Thi "cướp nước" trong lễ hội chùa dâu

Thứ Năm, 04/06/2020, 14:19
Chùa Dâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 2013, Chùa Dâu được xếp hạng: "Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt" của quốc gia. Sự suy tôn ấy là rất đúng, bởi lẽ Chùa Dâu là chốn tổ đình của Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là nơi thờ tín ngưỡng bản địa của người Việt ta xưa.


Hội Dâu thường được diễn ra vào ngày mùng Tám tháng Tư âm lịch hàng năm. Hội rất đông vui, hội của 12 làng xã trong tổng Khương. Lễ hội thường có 2 phần: Lễ và Hội. Lễ ở trong chùa, khách thập phương từ khắp nơi đến cầu nguyện. Còn Hội ở phía ngoài sân bãi, người ta rước 11 kiệu Phật ra ngoài trời để đi bái tổ ở chùa tổ Nghiêm Phúc Tự, rồi quay về tham dự các trò diễn xướng, vui chơi. Đó là hát Trống Quân, hát Chèo, hát Ca Trù, thi múa gậy, múa trống và trong đó đặc sắc nhất vẫn là thi "cướp nước".

Theo như lời các cụ xưa kể lại thì ngày xưa, cổng Tam Quan của Chùa Dâu ở phía trước, cách cửa Chùa Dâu khoảng chừng 200m. Cổng chùa rất to, cao, có 7 vòm cửa ra vào. Vào ngày lễ hội, người ta dựng 2 cái nhà rạp lớn ở 2 bên phía trong cổng chùa để sẵn sàng phục vụ cho cuộc thi.

Sau khi đi bái tổ về, cả 4 pho tượng trong hệ thống Tứ Pháp đều được dàn hàng ngang ngồi công đồng ở phía ngoài của dãy Tiền đường. Rồi khi bước vào cuộc thi chỉ có 2 pho tượng được tham gia. Đó là bà Pháp Vũ, Pháp Lôi.

Theo quy định thì mỗi pho tượng được tham gia thi cướp nước chỉ được 8 người rước, kiệu. Đó là những chàng trai to khỏe, cao bằng nhau, đầu đội mũ nậu, mình mặc áo vàng nẹp đỏ. Về phía 2 pho tượng Phật cũng được phong áo mũ miều trông rất đẹp. Rồi khi hiệu lệnh được phát ra, 16 chàng trai đồng loạt cùng nâng kiệu lên vai trong tư thế sẵn sàng.

Tùng tùng! Tùng! Cuộc thi bắt đầu. Tiếng trống ngũ liên ròn rã nổi lên, thôi thúc, âm vang khắp cả một vùng. Trong khi đó thì có đến hàng trăm hàng nghìn người đứng hai bên m, cùng hò reo cổ vũ náo nhiệt. Mười sáu chàng trai cùng co chân chạy như bay như biến về phía trước. Gió thổi làm áo Phật căng phồng lên.

Vậy là, pho tượng nào về tới đích trước thì được coi là thắng cuộc. Đích chính là hai cái nhà rạp đã được dựng lên ở ngay phía trong cổng chùa. Và theo thường lệ thì năm nào bà Đậu, tức tượng Pháp Vũ cũng được nước, bởi 2 lý do:

Thứ nhất: Theo như sự tích Tứ Pháp thì sư thầy Khâu Đà La đã niệm chú làm cho cây dâu nứt toác ra rồi gửi người con gái vào đó. Người con gái đó sau hóa đá được đưa lên thờ gọi là Đức Thạch Quang. Còn cây dâu sau được cưa thành bốn khúc tạo thành bốn pho tượng gọi là Tứ Pháp. Đó là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tượng trưng cho mây, mưa, sấm, chớp thờ ở bốn chùa khác nhau. Và trong bốn pho tượng đó thì bà Pháp Vũ được coi là nhẹ nhất, trong ruột khúc gỗ tạc lên bà Pháp Vũ bị rỗng vì trong đó là nơi đã từng được gửi Đức Thạch Quang. Mà đã là nhẹ nhất thì khi rước, kiệu bao giờ cũng nhanh hơn.

Thứ hai: Theo như cảm nghĩ của người dân trong vùng thì năm nào mà bà Pháp Lôi "được nước" thì y như năm đó nắng hạn, đồng điền khô khan, lại thêm nhiều đỉa. Còn năm nào mà bà Pháp Vũ "được nước" thì y như năm đó mưa thuận gió hòa, làm ăn rất dễ. Và do đó, gần như là sự cố ý để cho bà Pháp Vũ về đích trước.

Rồi tiếp đó, 2 pho tượng ngồi ngự trong hai cái nhà rạp để khách thập phương cùng với dân bản địa suốt ngày đêm thắp hương cầu nguyện.

Đó là tất cả những gì mà lễ hội đã diễn ra. Thi "cướp nước" là tín ngưỡng của người Việt cổ ta xưa, là một nét văn hóa độc đáo của lễ hội Chùa Dâu nói riêng, của Việt Nam nói chung. Tiếc rằng cho đến ngày hôm nay, chùa Dâu không còn được rước như ngày xưa nữa, trò thi "cướp nước" lại càng không thể diễn ra. Giá như lễ hội Chùa Dâu lại tưng bừng như ngày xưa thì vui biết bao!

Thanh Khương 17/5/2020
Nguyễn Hữu
.
.