Thơ trên Facebook: Từ "chém gió" đến giải thưởng thi ca

Thứ Tư, 15/05/2013, 08:00

"Chém gió" là từ giới trẻ thường dùng để chỉ đến hoạt động tán gẫu, bình luận những chuyện vô thưởng vô phạt hàm nghĩa mua vui là chính. Nhắc đến "chém gió ảo" người ta nghĩ ngay đến Facebook. Thế nhưng, trong mớ ngôn từ tạp nham trên trang mạng xã hội này vẫn xuất hiện những vần thơ đẹp. Và ngẫu hứng, một cuộc thi thơ trên Facebook ra đời mà thành phần Ban tổ chức, Ban giám khảo là các nhà thơ nổi tiếng đang được mến mộ...

Từ việc “làm thơ cho vui”…

Có "ranh ngôn" rằng: "Nếu xem việc lướt Facebook hằng ngày là một công việc thì mỗi ngày nước ta có hàng nghìn cán bộ mẫn cán". Nói thế để biết rằng Facebook là mạng xã hội có lượng người sử dụng rất lớn và thường xuyên hiện nay. Thơ trên Facebook cũng có kiểu thơ "chém gió", chính xác hơn là những câu nói có vần, có điệu của những bạn có khiếu ghép vần thay cho câu văn bình thường. Đọc bài thơ "Cô bắt làm văn tả bà" phản ánh hiện tượng làm theo văn mẫu trong nhà trường của một bạn trẻ ứng tác vừa buồn cười, vừa không khỏi ngậm ngùi: "Bà ngoại em vẫn chưa già/ Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường/ Mắt bà vẫn rất tinh tường/ Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày (…)/ Hôm nay cô giáo ra đề/ Bắt em phải tả viết về bà em/ Em tả giống hệt bên trên/ Cô bắt viết lại - mắng thêm em rằng:/ Đã bà là phải rụng răng/ Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời…".

Có người làm thơ để phản ánh chuyện thời sự, để mua vui phút chốc nhưng cũng có không ít người làm thơ khi lắng lòng, trải giữa thế nhân những ưu tư. Trên Facebook, có cô bạn tên Ly, nick name "Cô bé hay buồn". Ly rất hay làm thơ. Ngày ngày, cô vẫn đăng những vần ngẫu hứng lên trang cá nhân. Nhưng có lẽ những bài thơ sáng tác khi buồn của Ly lại khiến bạn bè đọc, đứa nào cũng rưng rưng dẫu rằng thơ chưa đủ độ chín: "Chợt tỉnh giấc giữa đêm nhìn phố ngủ/ Phố rất hiền nhưng chẳng đủ yêu thương/ Để lòng em khắc khoải đếm canh trường/ Mong trời sáng, gom sầu vương gửi nắng…". Ly bảo rằng cô chỉ viết để giải tỏa những bức bí trong tâm hồn. Mỗi lần lên mạng, nhìn hàng chục lượt thích, đọc lời bình luận, an ủi của bạn bè, Ly lại thấy ấm lòng. Người nào giỏi về chuyên môn lại góp ý thủ pháp, vần điệu bài thơ, giúp Ly rút thêm kinh nghiệm cho những bài sau.

Từ khi lập trang cá nhân trên Facebook, nhà báo Phan Tùng Sơn (báo Quân đội nhân dân) đăng thơ ngẫu hứng của anh một cách đều đặn, có giai đoạn mỗi ngày anh đưa lên 1-2 bài. Anh chia sẻ: "Đôi khi tức cảnh sinh tình, tôi làm bài thơ trên Facebook cho vui, đồng thời để chia sẻ với mọi người. Được bạn bè, đồng nghiệp vào khen hay, nên sau đó tôi tiếp tục nâng cấp, hoàn chỉnh thành một tác phẩm hẳn hoi chứ không chỉ là viết ra chơi chơi". Từ ngẫu hứng trên Facebook, nhà báo Phan Tùng Sơn đã có nhiều thơ in trên các báo, tạp chí, trong đó có những chùm thơ hay được giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Nhân dân cuối tuần... Anh sắp cho ra mắt tập thơ đầu tay mà trong đó gần nửa số bài là thơ trên Facebook.

Ông Phạm Thanh Long (trái) và nhà thơ Lê Minh Quốc trao đổi về thơ dự thi.

Nhưng có lẽ thành công với thơ trên Facebook nhất đó là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Phong Việt. Từ năm 2007, những bài thơ ngẫu hứng anh đăng tải trên trang cá nhân những lúc rảnh rỗi được hàng trăm lượt thích, bình luận và chia sẻ. Nguyễn Phong Việt nhanh chóng có một lượng người hâm mộ đông đảo trên Facebook. Họ liên tục hỏi anh sao không in thơ? Sao không phát hành rộng rãi? Câu hỏi đó là động lực thúc giục anh quyết định cho ra đời tập thơ "Đi qua thương nhớ" đầu năm 2013. Ngay khi ra mắt, "Đi qua thương nhớ" trở thành một hiện tượng trong làng xuất bản. Hơn 10.000 bản bán hết sạch trong vòng 50 ngày và tiếp tục in thêm. Một kỷ lục hiếm gặp đối với thơ ở Việt Nam!

… đến giải thưởng thi ca trên mạng xã hội

Một buổi sáng, tại quán cà phê quen, doanh nhân Phạm Thanh Long, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Trần Hoàng Nhân chụm đầu chăm chú bên chiếc máy tính Ipad. Đọc bài thơ của "Ngôi sao cô đơn", "Nồng nàn phố"… trên Facebook, Phạm Thành Long cứ xuýt xoa khen hay. Lê Minh Quốc và Trần Hoàng Nhân cũng gật gù. Bỗng, Phạm Thanh Long chép miệng: "Trên Facebook, lắm người làm thơ hay thế này sao không có một cuộc thi thơ cho họ nhỉ?". Nhà thơ Lê Minh Quốc hưởng ứng ngay: "Hay quá, chúng ta tổ chức đi?". Ý tưởng tổ chức cuộc thi thơ trên Facebook của Phạm Thanh Long được anh em văn nghệ sĩ nhiệt tình ủng hộ.

Vậy là "Cuộc thi thơ trên Facebook lần 1" chủ đề "Lời tỏ tình đầu tiên" ra đời đầy ngẫu hứng. Doanh nhân yêu thơ Phạm Thanh Long là nhà tài trợ. Ban giám khảo gồm những gương mặt tên tuổi trong làng thơ, làng báo và có chơi Facebook như: Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Thanh Quang, Lê Minh Quốc, Văn Lê, Nguyễn Phong Việt. Cuộc thi không giới hạn đối tượng tham gia và chính thức nhận bài từ ngày 1/5 đến ngày 1/6/2013. Mọi thể loại thơ đều được chấp nhận, trừ trường ca. Mỗi tác giả tham dự không quá 5 bài, mỗi bài không quá 30 câu và chưa phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tác giả tham gia cuộc thi bằng cách đăng thơ dự thi lên địa chỉ Facebook Loitotinh Dautien và gửi thông tin cá nhân về địa chỉ saigonsach@gmail.com. Tác giả đoạt giải nhất sẽ được nhận giải thưởng trị giá 20 triệu đồng và một máy ảnh. Đặc biệt, tác giả có bài thơ được được độc giả like (thích) và comment (bình luận) nhiều nhất sẽ nhận được giải đặc biệt trị giá 5 triệu đồng. Số lượt yêu thích và bình luận không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của giải.

Khi mới có thông tin phong phanh về cuộc thi, địa chỉ email của ông Phạm Thanh Long đột ngột bị khóa, suýt phải hủy. Lý do: gần cả nghìn email hỏi về thể lệ cuộc thi gửi về. Quả thật, với lợi thế mạng xã hội, cuộc thi thơ trên Facebook khác hoàn toàn các cuộc thi thơ trên báo, tạp chí bởi chỉ cần một cú nhấp chuột, cuộc thi nhanh chóng được đông đảo cộng đồng mạng biết đến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Ông Phạm Thành Long vui mừng cho biết còn có rất nhiều sinh viên du học, bà con Việt kiều ở nước ngoài liên tục gửi mail hỏi có được tham gia cuộc thi hay không. Vậy là cuộc thi đã mang tầm… quốc tế.

Nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ: "Với cuộc thi này, tác giả sẽ chủ động đăng bài của mình. Đó là cách để họ tự quảng bá bài thơ đến công chúng một cách nhanh chóng và rộng rãi chứ không phải xếp hàng chờ mấy tháng liền rồi thông qua "bộ lọc" sơ khảo gắt gao mới được đăng như ở các cuộc thi thông thường khác. Sự chủ động này cũng đặt cho họ tinh thần trách nhiệm. Họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung cũng như các vấn đề về bản quyền của tác phẩm dự giải. Do Facebook không kiểm duyệt nội dung nên tác giả và công chúng được quyền tự do đăng bình luận khen chê công khai. Nhờ vậy, tính tương tác sẽ rất cao, người tham gia sẽ học được nhiều điều bổ ích".

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng sự thông thoáng một cuộc thi trên mạng xã hội sẽ tạo điều kiện cho những bài thơ và bình luận phản cảm được dịp tung hoành. Ban tổ chức khẳng định: "Với các nội dung không phù hợp, chúng tôi sẽ xóa bỏ để đảm bảo cuộc thi lành mạnh. Cuộc thi được đăng ký bản quyền do đó không còn e ngại về tình trạng giả mạo trang Facebook".

Cũng theo nhà thơ Lê Minh Quốc, ngoài ưu thế, cuộc thi cũng vấp phải sự hạn chế của mạng xã hội. Mới khởi động, nhưng trang Loitotinh Dautien đã nhận được hàng trăm bài thơ gửi về. Tính năng của Facebook là bài cũ sẽ bị ẩn nội dung (chỉ còn lại tựa đề) nhường chỗ cho bài mới. Do đó, nhiều bài công chúng chưa kịp nhớ tựa đã bị ẩn vì có quá nhiều bài mới khác đăng lên. Độc giả muốn đọc phải tìm kiếm khá mất thời gian. Để khắc phục, Ban tổ chức quyết định liên kết với trang leminhquoc.vn, trình bày rõ ràng các bài thơ theo ngày tháng để công chúng tiện theo dõi.

Cuộc thi này được xem là thể nghiệm nhằm rút kinh nghiệm cho những cuộc thi văn chương khác trên Facebook. Dự kiến, các tác phẩm đoạt giải sẽ được in thành sách "Những bài thơ hay trên Facebook". Vậy là giờ đây Facebook không chỉ là nơi để "chém gió" mà còn có một sân chơi thực thụ dành cho người yêu thơ

Quỳnh Nga
.
.