Thị trường nghe nhạc trực tuyến sẽ chuyển mình rất mạnh
- Định hướng thẩm mỹ trong cộng đồng nhạc trực tuyến: Những khoảng trống khó lấp đầy
- Thu tiền bản quyền nhạc trực tuyến: Người sử dụng cũng được lợi
- Người tải nhạc trực tuyến hết “xài chùa”?
Bước chuẩn bị của các hãng lớn cung cấp dịch vụ nghe nhạc, xem live concert, live show ca nhạc trực tuyến cho việc thâm nhập thị trường Việt Nam là khá bài bản. Đầu tiên, họ thực hiện các bước cảnh báo khởi kiện những đơn vị đang cung cấp dịch vụ nghe nhạc online hoặc cho tải nhạc online của Việt Nam về các nội dung mà họ đang nắm giữ bản quyền.
Các bước đó thực sự cho kết quả ngay, bằng chứng là những ông lớn Việt Nam như Zing, nhaccuatui.com… đã buộc phải gỡ bỏ những nội dung quốc tế mà họ khai thác không có bản quyền bấy lâu nay. Bước kế tiếp, chúng ta có thể hình dung rất dễ. Chắc chắn những Apple, Spotify hay Moov sẽ ký kết trực tiếp với các hãng đĩa, các nghệ sỹ Việt Nam để từ đó, họ cung cấp cho người Việt những nội dung âm nhạc thuần Việt trên một nền tảng kỹ thuật vượt trội hoàn toàn. Tất nhiên, để có một tài khoản nghe nhạc trực tuyến như thế, người dùng sẽ phải đăng ký thuê bao tháng hoặc năm, với mức giá chung sẽ dao động từ 2 cho tới 5 USD/tháng.
Việc các hãng khai thác dịch vụ âm nhạc trực tuyến tiên tiến và hàng đầu của thế giới cũng như khu vực bước chân vào thị trường Việt Nam cho thấy họ thực sự nhận ra tiềm năng của lãnh thổ gần 100 triệu dân và có nhu cầu giải trí thường nhật rất cao này. Nhưng điều đó cũng chỉ ra rằng thị trường dịch vụ âm nhạc của chúng ta đang rất chậm chân so với tiến bộ của thế giới bất chấp việc chúng ta được cập nhật với công nghệ, nắm bắt công nghệ mới hằng ngày.
Nghe nhạc trực tuyến theo thuê bao thực ra đã khởi phát trên thế giới vài năm nay rồi nhưng ở Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ vẫn chỉ giậm chân tại chỗ ở việc khai thác mảng nhạc chuông, nhạc chờ và tải nhạc trực tiếp. Họ bỏ qua việc xây dựng một nền tảng thuê bao chỉ với quan niệm rằng "người dùng Việt Nam sẽ không chịu trả tiền thuê bao tháng". Và từ xuất phát điểm ấy, họ lao vào cuộc cạnh tranh bằng cách cố gắng cung cấp dịch vụ nghe nhạc miễn phí, một thứ vô cùng nguy hại đối với thị trường âm nhạc quốc nội. Nó biến việc thưởng thức trở thành một thói quen ăn sẵn, không chấp nhận theo đúng quy luật của một thị trường đúng nghĩa.
Nhưng khi Netflix, dịch vụ xem phim trực tuyến đặt chân vào Việt Nam và lập tức thu hút khá nhiều người đăng ký thuê bao, giới khai thác dịch vụ Việt Nam mới hiểu rằng họ đã sai lầm. Và bây giờ, khi Moov chuẩn bị ra mắt, Spotify đang hoàn tất những nước cờ pháp lý cuối cùng còn Apple Music đã hoạt động được cả năm nay rồi, họ mới hiểu rằng, chúng ta lại thua trên sân nhà một lần nữa. Cái thua ấy, mỉa mai thay không phải vì ta yếu hay ta thiếu mà vì chính chúng ta đã đánh giá quá thấp khả năng cũng như cơ hội của chính mình.