Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ III, Hà Nội – 2016

“Thử” nhiều “nghiệm” được bao nhiêu?

Thứ Sáu, 11/11/2016, 13:20
Từ ngày 12 đến 19-11-2016, Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ III do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Liên hoan lần này có sự tham gia của 10 đoàn nghệ thuật quốc tế và 8 đoàn nghệ thuật trong nước. 


Sau 10 năm gián đoạn kể từ Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ II, Liên hoan lần này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bầu không khí nghệ thuật ở Thủ đô lâu nay đang bị những liveshow ca nhạc, tạp kỹ lấn át. Đây được đánh giá là Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lớn nhất từ trước đến nay và là hoạt động trọng tâm của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trong năm 2016.

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, bắt đầu từ năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án đồng ý cho Hội Nghệ sĩ sân khấu tổ chức theo định kỳ 3 năm/lần. Hoạt động này được cho là sẽ góp phần tạo điều kiện cho sân khấu Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, tiếp cận với sự phát triển và các xu hướng mới của sân khấu thế giới.

Sau khi kế hoạch tổ chức Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ III được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phê duyệt, tính đến ngày 31-7-2016 đã có 39 vở diễn của 22 quốc gia đăng ký gửi tác phẩm tham gia.

Cảnh trong vở rối "Hồn Trương Ba, da Hàng thịt" của Nhà hát múa rối Thăng Long (Việt Nam).

Hội đồng thẩm định do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thành lập đã thông qua các đĩa hình được gửi đến Ban tổ chức đã chọn ra 15 vở diễn, chương trình của 15 đoàn đạt tiêu chí chất lượng nghệ thuật để gửi thư mời tham dự liên hoan. Nhưng đến phút cuối chỉ có 10 đoàn nhận lời tham dự, 5 đoàn ở các nước Ý, Macedonia, Đức, Hàn Quốc, Hungary đã gửi thư thông báo về việc không thể tham dự Liên hoan vì lý do tài chính.

Các đoàn tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ III này bao gồm: Henan Province Beijing Opera Art Center (Trung Quốc) với vở "Ramayana"; Shanghai Dramatic Art Center (Trung Quốc) với vở "White Snack" (Bạch xà); Noiti Grammi Theatre Group (Hy Lạp) với vở "I remember" (Tôi nhớ); Tanghalang Ateneo (Philippines) với vở "Pure Love" (Mối tình trong sáng); Dalecuero Danza (Panama) với vở "This ship will not float forever" (Con tàu này sẽ không trôi mãi); Familie Floz (Đức) với vở "Hotel Paradiso" (Khách sạn thiên đường); Theatre Company A La Place (Nhật Bản) với "The Seagull" (Chim hải âu); Manalmagudi Theatre Land (Ấn Độ) với "Mirugavidhusagam" (Thú hề), đại diện của nước Pháp với "The adventure of Muchhenau" (Cuộc phiêu lưu của Muchhenau), đại diện của Singapore với "The Painted" (Họa bì).

Với 10 đoàn còn lại, ước lượng số lượng diễn viên, nhân viên kỹ thuật của các đoàn quốc tế sẽ lên đến 100 người và sẽ được Ban tổ chức có trách nhiệm lo ăn ở, nghỉ ngơi, tham quan...

Vì lợi thế "sân nhà" nên Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ III có tới 16 đoàn trong nước đăng ký tham gia. Cuối cùng, 8 vở diễn được lựa chọn là: Nhà hát Kịch Quân đội với "Dưới cát là nước"  (Kịch bản: Nguyễn Quang Vinh - Đạo diễn: NSND Lê Hùng - Quốc Trị); Nhà hát múa rối Thăng Long với "Hồn Trương Ba da Hàng thịt" (Kịch bản: cố tác giả Lưu Quang Vũ - Đạo diễn: NSUT Chí Kiên); Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh với vở "Đê Mê" (nguyên tác: Euripide, biên tập lời mới: Lê Chí Trung - Đạo diễn: Tập thể nghệ sĩ); Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần với "Giấc mơ" (Kịch bản: cố tác giả: Nguyễn Đình Thi - Đạo diễn: Thái Kim Tùng); Nhà hát Tuổi trẻ với vở kịch hình thể "Nguyễn Du với Kiều" (Tác giả kịch bản và đạo diễn:  NSND Lan Hương); Nhà hát Star Galaxy "Chương trình nghệ thuật giải trí "Ionah"; Nhà hát Kịch Việt Nam với vở "Hamlet" (Kịch bản: William Shakespeare - Đạo diễn NSND Anh Tú); Đoàn kịch nói Công an nhân dân với "Cơn bão" (Kịch bản: William Shakespeare - Đạo diễn: NSND Lê Hùng).

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: "Với tiêu chí các tác phẩm nghệ thuật sân khấu trong nước và nước ngoài tham dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm là phải có sự tìm tòi, khám phá, có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của các thành phần như biên kịch, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, kỹ thuật, nghệ thuật hình thể và những yếu tố nghệ thuật khác.

Những thử nghiệm trong mỗi vở diễn phải mang tính hiệu quả về nội dung và nghệ thuật, phù hợp với thuần phong mỹ tục của mỗi quốc gia, hướng tới chân - thiện - mỹ đồng thời chú ý tới hình thức phong phú, đa dạng trong sự tìm tòi mang tính thử nghiệm của các tác phẩm nghệ thuật và phục vụ được đông đảo người xem".

Với nhiều tiêu chí được đưa ra, Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ III mang tâm nguyện "Vì một nền sân khấu đổi mới - Hợp tác - Phát triển" với hi vọng sẽ đem đến cho sân khấu Thủ đô một "làn gió mới".

Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh mục các vở diễn - chương trình của các đoàn nước ngoài tham gia thì chưa ai dám nói điều gì khi Liên hoan còn chưa được khai mạc, song có thể thấy, với 8 vở diễn - chương trình của các đoàn Việt Nam, ngoại trừ vở "Hồn Trương Ba da Hàng thịt" vốn là kịch nói nay được chuyển thể thành ngôn ngữ của rối được đánh giá là thực sự có sự thử nghiệm mang tính bứt phá, 7 vở diễn còn lại yếu tố mang tính "thử nghiệm" chưa thực sự rõ nét.

Cảnh trong vở "Bạch xà" của đoàn Trung Quốc.

Vở kịch hình thể "Nguyễn Du với Kiều" (Tác giả kịch bản và đạo diễn: NSND Lan Hương) lần đầu ra mắt cách đây đã gần chục năm nhưng cũng không phải là vở diễn gây tiếng vang hay chí ít tạo nên tranh luận trong nghề. Đấy là chưa kể có vở diễn Ban tổ chức Liên hoan yêu cầu "đội nhà" vẫn tiếp tục phải đưa vào những cách tân, đổi mới ngay trước thềm Liên hoan thì mới đáp ứng tiêu chí chấm giải của Ban tổ chức như đã nêu ở trên.

Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm đã được tổ chức đến lần thứ 3 (các năm trước lần lượt là tháng 11-2002 và tháng 12-2006).

Còn nhớ hồi năm 2002, khi Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần đầu tiên được tổ chức, đã có 14 chương trình, vở diễn được trình làng với 7 kịch nói, 3 tuồng, 1 kịch câm, 1 rối và 2 chương trình độc diễn cùng 4 hội thảo được tổ chức nhưng những ấn tượng về sự mới mẻ mang tính chất thử nghiệm chỉ đến từ vở diễn của các đoàn bạn như "Nghiệp chướng" (đoàn Hàn Quốc), "Áp giải" (Nhà hát kịch Quảng Đông, Trung Quốc).

Tính thử nghiệm của các vở diễn trong nước còn mờ nhạt và ấn tượng nhất trong Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần I lại là vở Tuồng được xây dựng từ vở bi kịch kinh điển "Othello" của đại văn hào William Shakespeare. Lần này, lại có tới 2 vở kịch nói của William Shakespeare được các đoàn Việt Nam xây dựng và chọn đi "ứng thí" là "Hamlet" và "Cơn bão" thì mới thấy rằng các nhà hát của Việt Nam rất "ưa" chọn những vở kịch kinh điển và trên cái nền "kinh điển" vốn có ấy "thổi" vào những sáng tạo, những "thử nghiệm" mới đã được "Việt hóa" của mình.

Song, ngay cả đến khi  Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm II được tổ chức hồi năm 2006 với sự tham gia của 7 đoàn quốc tế và 4 đoàn Việt Nam thì tính thử nghiệm trong các vở diễn của các đoàn Việt Nam tham gia, chỉ có "100 phút cuối cùng của Hàn Mạc Tử" của Nhà hát Tuổi trẻ được đánh giá là có tính thử nghiệm rõ nét.

Còn các vở "Huyền thoại cuộc sống" của Nhà hát kịch thành phố Hồ Chí Minh, "Hồn quê" của Nhà hát múa rối Việt Nam và nhà hát dân ca Nghệ An vở "Nơi đất ở" vẫn chưa để lại dấu ấn nào đặc biệt với công chúng nếu xét trên tiêu chí "thử nghiệm", cách tân, tìm tòi cái mới.

Sân khấu cũng như các loại hình nghệ thuật khác, luôn có đòi hỏi phải được đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, cách tân. Người ta vẫn tìm thấy đủ mọi lý do để dẫn chứng cho việc vì sao sân khấu Hà Nội và đến giờ là sân khấu ở TP. Hồ Chí Minh rơi vào cảnh ảm đạm, chợ chiều.

Nhưng có một điều mọi người đều biết nhưng ngại nói ra, đó là sân khấu Việt đã làm theo lối kinh điển đã nhiều năm, những yếu tố cách tân, đổi mới (nếu có) là khá mờ nhạt chính là một lý do khiến khán giả Việt "lạnh nhạt" với sân khấu. Hài kịch, bi kịch hay chính kịch, dù là thể loại nào nhưng nếu cứ ăn mãi một món đều khiến người ta cảm thấy "ngán" cả.

Vì thế, Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm đã được tổ chức đến lần thứ III này hẳn sẽ là một cơ hội quý để những người làm sân khấu Việt nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại mình xem sau 10 năm qua đã "thử" thế nào và "nghiệm" được bao nhiêu...

Nguyệt Hà
.
.