Trường ca Biển Đông dậy sóng" do tôi và nhà thơ Mai Trinh sáng tác đến kiều bào. Ngoài việc giới thiệu tập tài liệu về chủ quyền biển đảo dày 500 trang bằng tiếng Anh, kêu gọi mọi người giúp gửi đi các thư viện trên thế giới, đặc biệt là các thư viện có luận văn luận án về vấn đề này, tôi sẽ giới thiệu cuốn truyện "Thần đồng đất Việt - Hoàng Sa, Trường Sa" bản tiếng Anh đến bà con kiều bào, những người Australia quan tâm đến vấn đề Biển Đông.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ! Chúc chuyến đi của Tiến sĩ thành công

Phan Thi Uyên (thực hiện)
.
.