Thi hào Pháp Aragông: Nghệ sĩ đa tài, người tình cuồng si

Thứ Tư, 01/10/2008, 10:30
Lui Aragông (Louis Aragon, 1897 - 1982) là một nhân vật khổng lồ của văn học Pháp thế kỷ XX. Theo nhận xét của Jăng Đormexông thì Aragông là "nhà thơ lớn nhất, nhà tiểu thuyết thiên tài, nhà phê bình, tiểu luận bút chiến có một không hai…".

1. Sinh thời, ông từng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp; được trao tặng Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin; và vào dịp ông tròn 75 tuổi, Chính phủ Liên Xô đã trao tặng ông Huân chương Cách mạng Tháng Mười.

Một điều lạ ở Aragông là mặc dù ngay từ thuở ấu thơ đã rất đam mê đọc sách và gắn bó với văn chương (chưa đầy 10 tuổi, Aragông đã viết… tiểu thuyết) song lớn lên, ông lại theo học Đại học Y. Mọi việc chỉ kết thúc khi vào năm 1918 - năm cuối của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất, ông được động viên phục vụ trong quân đội. Và Aragông đã chiến đấu như một chiến binh thực thụ, để rồi, sau khi giải ngũ, mặc dù mang trong mình thương tích chiến tranh, ông đã lại cùng các nhà văn, nhà thơ  trẻ lao vào các hoạt động văn học nghệ thuật. Ông cùng Pôn Êluya tham gia chủ nghĩa đa đa - một trào lưu văn học ra đời từ năm 1916. Nhưng cũng chỉ được chưa đầy 2 năm, Aragông đã rời bỏ chủ nghĩa đa đa để quay sang chủ nghĩa siêu thực.

Tuy nhiên, khác với nhiều tác giả trẻ khác, Aragông không "siêu thực đến cùng". Trong khi nhiều nhà siêu thực gần như chỉ quan tâm đến sáng tác thơ, thì Aragông lại đầu tư nhiều cho việc viết tiểu thuyết. Sáng tác của ông cũng gắn bó với đời sống thực tại. Và đây là điều khác biệt cơ bản của Aragông so với những tác giả là môn đệ của trường phái này.

Thời gian Aragông "chung sống" với chủ nghĩa siêu thực không dài. Sau khi cho xuất bản các tập thơ: "Lửa vui" (1920), "Vận động vĩnh cửu" (1925), tiểu thuyết "Người nông dân Pari" (1926), Aragông đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa siêu thực để gia nhập đảng Cộng sản Pháp.

Trong các năm từ 1930 đến 1932, Aragông đã 3 lần sang thăm Liên Xô và đã dự Hội nghị Quốc tế các nhà văn cách mạng tổ chức tại Kháccốp. Các tập thơ "Mặt trời đỏ" (1930) và "Hoan hô Uran" (1934) đã cho thấy ở Aragông một hướng chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt trong thế giới quan. Cùng thời gian này, Aragông cộng tác tích cực với báo Nhân đạo, và cùng với J.R. Blốc sáng lập báo Chiều nay. Ngoài các hoạt động đó, Aragông đã bắt tay vào viết bộ tiểu thuyết "Thế giới thực tại", một bước "rậm rạp" để đến năm 1949 - 1951, ông hoàn tất tiểu thuyết "Những người cộng sản" đồ sộ gồm cả thảy 6 tập, đề cập tới đời sống xã hội Pháp trước và những năm đầu cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II, với không ít nhân vật từng xuất hiện trong "Thế giới thực tại".

Trong thời gian xảy ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II, Aragông đã có nhiều sáng tác ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ trên trận tuyến chống phát xít (một số bài thơ ông viết thời kỳ này đã được dịch ra tiếng Việt). Bài thơ "Pari" có những câu mang âm hưởng anh hùng ca: "Gì rực rỡ bằng Pari trong thuốc nổ/ Gì sáng trong bằng vầng trán quật cường/ Gì mạnh hơn cả sét trời và ngọn lửa/ Pari của tôi ngạo nghễ trong tai ương". Ngoài các tập thơ có chủ đề trên, Aragông cho xuất bản tập truyện ngắn "Nhục và vinh của người Pháp" (1945) nhằm tố cáo sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít.

Nói tới Aragông, nhiều đồng nghiệp thường hay nhắc tới khả năng tranh biện của ông. Họ luôn coi ông là nhà phát ngôn về nghệ thuật của đảng Cộng sản Pháp. Nhà văn Nga Bôrít Pôlêvôi nhận xét: "Giống như những người lính ở giữa một cao điểm đang bị tấn công, Aragông luôn luôn hiện ra năng động, sôi nổi, sẵn sàng chiến đấu". Thi hào Chilê Pablô Nêruđa cảm thấy "Sau ít giờ nói chuyện với Aragông, tôi cảm thấy mình như quả cam bị vắt kiệt, bởi lẽ con người ma quái này buộc tôi lúc nào phải nghĩ". Còn nhà thơ Pháp Pôn Êluya thì nhận xét: "Trong số tất cả các nhà thơ mà tôi biết, Aragông luôn luôn tỏ ra có lý trong cuộc đấu tranh chống lại mọi điều kỳ quái… Ông chỉ cho tôi con đường thẳng. Ông cũng đang chỉ nó cho những ai không hiểu rằng đấu tranh chống lại mọi điều phi nghĩa...”.

2. Ngoài khía cạnh văn chương, Aragông còn được người đời biết đến như một trong những thi sĩ cuồng si nhất của thế kỷ. Mối tình của ông với nữ văn sĩ Enxa Triôlê đến nay được đánh giá là mối tình của cặp "Rômêô và Giuliét" thời hiện đại.

Enxa Triôlê là người gốc Nga. Bà là em gái của Lilia Bríc (người từng một thời được xem như vợ không chính thức của thi hào Nga Maiacốpxki). Xuất thân trong một gia đình trí thức, Enxa còn được trời phú cho một nhan sắc khả ái (có họa sĩ đã so sánh bà với tượng Thần Vệ Nữ ở Milô và nhận thấy rằng, giữa họ có sự "giống nhau" đến kỳ lạ), đồng thời trong con người bà còn ẩn chứa năng khiếu văn học mà sau này cùng với thời gian, đã phát lộ rực rỡ. Bạn đọc Việt Nam hẳn chưa dễ mấy người quên tập truyện ngắn đặc sắc "Hoa hồng mua chịu" của bà (từng được Nhà xuất bản Văn học dịch in cách đây hơn chục năm).

Người chồng đầu tiên của Enxa là một người đàn ông… vô tích sự. Dường như ông ta không biết dùng thời gian của mình vào việc gì ngoài việc đua ngựa. Chính vì sự tẻ nhạt ấy mà đã có lúc, Enxa đem lòng yêu Iakốpxơn, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng thế giới. Iakốpxơn là người tâm hồn không kém phần lãng mạn. Ông từng ca ngợi Enxa, ca ngợi cái tên của bà bằng những lời hết sức thánh thót: "Nàng mang một cái tên vừa là thuật ngữ âm nhạc, vừa là tên của một loài cỏ và tên một thể thơ: Triôlê".

Họ rất có thể đến với nhau nếu như không có cái ngày "định mệnh" kia: Ngày Enxa gặp Aragông.

Bấy giờ là vào năm 1928.

Mãi sau này, Aragông vẫn không sao quên được ấn tượng của lần gặp gỡ ban đầu. Và ông ghi lại tất cả cảm xúc ấy trong thơ:

Ngày gặp em mới thật có đời anh
Em đã chặn lối điên cuồng thê thảm
Em đã chỉ cho anh vùng tươi thắm
Chỉ nảy mầm khi ý tốt gieo lên

Các nhà nghiên cứu thật không quá lời khi nhận định rằng, sau lần gặp Enxa ở tiệm nhảy Cupôlơ (cùng có mặt Maiacốpxki), trong nhận thức và tình cảm của Aragông có nhiều biến chuyển rõ rệt. Trước đấy, Aragông là một trong những chủ soái của trường phái siêu thực, vậy mà chỉ một thời gian, ông đã chuyển hướng sáng tác, trở thành nhà thơ cộng sản cứng cỏi. Bản thân Aragông cũng thừa nhận rằng, cuộc đời ông như một khúc cây bị ruỗng một nửa, nay còn lại một nửa nguyên lành, ông dành tặng Enxa. Hai câu thơ nổi tiếng của Aragông: "Anh quả thật đã sinh từ môi ấy / Cuộc đời anh khởi sự tự em đây" chính là sự "hình tượng hóa" bằng thơ ý nghĩ nói trên.

Từ đấy trở đi, hình ảnh Enxa luôn thường trực trong thơ Aragông. Ông nâng niu, chăm chút từng li từng tí những biểu hiện vẻ đẹp ở các góc độ của người mình cuồng si. Đọc thơ ông, ta gặp rất nhiều những tít bài có nhắc đến tên Enxa. Nào là "Đôi mắt Enxa", "Bài ca gửi Enxa", "Tình yêu Enxa", "Người yêu cuồng nhiệt của Enxa"… Thậm chí, chỉ một hình ảnh Enxa ngồi chải mái tóc vàng rực lửa của mình trước tấm gương cũng đủ tạo thi hứng để thi nhân sáng tác nên một bài thơ dài tới 30 câu (bài "Enxa ngồi trước gương") được bạn yêu thơ coi là tuyệt tác. Ở Việt Nam, bài thơ này cũng được đưa vào danh mục tác phẩm "dùng trong nhà trường".

Và vẻ đẹp của họ không chỉ hiện lên khi họ bên nhau trong cuộc sống đời thường mà còn đặc biệt ngời lên khi họ cùng nhau tham gia kháng chiến (thời kỳ nước Pháp bị phát xít Đức giày xéo). Thời đó, sách của Enxa được xuất bản bí mật, đã góp phần không nhỏ vào việc động viên toàn dân vững tin vào ngày mai tươi sáng.

Không chỉ si mê nhau khi cả hai tuổi đời còn trẻ, mãi đến độ Enxa và Aragông đã ở tuổi ngoài sáu mươi, họ vẫn nghĩ về nhau, quyến luyến nhau bằng một thứ tình cảm dường như thời gian không hề bào mòn, phai nhạt. Thậm chí, tập thơ mới của Aragông còn có tên "Người điên của Enxa". Từ đây, ta có thể hiểu tại sao báo chí Pháp lại xếp hai người vào danh sách "những cặp tình nhân nổi tiếng" chứ không phải "cặp vợ chồng nổi tiếng".

Một điều rất đặc biệt, trong hơn bốn mươi năm sống bên nhau (Enxa mất năm 1970), mặc dù cả hai người không có với nhau một mặt con, song ân tình họ đối với nhau vẫn vô cùng sâu nặng. Nhà thơ Xuân Diệu - "thi sĩ của tình yêu" có hạng của Việt Nam ta, trước mối tình lộng lẫy, đầy mê đắm của Aragông - Enxa, có lúc không "đừng" được đã phải làm thơ để "nối điêu" cho giải tỏa bớt những tình cảm chất chứa trong tâm hồn. Bài "Aragông và Enxa"của ông có đoạn: "Vườn tình chưa đủ tượng xây/ Chưa kêu thỏa trái tim này: Enxa/ Enxa! Enxa! Enxa/ Vang vang vũ trụ, sáng lòa thời gian".

Kết thúc tập thơ có tên gọi "Enxa", Aragông đã nhắc đi nhắc lại mấy dòng day dứt: "Enxa, đã đến ngày người ta hiểu thơ anh". Thực ra, từ rất sớm người đọc đã biết đến tác phẩm của Aragông và hướng về ông, là họ hướng về một nghệ sĩ luôn cất lên nói tiếng nói của lương tâm và trí tuệ, hướng về một nghệ sĩ có tâm hồn phong phú, rất tỉnh táo, rắn rỏi trong chiến đấu nhưng cũng rất lãng mạn, si mê trong những tình cảm đời thường…

Hoàng Ngọc Thọ
.
.