Thị trường âm nhạc thiếu nhi: Sân chơi bị lãng quên?

Thứ Sáu, 10/07/2009, 13:00
Chương trình thi hát dành cho thiếu nhi trên truyền hình với tên gọi "Đồ rê mí" sắp bước vào giai đoạn chung kết. Nhìn vào số lượng hàng nghìn em đăng ký dự thi sơ tuyển cũng như hàng vạn em nhỏ ngồi trước màn hình chăm chú theo dõi cuộc thi mới thấy nhu cầu được hát và được nghe hát của các em lớn biết chừng nào. Nhưng, dường như ngược lại với nhu cầu chính đáng và quan trọng ấy, thị trường âm nhạc dành cho thiếu nhi ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức...

Các sản phẩm băng đĩa: ít ỏi

Nếu chúng ta có điều kiện dạo qua thị trường băng đĩa thì một điều dễ nhận thấy là ngược lại với sự sôi động, tràn ngập của băng đĩa ca nhạc dành cho người lớn, các sản phẩm băng đĩa dành cho thiếu nhi quá ít ỏi. Mặc dù thời điểm này là mùa hè, nhu cầu giải trí của các em rất cao nhưng các sản phẩm âm nhạc dành cho các em gần như không có gì mới trên thị trường.

Trong số hàng trăm album đủ màu sắc của người lớn thì một vài album dành cho các em nằm khiêm tốn trong góc khuất, rất khó kiếm. Không có nhiều sự lựa chọn, các bậc phụ huynh ngoài việc mua đĩa "Đồ rê mí" (tập hợp những bài hát mà các em nhỏ biểu diễn trong cuộc thi năm trước), đành chấp nhận mua những đĩa ca nhạc được sản xuất từ hơn chục năm nay như "Con cò bé bé", "Mèo con dễ thương" của Xuân Mai, "Mãi mãi trẻ thơ" của Lam Anh, "Chú hề dễ thương" của Khánh Linh, bộ 3 album của Xuân Nghi và một số album của nhóm Ve sầu, TyMyTy…

Tình trạng vắng bóng các album ca nhạc mới dành cho các em đã xuất hiện vài năm trở lại đây và vẫn chưa có dấu hiệu được phục hồi, cũng như thu hút sự quan tâm trở lại của những người trong nghề. Nếu như cách đây 10 năm, khi mà những ca sĩ như Quang Vinh, Ngọc Linh, Duy Uyên, Thanh Ngọc… còn đang ở thời thơ ấu thì trên thị trường, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, các CD, VCD ca nhạc thiếu nhi nở rộ.

Đỉnh cao của thời kỳ ấy gắn liền với "hiện tượng" Xuân Mai. Hai tuổi, Xuân Mai ra album riêng. Năm tuổi, cháu đã có live show lớn tại Nhà hát Hòa Bình. Cho dù bây giờ, "bé" Xuân Mai ngày nào đã thành thiếu nữ thì từ đó đến nay, hầu hết các gia đình có trẻ nhỏ đều chỉ có trên giá đĩa nhạc của Xuân Mai. Điều đó một mặt cho thấy, "thương hiệu" Xuân Mai vẫn có sức hấp dẫn với các bà mẹ và các em nhỏ. Tuy nhiên, nó cũng "tố cáo" tình trạng thiếu vắng băng đĩa nhạc chất lượng khiến các em không còn sự lựa chọn nào khác.

Tình trạng ấy còn được chứng minh bằng tình trạng các kênh phát sóng dành cho các em cũng đều sử dụng những băng đĩa đã được thực hiện cách đây khá lâu. Những đơn vị có truyền thống trong phong trào sản xuất băng đĩa nhạc cho thiếu nhi như Phương Nam film, Bến Thành Audio, Trùng Dương Audio, Tùng Production… lâu nay cũng im hơi lặng tiếng. Một số trung tâm băng đĩa gần như quay lưng với đối tượng khán giả này. Có hãng còn làm nhưng cũng cầm chừng, mỗi năm chỉ cho ra đời 1-2 abum..

Chương trình ca nhạc: vắng bóng

Sản phẩm băng đĩa đã thưa thớt, các chương trình ca nhạc dành riêng cho các em lại càng heo hắt. Cho đến bây giờ, đếm cũng chỉ được trên đầu ngón tay các chương trình phục vụ khán giả nhí. Ngoài liveshow đình đám của bé Xuân Mai làm cách đây hàng chục năm, chỉ có thể kể đến liveshow "Nụ cười tuổi thơ" của ca sĩ Thanh Thảo, chương trình gần đây nhất của bé Khánh Linh "Lạc vào xứ sở búp bê Barbie" thì cũng đã tổ chức vào năm... 2006.

Một tiết mục trong chương trình "Đồ rê mi".

Trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, lại càng hiếm đơn vị dám liều lĩnh tổ chức chương trình ca nhạc dành cho các em. Thế nên các em chịu khó xem tiết mục của mình xen kẽ giữa những show diễn của người lớn hoặc xen kẽ giữa ca nhạc và sân khấu hài. Tuy nhiên, phần ca nhạc chỉ là phần phụ trong chương trình.

Sân khấu Thiên thần nhỏ của Nhà hát Hòa Bình, sân khấu nhỏ của Nhà hát Bến Thành đành phải chuyển chức năng vì hoạt động không hiệu quả. Các em chỉ có thể tham gia tại các Nhà văn hóa phường, quận với những tiết mục "cây nhà lá vườn" mà thôi. Thế nên, mơ ước một sân khấu ca nhạc dành riêng cho thiếu nhi có lẽ vẫn là… "mơ về nơi xa lắm".

Theo lý giải về bài toán kinh tế của các ông bầu thì không thể đầu tư riêng một sân khấu ca nhạc cho thiếu nhi vì ngoài 3 tháng hè, các bé chỉ có thể đến vào những ngày cuối tuần. Nếu xây dựng nhà hát mà không có lãi thì chắc chắn không thể hoạt động được.

Trong khi thiếu vắng những sản phẩm âm nhạc chất lượng, hấp dẫn thì cũng là lúc những trào lưu thưởng thức sản phẩm âm nhạc phi thẩm mỹ đã len lỏi vào đời sống tinh thần của các em. Nhan nhản trên thị trường là những album của các "ngôi sao nhí kỳ quái" như bé Châu, Duy Phước, bé Lon Ton, bé Mộng Quỳnh...

Các em chỉ mới 5-6 tuổi nhưng mặc những bộ quần áo lưới mỏng dính, ôm sát cơ thể, hát những ca khúc người lớn ủy mị, não tình cùng với phần trình diễn quằn quại, sexy. Những ca khúc như "Trả nợ tình xa", "Ôi tình yêu", "Lời tỏ tình dễ thương"… qua giọng hát của các em nghe nghe mà "bực nhiều hơn vui".

Và không có gì khó hiểu khi chúng ta thường xuyên bắt gặp cảnh tượng các em nhỏ, nói còn chưa sõi nhưng đã véo von: "Này em yêu ơi, ế ồ ồ ế ô", "Hà như hế, hà rằng như hế" (Thà như thế, thà rằng như thế), "Dốc hết tình này ta trả nợ người" và gần đây là "Biết bao giờ mới được có em, biết bao giờ có được cầu vồng"... ở khắp mọi nơi từ nông thôn đến thành thị.

Nguyên nhân của tình trạng trên là những người làm băng đĩa và giới bầu sô chỉ quan tâm tới lợi nhuận, câu khách mà bỏ qua tính giáo dục, thẩm mỹ trong hoạt động âm nhạc cho các em, nhất là khi các em ở giai đoạn đầu đời. Ngoài ra, trên các phương tiện truyền thông đại chúng còn ít chương trình ca nhạc hấp dẫn dành cho các em. Và bản thân chính các bậc phụ huynh đã dễ dãi chấp nhận sản phẩm âm nhạc thị trường ấy với tư tưởng: xem cho vui.

Nhiều nguyên nhân cần được tháo gỡ

Một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị, các ông bầu ca nhạc không mặn mà với ca nhạc dành cho thiếu nhi là nạn băng đĩa lậu và sự thiếu vắng nhà tài trợ. Làm album hay chương trình cho các em khá tốn kém, trong khi giá bán không cao nên ít người đầu tư cũng là điều dễ hiểu. Ngược lại, sản xuất album cho các ca sĩ lớn thì nhẹ nhàng hơn vì các ca sĩ tự bỏ tiền túi ra.

Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là tình trạng khan hiếm bài hát mới, có khả năng hấp dẫn các em. Những bài hát được các cháu yêu thích lâu nay thường là những ca khúc được sáng tác từ lâu. Các nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi tuổi đã cao, nhiều người đã không còn đủ sức để cầm bút viết. Trong khi đó, các nhạc sĩ trẻ lại không mặn mà với đề tài này vì nhuận bút không đáng là bao. Các Nhà thiếu nhi, các Trung tâm văn hóa quận, huyện cũng ít khi đặt bài các nhạc sĩ.

Thời gian gần đây, bên cạnh một số sáng tác mới như "Hè về thăm quê ngoại" (Từ Huy), "Sắc màu tuổi thơ" (Trần Thanh Tùng), "Chuồn chuồn cắn rốn" (Nguyễn Ngọc Thiện)… được các em yêu thích thì còn nhiều ca khúc mang tính áp đặt cho các em. Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người có nhiều ca khúc được thiếu nhi cả nước yêu mến cho rằng: "Sáng tác cho thiếu nhi vừa phải đáp ứng được nhu cầu chơi của các em vừa phải đáp ứng đươc tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm thích vui chơi của chúng. Thiếu nhi là những giám khảo đặc biệt, không phải phân tích tác phẩm như thế nào, chỉ cần thích là hát thôi. Muốn sáng tác cho thiếu nhi, phải thâm nhập vào thế giới tuổi thơ, cảm nhận cuộc sống bằng con mắt trẻ thơ và tuy duy theo cách trẻ thơ".

Tuy tình trạng khan hiếm ca khúc cho thiếu nhi đã được cảnh báo nhưng các cuộc phát động sáng tác bài hát cho lứa tuổi này lại chưa được tổ chức đều đặn, rộng khắp. Cuộc thi quy mô và rầm rộ nhất đã cách đây…30 năm với ca khúc đạt giải là "Trái đất này là của chúng mình" của nhạc sĩ Trương Quang Lục (phổ thơ Định Hải).

Gần đây, hàng năm Hội Nhạc sĩ cũng trao giải thưởng cho các ca khúc dành cho thiếu nhi nhưng việc phổ biến lại phó mặc cho tác giả nên hạn chế phần nào sự lan tỏa của ca khúc trong đời sống

Khánh Thảo
.
.