Thủ tướng Đức Angela Merkel - Những ấn tượng văn hoá gần gũi

Thứ Ba, 25/10/2011, 08:00
Bà Thủ tướng vui vẻ thông báo nội dung các văn kiện quan trọng mà bà và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký kết: "Các bạn ạ, Đức và Việt Nam chúng ta là những đối tác chiến lược vì tương lai!". Trong phát biểu của mình, bà Merkel nhiều lần nói đến hai từ "tương lai"...

"Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Việt Nam. Rất tiếc, vì thời gian eo hẹp quá, tôi không thể đi được nhiều nơi. Song, tôi đã có thể cảm nhận được rằng: Việt Nam thật tươi đẹp và năng động!" - với giọng nói trong trẻo, cử chỉ thân thiện, bà Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel đã nói như vậy khi mở đầu cuộc tiếp xúc của bà với một số anh chị em Việt Nam đã từng học tập ở Đức, hiện đang nắm giữ những chức vụ và công việc quan trọng nhằm củng cố và thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức. Cùng tham dự buổi tiếp xúc thân mật và trọng thị này còn có các bạn Đức đứng đầu các cơ quan đại điện kinh tế và văn hóa tại Việt Nam.

Bà Thủ tướng vui vẻ thông báo nội dung các văn kiện quan trọng mà bà và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký kết: "Các bạn ạ, Đức và Việt Nam chúng ta là những đối tác chiến lược vì tương lai!". Trong phát biểu của mình, bà Merkel nhiều lần nói đến hai từ "tương lai". Tuyên bố chung Hà Nội gồm 30 điều cũng có nhiều chỗ sử dụng khái niệm tương lai. Mà quả vậy, Chính phủ hai nước từ một năm nay đã qua nhiều vòng đàm phán để xác định những dự án tiếp theo "hướng tới tương lai" trên cơ sở những đối thoại chính trị chiến lược. Thủ tướng Angela Merkel nói đến "Ngôi nhà Đức" tại Tp HCM - đó là một dự án quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược. Nó sẽ cải thiện điều kiện hoạt động cho Tổng lãnh sự quán Đức, các hiệp hội kinh tế Đức, các doanh nghiệp Đức và nhất là cho các cơ quan giao lưu văn hóa tại thành phố này.

"Chúng ta còn rất nhiều tiềm năng phát triển!" - bà Angela Merkel nói với một nụ cười lạc quan, cởi mở. Bà ca ngợi cuộc chiến đấu anh hùng của Việt Nam nhằm đẩy lùi chiến tranh xâm lược cũng như những nỗ lực phi thường trong công cuộc xây dựng lại đất nước cùng những thành tựu to lớn gần đây trong xóa đói, giảm nghèo. Bà rất thích thú khi nói rằng Việt Nam có tới 100.000 người nói tiếng Đức. Đó cũng là một tiềm năng vô cùng quý giá. Bà vui mừng được biết Việt Nam sẽ tạo điều kiện để đưa tiếng Đức vào giảng dạy tại nhiều trường phổ thông, "Trường học - đối tác vì tương lai", nước Đức triển khai trên toàn cầu trong khuôn khổ sáng kiến đó. Bà Thủ tướng nhấn mạnh: "Đức tiếp tục hỗ trợ các trường học Việt Nam xây dựng và mở rộng việc giảng dạy tiếng Đức và đào tạo giảng viên dạy tiếng Đức. Đức cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhà báo trong lĩnh vực nghiên cứu, quản lý, truyền thông và bản quyền".

Những điều bà Thủ tướng nói đã đem đến cho chúng tôi - những người hằng nhiều năm gắn bó với nước Đức, học tập và nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ Đức - niềm lạc quan sâu sắc. Càng phấn khởi, tin tưởng khi bà Angela Merkel nói: "Quá khứ của chúng ta là tốt đẹp, việc ký kết các văn kiện lần này càng mở ra cho chúng ta cả một tương lai tốt đẹp!".

Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng tác giả bài viết (ngoài cùng bên phải) trong buổi tiếp xúc với các cán bộ Việt Nam từng học tập tại Đức (khách sạn Metropole, Hà Nội, tối 11/10/2011). Ảnh: Minh Tâm.

Vị nữ chính khách trong những năm qua được đánh giá là một trong những phụ nữ có quyền lực nhất thế giới, hôm nay đứng trò chuyện cùng chúng tôi trong một không khí thật sự cởi mở, gần gũi, thân tình. Dường như bà đã thăm hỏi từng người có mặt, không bỏ sót một ai. Riêng tôi cũng rất cảm động được bà vui vẻ siết chặt tay khi biết tôi đã nhiều năm làm báo ở Đức và xuất bản nhiều tác phẩm về văn hóa Đức.

Được đào tạo trên lĩnh vực vật lý, song bà Angela Merkel từng có thời gian công tác trong Bộ Báo chí - Thông tin của Cộng hòa Liên bang Đức. Bà quý trọng và hiểu sâu sắc công việc của các phóng viên, nhà báo, các nhà hoạt động văn hóa. Các bạn đồng nghiệp của tôi ở Đức nói vậy trong những lần tôi sang Berlin và các thành phố khác bên đó. Họ rất trân trọng và ca ngợi phong cách giản dị, thông minh của bà. Là một nhà chính khách hàng đầu song bà lại có cuộc sống bình thường như mọi người dân: cũng đi chợ mua hàng, cũng nấu bếp để tiếp khách đến thăm nhà.

Ở Đức cũng như ở Việt Nam, tôi nghe nhiều và đọc nhiều về bà, nhưng hôm nay mới được tiếp xúc trực tiếp với bà và nhờ thế càng cảm nhận được tính lạc quan và tác phong gần gũi của bà. Tôi chợt nhận ra rằng, trước mặt tôi đây là một phụ nữ tầm cỡ đã thành công trong các chính sách cải cách kinh tế, xã hội, nhất là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Cũng chính là bà, con người rất sắc bén trong chính sách đối ngoại, tạo thế cân bằng, hài hòa trong quan hệ với Nga và các đồng minh ở phía Tây, đồng thời đóng vai trò tích cực trong các vấn đề lớn có ý nghĩa toàn cầu.

Vâng, người phụ nữ thông minh, sắc sảo, đầy quyền lực này đã trải qua một quá trình hoạt động chính trị sôi nổi, ấn tượng. Đứng cạnh bà, tôi chợt nhớ đến những năm bà là sinh viên ở Trường Đại học Leipzig (1973-1978), từng hoạt động trong phong trào thanh niên của nhà trường, từng "dành những tình cảm đoàn kết hữu nghị cho nhân dân Việt Nam" như lời bà từng nói trước đây. Đó cũng là những năm khá chật vật của bà: vừa học vừa đi làm bồi bàn tại một sàn khiêu vũ. Có lần bà kể chuyện: "Tôi làm công việc bồi bàn. Cứ bán mỗi cốc rượu tôi kiếm được từ 20 - 30 pfennig (tiền xu). Trung bình mỗi tuần tôi có thể kiếm từ 20 đến 30 mark (tiền của Cộng hòa Dân chủ Đức)... Nếu tính cả khoản tiền học bổng của tôi mỗi tháng 250 mark (khoảng 150 USD), thì khoản tiền thu nhập thêm cũng khá là quan trọng".

Câu chuyện ấy xảy ra cách đây ngót 30 năm. Cô sinh viên làm công việc bồi bàn năm ấy đã trở thành vị chính khách đứng đầu Chính phủ của một nước trên 80 triệu dân, có tiềm năng lớn về kinh tế, khoa học và văn hóa ở Trung Âu.

Bà nói rằng đây là lần đầu bà tới Việt Nam, nhưng bà đã nghe và đọc về Việt Nam từ nhiều thập kỷ nay. Bà cũng cho biết đã từng có một số cuộc tiếp xúc, trao đổi công việc với vị Thủ tướng Việt Nam. Nhờ vậy, bà rất hiểu Việt Nam, trong đó có văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà bà chọn Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm nơi tham quan duy nhất trong những giờ phút ở Hà Nội. Bà rất vui khi bước vào khu vực của trường học cao cấp đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng cách nay đã gần 1000 năm. Bà Tiến sĩ vật lý người Đức đã đánh trống tại đây, tiếng trống vang lên như gợi nhớ những mùa thi của ngót 10 thế kỷ qua. Bà xúc động khi được biết, đây là nơi không chỉ nhận các hoàng tử và con em quý tộc mà cả các học trò giỏi thuộc tầng lớp bình dân.

Ngót 40 phút đi trong không gian gây nhiều ấn tượng, bà có sự rung động thực sự khi nghe đến Khuê Văn Các, đến Đại thành môn với một gương nước nằm chính giữa phản chiếu ánh sáng bầu trời. Gương nước này cũng soi bóng và nhân đôi lên hình ảnh của Khuê Văn (vẻ đẹp sao Khuê, tượng trưng văn học). Bà chăm chú nghe giới thiệu về hai khu vườn bia, nơi dựng các tấm bia ghi tên nhiều người đỗ tiến sĩ từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII.

Chính tại khu Văn Miếu này, các khách du lịch Đức đang tham quan rất vui mừng được biết sự có mặt của bà Thủ tướng. Họ đã quây quần chụp ảnh cùng bà.

Một ngày ở Hà Nội với biết bao công việc nối tiếp nhau, có thể nói, cuộc thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám như một dịp thư giãn rất bổ ích đối với bà Merkel. Bà nói với những người phụ trách công trình văn hóa - lịch sử quan trọng này rằng, bà vô cùng vui mừng được đến thăm Việt Nam. Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đem đến cho bà những ấn tượng sâu sắc về truyền thống văn hóa và giáo dục lâu đời của một dân tộc ở Đông Nam Á, giờ đây là người bạn tin cậy, đối tác chiến lược của dân tộc Đức

Trần Đương
.
.