Thư viện tư nhân độc đáo

Thứ Ba, 26/03/2013, 08:00

Nằm khuất nẻo trên đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, Tp HCM, căn nhà số 352 đã trở thành điểm đến quen thuộc của các em học sinh, sinh viên và người dân quanh vùng từ 5 năm nay. Chủ nhân của nó là người cựu chiến binh trót mang nặng tình yêu với sách, để rồi nó vận vào người ông như một định mệnh không thể dứt rời. Thư viện của ông phục vụ miễn phí, góp một nét chấm phá độc đáo của văn hóa Sài Gòn thời hiện đại.

Thư viện 24.000 cuốn sách và...

"Đọc một cuốn sách đi muôn dặm đường", câu danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng trong phòng đọc của thư viện phục vụ cộng đồng Phạm Thế Cường. Đó là điều mà cả đời ông Phạm Thế Cường luôn tâm niệm và xem như lẽ sống. Mỗi tối, khi bước chân người đọc ghé thăm, lật giở từng trang sách, ông mong họ cũng tìm được lẽ sống ấy như mình. Các đầu sách của thư viện rất phong phú: từ truyện tranh đến những sách văn học kinh điển in đầu thế kỷ XX; từ sách giải trí đến những công trình nghiên cứu; từ sách về các vấn đề xã hội đến sách khoa học, kỹ thuật... Thư viện có hai máy tính để truy cập thư mục điện tử, lên Internet và một tivi. Mỗi tối thứ 2, 4, 6 và chiều chủ nhật hàng tuần, thư viện mở cửa miễn phí, đón khoảng 30 - 40 bạn đọc.

Ghé thăm thư viện của ông Cường chủ yếu là các em học sinh và sinh viên nghèo các trường cao đẳng, đại học. Nếu các em học sinh đến đây để đọc truyện tranh, các tác phẩm văn học thiếu nhi ở tầng trệt thì sinh viên đến đây chủ yếu để nghiên cứu, làm tiểu luận, bài tập ở lầu 2. Một điều đáng ngạc nhiên là ở mỗi bàn của lầu 2 luôn có một phích nước sôi, mì tôm và lương khô. "Thấy mấy đứa sinh viên làm bài tập cả ngày, nhiều đứa nhà nghèo đành nhịn đói qua bữa để ráng làm bài, tôi thương quá, nên mua mấy thứ này để khi đói, tụi nó cứ lấy ra ăn. Miễn phí cả, có đáng là bao" - ông Cường cười, giải thích.

Hôm tôi đến cũng là lúc ông Cường đang mở phim phóng sự về quần đảo Trường Sa cho các bạn đọc trẻ xem. Sau buổi chiếu phim, xung quanh những thắc mắc của các em, ông Cường từ tốn giải thích ý nghĩa của bộ phim, về cuộc sống của chiến sĩ hải quân, khơi dậy cho các em lòng tự hào dân tộc, bảo vệ biển đảo quê hương. Những buổi chiếu phim gắn với bài học ý nghĩa thế này chỉ là một trong những hoạt động bổ ích diễn ra bên lề trang sách mà ông Cường tổ chức cho độc giả. Các em còn thi thuyết trình về nhiều đề tài xã hội như giới thiệu phong cảnh, phong tục, tập quán vùng miền…

Điều khiến các em thích thú nhất khi đến thư viện ông Cường đó chính là được gặp gỡ cô chú nhà văn, nhà thơ mình yêu thích bằng xương bằng thịt ngoài đời chứ không chỉ qua trang sách. Đích thân ông Cường lặn lội mời các tác giả như Dạ Ngân, Lê Phương Liên, Trần Thị Nhật Tân, Trần Quốc Toàn… đến giao lưu với các em. Những câu chuyện của họ thổi vào các em tình yêu văn chương, bồi đắp tâm hồn.

Không dừng lại ở đó, ông Cường còn thành lập Câu lạc bộ "Người yêu sách" mang tên Nguyễn Huy Tưởng. Ông giải thích: "Tôi chọn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để đặt tên cho câu lạc bộ vì tôi đọc sách ông từ bé và rất thích ông. Ông là nhà văn có nhiều tác phẩm viết về đề tài lịch sử cho thiếu nhi, là giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng". Hiện nay câu lạc bộ gồm có 60 thành viên. Đáng chú ý, tham gia câu lạc bộ còn có Nguyễn Huy Thắng - con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ông Cường cho biết, hàng tháng câu lạc bộ tổ chức một buổi sinh hoạt, tìm hiểu về một nhà văn. Tháng 3 này, câu lạc bộ tìm hiểu về Nguyễn Công Hoan - chủ soái hiện thực phê phán. Các thành viên có thể viết bài cảm nhận về các tác giả, tác phẩm. Những bài viết đạt chất lượng sẽ được đưa vào trong ấn phẩm "Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng" lưu hành nội bộ cho các thành viên tham khảo.

Một buổi sinh hoạt của thư viện. Trong ảnh: Các độc giả nhí giao lưu với nhà văn Lê Phương Liên.

Là một trong những độc giả đầu tiên của thư viện khi mới thành lập, Hồ Thị Thủy Tiên (sinh viên Trường Đại học Văn Lang) tâm sự: "Rảnh rỗi em lại hay chạy sang thư viện đọc sách và giúp bác Cường tổ chức các hoạt động. Một mình bác phải lo nhiều việc rất vất vả. Đọc sách và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa do bác Cường tổ chức, em thấy sức học văn và kiến thức xã hội của mình rộng hơn". Đáp lại tấm lòng của ông, nhiều nhà văn, nhà thơ và bạn đọc gần xa đã đóng góp sách cho thư viện. Ông Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng năm nào cũng đóng góp cho thư viện từ 300 đến 400 đầu sách. Nhà văn Lê Văn Nghĩa mặc dù chưa gặp mặt nhưng cũng tặng cho ông Cường rất nhiều đầu sách mới. Em Minh Huy (15 tuổi) hàng tháng thường cùng mẹ mang những cuốn truyện tranh cũ tặng thư viện. Do đó, từ 14.000 cuốn sách ban đầu, đến nay thư viện đã lên đến 24.000 cuốn. Mỗi lần đón lấy những cuốn sách thơm thảo như thế, đôi tay người cựu binh lại run run, khóe mắt hoen mờ reo vui…

Mê sách từ thuở còn tập đánh vần...

Nói về sách, ông say sưa, tựa hồ như lúc ấy nếu tôi không nhắc khéo về thời gian chắc ông quên khuấy cả giờ đóng cửa thư viện. Sách đối với ông như một người tình, một tri kỷ. Ông làm quen và trót "yêu" "người tình" ấy từ năm lên 6. Khi cậu bé Cường vẫn còn đánh vần một cách khó nhọc, bố mua cho cuốn "Không gia đình" của Hector Malot. Nhận cuốn sách từ bố, cậu chỉ đánh vần sơ sơ đôi ba câu rồi bỏ lăn bỏ lóc. Bà chị họ học lớp 4 đem ra đọc. Đọc đến đâu hào hứng kể cho cậu em nghe đến đó. Càng nghe, Cường càng thích thú. Thích nhưng lại tức, sao chị đọc được mà mình không đọc được, vả lại sách bố mua cho mình chứ có phải mua cho chị đâu. Tức nên cậu mang sách ra đánh vần. Ê a cả ngày muốn toát mồ hôi mà vẫn không chịu buông sách cho chị mượn. Một tháng trời hì hục đánh vần với cuốn sách dày cộm, cuối cùng cậu bé cũng đọc xong cuốn "Không gia đình" trước sự ngạc nhiên của bố mẹ, cô giáo. Chính cuốn sách ấy đã gieo vào tâm hồn non nớt của cậu bé 6 tuổi một xã hội với nhiều mảng màu sáng tối. "Lúc ấy tôi đâu biết trong xã hội này có người xấu, người tốt. Đâu biết có những trẻ em sinh ra mà không có bố mẹ chăm sóc, phải lang thang đầu đường xó chợ. Sách mở ra cho tôi nhiều điều mới mẻ. Hấp lực ấy khiến tôi bắt đầu mê sách. Kể từ đấy tuổi thơ tôi là những ngày nhịn ăn sáng, đi khâu nón để lấy tiền mua sách".

Ông bảo đọc sách cũng phải có kỹ năng. Nói rồi ông dẫn tôi đến kệ tủ lấy một cuốn sách: Để trang sách cách mắt tầm khoảng 30cm, nhìn vào trọng tâm để bao quát được cả trang. Đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng, lướt nhanh, sao chép toàn bộ trang sách và thâu tóm được ý nghĩa cả đoạn văn vào óc chứ không để ý đến câu, từ. Năm học lớp 3, cô giáo đã dạy ông cách đọc như thế. Ông phải mất ba tháng trời mới luyện được. Tháng đầu mới tập, đôi mắt đỏ ngầu, mỏi mệt. Nhưng khi luyện được rồi, cách đọc ấy đã giúp ông đọc rất nhanh, một trang chỉ 10 giây và nhớ rất lâu.

Chính vì yêu sách mà có nhiều chuyện bi hài với ông: Lúc mới về Viện Thiết kế - Bộ Quốc phòng, cấp trên hỏi ông muốn đươc phân bổ vào vị trí nào, ông thẳng thắn: "Dạ, em muốn nghỉ hưu được không ạ?". Cấp trên trợn trừng mắt: "Cậu bị làm sao đấy?". "Dạ em xin nghỉ hưu để được đọc sách ạ". Lần khác lên Bắc Ninh chơi, ông đứng như trời trồng khi trông thấy bộ "Hồng Lâu Mộng" trưng bày trong một tiệm sách. Muốn mua nhưng tiền không đủ, vậy là ông nhờ chị chủ giữ giùm, một tuần nữa ông lên lấy. Nhìn bộ dạng khẩn thiết như người sắp mất của của ông, chị chủ ôm bụng cười hỏi: "Chú đừng lo, bộ này trưng ở đây gần một năm rồi mà có ai mua đâu".

Và vì quá yêu sách mà khi về hưu, với gia tài gồm 14.000 cuốn ông quyết định biến căn nhà thành thư viện như một cách để chia sẻ niềm đam mê của mình với mọi người, nâng cao văn hóa đọc cho thế hệ trẻ. Ông mở thư viện còn bởi xót lòng trước cảnh các em nhỏ chen nhau vào các tiệm Internet quanh nhà, sớm trở thành con nghiện của những trò game vô bổ.

Bây giờ, ngồi nhìn các em say sưa đọc sách, người cựu chiến binh ấy lại canh cánh một niềm trăn trở: "Ngày trước, hè về là thư viện đông nghịt, tụi nhỏ không ham chơi game nữa. Hết giờ có đuổi, tụi nó cũng không chịu về. Nhưng càng ngày tụi nhỏ càng có ít thời gian đọc sách chứ nói gì đến thời gian tham gia các hoạt động khác của thư viện. Đến nhà thăm, tụi nhỏ mếu máo bảo cháu nhớ thư viện lắm nhưng mà lịch học thêm kín mít từ sáng đến tối, không học sợ thua bạn bè"

Quỳnh Nga
.
.