Thơ thất tình của hai thi sĩ Ba Tư

Thứ Năm, 23/09/2010, 11:17
Con người thường chỉ sa nước mắt khi họ vấp phải sự thất vọng, đau buồn... Bấy giờ - dòng lệ cay đắng mà "ngọt ngào" này sẽ là một thứ nước sát trùng tuyệt vời giúp họ phần nào tẩy rửa được những vết thương tâm (người ta chẳng từng khuyên nhủ: khóc cho vơi nhẹ nỗi lòng, đó sao?). Thế nhưng, với Oma Khayam (1040-1112), sự thể lại không hẳn được như trên.

1. Tôi muốn quên người yêu nay phụ bạc
Tôi muốn quên để được yêu người khác
Nhưng nước mắt than ôi, không muốn thế, cứ trào
Như muốn che, không cho nhìn người khác

Con người thường chỉ sa nước mắt khi họ vấp phải sự thất vọng, đau buồn... Bấy giờ - dòng lệ cay đắng mà "ngọt ngào" này sẽ là một thứ nước sát trùng tuyệt vời giúp họ phần nào tẩy rửa được những vết thương tâm (người ta chẳng từng khuyên nhủ: khóc cho vơi nhẹ nỗi lòng, đó sao?). Thế nhưng, với Oma Khayam (1040-1112), sự thể lại không hẳn được như trên. Nỗi đau tình ái lớn lao khiến nguồn lệ xót xa cứ trào dâng tràn ngập mắt ông, vô hình trung đã tạo ra "bức rèm trắng" cách ngăn, "giữ" không cho ông nhìn ra một "ai" khác nữa. Điều ấy cũng có nghĩa là, sức hút của "nàng" - của người tình "phụ bạc" ấy - còn mạnh mẽ vô cùng. Dù đã lui vào "hậu trường", nàng vẫn thừa sức xóa nhòa bất cứ ảnh hình nào chực mơn man xuất hiện trước mắt nhà thơ (xóa bằng chính nguồn lệ thảm sầu kia) và làm cho nỗi đau của ông gần như trở nên vô phương cứu chữa.

Quả là một tuyệt tác: Bài thơ chỉ vẻn vẹn 4 câu mà thể hiện được biết bao tình ý!

Thi sĩ Oma Khayam sinh ở thành phố Nisapurê (miền Đông Iran ngày nay) cách chúng ta ngót nghìn năm. Ông nổi tiếng bởi nhiều bài thơ tụng ca rượu, tình yêu và cuộc sống tự do, khoáng đạt.

2. Ôi làm sao bắt tim em rực cháy -
Có lửa nào làm đá kia nóng chảy
Anh định sưởi tình em, và anh khóc đêm ngày
Nhưng nước mắt, than ôi, không thể cháy!

Nếu bảo tình yêu là một thứ men rượu, thì tác giả bài thơ chúng ta nói tới đây đã đắm mình trong nguồn say bất tận đó, để rồi nhiều lúc ông chịu "cay mắt" và choáng váng như uống phải một thứ rượu nào đó quá sốc mạnh trên đời. Có thể nói, với tình yêu, Baba Takhi đã khóc khá nhiều. Tất nhiên, sự "mau nước mắt" này không phải không xuất phát từ một nguyên do: ông yêu, nhưng không được đền đáp, mà một mối tình thì không bao giờ được tạo dựng bởi tình yêu một phía . Từ đây, thi sĩ đã rút ra được bài học đúng đắn: Nước chảy có thể  làm đá mòn, nhưng  nước không thể làm cho đá nóng chảy được, dù đó là nước mắt cũng vậy.

Một người đã không chinh phục được mỹ nhân bằng ngọn lửa nhiệt huyết của mình, càng khó chinh phục được cô nàng bằng giọt lệ nhỏ nhoi, bi lụy. Nhất là khi với chàng, nàng là một người hoàn toàn "vô cảm".

Đọc thơ Baba Takhi (khoảng thế kỷ X - XI), chúng ta nhận thấy ở một khía cạnh nào đó, ông có những điểm khá gần với Oma Khayam. Phải chăng vì hai ông là những nhà thơ cùng thời, sáng tác cùng một kiểu thơ, và cùng chung một dịch giả tiếng Việt là Thái Bá Tân (tác giả hai bản dịch tôi đã dẫn ở trên)?

Hoàng Lược
.
.