Tiềm năng văn hóa, du lịch ở một miền quê

Thứ Ba, 21/02/2017, 08:00
Xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được nhiều người biết đến là một miền quê huyền thoại mang đậm trong mình những di sản văn hóa, lịch sử hàng ngàn năm nay.


Trong nhiều tài liệu còn lưu giữ lại, đầu xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên phúc thứ 7 (năm 987), Vua Lê Đại Hành vốn coi trọng nông nghiệp đã về cánh đồng gần chân núi Đọi làm lễ Tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), nhằm khuyến khích nông dân hăng hái tăng gia sản xuất, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Kể từ đó, lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại sau như Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng.

Tiếp nối truyền thống của tổ tiên, từ năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã phục dựng và tổ chức lễ hội Tịch điền vào ngày mồng bảy tháng Giêng âm lịch hàng năm với quy mô lớn. Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã về dự lễ hội.

Năm 2017 là năm thứ 9 lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tái hiện tại nơi mà cách đây 1030 năm, vua Lê Đại Hành thực hiện lễ Tịch điền đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam nhằm khuyến khích, động viên nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp, đề cao tinh thần trọng nông, vai trò của nhà nông "Dĩ nông vi bản", "Phi nông bất ổn", đồng thời quảng bá với du khách trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, độc đáo của địa phương. Lễ hội được tổ chức trong ba ngày, từ 1 đến 3-2-2017 (tức 5-7 tháng giêng năm Đinh Dậu) gồm hai phần: Phần lễ và phần hội.

Đại diện Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch trao Bằng công nhận lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (ngày 3-2-2017).

Phần lễ như: Rước chân nhang từ đền thờ Vua Lê Đại Hành về chùa Đọi, lễ cáo yết xin Thành Hoàng cho mở lễ hội tại đình Đọi Tam; lễ rước nước; lễ sái tịnh tại khu vực đàn tế Thần Nông; lễ cầu an; lễ rước kiệu, lễ Tịch điền cùng với đó là màn múa trống, múa rồng... Phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc như: Các trò chơi giân gian: kéo co, chọi gà, đánh đu, bịt mắt bắt dê, đi cầu khỉ, thi làm bánh dày; Các chương trình ca múa nhạc, bắn pháo bông…

Trong hội thi vẽ và trang trí trâu có 18 họa sỹ đến từ Hà Nội và tỉnh Hà Nam.Điều đáng chú ý là có cả họa sỹ người nước ngoài tham gia. Đặc biệt tại lễ hội Tịch điền đã diễn ra Giải vật mùa xuân thượng võ tỉnh Hà Nam năm 2017 thu hút nhiều du khách tới tham quan, tìm hiểu. Ngoài ra còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp, các giống cây ăn quả… Lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương về dự.

Nét mới trong lễ Tịch điền Đọi Sơn 2017 là, bên cạnh nghi thức cày ruộng bằng trâu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang về dự và tự lái máy cày khai hội với ý nghĩa khuyến khích Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời ghi danh lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được coi như Quốc lễ bởi ý nghĩa nhân văn và tinh thần khuyến khích sản xuất nông nghiệp, là nét đẹp văn hóa trở về cội nguồn - Di sản văn hóa của dân tộc.

Đến với Đọi Sơn, một xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Hà Nam, du khách không chỉ đắm mình trong không gian sôi động của lễ hội Tịch điền, mà còn được tham dự lễ hội chùa Long, một ngôi chùa cổ kính toạ lạc trên đỉnh núi Đọi được xây dựng từ thời nhà Lý.

Mùa hạ niên hiệu Hội tường Đại khánh thứ 9 (năm 1118), Vua Lý Nhân Tông qua dòng Hà Lô đến bến Long Lĩnh Đọi sơn thấy nơi đây tụ khí địa linh huyền ảo, bồng lai tiên cảnh và linh ứng níu giữ, Vua bèn truyền lệnh cho xây chùa và Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh trên đỉnh núi Đọi. Tháp cao 13 tầng, mở 40 cửa bốn mùa lộng gió.

Năm Thiên phù Duệ vũ thứ hai (năm 1121), Nhà Vua cho mở hội khánh thành và đặt tên núi là Long Đọi Sơn (núi hàng rồng) nên chùa Đọi còn có tên là chùa Long, trở thành đại danh lam kiêm Hành cung, một trung tâm Phật giáo quan trọng thời Lý với ý nghĩa trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long.

Trải qua những biến cố của lịch sử trong gần chục thế kỷ, một phần chùa Long và Bảo tháp bị giặc ngoại xâm phá hủy. Sau nhiều lần trùng tu, đến nay chùa Long vẫn sừng sững trên đỉnh núi Đọi nguy nga, hùng vĩ làm rung động lòng người, thu hút đông đảo dân quanh vùng cùng du khách thập phương về chiêm bái, nhất là vào mùa lễ hội hàng năm (từ 17 đến 21-3 âm lịch).

Đây cũng là một trong số ít những ngôi chùa ở nước ta còn lưu giữ được nhiều di vật quý của một giai đoạn hoàng kim trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, gắn liền với dấu mốc lịch sử của việc định đô Thăng Long cách đây hơn một ngàn năm. Năm 1992, chùa Đọi (tức chùa Long) vinh dự được Nhà nước xếp hạng là "Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia".

Vượt qua hơn ba trăm bậc đá xanh được lát công phu, rộng rãi lên đỉnh núi - nơi có ngôi chùa Long cổ kính, du khách không khỏi nao lòng khi quan sát toàn cảnh đất trời của một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng trải rộng bốn phương như bức tranh thiên nhiên khổng lồ tuyệt tác. Thăm chùa Long, ngoài các tòa Tam bảo, nhà thập bát La Hán, nhà Tổ, nhà Hậu, khu Tháp mộ… du khách còn được chiêm ngưỡng những di vật quý vẫn còn lưu giữ từ thời nhà Lý như: Tấm bia bằng đá xanh cao 2,5m, rộng 1,65m, dày 0,3m được chạm sáu con rồng ở trán và bệ bia cùng các hoa văn đặc trưng thời nhà Lý; một quần thể gồm sáu pho tượng kim cương được tạc bằng sa thạch nguyên khối.

Ngoài ra chùa còn lưu giữ khá nhiều tác phẩm mỹ thuật của các giai đoạn sau như: Tượng đầu người mình chim (Kinari); tượng Quan âm Thị Kính thế kỷ XVIII; tượng Phật Di Lặc bằng đồng được làm từ thời Tự Đức cùng nhiều pho tượng mới được sắp đặt quy mô.

Ngoài các lễ hội truyền thống, du khách còn được tham quan một số ngôi đình cổ của các làng, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là làng nghề làm trống Đọi Tam nổi tiếng cả nước từ bao đời nay.

Phát huy truyền thống Anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xã đạt chuẩn nông thôn mới thời kỳ đổi mới, với lợi thế về địa lý mà thiên nhiên ban tặng, cùng với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử riêng có và lòng hiếu khách của nhân dân địa phương, Đọi Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.

Trần Phúc Dương
.
.