Thời trang Việt Nam: Mừng ít, băn khoăn nhiều
- Thời trang Việt: Không thể đi lên với hình hài méo mó
- Liên tiếp xảy ra lùm xùm làng thời trang Việt
- Thời trang Việt: Nhập cuộc theo hướng mở
- Thời trang Việt ra với thế giới: Ước mơ xa xỉ
Vài năm trở lại đây, tháng 3 được ví như "Tháng của Áo dài Việt Nam". Nhiều hoạt động trình diễn, trưng bày được tổ chức trong khuôn khổ "Lễ hội áo dài" tại các thành phố lớn trong cả nước. Và thực sự, không thể phủ nhận, những hoạt động này đã góp phần nhân lên tình yêu áo dài trong cộng đồng. Không chỉ có mặt thường xuyên tại các sự kiện quan trọng, áo dài xuất hiện trong đời thường với những biến tấu phù hợp.
Ngay cả cuộc tranh cãi khá gay gắt xung quanh sản phẩm mà nhiều người quen gọi là "áo dài cách tân" cũng đã cho thấy tình yêu với áo dài truyền thống vẫn chưa hề mai một. Và thực sự, việc lạm dụng "áo dài cách tân" ấy cũng không phải quá lo ngại, bởi một sản phẩm thời trang thì cũng hết mùa rất nhanh. Những gì là tinh túy, truyền thống sẽ tồn lại dài lâu.
Bên cạnh đó, một tín hiệu vui của ngành thời trang Việt Nam là tại bán kết cuộc thi "Hoa hậu Hoàn vũ" tổ chức ngày 26-1 tại Manila, Philippines, Hoa hậu Hoàn vũ Pháp Iris Mittenaere đã mặc chiếc váy đuôi cá lộng lẫy của nhà thiết kế Hoàng Hải để thi trang phục dạ hội. Được biết, bộ váy được thực hiện riêng cho người đẹp có giá lên tới 5.000 USD và được đính kết pha lê Swaroski thủ công.
Hoa hậu Hoàn vũ Pháp mặc thiết kế của Nhà thiết kế Hoàng Hải tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2016. |
Bên cạnh đó, hoạt động thường niên của ngành thời trang Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tín đồ thời trang chính là 2 tuần lễ thời trang Thu đông và Xuân hè. Đây là hoạt động quy tụ được đông đảo sự tham gia của các nhà thiết kế thời trang tiêu biểu trong nước và các gương mặt trẻ.
Thông qua những tuần lễ thời trang này, các nhà thiết kế sẽ có cơ hội được trao đổi, học hỏi nhau về mặt chuyên môn cũng như phản ánh thực trạng của ngành thời trang Việt Nam. Tuần lễ thời trang Việt Nam thu đông năm nay thu hút sự tham gia của 14 nhà thiết kế với hàng ngàn thiết kế mới nhất. Khán giả tiếp tục được chiêm ngưỡng bộ sưu tập của các nhà thiết kế có tiếng và khá quen thuộc với người xem trong nước như Minh Hạnh, Ngọc Hân, Hà Duy, Chu La... Bên cạnh đó là sự ra mắt của những gương mặt mới như Nhi Hoàng, Nguyễn Thúy, Công Hân...
Một điều dễ nhận thấy ở Tuần lễ thời trang thu đông năm nay chính là việc các bộ sưu tập đều có tính ứng dụng cao, dễ mặc nhưng lại thiếu điểm nhấn, thiếu những sáng tạo có tính đột phá. Bộ sưu tập của nhà thiết kế Hà Duy vẫn tập trung vào chất liệu ren, xuyên thấu và phom dáng nữ tính. Phong cách này cũng không khác nhiều những thiết kế mà lâu nay anh vẫn thường thực hiện cho những người nổi tiếng.
Trong khi đó, nhà thiết kế Cao Minh Tiến lại sử dụng 2 xu hướng đang được giới trẻ hâm mộ với những gam màu chủ đạo là đen - trắng. Những nét phác thảo ngẫu hứng lên trang phục tạo hiệu ứng thị giác khá ấn tượng là điểm đặc biệt của bộ sưa tập này.
Tuy nhiên, bộ sưu tập của anh vẫn đi vào lối mòn là tiếp tục lăng xê mốt xuyên thấu khoe nội y và trang phục lấy cảm hứng từ đồ ngủ. Hai xu hướng này từng xuất hiện từ năm 2016, tuy nhiên nhanh chóng bị quên lãng vì không được các nhà mốt quốc tế ưa chuộng cũng như sự yêu thích của giới sành điệu.
Tương tự, nhà thiết kế Nhi Hoàng không gây được bất ngờ với những sản phẩm ren quen thuộc và có phần đại chúng. Những nhà thiết kế như Công Huân, Phương Thanh hay Hiền Đặng cũng chỉ gây thú vị ở một vài điểm trong bộ sưu tập. Chưa có bộ sưu tập nào đạt tới độ mãn nhãn từ chất liệu cho tới kiểu dáng. Nếu muốn tìm một chút lạc quan thì có lẽ thuộc về các thiết kế của Ngọc Hân. Khá cần mẫn và chịu khó tham gia các tuần lễ thời trang, lần này, Ngọc Hân mang tới một bộ sưu tập khác hẳn những bộ sưu tập trước đây của cô. Chất liệu lụa pha kim tuyến với tông màu trầm là điểm nổi bật gây ấn tượng của bộ sưu tập...
Điều này cho thấy, các nhà thiết kế thời trang Việt vẫn loay hoay giữa cá tính sáng tạo và tính ứng dụng của sản phẩm. Làm thế nào để tính ứng dụng giúp cho thời trang đi vào đời sống, nhưng không triệt tiêu tài năng, cá tính của nhà thiết kế vẫn là một mâu thuẫn chưa được giải quyết.
Ngay từ Tuần lễ thời trang này, nhà thiết kế Minh Hạnh đã chỉ ra những khó khăn thường xuyên gặp phải với các nhà thiết kế trong nước. Khó khăn về nhân lực là điều mà các nhà thiết kế phải đối mặt. Theo bà Minh Hạnh, thực tế là ngành thời trang Việt Nam chưa có nguồn nhân lực chuyên nghiệp để tổ chức các sự kiện.
Chính vì thế, họ luôn phải chạy đua với thời gian nếu muốn kịp tiến độ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy sáng tạo. Ngoài ra, tình trạng nhập siêu nguyên liệu cũng đem tới những thách thức không nhỏ với các nhà thiết kế. Họ khó có thể sáng tạo khi không có nguyên liệu mới. Mặt khác, sự phụ thuộc vào nguyên liệu sẽ làm giảm đi khả năng tìm tòi của các nhà thiết kế.
Sản phẩm của các nhà thiết kế trong nước đề cao tính ứng dụng nhưng chưa có những sáng tạo đột phá. |
Việt Nam có ngành công nghiệp may cách đây cả trăm năm, ngành may thủ công còn có lịch sử lâu hơn thế. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1995, khi Viện mẫu thời trang Việt Nam (FADIN) ra đời thì ngành thời trang mới thực sự được chú ý trong xã hội. Rồi những cuộc thi thiết kế thời trang như "Vietnam Collection Grand Prix" được tổ chức lần đầu tiên năm 1999 và gần đây là show truyền hình thực tế "Vietnam Project Runway" cho thấy thời trang đã trở thành một nghề thời thượng, được không ít giới trẻ theo đuổi. Bên cạnh đó, không thể không kể tới nhu cầu về thời trang của xã hội ngày càng cao.
Thị trường thời trang tiềm năng nhưng nền công nghiệp thời trang lại không phát triển tương xứng. Thẳng thắn thừa nhận, thời trang trong nước thiếu đồng bộ, mang tính tự phát, không có những chiến lược phát triển bài bản. Có khá nhiều nhà thiết kế bước ra từ những cuộc thi thời trang đình đám, cùng hàng trăm nhà thiết kế trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm nhưng thương hiệu thời trang vẫn vắng bóng trên các thương trường quốc tế.
Hàng loạt các cuộc thi thời trang lớn nhỏ được tổ chức. Nhưng lâu nay, những người chiến thắng tại các cuộc thi đó đều đi vào một con đường chung là quảng cáo thương hiệu riêng, PR cho sản phẩm với sự xuất hiện của những người nổi tiếng. Các nhà thiết kế Việt vẫn chỉ đang dừng lại ở đó, chưa có sự gắn kết giao lưu để tạo thành một trào lưu hay xu hướng mới trong công nghệ thời trang.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện đang đứng ở top 6 trong 153 nước trên thế giới về chuỗi cung ứng, tuy nhiên giá trị dệt may của Việt Nam còn rất nhỏ, thời trang chưa theo kịp yêu cầu của công nghiệp dệt may. Thời trang không chỉ đơn thuần là kiểu dáng, mẫu mã mà còn là ngành công nghiệp sáng tạo và sự quốc tế hóa sản phẩm. Mặc dù nắm bắt nhanh các xu hướng thời trang thế giới, nhưng các công ty may Việt Nam hiện chỉ là nhà gia công số lượng lớn, trong khi các thương hiệu thiết kế riêng vẫn vô cùng nhỏ lẻ, manh mún.
Vừa là một sản phẩm hàng hóa tiêu dùng nhưng thời trang cũng chính là một sản phẩm văn hóa. Chính vì thế, ngoài việc các nhà thiết kế phải tạo ra xu hướng thì một trong những yêu cầu để sản phẩm thời trang ghi dấu ấn trong lòng công chúng chính là cá tính và bản sắc Việt. Tuy nhiên, vẫn rất ít nhà thiết kế Việt đạt tới điều này. Những bộ sưu tập của các nhà thiết kế Việt vẫn thường chạy theo các xu hướng quốc tế. Chưa nói tới việc, đã có không ít lùm xùm xung quanh việc những sản phẩm của các nhà thiết kế trong nước na ná của các nhà thiết kế danh tiếng thế giới.
Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, với thời trang sự hội nhập rất quan trọng nhưng cái gốc và bản sắc dân tộc vẫn là yếu tố quyết định sự đứng vững của mỗi thương hiệu thời trang. Và chỉ có sáng tạo, nỗ lực không ngừng mới có thể giúp ngành thời trang khẳng định thương hiệu và hy vọng vượt khó vươn tầm khu vực và quốc tế.