Cửa sổ văn nghệ

Thói "ép" chữ

Thứ Ba, 13/12/2011, 08:00
Càng ngày càng có nhiều người lạm dụng ngày càng thô bạo lối viết tắt, tức là chỉ dùng độc có một phụ âm đầu của tiếng, đặt hàng chục phụ âm thành một hàng dài liền nhau để diễn tả một nội dung thông báo, gây nên cảnh "văn như hũ nút, chữ như mù". Ví dụ - Giấy mời họp thì ghi địa điểm ở TSĐLĐ. Cuộc họp sắp tan, đại biểu mới dịch được là "Trụ sở Liên đoàn Lao động". Khổ!

Từ lâu, liệu có phải do ảnh hưởng của "công nghệ thông tin" hay không mà nhiều người nhiễm phải thói… "ép" chữ, tức là bệnh "viết tắt" vô tội vạ. Nếu viết tắt những từ, cụm từ đã được mọi người thừa nhận từ lâu (như HTX, XHCN) thì không nói làm gì. Đằng này, nhiều người lạm dụng ngày càng thô bạo lối viết tắt, tức là chỉ dùng độc có một phụ âm đầu của tiếng, đặt hàng chục phụ âm thành một hàng dài liền nhau để diễn tả một nội dung thông báo, gây nên cảnh "văn như hũ nút, chữ như mù". Ví dụ - Giấy mời họp thì ghi địa điểm ở TSĐLĐ. Cuộc họp sắp tan, đại biểu mới dịch được là "Trụ sở Liên đoàn Lao động". Khổ!

Nhan nhản khẩu hiệu "thách đố" viết trên những bảng lớn: "Thực hiện tốt KHHGD và CSSKBĐ ("Kế hoạch hóa gia đình" và "Chăm sóc sức khỏe ban đầu"). Trời ạ!

Hình như sau khi đã chán cảnh viết tắt phụ âm, người ta bèn viết tắt các từ, tức là tước bỏ "quyền" của các từ nối trong cụm từ. Đọc lên nghe vừa buồn cười vừa sợ và nghĩ rằng không biết có ở đâu nữa dùng từ thế này chăng: "Rác nhân viên", "Khám giáo sư", "Trực bác sĩ". Giống như thời bao cấp có một tấm bảng ở cửa hàng "Hôm nay phân phối thịt… cán bộ".

Ngoài cái "tài" viết tắt, người ta còn đua nhau khoe cái vốn "Hán - Việt" của mình. Thấy người trước ghép từ "Hải- Lục- Không quân" thì ta ghép "Phối kết hợp". Cần uyên bác hơn nữa thì ghép "Ngư lưới cụ". Tối tân hơn nữa thì viết "Giáo dục nhân dân". Tuyệt vời nữa thì đảo từ theo cú pháp Tàu (Việt Nam đồng).

Ngược lại có người thích cặn kẽ theo kiểu đồ gàn thì thêm từ, và càng thêm thì càng thừa: "Kiên quyết bài trừ một số tệ nạn xã hội", "Hãy giành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình sẵn có".

Thật là chưa bao giờ tiếng Việt lại bị "bắt nạt" đến thế. Không biết rồi có cơ quan chức năng nào sẽ "vào cuộc"? Có điều rằng: Một khi văn - hóa - chữ chưa đủ tầm thì việc sính nói chữ sẽ là hội - chứng - gà mờ!

Một việc nữa: Bấy nay, công luận đã bàn nhiều về chuyện dùng mà không hiểu gốc của từ ngữ, gây nên sự nhầm lẫn buồn cười. Xin có vài ví dụ:

Thành ngữ "Ra môn ra khoai" bị nhiều người dùng là "ra ngô ra khoai". Khoai môn và khoai lang là hai loại củ na ná giống nhau, dễ lẫn nhau. Bây giờ phải để riêng biệt ra hai loại cho "ra môn ra khoai", còn ngô và khoai là hai loại củ và quả đương nhiên là đã quá khác nhau rồi, về màu sắc, kích thước, việc gì phải "làm rõ ra"?

Thành ngữ "con gà con kê": Chỉ những anh hay dài lời, lặp đi lặp lại một ý, một chuyện, đã "gà" còn "kê". Ai đó dùng "con cà con kê" thì chả nêu được nội dung thông báo gì.

Thành ngữ "Mặt lạt đóm dày": Mặt lạt chỉ những người mặt mỏng, mặt choắt, thường là khôn vặt, tinh ma khó chơi - giống như "đóm dày" rất khó cháy, khó dùng. Nếu dùng "mặt nạc đóm dày" e không rõ nghĩa.

Và câu "Cáo chết 3 năm quay đầu về núi": Rừng núi là nơi cư trú của cáo. Khi đi kiếm ăn xa, lỡ có bị thương hay bị ốm, cáo chạy về "tổ ấm" của mình, nếu có chết cũng trong tư thế quay đầu về núi. Thế mà lâu nay nhiều người vẫn dùng là "Cóc chết ba năm…". Cóc thì biết rừng núi là gì!

Cũng vì không rõ gốc từ, gốc ngữ, nên nhiều người dùng sai khái niệm: mai mốt dùng thành mai một… hoặc dùng thừa từ: "lúc sinh thời" hoặc "Bôn ba hải ngoại ở nước ngoài"…

Xuân Đam (hội Văn nghệ Thái Bình)
.
.