Thêm một góc nhìn về cuộc sống của người Việt xa xứ

Thứ Hai, 11/05/2009, 09:00
Sau hơn 20 năm cầm bút và bôn ba nơi xứ người, thành danh với ba tập truyện ngắn và một tập bút ký, mùa xuân 2009 này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ về nước với cuốn tiểu thuyết đầu tay: "Quyên", viết về cuộc đời phiêu bạt của người Việt xa xứ.

Thật ra, trước đó, Nguyễn Văn Thọ đã viết truyện ngắn "Quyên" và được NXB Hội Nhà văn chọn đưa vào tập "Truyện ngắn hay năm 2001". Nhưng có lẽ, với những chất liệu hiện thực ngồn ngộn trong tác phẩm, với chiều kích của vấn đề mà tác giả trăn trở, "Quyên" cần một hình thức dài hơi hơn. Vậy là, Nguyễn Văn Thọ lại lặng lẽ trong nhiều năm trời để đưa Quyên đến với hình hài một tiểu thuyết.

Nguyễn Văn Thọ cho biết: Ông từng thấy biết bao thành bại của các nhà tiểu thuyết Việt Nam và thế giới. Nhưng, viết đối với ông không phải để lập danh, và sự thành bại với ông không quan trọng. Mười mấy năm tham gia chiến trận, từng lăn lộn khắp chiến trường miền Nam, khi chiến tranh kết thúc, lại thêm hai mươi năm vật lộn kiếm sống ở xứ người, cái danh đối với ông quả thật đôi khi là vô nghĩa.

"Thực tình chưa khi nào tôi mơ ước có ngày cái tên nôm na của tôi được yêu quý mà gọi thêm chữ "nhà văn" ở đằng trước" - Nguyễn Văn Thọ bộc bạch. Vậy nên mặc dù có một cuộc ra mắt khá rầm rộ tại Hà Nội, tiểu thuyết "Quyên" của ông cũng đến với bạn đọc như một lẽ tự nhiên.

"Quyên" được thể hiện khá nhuần nhuyễn theo từng chương, đoạn. Tiết tấu truyện nhanh và cuốn hút dù bố cục truyện theo lối truyền thống. Câu văn khi gai góc lạnh lùng, khi mềm mại uyển chuyển, và mang đậm chất phóng sự, vì thế "Quyên" rất đậm chất "cinema". Đây cũng là sở trường của Nguyễn Văn Thọ, người sở hữu một vốn sống phong phú sau hơn 20 năm quăng quật ở xứ người, điều mà không phải nhà văn Việt Nam nào cũng có được.

Đọc "Quyên", ta thấy từng trang viết thấm đẫm nỗi đớn đau tủi nhục về tinh thần cũng như thể xác không gì có thể bù đắp được của những con người đã trót xa lìa quê hương vì ảo mộng giàu sang.

Đó cũng chính là nỗi đau của người trong cuộc, của mỗi người tha hương khi nhận ra cái giá phải trả để đổi lấy những đồng đôla, và sâu xa hơn, đó cũng chính là sự va đập của những nền văn hóa.

Nguyễn Văn Thọ tâm sự: "Tôi hy vọng dưới các tầng chữ của cuốn tiểu thuyết, mọi người sẽ thấy ở đó một vấn đề, dù đất nước chúng ta có nghèo, dù chúng ta còn đau khổ, dù thân phận một số người Việt còn phiêu bạt nhưng chúng ta vẫn tìm thấy tiếng nói thương yêu của con người và của dân tộc mình, vẫn tìm thấy khát vọng được sống yên bình trên quê hương mình".

Nguyễn Văn Thọ đã xoáy vào nỗi bi kịch của một cô Quyên phẩm giá, bị ném xuống dưới đáy xã hội để nâng lên thành thân phận của những kiếp người xa xứ. Với Quyên, dường như tác giả đã dồn hết tình yêu và khát vọng của mình.

Quả thực đọc "Quyên", người đọc vẫn thấy ẩn chứa sau bao đớn đau, bầm dập của những con người dưới đáy xã hội là những ấm áp của tình người, khát vọng về một mái ấm gia đình bình dị, giản đơn.

Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, người trực tiếp biên tập cuốn sách này đã nhận định: "Quyên" là một tiểu thuyết hay, có sức cuốn hút, là một trong những cuốn sách vẽ lên được bức tranh tương đối phổ quát, chân thực về cộng đồng người Việt ở Đông Âu."

Một điều đáng nói là ở "Quyên" có nhiều cận cảnh sex, yếu tố hiện đang được nhiều tác giả sử dụng nhằm thu hút người đọc hiện nay. Không nhận mình đang tham dự vào "cuộc đua sex trong văn chương đương đại", Nguyễn Văn Thọ quan niệm sex là thi pháp của nhà văn, phương tiện để phản ánh sự việc và vươn tới cái đẹp và chiều sâu nhân bản. Trong "Quyên", ông đã có ba lần đặc tả sex, nhưng theo ông đấy là những đoạn cần thiết để phản ánh tâm lý của nhân vật, bộc lộ bản chất của nhân vật.

Trước khi xuất bản thành sách và giới thiệu trong nước, "Quyên" đã được in nhiều kỳ trên Tuần báo Sao Việt ở Hungari và được người Việt Nam ở Đông Âu đón nhận. Cuốn sách hiện cũng được nhiều bạn văn trong nước chia sẻ và ghi nhận

Khánh Linh
.
.